Header Ads

  • Breaking News

    Hỗ trợ y tế cho người nhập cư trái phép : Nước Pháp là nạn nhân của sự hào phóng ?


    Tính đến ngày 31/12/2019, có 334.546 người cư trú trái phép tại Pháp được hưởng chế độ trợ cấp y tế của Nhà nước. pixabay.com CCO/DarkoStojanovic

    Lần đầu tiên trong lịch sử, dự chi ngân sách của Pháp về trợ cấp y tế của Nhà nước cho người nhập cư bất hợp pháp (AME) vượt ngưỡng 1 tỉ euro. Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 khiến kinh tế Pháp điêu đứng, con số 1 tỉ 60 triệu euro khiến các đảng phái đối lập và công chúng Pháp bất bình : Đằng sau tinh thần nhân đạo là một hệ thống chệch hướng với nhiều kẽ hở khiến nước Pháp bị lạm dụng.

    Theo Ủy ban Pháp luật của Thượng Viện Pháp, tính đến ngày 31/12/2019, có 334.546 người cư trú trái phép tại Pháp được hưởng AME - chế độ hỗ trợ y tế của Nhà nước. Con số này đã tăng 5% so với cuối năm 2018 và tăng gấp đôi so với cách nay 15 năm. Nhưng những con số đó chỉ cho thấy bề nổi, số người nhập cư trái phép tại Pháp trên thực tế còn cao hơn rất nhiều bởi không phải ai trong số họ cũng được hưởng AME.

    Điều kiện để được hưởng AME là gì ?

    Nhà báo Antoine Krempfcủa đài France Info giải thích : « Trước hết chúng ta cần nhắc lại là trợ cấp y tế của Nhà nước AME không được cấp tự động. Di dân phải đề nghị và để được xét cấp AME thì họ phải chứng minh là đã sống liên tục hơn 3 tháng trên lãnh thổ Pháp và có thu nhập dưới 746 euro/tháng/người. AME có giá trị trong vòng 1 năm. Sau đó, họ phải xin gia hạn.

    Về các khoản hỗ trợ y tế, có một số loại chi phí Nhà nước không hỗ trợ, chẳng hạn trị liệu bằng nước khoáng, tiền mua những loại thuốc bị xếp vào nhóm thuốc có hiệu quả điều trị thấp, tức là các loại dược phẩm dán nhãn màu cam mà thông thường chỉ được Bảo hiểm y tế hoàn trả 15%. Tất cả những chi phí chăm sóc liên quan đến hỗ trợ sinh sản bằng can thiệp y khoa đều không được hỗ trợ ».

    Theo một tài liệu của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Y Tế Pháp (Irdes) công bố hồi cuối năm 2019, số người được hưởng chế độ AME chỉ bằng 1/2 số người cư trú bất hợp pháp trên đất Pháp, và tập trung chủ yếu ở vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận). Nhà báo Antoine Krempf nhấn mạnh thêm :

     « AME cho phép người thụ hưởng được miễn phí 100% chi phí khám chữa bệnh, mua thuốc men và nằm viện theo hạn mức thông thường mà Bảo hiểm y tế quy định, tức là nếu bệnh nhân đi khám bác sĩ đa khoa với mức phí quy ước (theo thỏa thuận giữa Bảo hiểm y tế và giới bác sĩ) thì họ không phải trả gì hết, không phải ứng trước tiền trả bác sĩ.

    Ngược lại, nếu phí khám bệnh vượt mức quy ước thì bệnh nhân phải tự chi trả phần vượt mức đó. Những chi phí phụ trội đó có thể là rất cao. Chẳng hạn như đối với kính mắt, người ta cũng chỉ được hoàn theo khung quy định của Bảo hiểm y tế. Còn với phương pháp cấy ghép, độn túi ngực, Bảo hiểm y tế chỉ hoàn trả tiền cho bệnh nhân trong trường hợp phẫu thuật tái tạo sau điều trị ung thư vú hoặc do dị tật.

    Theo những gì mà chúng tôi biết từ nhiều báo cáo về AME và được công bố trong những năm qua, thì đa phần người hưởng chế độ AME là nam giới, 20% số người được hưởng AME sống ở Paris. Trợ cấp y tế Nhà nước liên quan nhiều đến các chi phí chữa trị bệnh lao phổi, các bệnh do virus HIV gây ra hoặc là các ca sinh nở chứ không phải là các chi phí phẫu thuật thẩm mỹ »

    Khi sự hào phóng bị lạm dụng

    Chế độ AME ra đời từ một đạo luật năm 1999-2000 vì lý do nhân đạo với người nhập cư, nhưng cũng là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Pháp, tránh để lây lan dịch bệnh nếu người nhập cư nhiễm bệnh mà không có điều kiện điều trị kịp thời, nhất là các bệnh như lao phổi, SIDA … Thế nhưng, theo nhiều quan chức am hiểu lĩnh vực nhập cư và chế độ trợ giúp y tế tại Pháp thì AME lâu nay đã chệch hướng và do có những quy định lỏng lẻo nên ngày càng bị người nước ngoài lạm dụng, gây thiệt hại cho nước Pháp cả về tài chính và làm giảm cơ hội khám chữa bệnh của người Pháp.

    Bà Veronique Prudhomme, trong suốt 11 năm phụ trách bộ phận thanh toán hóa đơn điều trị tại một bệnh viện công ở vùng Paris, đã chứng kiến muôn hình vạn trạng trường hợp lách luật, lạm dụng AME. Tất cả được bà kể lại trong cuốn sách « Sự thật về AME » để cho thấy một nước Pháp đã quá hào phóng, « rộng rãi » với người nhập cư bất hợp pháp. Tương tự là cuốn sách « Nhập cư, những sự thật mà họ giấu chúng ta » của Patrick Stefanini, người đã trải qua phần lớn sự nghiệp trong lĩnh vực nhập cư.

    Còn Le Figaro ngày 07/12/2020 trích dẫn ông Didier Leschi, giám đốc OFII - Cơ quan quản lý nhập cư và hội nhập của Pháp - theo đó Pháp cùng với Bỉ là hai nước duy nhất trên thế giới cấp thẻ cư trú dài hạn theo diện chăm sóc sức khỏe cho tất cả những người ngoại quốc chứng minh được họ không thể được điều trị ở đất nước họ kể cả khi ở đó có thuốc men. Nhờ quy định này, hiện có hơn 30.000 người nước ngoài ốm đau được cấp giấy phép cư trú tại Pháp và thẻ cư trú của họ còn được gia hạn chừng nào họ vẫn còn cần được chăm sóc.

    Điều đáng nói là họ được chi trả chi phí điều trị giống như chế độ người dân Pháp được hưởng, tức là nếu không có đủ thu nhập thì họ được điều trị miễn phí 100%. Đối với giám đốc OFII, người Pháp đóng thuế để cho người nhập cư bất hợp pháp và người nước ngoài hưởng lợi. Trong một phóng sự điều tra, Le Figaro cho biết nhiều bệnh viện ghi nhận số bệnh nhân đến từ một số quốc gia nhất định tăng nhanh chóng, chẳng hạn Gruzia, Albanie, trong khi những nước này có điều kiện y tế tương đối tốt.

    Nhiều bác sĩ cho rằng có đường dây phi pháp đưa người bệnh từ các nước sang Pháp chữa bệnh. Có nhiều người khai báo với bệnh viện là họ đột nhiên ngã bệnh trên máy bay, có người thì xuống máy bay là được chở thẳng đến bệnh viện cấp cứu, có « người quen » là đồng hương thông thạo tiếng Pháp và các quy định về trợ cấp y tế Nhà nước Pháp đi cùng để làm thủ tục với bệnh viện. Một kiểu thường gặp là người nước ngoài sang Pháp du lịch, khi visa du lịch hết hạn, họ không về nước mà trốn ở lại Pháp, 3 tháng sau họ xin AME.

    Ngoài việc được điều trị, chăm sóc miễn phí, có khi kéo dài vài năm, chẳng hạn điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo, tiêu tốn của Nhà nước Pháp có khi đến 700.000 euro/người, nhiều bệnh nhân còn xin hưởng chế độ trợ giúp xã hội, xin tị nạn, xin cấp thẻ cư trú dài hạn, rồi sau đó đón người thân đón theo diện đoàn tụ gia đình. Và theo quy định, chỉ cần một người có AME là vợ/chồng, con cái đều được hưởng chế độ. Trong vòng một năm, số người Gruzia xin tị nạn tại Pháp đã tăng 265%.

    Món nợ khó đòi của các bệnh viện

    Về phía các bệnh viện, nếu bệnh nhân được hưởng chế độ AME thì chi phí chữa trị cho bệnh nhân sẽ được Nhà nước hoàn trả theo hạn mức, nhưng đối với những bệnh nhân là người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Pháp và không có AME hoặc đang trong thời gian chờ cấp AME thì khi điều trị cho họ, bệnh viện không thu được lệ phí mà cũng không thể được Nhà nước hoàn tiền.

    Về mặt y đức, các bác sĩ đều chữa trị cho mọi bệnh nhân, nhưng về tài chính, những trường hợp như vậy tạo thành một « khoản nợ » mà bệnh viện công không thể thu hồi. Chẳng hạn, AP-HP, cơ quan quản lý 39 bệnh viện công ở vùng Ile-de-France, Paris và vùng phụ cận, mỗi năm mất 200 triệu euro do các khoản nợ không bao giờ được hoàn trả kiểu này. Riêng bệnh viện nơi tác giả cuốn sách « Sự thật về AME » làm việc, với 500 giường bệnh, trong năm 2016-2017, khoản tiền mà bệnh viện không thu hồi được từ người nhập cư trái phép lên tới 500.000 euro.  

    Tại một bệnh viện lớn đang trong tình trạng xuống cấp ở ngoại ô phía nam thủ đô Paris, một bác sĩ chuyên khoa ung thư nhận định người nước ngoài đến Pháp với hai niềm tin : trị bệnh ở Pháp là miễn phí và các bệnh viện ở Pháp chữa khỏi mọi loại bệnh tật. Chính vì thế, khi bệnh viện không thể chữa khỏi bệnh cho họ, họ có thể có những phản ứng rất mạnh.

    Có trường hợp bệnh nhân bị bệnh giai đoạn cuối, bệnh viện Pháp khuyên nên về nước để sống những ngày cuối đời bên người thân, nhưng người này từ chối dọa tự vẫn nếu bệnh viện không cho ở lại. Cuối cùng, để tránh mọi phiền phức bệnh viện đành chi tiền để người này được chăm sóc suốt vài năm tại một cơ y tế khác có chi phí phải chăng hơn cho đến khi ông qua đời.

    Một bác sĩ tại Grenoble hồi tưởng có một người nhập cư từ Trung Phi đến Pháp thông qua một hiệp hội nhân đạo để được điều trị SIDA vì bệnh đó không được điều trị trong nước. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị dị ứng thuốc nghiêm trọng. Dù bệnh viện tốn tới 300.000 euro điều trị nhưng bệnh nhân vẫn bị mù và thành tàn tật. Sau đó, người này đặt vấn đề nghi vấn về chất lượng chăm sóc y tế của bệnh viện và tiến hành thủ tục đòi bệnh viện bồi thường « tai nạn y khoa ». Và cuối cùng, bệnh nhân này đã nhận được khoản bồi thường vài chục nghìn euro.

    Trong bối cảnh hệ thống bệnh viện công của Pháp trong nhiều năm bị cắt giảm ngân sách, xuống cấp, thiếu nguồn tài chính để trả lương nhân viên, những khoản nợ kiểu này càng đẩy các cơ sở y tế công của Pháp vào cảnh khó khăn. Thế nhưng, có một nghịch lý là hồ sơ trợ cấp y tế Nhà nước cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị coi là rất nhạy cảm, giống như vấn để di dân, nhập cư nói chung tại Pháp. Những ý kiến đòi hạn chế trợ cấp, thắt chặt chế độ AME thường bị các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội nhân đạo chỉ trích.

    Tuy nhiên, theo một thăm dò ý kiến của báo thiên hữu Le Figaro, tính đến ngày 11/12, trong vòng 5 ngày, trong số hơn 194.500 người trả lời, 87,4% đồng ý là cần thắt chặt chế độ AME để hạn chế dòng người nhập cư trái phép vào Pháp.

    https://www.rfi.fr/vi

    Không có nhận xét nào