Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 14 tháng 12 năm 2020

     Hôm nay Đại Cử tri sẽ bỏ phiếu chính thức bầu tổng thống Mỹ

    Đại cử tri sẽ tập trung tại các thủ phủ của các bang trên khắp nước Mỹ hôm nay 14/12 để chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, theo Reuters.

    Trong hệ thống đại cử tri đoàn phức tạp của Mỹ, khi cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống, về mặt kỹ thuật họ đang bỏ phiếu cho một nhóm đại cử tri để đi bầu cho ứng viên đó. 538 đại cử tri này, được phân bổ cho các bang theo dân số, được gọi là cử tri đoàn. Hôm nay, các đại cử tri sẽ họp tại thủ phủ bang mình để bỏ phiếu: mỗi người một phiếu cho tổng thống và phó tổng thống.

    Tại Hoa Kỳ, một ứng cử viên trở thành tổng thống không phải bằng cách giành được đa số phiếu phổ thông trên toàn quốc mà phải thông qua hệ thống Đại cử tri đoàn, phân bổ số phiếu đại cử tri cho 50 bang và Thủ đô Washington DC mà phần lớn dựa theo dân số.

    Ông Edward B. Foley, giáo sư luật và Giám đốc chương trình luật bầu cử thuộc Đại học Bang Ohio, nói với hãng tin AP: “Ngày Thứ Hai này thực sự là cuộc bỏ phiếu chính thức cho tổng thống Hoa Kỳ theo hệ thống Đại cử tri đoàn của chúng ta.”

    Ông nói thêm: “Mọi thứ khác cho đến thời điểm này thực sự là khúc dạo đầu cho ngày thứ Hai.”

    Đương kim Tổng thống Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa, kêu gọi các nhà lập pháp tiểu bang của đảng này chỉ định đại cử tri của riêng họ, về cơ bản là phớt lờ ý chí của cử tri. Nhưng các nhà lập pháp các bang đã bác bỏ ý kiến này, theo Reuters.

    Các phiếu bầu hôm 14/12 sẽ được gửi đến Quốc hội để chính thức được kiểm đếm vào ngày 6/1/2021, giai đoạn cuối cùng của quy trình bầu cử phức tạp của Mỹ, cũng theo Reuters.

    Vào cuối tháng trước, ông Trump cho biết ông sẽ rời Nhà Trắng nếu Cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, nhưng kể từ đó, theo Reuters, ông Trump đã xúc tiến chiến dịch chưa từng có để lật ngược thất bại của mình. Hôm 11/12, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã bác đơn kiện của bang Texas về việc nhằm tìm cách làm vô hiệu hóa kết quả ở 4 bang mà ông Biden đã thắng cử.

    Mỹ áp lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400

    Sau nhiều tháng ngăn cản, Mỹ đã sẵn sàng công bố biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ quanh việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào tuần này. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã bỏ qua cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dù vi phạm một luật của Mỹ là cấm mua hàng từ các công ty vũ khí của Nga. Việc Quốc hội thông qua dự luật quốc phòng yêu cầu Trump áp đặt lệnh trừng phạt đã buộc ông phải ra tay.

    Động thái này sẽ đánh dấu lần thứ ba Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt lên đồng minh NATO trong suốt nhiều năm qua. EU đã công bố các biện pháp trừng phạt của riêng mình lên Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước về hoạt động khoan dầu và các hành động quân sự của nước này ở vùng biển tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải. Ông Erdogan không cần phải tuyệt vọng vào lúc này. Đó là vì Mỹ không quan tâm đến việc phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, và các lệnh trừng phạt của họ chủ yếu mang tính biểu tượng. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi hướng đi, các lệnh trừng phạt mới sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

    Apple ra mắt Fitness+

    Công ty giá trị nhất thế giới không bao giờ đứng yên. Hôm nay Apple ra mắt Fitness+, một loạt các lớp tập thể dục trực tuyến từ nâng tạ đến đạp xe đến yoga. Gã khổng lồ công nghệ sẽ đối đầu với Peloton, một nhà cung cấp xe đạp tập thể dục đắt tiền, có kết nối internet, và là công ty có giá cổ phiếu tăng bốn lần trong năm nay khi các phòng tập thể dục đóng cửa khiến nó trở thành mặt hàng nóng. Hiện tại, Apple sẽ không bán thiết bị tập thể dục mà cạnh tranh với dịch vụ đăng ký tập luyện có giá rẻ hơn của Peloton.

    Các huấn luyện viên nổi tiếng của Peloton khiến hãng khó bị đánh bại, nhưng Apple hy vọng sẽ thắng về giá cả. Mức giá của họ thấp hơn gói rẻ nhất của Peloton khoảng 3 đô la một tháng. Họ cũng có thể điều chỉnh các lớp phù hợp với hàng triệu tiện ích của họ theo những cách mà các ứng dụng thể dục khác không làm được. Nhưng Apple không cần lật đổ Peloton để thành công. Fitness+ chỉ là một trong số các gói đăng ký khác của Apple — bên cạnh các dịch vụ phát trực tuyến nhạc và truyền hình — vốn sẽ giữ người dùng gắn kết với các thiết bị của công ty, con gà đẻ trứng vàng thật sự của họ.

    TikTok có thể đạt một số thắng lợi pháp lý ở Mỹ


    Hôm nay, một tòa phúc thẩm liên bang sẽ nghe tranh luận miệng của chính phủ Hoa Kỳ phản đối phán quyết bỏ lệnh cấm TikTok của một thẩm phán. Nếu tòa ủng hộ TikTok, đây sẽ là một dấu hiệu khác cho thấy ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc đang hướng tới sự an toàn về pháp lý mặc dù đã sống trong tình trạng lấp lửng kể từ ngày 20 tháng 9. Đó là thời hạn đầu tiên do Tổng thống Donald Trump đặt ra để ứng dụng được bán cho các công ty Mỹ (ông Trump viện dẫn những lo ngại an ninh quốc gia; TikTok nói hoàn toàn vô căn cứ).

    Sau đó, công ty mẹ Trung Quốc của TikTok, ByteDance, đã đồng ý bán cổ phần của TikTok cho Oracle và Walmart, hai công ty Mỹ, và chính phủ Mỹ đã cho họ thêm thời gian để thỏa thuận. Hạn chót đến vào ngày 4 tháng 12 nhưng một thỏa thuận cuối cùng với Oracle được cho là sẽ hoàn thành vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, TikTok đạt được nhiều chiến thắng pháp lý hơn trước chính phủ. 37 ngày nữa, Tổng thống đắc cử Joe Biden, người ít nói về TikTok, sẽ tiếp nhận vụ việc.

    Liên minh cầm quyền của Đức sắp bầu lãnh đạo mới


    Hôm nay, Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) cầm quyền của Đức sẽ hoàn thiện các quy tắc cho cuộc bầu cử lãnh đạo vào giữa tháng 1. Đại dịch đã khiến hai lần đại hội được lên kế hoạch sẵn trước đó phải hủy bỏ; với số ca nhiễm covid-19 tăng trở lại, các quan chức CDU có thể công bố một sự kiện trực tuyến, tại đó 1.001 đại biểu sẽ xem ba ứng viên phát biểu trước khi đưa ra lựa chọn của họ.

    Người chiến thắng có khả năng trở thành ứng viên thủ tướng chung của CDU và đảng chị em Bavaria của nó trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới — và sau đó thay Angela Merkel đứng đầu một chính phủ liên minh mới. Cuộc đua vẫn còn rộng mở. Các thành viên Đảng thích Friedrich Merz, một người bảo thủ truyền thống, người đã rời bỏ chính trường hơn một thập niên trước và chỉ trích giới tinh hoa trong đảng. Nhưng nhiều đại biểu chú ý đến khả năng thắng tổng tuyển cử lại thích cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn của Armin Laschet, một thủ hiến bang, hoặc Norbert Röttgen, một nghị sĩ và chuyên gia chính sách đối ngoại.

    Peru Ngưng Thí Nghiệm Vaccine Covid-19 Của Tàu Cộng, Vì Ảnh Hưởng Thần Kinh, Làm Liệt Chân Tay –


    Peru ngưng thí nghiệm vaccine Cúm Tàu (Covid-19) do tập đoàn Tàu Cộng Sinopharm sản xuất sau khi phát hiện một tình nguyện viên có vấn đề thần kinh. Viện Y Tế Quốc Gia Peru thông báo ngừng thí nghiệm ngày 11/12 sau khi một tình nguyện viên gặp khó khăn trong việc cử động cánh tay. “Vài ngày trước, chúng tôi đã báo cáo với cơ quan quản trị rằng, một trong những người tình nguyện thí nghiệm xuất hiện các triệu chứng thần kinh giống như hội chứng Guillain-Barre”, trưởng nhóm nghiên cứu German Malaga nói với các báo chí tại Lima.

    Hội chứng Guillain-Barre là rối loạn hiếm gặp không lây nhiễm, nhưng ảnh hưởng đến cử động cánh tay và chân, có thể gây liệt chân tay. Peru từng ban hành tình trạng y tế khẩn cấp ở 5 khu vực vào tháng 6 năm ngoái sau khi phát hiện nhiều người bị nhiễm bệnh.

    Thí nghiệm trên người của Peru đối với vaccine Sinopharm vốn được lâp kế hoạch kết thúc vào tuần này, sau khi chích cho khoảng 12.000 người. Nếu thành công, chính phủ Peru dự tính mua tới 20 triệu liều để tiêm cho 2/3 dân số, nhưng Peru cần chờ đến giữa năm 2021 mới biết kết quả.

    60.000 người trên toàn cầu đã chích vaccine Sinopharm của Tàu Cộng, bao gồm những người tình nguyện ở Argentina, Nga và Arab Saudi.

    Peru là một trong những quốc gia có tỷ lệ người chết do virut Cúm Tàu (Covid-19) trung bình đầu người cao nhất thế giới. Gần 981.000 người ở Peru nhiễm virut Cúm Tàu; trong đó hơn 36.500 người chết. Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ, với GDP giảm hơn 30% trong quý II.

    Trung Cộng Thiếu Gạo, Lần Đầu Tiên Nhập Cảng Từ Ấn Độ Sau 30 Năm – Liu Yi


    Năm nay Trung Cộng khan hiếm lương thực nghiêm trọng khiến chính phủ không thể không nhập cảng từ Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên nước này mua gạo từ Ấn Độ trong vòng 30 năm qua, chính phủ Ấn Độ khá vui mừng vì điều này, tuy nhiên người dân Ấn Độ lại bày tỏ sự bất mãn.

    Theo tin từ FX168 Financial News, ngày 01/12 quan chức phụ trách lương thực của Ấn Độ cho biết, do cung ứng gạo ở Thái Lan, Myanmar và Việt Nam có xu hướng thắt chặt trong khi chính phủ Ấn Độ giảm giá mạnh, nên Trung Cộng đã bắt đầu nhập cảng gạo từ Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm qua.

    Theo tính toán của một hãng truyền thông tại Trung Cộng đại lục, năm nay, do dịch bệnh virus Trung Cộng và tình hình thiên tai lũ lụt nên sản lượng thóc ở Trung Cộng sụt giảm lên tới 30%. Tuy nhiên, các quan chức không công bố số liệu cụ thể. Hôm 04/12, trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông này, anh Mao, một người dân Vũ Hán, cho biết mặc dù anh không hiểu rõ về xu thế giá gạo, tuy nhiên giá gạo tăng là điều chắc chắn: “Vì tôi không phải là người nấu ăn, nên tôi cũng không chú ý tới việc khan hiếm lương thực, nhưng theo quan sát của tôi, tất cả các loại thực phẩm đều lên giá, dù chưa tới mức giành giật của nhau.”

    Dân ăn không no, thiếu lương thực thì dễ dẫn đến bạo loạn


    Ông Đường chia sẻ, do một bộ phận các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam … dự trữ lương thực đề phòng nạn đói, nên đều giảm xuất cảng gạo hoặc tăng giá. Vì thế Trung Cộng phải bất đắc dĩ chuyển sang mua gạo từ Ấn Độ. Ông cho rằng, so sánh với tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc và công nhân thất nghiệp, thì việc thiếu lương thực còn dễ gây ra bạo loạn trong xã hội hơn. Theo ông, “Trung cộng nhập cảng gạo từ Ấn Độ là hành động bất đắc đĩ, vì khi xung đột biên giới Trung Ấn đang tiếp tục, việc nhập cảng lương thực của Trung Cộng có thể là vấn đề lớn của toàn thế giới. Lượng thực Trung Cộng nhập cảng từ các quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng theo cấp số nhân, điều này ảnh hưởng lớn tới giá gạo ở khu vực Đông Nam Á, nên việc tăng giá lương thực ở khu vực này là khó tránh khỏi.”

    Ông Tư Lệnh, học giả tài chính Đại Học Sơn Đông cho biết khi trả lời phỏng vấn rằng trước đây không lâu các quan chức Trung Cộng tuyên bố vụ mùa bội thu là chắc chắn. Tuy nhiên, gần đây Trung Cộng lại mua gạo của Ấn Độ, chứng minh lời tuyên bố của các quan chức là nói dối:

    “Trung Cộng bị buộc phải nhập cảng gạo quy mô lớn từ Ấn Độ. Có thể thấy gạo là rất quan trọng trong dự trữ lương thực, là mặt hàng mang tính chiến lược của Trung Cộng, bát cơm này đang ở trong tay Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.”

    Gần đây, việc xuất cảng lương thực giá rẻ của chính phủ Ấn Độ đã gây ra sự bất mãn mạnh mẽ của nông dân Ấn Độ. Theo tin từ giới truyền thông của nước này, gần đây nông dân Ấn Độ đã xuống đường bày tỏ kháng nghị.

    Tài liệu: Gần 2 triệu đảng viên ĐCSTQ làm việc tại Lãnh sự quán Anh và các tập đoàn lớn của Anh, Mỹ


    Một cơ sở dữ liệu bị rò rỉ gần đây tiết lộ có 1,95 triệu thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm việc tại các trường đại học, tập đoàn lớn và lãnh sự quán Anh trên khắp thế giới.

    Theo một báo cáo ngày 12/12 của tờ Daily Mail, Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một liên minh toàn cầu của các nhà lập pháp, đã nhận được cơ sở dữ liệu này từ một nhà bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc (không rõ danh tính). IPAC sau đó đã chia sẻ tài liệu này với bốn công ty truyền thông.

    Trong một tuyên bố vào ngày 13/11, IPAC cho biết một trong những đại diện của họ đã nhận được cơ sở dữ liệu này từ một “nguồn phi chính phủ” và các chuyên gia của liên minh đã xác minh lại danh sách.

    Theo IPAC, cơ sở dữ liệu có tên, ngày tháng năm sinh và dân tộc, một số nhân vật có địa chỉ và số điện thoại. Tài liệu này lần đầu tiên bị rò rỉ trên ứng dụng nhắn tin Telegram vào năm 2016.

    Theo thông tin trong dữ liệu, các công ty lớn như Airbus, Rolls-Royce và Boeing đã tuyển dụng hàng trăm thành viên ĐCSTQ. Ngoài ra, hãng sản xuất dược phẩm như Pfizer và AstraZeneca tuyển dụng tổng cộng 123 đảng viên. Các thành viên của ĐCSTQ cũng làm việc trong công ty sản xuất ô tô Jaguar Land Rover của Anh.

    Hầu hết các thành viên ĐCSTQ trong cơ sở dữ liệu đều đến từ Thượng Hải.


    Cơ sở dữ liệu còn cho thấy hơn 600 thành viên ĐCSTQ đã làm việc tại 19 chi nhánh của các ngân hàng HSBC và Standard Chartered của Anh.

    Các đảng viên là học giả cũng làm việc tại các trường đại học của Anh, họ tham gia vào các nghiên cứu nhạy cảm bao gồm kỹ thuật hàng không và hóa học.

    Một số thành viên ĐCSTQ làm việc cho các lãnh sự quán Anh. Tại lãnh sự quán Anh ở Thượng Hải, quan chức cấp cao là đảng viên ĐCSTQ có nhiệm vụ hỗ trợ các chuyến thăm của quan chức Anh tới Trung Quốc. Một thành viên khác của ĐCSTQ đã làm việc “gần một nhóm các sĩ quan MI6 hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao” (MI6 là tên của cơ quan tình báo Anh).

    Một nhóm khoảng 30 nghị sĩ cho biết họ sẽ đặt câu hỏi khẩn cấp về cơ sở dữ liệu này tại Hạ viện Anh.

    Facebook, YouTube tăng mạnh gỡ bài, xoá tài khoản ‘chống Đảng, nhà nước’ Việt Nam


    Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam vừa cho biết các mạng xã hội Facebook và YouTube từ đầu năm đến nay đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết bị cho là “vi phạm luật pháp” và xoá hàng trăm tài khoản, fanpage và các kênh chứa thông tin “tuyên truyền chống Nhà nước”, “chống Đảng” , theo yêu cầu của Bộ này.

    Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về các biện pháp phòng chống “luận điệu xuyên tạc” từ các “thế lực thù địch, chống Cộng cực đoan” trên không gian mạng, Bộ TTTT cho biết sau khi Bộ này triển khai nhiều giải pháp “đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật” để buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Apple tuân thủ yêu cầu kiểm soát, ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin bị cho là “xấu, độc”, chỉ riêng Facebook đã gỡ đến 2.311 bài viết, tăng 400% so với cả năm ngoái, tính đến ngày 10/11.

    290 tài khoản bị cho là “giả mạo cá nhân, tổ chức tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam” cũng đã bị xoá bỏ cùng với 154 fanpage đăng thông tin “sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”, văn bản của Bộ TTTT cho biết thêm.

    Riêng với Google, tính đến ngày 10/11, trang YouTube của tập đoàn này đã ngăn chặn và gỡ bỏ đến 29.009 video clip bị cho là vi phạm luật pháp Việt Nam và xoá 24 kênh YouTube “phản động” thường đăng nội dung “chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước”. Theo Bộ TTTT Việt Nam, mỗi kênh trong số này có hàng nghìn video và tỷ lệ gỡ chặn của YouTube là 87%.

    Ngoài ra, cơ quan quản lý truyền thông trong năm qua cũng “chủ động chặn kỹ thuật” trên không gian mạng. Số trang web và blog đã bị chặn lên đến 1.714 trang “với hàng chục ngàn bài viết”, vẫn theo văn bản của Bộ.

    Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt quan chức kiêm ‘trùm xã hội đen’ khét tiếng Trung Quốc


    Thứ Tư tuần trước (9/12), Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tuyên bố lệnh trừng phạt đối với “trùm xã hội đen” Trung Quốc Doãn Quốc Câu (Wan Kuok Koi), theo Minh Hui.

    Ông Doãn Quốc Câu, biệt danh “Răng gãy”, là một thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Đảng cộng sản Trung Quốc, cũng là thủ lĩnh băng đảng 14K – Hội Tam Hoàng. Đây là một trong những tổ chức tội phạm có tổ chức lớn nhất trên thế giới của người Trung Quốc, tham gia hàng loạt các hoạt động tội phạm như: buôn bán ma tuý, đánh bạc, tống tiền, buôn người,… Bên cạnh việc hối lộ và tham nhũng, băng đảng 14K còn tham gia vào các hoạt động phi pháp tương tự ở quốc gia Palau.

    Lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng áp dụng với ba tổ chức do “Răng gãy” nắm giữ hoặc khống chế, gồm Hiệp hội Văn hoá Lịch sử Hồng Môn Thế giới, do Doãn thành lập năm 2018 ở Campuchia; Tập đoàn Đông Mỹ ở Hồng Kông; và Hiệp hội Văn hoá Lịch sử Hồng Môn Trung Quốc Palau đặt tại Palau.

    Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành quyết định này dựa trên Lệnh Hành pháp 13818, nhắm vào những tội phạm vi phạm nhân quyền dựa trên Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky. Theo lệnh trừng phạt này, toàn bộ tài sản và quyền lợi về tài sản của Doãn Quốc Câu ở Hoa Kỳ đều sẽ bị đóng băng.

    Sáng nay xử vụ ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm gây thất thoát 725 tỷ đồng



    Sáng sớm nay, ông Đinh La Thăng bị còng tay, đeo khẩu trang kín mít, đã được đưa đến tòa bằng xe chuyên dụng cùng 19 đồng phạm.

    Theo báo Tuổi Trẻ, sáng nay 14/12, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường (nguyên thứ trưởng Bộ GTVT) và 18 bị cáo khác trong vụ sai phạm xảy ra tại đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, gây thất thoát của Nhà nước 725 tỷ đồng.

    Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản của Nhà nước và số tiền thu được từ việc bán quyền thu phí là tài sản nhà nước.

    Bộ GTVT được Thủ tướng giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện việc chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí đã đầu tư cho dự án. Tuy nhiên khi triển khai, xuất phát từ động cơ cá nhân, ông Đinh La Thăng, với chức vụ bộ trưởng Bộ GTVT, đã gọi điện thoại cho ông Dương Tuấn Minh – tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long – để giới thiệu đưa Đinh Ngọc Hệ vào tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.


    Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng mối quan hệ này để xây dựng hồ sơ gian dối, làm giả hồ sơ năng lực, báo cáo tài chính 2 công ty của Hệ là Yên Khánh và Khánh An từ thua lỗ thành lãi để được tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, Đinh Ngọc Hệ đã tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối như che giấu doanh thu thực tế, can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ GTVT để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

    Do biết mối quan hệ cá nhân giữa ông Thăng và Hệ nên ông Nguyễn Hồng Trường – thứ trưởng Bộ GTVT – và các cán bộ dưới quyền của ông Đinh La Thăng đã làm trái các quy định về bán đấu giá tài sản nhà nước để Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát của Nhà nước 725 tỷ đồng.

    Triệu tập đến tòa 13 doanh nghiệp


    Theo báo Lao Động, phiên tòa sẽ bắt đầu vào ngày 14 đến 25/12. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh toà Hình sự TAND TPHCM. Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm chủ toạ, thẩm phán Vũ Tất Trình và ba hội thẩm nhân dân.

    Giữ vai trò công tố có đại diện Viện KSND tối cao và Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa có ông Nguyễn Mạnh Thường, ông Lê Hữu Ngọc, ông Tô Hữu Thông, bà Trần Thị Liên và ông Ngô Phạm Việt. Do là phiên xử kéo nhiều ngày nên toà đã lên danh sách thẩm phán, hội thẩm cùng kiểm sát viên dự khuyết.


    Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX đã triệu tập đại diện Bộ Tài chính và 13 doanh nghiệp, như: Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty CP BOT và BT Quốc lộ 20…

    Bị cáo Đinh La Thăng bị tạm giam tại trại giam B14 Bộ Công an (Hà Nội); còn các bị cáo khác bị tạm giam tại trại giam T16 Bộ Công an, trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh, trại tạm giam T75, trại tạm giam T771 Bộ Quốc phòng. Tất cả đã được di lý vào TPHCM để tiến hành xét xử.

    Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan. Riêng bị cáo Đinh La Thăng có 6 luật sư bào chữa gồm luật sư Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Hồng Hà, Ngô Minh Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) và luật sư Hoàng Văn Hướng, Hoàng Văn Doãn, Nguyễn Văn Tuý (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

    Ngoài ra, có hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Trường. Bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ có 5 luật sư. Ngoài ra, 26 luật sư khác tham gia bào chữa cho các bị cáo còn lại.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào