Khi một Tập đoàn là tư vấn chính thực hiện cả hai MDP và MDIRP, việc kế thừa sẽ không nhỏ. Nhắc lại lần trước là để góp ý cho lần này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân:
NHẮC LẠI PHẢN BIỆN MDP ĐỂ GÓP Ý VỚI MDIRP
Nguyễn Ngọc Trân [1]
Lý do nhắc lại
MDP là viết tắt của Mekong Delta Plan (Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long), một công trình mà Vương quốc Hà Lan giúp cho Chính phủ Việt Nam để phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. MDP hoàn tất và được trao cho phía Việt Nam năm 2013. Tập đoàn Royal HaskoningDKV được phía Hà Lan chọn để xây dựng MDP. Phía Việt Nam là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
MDIRP là viết tắt của Mekong Delta Integrated Regional Plan (Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long là một Dự án trong Tiểu Dự án 6 mà Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam. Bên A của Dự án là PMU của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bên B là tập đoàn Royal HaskoningDKV và GIZ.
Tập đoàn RHDKV là tư vấn chính thực hiện cả hai MDP và MDIRP. Việc kế thừa chắc chắn là không nhỏ. Đó là lý do tác giả “ôn cố”, nhắc lại góp ý phản biện MDP phiên bản 02, từ đó góp ý phản biện MDIRP lần này theo lời mời của Bộ KHvĐT.
GÓP Ý PHẢN BIỆN “KẾ HOẠCH CHÂU THỔ SÔNG MÊ-KÔNG” [2]
Mở đầu.
Bài tham luận này, ngoài nội dung phản biện Kế hoạch châu thổ sông Mêkong (phiên bản 02, ngày 17.11.2012, (MDP v.02)) theo thư mời của Ban Tổ chức Hội thảo, còn trình bày 8 vấn đề mà tác giả muốn chia sẻ với hội nghị, đặc biệt với các chuyên gia Hà Lan, để đi đến một phiên bản mới hoàn thiện hơn.
I. VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN
MDP đề xuất phương pháp luận được thể hiện qua Hình dưới đây.
Thay vì phát triển theo từng kế hoạch năm năm nối tiếp nhau như vẫn làm cho đến nay, MDP phóng tầm nhìn đến năm 2100 và từ đó quay trở lại xây dựng các kế hoạch ngăn hạn hướng tới tầm nhìn đó.
Nhìn xa để đầu tư đúng hướng
đã nhắm, tập trung nguồn lực, tránh tản mạn, tránh lãng phí, điều chỉnh kịp thời,
đó là mặt ưu của phương pháp.
Thực ra trong thời gian gần đây, trong các kế hoạch của các ngành, các tỉnh,
cũng đã xuất hiện cụm từ “tầm nhìn đến năm …”.
Kết quả của cách làm này có tốt hay không tùy thuộc vào ba yếu tố: (1) thời gian của tầm nhìn; (2) mức độ ổn định của đối tượng quy hoạch; (3) chất lượng của dự báo về đối tượng trong tầm nhìn đó. |
+ 100 năm so với nhịp điệu địa chất trong điều kiện bình thường thì không dài, thậm chí còn là ngắn. Tuy nhiên, châu thổ sông Mêkông là một châu thổ trẻ thì 100 năm trong trường hợp này không phải là ngắn.
+ So với nhịp độ của biến đổi khí hậu đang diễn ra và các hệ quả của nó trên phạm vi toàn cầu, khu vực và quốc gia, thì trong 100 năm sẽ có những biến đổi chưa thể lường hết được.
+ So với nhịp điệu của tiến bộ khoa học và công nghệ hiện nay và trong các thập niên tới, thì 100 năm là dài, thậm chí rất dài.
Vậy nên chọn thời gian của tầm nhìn như thế nào? Câu trả lời tùy thuộc vào sự lựa chọn của người làm quy hoạch và của những người ra quyết định: nhìn sự vật động hay tĩnh, và động với nhịp điệu nào, trong một thế giới ngày càng đối diện với nhiều bài toán toàn cầu đan xen nhau.
II. CÁC TÁC ĐỘNG LÊN CHÂU THỔ SÔNG MÊKÔNG
Mức độ ổn định của đối tượng quy hoạch tùy thuộc vào các tác động lên nó. Có ba cấp độ tác động.
Trên phạm vi toàn cầu, châu thổ sông Mêkông là một trong năm châu thổ bị uy hiếp nặng nề nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tháng 6.2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố mực nước biển dâng suốt dọc 3260 km bờ biển Việt Nam.
Tháng 6. 2012, mực nước biển dâng mới được Bộ công bố, lần này được làm nhuyễn ra 7 cung đoạn, trong đó liên quan đến châu thổ sông Mêkông có hai: từ Mũi Kê Gà đến Mũi Cà Mau và từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên, theo các kịch bản phát thải khí nhà kính, thấp, trung bình và cao.
Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) có nhận xét: Các nhà nghiên cứu về mô hình khí hậu quan tâm đến sự thay đổi của mực nước biển dâng “eustatic”, còn các nhà nghiên cứu về tác động (của biến đổi khí hậu) chú trọng đến sự biến động mực nước biển dâng tương đối.
Vấn đề cần làm rõ là mực nước biển dâng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là loại mực nước biển dâng nào. Câu hỏi này không kinh viện mà rất thực tế và công tác quy hoạch không thể không đặt ra.
Tác động ở cấp độ lưu vực.
Nằm ở tận cùng của lưu vực sông Mêkông, tiếp xúc với Biển Đông và Vịnh Thái Lan, châu thổ sông Mêkông hứng chịu hậu quả của việc sử dụng nước ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng nước, phù sa và tài nguyên thủy sản chảy vào châu thổ.
Phần lãnh thổ Việt Nam của châu thổ, mà chúng ta thường gọi là đồng bằng sông Cửu Long, nơi có gần 20 triệu người dân sinh sống, phải đối diện với thách thức này cùng một lúc với một thách thức khác đến từ phía biển.
Các tác động từ phía thượng nguồn là việc chuyển nước sông Mêkông ra khỏi lưu vực, là việc xây dựng các đập; là nạn mất rừng; là nhu cầu về nước tăng do tăng dân số và do phát triển sản xuất nông nghiệp trong lưu vực.
Chuyển nước sang lưu vực khác rất tai hại vì có thể ví như trích máu liên tục từ cơ thể một con người.
Xây dựng các đập trên dòng chính sẽ biến dòng chảy liên tục theo trọng lực thành dòng chảy bậc thang làm thay đổi lớn lao, không thể đảo ngược chế độ thủy văn và hệ sinh thái.
Các đập còn giữ lại một lượng trầm tích mà đáng lý ra được tải về châu thổ khiến cho dòng sông “đói trầm tích’ gây sạt lở bờ và đáy sông, và bờ biển.
Tác động từ phía biển là sóng, triều, dòng hải lưu, dòng chảy ven bờ; là xâm nhập mặn, ngập do nước biển dâng, và bão và áp thấp nhiệt đới, …
Hai loại tác động từ nguồn và từ biển không tách biệt nhau mà quyện vào nhau ngay tại châu thổ, hay nói khác đi, châu thổ chịu sự tác động kép từ phía nguồn và từ phía biển.
Mực nước biển dâng thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống [4]. Đó là MNBD tương đối trừ đi độ nâng cao bề mặt, từ phù sa hoặc từ nâng nền, cộng với độ sụt lún ở nơi đó.
Có hai loại sụt lún, sụt lún tự nhiên của mặt đất do quá trình nén dẽ, canh tác và sụt lún do con người, còn được gọi là sự sụt lún tăng tốc (accelerated subsidence), do khai thác nước ngầm và các khoáng sản khác, cũng như do xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, phát triển đô thị.
Đối với châu thổ sông Mêkong, rất cần biết mực nước biển dâng thực tế bởi lẽ nền đất ở đây rất yếu. Nó liên quan đến công tác quy hoạch, đến hiệu quả sử dụng ngân sách trong thời gian tới. [5]
Trong quản lý nhà nước, nhất thiết các Bộ, ngành và các địa phương phải sớm có sự phân công phối hợp để theo dõi và đánh giá sự sụt lún, cả tự nhiên lẫn tăng tốc, đặc biệt việc khai thác cát trên các sông Tiền và sông Hậu.
Các tác động tại chỗ
+ Khai thác cát dọc theo các sông.
Mất đi nguồn trầm tích do xây dựng đập ở thượng nguồn + sụt lún tự nhiên + khai thác nước ngầm quá mức + xây dựng quá nặng trên nền đất yếu + khai thác cát trên các sông không quản lý được sẽ làm trầm trọng hơn mực nước biển dâng.
Nếu tình huống này kéo dài, đối diện với biến đổi khí hậu nước biển dâng, châu thổ sông Mêkông đứng trước nguy cơ chìm dần.
+ Một tác động khác ở cấp độ châu thổ là việc mất rừng ngập mặn, tấm lá chắn xanh thiên nhiên bảo vệ bờ biển và một nôi đa dạng sinh học của đồng bằng. Chỉ cần so sánh ảnh vệ tinh vùng ven biển ở các thời điểm khác nhau sẽ thấy tốc độ mất rừng ngập mặn là đáng báo động trong ba thập kỷ qua và có một sự tương quan rõ giữa mất rừng ngập mặn với xói lở đường bờ biển.
+ Năng suất, diện tích canh tác và sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trong suốt hơn hai mươi năm qua là nhờ tăng từ một vụ, lên hai vụ và đang có xu thế lên ba vụ. Nhưng với đê bao để tăng vụ ba “ăn chắc”, đã xuất hiện tình trạng ngập sâu hơn, lũ rút chậm hơn ở nhiều nơi trong Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, làm thay đổi bức tranh ngập lũ ở các vùng trũng của đồng bằng.
Phát triển chỉ có thể bền vững khi khai thác tài nguyên không phá vỡ sức chịu đựng của môi trường và không làm cạn kiệt tài nguyên.
Như vậy, mức độ ổn định của châu thổ sông Mêkông tùy thuộc vào ba cấp độ tác động: toàn cầu, lưu vực và tại địa bàn. Những biến động xuất phát từ địa bàn có thể giảm thiểu nếu sự quản lý nhà nước sâu sát và được sự chia sẻ của cộng đồng. Còn có những bất định mà để giảm thiểu đòi hỏi có sự thống nhất vì quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Có những bất định do nguyên nhân toàn cầu, như biến đổi khí hậu, đòi hỏi các giải pháp toàn cầu.
Đây là điều mà công tác quy
hoạch cần nhận thức rõ và phải tính đến nhất là khi xác định tầm nhìn nên là
bao nhiêu năm.
III. VỀ BA TIỂU VÙNG CỦA CHÂU THỔ
MDP v.02 phân châu thổ ra ba tiểu vùng thượng, giữa và ven biển. Cách gọi của MDP mang tính không gian và thiếu chuẩn xác, bởi lẽ châu thổ sông Mekong (Mekong Delta) còn một phần không nhỏ trên lãnh thổ Cam-pu-chia. Gọi "upper delta" và "middle delta" là có phần tùy tiện về mặt khoa học.
Tháng 6.2008, tại hội thảo khoa học về biến đổi khí hậu tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, tác giả phân châu thổ ra ba vùng: tiểu vùng ưu thế sông, tiểu vùng giao thoa và cân bằng giữa sông và biển, và tiểu vùng ưu thế biển.
Cách gọi thứ hai của MDDRC [7] tuy có dài hơn, nhưng nói lên được thuộc tính nổi trội và đặc trưng cho tương quan giữa hai quá trình sông và biển tại mỗi vùng. Sự biến động của đường ranh giữa các tiểu vùng, theo hướng nào và đến đâu tùy thuộc vào mối tương quan này.
IV. ĐỀ ÁN HAY Ý TƯỞNG CŨNG PHẢI THUYẾT MINH CƠ SỞ TỐI THIỂU
Có nhiều công trình được đề
xuất trong phiên bản ban đầu, được thay thế trong v.01, rồi lại được thay thế
trong v.02, tháng 11.2012.
Rất khó góp ý khi có quá ít thông tin về các công trình này, và vì lý do gì
chúng được rút ra hoặc đưa vào trong các phiên bản nối tiếp nhau.
Ví dụ trong MDP v. 02. “dòng sông xanh” được rút ra; hai kênh chia lũ mới, các công trình kiểm soát lũ dọc sông Tiền, sông Hậu, kênh nối sông Tiền và sông Hậu, các đập ngăn các nhánh sông Mêkông trổ ra biển được đưa vào …
Thiết nghĩ cho dù là đề án đã bước đầu được nghiên cứu hay chỉ mới là ý tưởng, cũng cần thuyết minh và cung cấp cơ sở khoa học tối thiểu về tính khả thi của chúng để người đọc có thể phát biểu ý kiến.
V. VỊ TRÍ CỦA KHU VỰC THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TRONG MDP?
Hai hướng sử dụng đất trong quy hoạch châu thổ được MDP đề xuất ngay từ đầu là nền kinh tế dựa trên nông nghiệp và đa dạng hóa kinh tế.
Đa dạng hóa nền kinh tế nhưng sao lại chỉ có công nghiệp? Còn khu vực thương mại và dịch vụ?
Trong quy hoạch châu thổ nhất thiết phải có khu vực III của nền kinh tế bởi các lẽ:
|
Giao thông thủy bộ giữa Cần Thơ với Tp. Hồ Chí Giao thông thủy bộ giữa Cần Thơ với Tp. Hồ Chí Minh và Phnom Penh |
+ Đây là sức hút đối với hai khu vực I, khai thác tài nguyên, và II, công nghiệp chế biến và chế tạo;
+ Giao thông sông, biển ở
châu thổ rất thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long.
Rất tiếc nó đã bị sao nhãng trong hơn ba mươi năm qua. Cửa Định An không được nạo
vét nghiêm túc, hạn chế việc tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn vào cảng Cái
Cui ở Cần Thơ và các cảng biển khác ở đồng bằng qua luồng sông Hậu tự nhiên vốn
có
+ Đồng bằng sông Cửu Long là cửa ngỏ ra biển trực tiếp nhất của ASEAN đất liền.
VI. BÊN CẠNH PHÂN HỆ TỰ NHIÊN CÒN CÓ PHÂN HỆ KINH TẾ XÃ HỘI
MDP cần quan tâm đến hiện trạng
kinh tế xã hội bởi lẽ đồng bằng sông Cửu Long là một hệ thống với hai phân hệ tự
nhiên và kinh tế xã hội gắn kết với nhau và tác động lên nhau, và nếu đã gọi là
MDP thì không thể chỉ quy hoạch đất và nước.
Các tác động tại địa bàn lên đồng bằng, như đã thấy ở đoạn II qua ba ví dụ, cho
thấy tầm quan trọng của phân hệ kinh tế xã hội đối với tổng thể một châu thổ trẻ.
Hơn thế nữa, con người vừa là động lực vừa là mục tiêu phục vụ, đích mà phát triển phải nhắm đến.
MDP cần xem nguồn nhân lực như là một bộ phận cấu thành của quy hoạch và tính đến tình huống “di dân sinh thái” giữa các tiểu vùng, và ra ngoài châu thổ vì lý do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
VII. QUY HOẠCH TRONG BỐI CẢNH CÒN NHIỀU YẾU TỐ BẤT ĐỊNH
Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, theo tôi, quy hoach châu thổ sông Mêkông cần:
Chú trọng đến những biện pháp phi công trình
Đối diện với nhiều yếu tố bất định từ các tác động toàn cầu (biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa kinh tế và tự do hóa thương mại, …) và trong lưu vực, quy hoạch chỉ nên lựa chọn các giải pháp công trình mỗi khi đảm bảo tính khả thi, sự tồn tại lâu dài và họat động đạt hiệu quả cao. Sử dụng và ưu tiên lựa chọn các giải pháp công trình chuyển đổi được và các giải pháp phi công trình.
Điều quan trọng mà tác giả ghi nhận trong chuyến đi tham quan khảo sát ở Hà Lan tháng 10 năm 2010, là ở đất nước mà 27% diện tích thấp hơn mặt nước biển (và vì vậy nổi tiếng về công tác quản lý nước) đã có một sự chuyển biến trong nhận thức, từ chinh phục (chế ngự) thiên nhiên sang thích nghi với thiên nhiên: một hệ thống bảo vệ an toàn không có nghĩa chỉ có “xây dựng các công trình và duy tu bảo quản”. Bên cạnh các giải pháp công trình, còn có những biện pháp phi công trình.
Hà Lan mở ra “không gian cho các sông” (rooms for rivers) chứ không khống chế dòng chảy giữa các đê bằng mọi giá; mở ra không gian cho giao tiếp giữa đất liền và sông, biển. Không phải lúc nào, chỗ nào cũng là công trình. Nơi nào có lợi hơn, “giao diện mềm” thay cho “giao diện cứng" [8].
Trong tinh thần này, bên cạnh những công trình bắt buộc phải tăng cường, gia cố, một số polder đã thôi không được duy tu như trước đây với bất cứ giá nào, thậm chí được trả về với môi trường tự nhiên. (Các khoảng không gian này không bị bỏ hoang mà được khai thác phù hợp với quy luật tự nhiên và kinh tế xã hội, áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới).
Nhà nước Hà Lan đã thể chế hóa những chính sách mới này bằng “Spatial Planning Act” (Luật Quy hoạch không gian), “Flood Defense Act” (Luật bảo vệ chống lũ) quy định các chuẩn mà tổ chức và công dân phải tuân thủ.
Đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ
Công tác khoa học và công nghệ phục vụ cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một trong những nhiệm vụ cốt lõi để thực hiện Quyết định số 158/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 02/12/2008, thành lập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ có nhiệm vụ cung cấp cơ sở khoa học cho các dự báo, các quyết định ứng phó với các tình huống biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng.
Nhà nước cần quy định mọi quy hoạch, đặc biệt các quy hoạch vùng duyên hải và cận duyên, các dự án công trình đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước tại những địa bàn được dự báo có nhiều khả năng bị tổn thương, phải có đánh giá tác động môi trường được xây dựng nghiêm túc, phản biện khách quan, bảo đảm công trình tồn tại bền vững, và họat động đạt hiệu quả tổng hợp cao.
Mặt khác công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng các thành tựu công nghệ mới nên được định hướng vào tìm ra những giải pháp phi công trình để ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.[9]
Liên kết giữa các tỉnh trong ứng phó và phát triển
Ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn, các tỉnh ĐBSCL không thể đối diện riêng lẽ.
Tiềm năng kinh tế của ĐBSCL không phải là cộng số học tiềm năng của các tỉnh, thành phố trong địa bàn. Không liên kết chúng ta sẽ cạnh tranh nhau, tạo khe hở dẫn đến bị thiệt thòi trong giao thương với bên ngoài, bị mất cả thương hiệu, và còn có nguy cơ bị quy kết bán hàng “dõm”, bán phá giá.
Vấn đề kinh tế vùng, không chỉ có đồng bằng sông Cửu Long, đã chín muồi để được đặt vào chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước.
VIII. MÊKÔNG LÀ MỘT CON SÔNG QUỐC TẾ
Mêkông là một con sông quốc tế chảy qua nhiều quốc gia. Việt Nam là quốc gia cuối cùng ở hạ lưu vực.
Hiện nay đang có một nỗ lực quốc tế xây dựng những quy tắc về một dòng sông quốc tế. Tuy nhiên mâu thuẩn quyền lợi quốc gia khiến cho công việc còn gặp nhiều trở ngại.
Trong điều kiện đó và trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với việc sử dụng nước sông Mêkông ở thượng nguồn vì lợi ích chung của các nước trong lưu vực là một nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước.
Có ba vấn đề cụ thể cần thảo luận:
A. Các dự án chuyển nước phải được xem xét một cách thận trọng nhất. Các dự án xây dựng đập cũng vậy. Trong cả hai trường hợp, nhất thiết yêu cầu phải có báo cáo tác động môi trường đối với toàn bộ lưu vực.
B. Số liệu khí tượng thủy văn trong cả lưu vực sông Lancang-Mêkong cần được chia sẻ giữa các nước trong lưu vực, cũng như chế độ vận hành các đập vì cần cho việc quản lý tốt các rủi ro, các tình huống cực đoan trong lưu vực.
C. Việc khai thác nguồn nước nói chung của các nước thượng nguồn phải đi đôi với trách nhiệm về mọi biến động trong toàn bộ lưu vực mà việc khai thác này gây ra.
Lợi ích của một quốc gia trong lưu vực không thể tách rời lợi ích của các quốc gia khác trong lưu vực.
Hợp tác để cùng phát triển bền vững là cách ứng xử đúng đắn nhất.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân
CHÚ THÍCH:
[1]: Nguyên PCN UBKHvKT Nhà nước (1980-1992), nguyên Chủ nhiêm Chương trình cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng song Cửu Long” (1983-1990), Đại biểu Quốc hội (1992-2007)
[2]: Trình bày tại Hội thảo “Tham vấn lần thứ hai Kế hoạch Châu thổ sông Mê-kông”, Mỹ Tho, ngày 05/12/2012. Đã được trao cho GS.TS C.M.VEERMAN tại Hội thảo tham vấn
[3]: Theo tài iệu của Ủy hội sông Mêkông (MRC), trên dòng chính phía Trung Quốc đã và đang được xây dựng 8 đập, phía hạ lưu vực có 11 đập. Có tài liệu nói rõ ngoài các đập Mensong, Ganlanba, Jinghong, Nuozhadu, Dachaoshan, Manwan, Xiaowan, Gongguoqiao trên bản đồ của MRC, còn có 13 đập khác là Miaowei, Huangdeng, Tuoba, Lidi, Wunonglong, Jiabi, Gushui, Guxue, Rumei, Kamadu, Jinhe, Ruyi và Guoduo.
[4]: J.P. Ericson, C.J. Vorosmarty, S.L. Dingman, L.G. Ward, M. Meybaeck. Effective sea-level rise and deltas: Causes of change and human implications. Global and Planetary Change, vol. 50, Issues 1-2, p.63-82, 02.2006.
[5]: Nguyễn Ngọc Trân, Rất cần biết mực nước biển dâng thực tế, Báo ĐBND, số 221, 8.8.2012.
[6]: Nguyễn Ngọc Trân, Ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng. Một số nhiệm vụ cần triển khai, Hội nghị khoa học do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, 26/6/2008.
[7]: MDDRC: Mekong Delta Development Research Centre, tên tiếng Anh của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đồng băng sông Cửu Long, tiếp nối Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long.
[8]: Nguyễn Ngọc Trân, Ghi nhận về Hà Lan ứng phó với biển đổi khí hậu, http://www.monre.gov.vn/v35/uploaded/4/13939_ghinhan_halan-bdkh.pdf
[9]: Xem chi tiết trong Nguyễn Ngọc Trân, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, tham luận tại Hội thảo khoa học và công nghệ hướng tới diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Cà Mau, 15.09.2011.
https://baodatviet.vn/
Không có nhận xét nào