Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày 30 tháng 11 năm 2020

    Ông Biden bị thương khi chơi với chú chó của mình
    Điểm tin thế giới ngày 30 tháng 11 năm 2020


    Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã bị trượt chân khi chơi đùa với con chó của mình (Major) và bị trẹo mắt cá chân, The Epoch Times dẫn tin theo chiến dịch tranh cử của ông.

    Chiến dịch của ông Biden cho biết hôm Chủ nhật (29/11 giờ Mỹ) rằng “ông ấy sẽ được bác sĩ chỉnh hình kiểm tra chiều nay”.

    Các chi tiết khác về vụ việc chưa được rõ ràng.

    Các phóng viên săn tin (pool reporter) cho biết họ đang ở Wilmington, Delaware, gần nhà của Biden. Theo một phóng viên săn tin, Jonathan Tamari của Philadelphia Inquirer, “chiếc xe tải đã được điều động để các phóng viên và nhiếp ảnh gia không thể nhìn thấy [Biden] khi ông ấy rời khỏi xe và đi vào tòa nhà” và “đội của Biden sẽ không cho phép các nhà báo xuống xe. Các phóng viên săn tin đang án ngữ trong xe bên ngoài tòa nhà”.

    Trong suốt chiến dịch, đã có những câu hỏi đặt ra về tình trạng sức khỏe của Biden. Cụ ông 78 tuổi này là một trong những người lớn tuổi nhất từng vận động tranh cử tổng thống.

    Tổng thống Donald Trump, 74 tuổi, và những thành viên Đảng Cộng hòa khác cũng đã đặt câu hỏi chính thức về sức khỏe tinh thần của cựu phó tổng thống, nói rằng một số sai lầm trong lời nói của ông chứng tỏ rằng ông không đủ khả năng để trở thành tổng thống. Họ cũng cảnh báo rằng Thượng nghị sĩ Kamala Harris, người được Biden lựa chọn cho vị trí phó tổng thống, có thể trở thành tổng thống nếu điều gì đó xảy ra với Biden.

    Covid-19: Trung Quốc thử nghiệm vắc-xin trên hàng trăm ngàn người

    Sinopharm, công ty dược phẩm Trung Quốc có liên hệ với quân đội, đã yêu cầu cơ quan y tế cấp giấy phép bán vắc-xin ngừa Covid sau đợt thử nghiệm ở Trung Đông và Nam Phi. Bốn loại vắc-xin ngừa Covid-19, cũng do Trung Quốc chế tạo, đang được thử nghiệm giai đoạn 3, đã được tiêm cho hàng trăm ngàn người tại Hoa lục, bao gồm binh sĩ, y sĩ, công chức và du học sinh.

    Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gửi về bài phóng sự :

    Mũ ni, áo dạ màu sẩm trong mùa đông thủ đô Bắc Kinh nổi bật trên màu trắng của các tòa nhà của trung tâm sinh hóa y học tọa lạc ở ngoại ô. Trước cổng, trong tiếng « rò rò » từ máy bộ đàm của nhân viên bảo vệ, một hàng rào tự động ra lệnh cho từng người có giấy phép ra vào đi tới. Còn đối với phóng viên chúng tôi thì « lần sau trở lại », một người không rõ danh tánh từ một văn phòng bước ra bảo thế. Cảnh tượng này chúng tôi thường gặp phải trong những lần đi làm phóng sự.

    Các viện bào chế Trung Quốc không cho tiếp xúc với những người được tiêm ngừa khi mà chiến dịch thử nghiệm chưa kết thúc.

    Các cuộc thử nghiệm có vẻ đạt hiệu quả cao, đến 99%, theo như lời cựu bộ trưởng tài chính Lâu Kế Vĩ, sau khi nhận hai liều như các thành viên trong chính phủ.

    Thế nhưng, một nữ nhân viên phi trường Hà Bắc, một bác sĩ ở Đường Sơn và nhiều người khác đã được chích ngừa mà phóng viên chúng tôi có cơ hội tiếp xúc đều giữ thái độ thận trọng : « Các viện bào chế buộc chúng tôi phải ký giấy cam đoan giữ bí mật ».

    Biểu tình Thái Lan: Hàng ngày, liên tục không ngừng nghỉ

    Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của người dân Thái Lan tiếp tục nóng lên, song song với các cuộc biểu tình chống đảo chính trong những ngày gần đây.

    Hôm qua (29/11), nhóm người biểu tình đã tập trung bên ngoài doanh trại Trung đoàn bộ binh số 11 của quân đội để phản đối đảo chính tại một quốc gia đã khá quen thuộc với các sự vụ như vậy. Trên thực tế, chính quyền đương nhiệm cũng là hệ quả của một cuộc đảo chính hồi năm 2014.

    Song song với đó, làn sóng biểu tình phản đối hoàng gia vẫn rất sôi nổi. Hiện tại khi Quốc vương Thái Lan đã có thể trực tiếp nắm quyền chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 11, đã có các nhóm biểu tình chủ trương rằng Trung đoàn bộ binh số 11 nên quay về chịu sự quản lý của quân đội, theo CNA.

    Kể từ tháng 7, Thái Lan đã dấy lên làn sóng phong trào sinh viên khắp cả nước với các nhóm biểu tình kêu gọi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức, sửa đổi hiến pháp và cải tổ hoàng gia.

    Các cuộc biểu tình bắt đầu nóng lên vào giữa tháng 10, và việc cải tổ hoàng gia đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình. “Nhân Dân” (People) do nhiều nhóm biểu tình hợp thành đã từng đệ đơn lên Đại sứ quán Đức tại Thái Lan, yêu cầu nước Đức hỗ trợ điều tra về hành vi của Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn trong khoảng thời gian ở tại Đức. Các nhóm biểu tình cũng đã diễu hành bên ngoài Cung điện Hoàng gia và đệ trình những yêu cầu của mình lên Quốc vương Thái Lan thông qua phương thức mỗi người một lá thư, hy vọng Quốc vương Thái Lan có thể lắng nghe tiếng nói của người dân.

    Cuộc biểu tình gần đây nhất liên quan đến hoàng gia là khi các nhóm biểu tình đến trụ sở của Ngân hàng Thương mại Siam Thái Lan (Siam Commercial Bank) vào ngày 25/11 yêu cầu minh bạch trong việc quản lý tài sản của hoàng gia.

    Khi tình hình kháng nghị tiếp tục nóng lên, các giới lo lắng rằng tình hình sẽ xấu đi, có tin đồn một cuộc đảo chính sẽ diễn ra. Hôm 27/11, các nhóm biểu tình đã tập trung tại Giao lộ Lat phrao (Lat phrao Intersection) ở phía bắc Bangkok để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ cuộc đảo chính.

    “Năm nay tôi 18 tuổi nhưng đã chứng kiến tới 2 cuộc đảo chính. Điều đó hoàn toàn sai trái. Chúng tôi không muốn lịch sử tái diễn”, Tan, một học sinh trung học tham gia biểu tình, nói với hãng tin Reuters.

    Reuters bình luận cuộc diễn tập chống đảo chính ngày 27/11 cho thấy người Thái có lẽ đã quá mệt mỏi với các cuộc binh biến. “Họ muốn loại bỏ ông Prayuth, một cựu lãnh đạo quân đội đã tham gia đảo chính năm 2014, nhưng cũng không muốn một vị tướng khác thay thế ông”, hãng tin của Anh viết.

    Đến chiều hôm qua (29/11), đã có các nhóm biểu tình khác tập trung bên ngoài Trung đoàn bộ binh số 11 của quân đội bày tỏ mong muốn “giải trừ lực lượng vũ trang quân đội”.

    Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có chuyến thăm bất ngờ tới Somalia

    Hôm thứ Sáu tuần trước (27/11), Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller đã có chuyến thăm bất ngờ tới Somalia và gặp gỡ quân đội Mỹ đang đóng quân ở đó. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Trump đang có ý định xem xét việc rút quân đội Mỹ khỏi Somalia, theo Epoch Times.

    Theo tờ báo quân sự Mỹ “The Stars and Stripes”, ông Miller đã đến Djibouti hôm thứ Năm trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn để gặp gỡ các binh sĩ Mỹ đóng quân ở nước ngoài. Người phát ngôn Ngũ Giác Đài Anton Semelroth cho biết, từ căn cứ Djibouti, ông Miller đã bay tới Somalia để bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sự ủng hộ đối với những người lính Mỹ đang công tác tại Mogadishu – thủ đô và thành phố lớn nhất Somalia.

    Thông tin về căn cứ quân sự hoặc quân đoàn cụ thể mà ông Miller viếng thăm vẫn chưa được công bố. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, đây có thể là chuyến thăm Somalia đầu tiên trong lịch sử của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

    Chuyến thăm của ông Miller diễn ra vào thời điểm chính quyền Trump đang cân nhắc việc cắt giảm binh sĩ Mỹ ở Somalia. Ngũ Giác Đài chưa chính thức thông báo về việc cắt giảm quân đội Mỹ ở Somalia, nhưng các quan chức quốc phòng nói với CNN rằng dự kiến ​​sẽ có đợt cắt giảm nhân sự đáng kể trong vài ngày tới.

    Bộ trưởng Miller trước đây đã nói rằng một trong những mục tiêu chính của ông đối với Bộ Quốc phòng là hoàn thành cuộc chiến chống lại Al Qaeda.

    Khoảng 700 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Somalia đã tham gia vào các hoạt động chống khủng bố và cung cấp các khóa huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ cho quân đội Somalia. Tổ chức khủng bố Al Qaeda “Đảng Thanh niên” đang hoạt động ở Somalia. Somalia cũng có một chi nhánh ISIS quy mô nhỏ. Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích ở Somalia, tiêu diệt nhiều thành viên của nhóm vũ trang cực đoan “Al-Shabaab” (Đảng Thanh niên).

    Ông Miller đã đưa ra bản ghi nhớ đầu tiên của mình sau khi nhậm chức vào ngày 13/11. Ông nói với các thành viên của quân đội, rằng người Mỹ không nên tham gia vào các cuộc chiến bất tận, “đã đến lúc phải trở về nhà”.

    Ông Miller viết trong một bản ghi nhớ cho các nhân viên Bộ Quốc phòng: “Trong khi chuẩn bị cho tương lai, chúng ta vẫn cam kết hoàn thành cuộc chiến mà Al Qaeda đã gây ra cho chúng ta vào năm 2001”.

    TT Trump cho biết sẽ bổ nhiệm ‘công tố viên đặc biệt’ điều tra gian lận bầu cử

    Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để xem xét các cựu quan chức tình báo và điều tra viên liên quan đến cuộc điều tra chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông cũng như cuộc bầu cử hiện tại, theo The Epoch Times.

    Hôm Chủ nhật (29/11), người dẫn chương trình trên đài Fox Business, Maria Bartiromo đã hỏi Tổng thống Trump về lý do tại sao Công tố viên John Durham, người được Tổng chưởng Lý William Barr chỉ định điều tra nguồn gốc của cuộc điều tra vào năm ngoái, không công bố báo cáo vốn được chờ đợi từ lâu.

    “Trước khi chúng ta hoàn tất về chủ đề Durham, tôi cảm thấy như có điều gì đó đã xảy ra vào tháng 9. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng tất cả chúng tôi đều mong đợi Durham xuất hiện và Tổng chưởng Lý Barr sẽ có thái độ tích cực”, bà Bartiromo hỏi.

    “Ngài sẽ chỉ định một luật sư đặc biệt để điều tra và tiếp tục điều tra những gì diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2016 chứ? Ngài đã đề cập đến việc Jim Comey và Andrew McCabe chưa đối mặt với trách nhiệm giải trình — vậy ngài sẽ chỉ định một cố vấn đặc biệt chứ?”, bà Bartiromo hỏi sau một vài câu dạo đầu đề cập đến các trường hợp gian lận bầu cử.

    Tổng thống Trump nói rằng ông “sẽ cân nhắc [bổ nhiệm] một công tố viên đặc biệt.


    “Tôi gọi nó là ‘công tố viên’ vì nó là một thuật ngữ chính xác hơn nhiều. Họ đã chi 48 triệu đô la, Weissmann và tất cả những người chống Trump, họ đã chi 48 triệu đô la cho cuộc điều tra của Mueller. Họ đã tiêu tiền thuế, họ đã làm mọi thứ — với 48 triệu đô la, họ đã xem xét mọi thứ, và họ không tìm thấy sự thông đồng [nào giữa tôi và Nga], không có gì cả”, Tổng thống đề cập đến cựu điều tra viên của nhóm Robert Mueller, Andrew Weissmann.

    Có suy đoán rằng ông Durham sẽ công bố báo cáo trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 nhưng chưa có gì xảy ra.

    Cũng trong cuộc phỏng vấn với Fox Business, Tổng thống Trump than phiền một thực tế là cả FBI và Bộ Tư pháp đều “thiếu hành động” đối với tình trạng gian lận bầu cử.

    Tổng thống Brazil công khai đề cập đến gian lận bầu cử Mỹ

    Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 29/11 cho biết ông có nguồn tin cho ông biết rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy rẫy gian lận. Ông đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên công khai đề cập đến tình trạng gian lận quy mô lớn trong cuộc bầu cử Mỹ, theo Sound of Hope.

    Theo hãng tin AP, Tổng thống Bolsonaro đã nói với các phóng viên trong cuộc bỏ phiếu bầu cử thị chính hôm Chủ nhật (29/11) rằng:

    “Nguồn tin của tôi đã chỉ ra rằng thực sự có rất nhiều gian lận trong đó, nhưng lại không có ai đàm luận về vấn đề này. Quy mô gian lận có đủ lớn để giúp một ứng viên đảo ngược kết quả bầu cử chân thực hay không thì tôi không biết được”.

    Ngoài ra, ông Bolsonaro cũng bày tỏ nghi ngờ đối với hệ thống bỏ phiếu điện tử hiện tại ở Brazil, ông cho rằng hệ thống bỏ phiếu điện tử hiện có ở Brazil rất dễ bị gian lận. Ông kêu gọi Brazil sử dụng lại hệ thống bỏ phiếu giấy truyền thống trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

    Ngoài ra, Tổng thống Mexico Lopez Obrador là một nguyên thủy quốc gia khác từ chối thừa nhận việc ông Joe Biden đơn phương tuyên bố chiến thắng cho mình. Vào ngày 25/11 ông cũng một lần nữa chỉ ra rằng ông không thiên vị bất kỳ ứng cử viên hoặc đảng chính trị nào trong suốt quá trình diễn ra bầu cử Mỹ, và ông cũng không có bình phẩm gì về họ. Nhưng ông sẽ không chúc mừng bất kỳ đảng phái nào cho đến khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử Mỹ được công bố.

    Tổng thống Nga Putin đến nay cũng chưa chúc mừng chiến thắng của ông Biden. Ông nói với giới truyền thông vào ngày 22/11 rằng Nga “sẽ hợp tác với bất kỳ ai (Tổng thống) có được sự tín nhiệm của người dân Mỹ “. Nhưng “về việc ai nhận được sự tín nhiệm này (của người dân), điều đó phải được xác định thông qua các thủ tục pháp lý, tức là bên này thừa nhận chiến thắng của bên kia, hoặc các biện pháp pháp lý xác nhận kết quả bầu cử hợp pháp cuối cùng”. Ông cho rằng việc ông Biden tuyên bố thắng cử không đáp ứng bất kỳ điều kiện nào trong đó.

    Ngày 7/11, ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đã tự ý tuyên bố chiến thắng cho mình. Vào ngày 9/11, Tổng thống Nga Putin nói rằng mọi người đều biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nộp một số đơn kiện.

    “Do đó, chúng tôi cho rằng việc đợi phía Mỹ chính thức công bố kết quả bầu cử là chính xác nhất”, ông nói.

    Luật sư Giuliani cập nhật thông tin cuộc chiến pháp lý chống gian lận bầu cử


    Luật sư của Tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani, cho biết nhóm của ông sẽ vận động các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang quan trọng để họ cử các đại cử tri ủng hộ chính nghĩa vào Đại cử tri đoàn, theo The Epoch Times.

    Trong cuộc phỏng vấn của với Newsmax, ông Giuliani cho biết nhóm của ông đang vận động các cơ quan lập pháp tiểu bang, song song với các vụ kiện vì “không có nhiều thời gian”.

    “Chúng tôi đang làm cả hai với tốc độ và nỗ lực như nhau để tận dụng lợi thế của phương án nào mang lại cho chúng tôi kết quả nhanh nhất”. Ông Giuliani nói. “Bởi vì chúng tôi không có nhiều thời gian. Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng; chúng tôi không có nhiều thời gian. Và chúng tôi đang phải đối mặt với sự cản trở, vì vậy rất khó để đưa thông tin này ra công chúng ”.

    Trong cuộc phỏng vấn, ông Giuliani cũng đề cập đến việc truyền thông cánh tả im lặng đối với một số cáo buộc do nhóm của ông đưa ra trong những ngày gần đây về gian lận và bất thường trong bầu cử.

    Trong phiên điều trần về gian lận bầu cử ở tiểu bang Pennsylvania, một số ít hãng truyền thông đã phát trực tiếp sự kiện, trong đó có lời khai từ các nhân chứng cho biết họ đã thấy những bất thường hàng loạt trong hoạt động bầu cử ở bang Pennsylvania.

    Kết quả là “công chúng chỉ biết được một chút ít về bằng chứng mà chúng tôi có”, cựu thị trưởng New York cho biết.

    Ông Giuliani cho biết đang có nhiều hơn nữa các bản tuyên thệ làm chứng từ những người giám sát bầu cử. Họ đã bị cản trở khi giám sát quá trình lập bảng bỏ phiếu ở một số khu vực và nhân viên phòng phiếu được quyền “sửa chữa” các lá phiếu gửi qua thư hoặc kiểm đếm những lá phiếu không có bì thư.

    “Tình hình ở Michigan còn tồi tệ hơn ở Pennsylvania”, ông Giuliani cho biết. ”Tình hình ở Wisconsin đã gây phẫn nộ. Ý tôi là họ có tất cả những lá phiếu vắng mặt mà không có hồ sơ. Ở Nevada, họ đã sử dụng một chiếc máy về cơ bản không hoạt động và để mọi chữ ký đi qua, mặc dù việc sử dụng máy như vậy là bất hợp pháp ”.

    Ông nói thêm: “Ý tôi là, họ đã gian lận ở tất cả những nơi quan trọng đối với họ. Và bạn biết tại sao họ đã làm vậy, bởi vì Tổng thống Trump đã dẫn trước vào đêm bầu cử. Không thể nào mà [ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe] Biden lại có thể đảo ngược kết quả. Không thể nào”.

    Sau phiên điều trần ở Pennsylvania, một số thượng nghị sĩ của bang này nói rằng họ sẽ nỗ lực để giành lại quyền hạn trong việc xác định đại cử tri.



    Võ Thái Hà tóm lược
     

    Không có nhận xét nào