Hình minh hoạ. Đại diện thương mại EU Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan Radu Oprea và Bộ trưởng Công thương VN Trần Tuấn Anh tại lễ ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019
Hiệp định Tự do Thương mại EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu - EU chính thức được ký kết ngày 30/6/2019, bắt đầu có hiệu lực ngày 1/8/2020.
EVFTA được đánh giá là hiệp định toàn diện, chất lượng, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO mà Việt Nam đã là một thành viên từ năm 1995.
Đến ngày 15/11/2020, tại hội nghị cấp cao ASEAN 37 ở Hà Nội, Việt Nam ký kết RCEP Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực.
RCEP là hiệp định giao thương tự do lớn nhất thế giới do Trung Quốc hậu thuẫn, bao gồm 10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Australia và New Zealand, với GDP toàn bộ 15 nước hơn 26 nghìn tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn thế giới, chưa kể bao phủ 1/3 dân số toàn cầu.
Trước đó, ngày 11/12/2020, Việt Nam cũng đã ký vào bản kết thúc đàm phán với Anh Quốc, bước cần thiết để tiến đến Hiệp Định Thương Mại Tư Do UKVFTA sắp tới.
Theo các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà nghiên cứu độc lập, đáng giá nhất đối với Việt Nam cuối 2020 bước sang 2021 vẫn là EVFTA rồi đến RCEP.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia về giá cả thị trường, cho rằng nhờ EVFTA mà hơn một năm qua Việt Nam đã có thể đa dạng hóa thị trường bên ngoài thay vì chỉ tập trung vào Mỹ là điểm đến lớn nhất mà đã nảy sinh vấn đề cán cân thương mại đôi bên.
“Việt Nam còn vướng “đèn vàng” về đánh bắt thủy sản, nên tôi cho rằng năm vừa rồi cũng chưa chứng minh được gì nhiều. Cho đến khi thị trường Châu Âu quay trở lại trạng thái bình thường khi dịch bệnh qua đi. EVFTA mới phát huy được hết tác dụng”.
Về hiệp ước quan trọng thứ nhì RCEP vừa ký, mà theo chuyên gia Vũ Đình Ánh Việt Nam gần như đã có tất cả những cam kết song phương và đa phương với các đối tác trong đó, kể cả ASEAN:
“Nên đấy là hiệp định mà tôi cho rằng đã lường trước được những thuận lợi cũng như những khó khăn. Đặc biệt các thị trường trong RCEP không có gì là quá mới mẻ đối với Việt Nam”
“Việt Nam đã mở ra với Châu Âu, mặt khác là mở ra với RCEP mà người chơi chính ở đây là Trung Quốc, nên hy vọng của năm 2021 là cân bằng về mặt thương mại cũng như địa chính trị liên quan. Chắc chắn khi tham gia một thị trường rất lớn sẽ giúp Việt Nam cân bằng cái kinh tế đối ngoại, giảm thiểu rủi ro trong cạnh tranh do độ mở kinh tế của Việt Nam đang quá lớn”.
Từ một nền kinh tế đầy rủi ro đến WTO rồi 2 thương ước hàng đầu EVFTA và RCEP, thì hội nhập là từ khóa, là động lực cho Việt Nam vươn mình ra thế giới suốt năm 2020 và năm 2021 sắp đến.
Đó là nhận định của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường Chính Sách Công & Quản Lý Fulbright thuộc Đại Học Fulbright Việt Nam:
“Thực tế Việt Nam có được ngày hôm nay một phần rất lớn là nhờ chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ hai, EVFTA và RCEP cũng không nằm ngoài chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mà bắt đầu là từ Luật Đầu Tư Nước Ngoài năm 1988 tức hơn 30 năm nay rồi”
“Khi Việt Nam mở cửa, không những hội nhập mà hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, thì tất cả những biến động, những cú sốc của nền kinh tế bên ngoài đều tác động ngay lập tức, mạnh mẽ và sâu sắc đến Việt Nam. Covid-19 là thí dụ điển hình”
Thách thức thứ hai, đành rằng EVFTA hay RCEP là ngoại lực quan trọng, tiến sĩ Vũ Thanh Tự Anh nhấn mạnh, thế nhưng nội lực mới là vấn đề then chốt để kinh tế phát triển:
“Chúng ta luôn cần ngoại lực để tiếp thêm nhu cầu thị trường, tiếp thêm dòng vốn FDI, một cách tổng quát hơn là tiếp thêm năng lượng cho nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, nếu nội lực không được cải thiện một cách tương ứng thì cơ hội sẽ chuyển thành thách thức. Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, đồng thời cũng có thể thua ngay trên sân nhà”
“Cái sân chơi toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam phải tự nâng mình lên mới có thể vượt qua hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm khắc. Ngắn hạn thì đây là thách thức, dài hạn thì đây là cơ hội”.
Về Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP, tiến sĩ Vũ Thanh Tự Anh nhắc rằng đây là hiệp định thương mại đa phương, cuộc chơi chung với nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia …Vì thế không quốc gia nào có thể chi phối một quốc nào:
“Nhiều người còn lo ngại là có thể hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, làm cho các doanh nghiệp Việt Nam đối đầu không kịp”
“Thực ra lập luận này không xa lạ ở Việt Nam. Khi ký BTA với Mỹ chúng ta cũng gặp những bình luận tương tự. Lo ngại là chính đáng, nhưng nhìn lại chính những thách thức đấy là động lực, nền tảvà cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên”.
Nếu không tự khẳng định mình được trước cạnh tranh, Việt Nam không thể nào vươn tới được đẳng cấp quốc tế. Đây là thách thức trước mắt của kinh tế Việt Nam với RCEP bước qua năm 2021, cảnh báo của chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh.
Về phần nhà nghiên cứu Đông Nam Á, chuyên gia về Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hơn 90% các loại thuế xuất khẩu được bải bỏ là quyền lợi, song cũng đừng quên những yêu cầu ngoài vấn đề mua bán mà Việt Nam phải thực hiện một khi đã gia nhập EVFTA:
“EVFTA dựa trên nền tảng quyền lao động và nhân quyền, trên tình hình thực thi các bộ Luật và các Công Ước của Liên Hiệp Quốc về lao động ILO.Tức là Công Ước phổ quát về nhân quyền phải được thực thi ở Việt Nam”
“Cho đến cuối năm nay thì gần như không xảy ra cái gì có lợi cho Việt Nam cả bởi vì đại dịch. Sang năm cũng sẽ ít, có lẽ phải vài năm nữa mới phát huy được những tác dụng tốt vừa nói.”
Cũng không có áp lực trong chuyện Việt Nam ký vào hiệp định đa phương RCEP, vẫn lời nghiên cứu gia Hà Hoàng Hợp:
“Mặc dù Trung Quốc đề xuất cơ chế này, nhưng mà Nhật Bản và Nam Hàn, Úc sẽ không để Trung Quốc lũng đoạn khối này đâu. Các nước trong ASEAN, cụ thể là Việt Nam mình, cũng không để cho Trung Quốc dẫn đát khối này. Nên là mấy cái nhận định vừa rồi, sau khi đã ký cái RCEP này, đều mang tính chất võ đoán. Có lợi cho Việt Nam không thì mình xét sau, nhưng có hại cho Việt Nam thì khẳng định RCEP này không”.
“Và tới đây nữa thì Việt Nam sẽ ký tiếp các FTA với Nhật, Úc, Nam Hàn, New Zealand. Đó sẽ là bước hỗ trợ để RCEP thoát khỏi bất kỳ ảnh hưởng nào gọi là lớn từ phía Bắc Kinh. Đây là cái nhận xét cân bằng nhất, được nghiên cứu từ rất lâu rồi chứ không phải bây giờ mới nghiên cứu”.
Doanh nhân, cũng là chuyên gia ngành may mặc và da giày xuất khẩu, ông Diệp Thành Kiệt, chưa thấy rõ tác động của EVFTA trong năm 2020:
“Trước EVFTA thì Việt Nam đã hưởng GSP, nói cho dễ hiểu là ưu đãi thuế quan, do đó mức khác biệt về thuế cũng không phải là quá lớn. Với 2021, do thế giới đã có vắc xin và giảm được dịch, EVFTA sẽ phát huy được tác dụng tốt, tạo được cú hic đúng nghĩa. Thí dụ ngành da giày xuất qua EU, trước đây tốc độ phát triển chỉ khoảng 6-8%. Năm 2021 chúng tôi đã tính có thể tăng trên 10%”
“Với RCEP nhìn chung nó tạo một mối thống nhất, thủ tục hành chánh giảm. Nếu biết đa dạng hóa, nếu biết cạnh tranh thì đây sẽ là lợi thế”
“Các Hiệp Định Thương Mại như cánh cửa mở ra xa lộ, kết nối giữa chúng ta với các thị trường đến. Tuy nhiên nếu phương tiện sử dụng để đi trên xa lộ đó không đẹp, nếu đi trên xa lộ đó bằng những chiếc xe cũ chạy với tốc độ thấp thì còn lâu mới tới điểm đến mà chúng ta mong muốn”.
Tính đến lúc này, Việt Nam có 13 hiệp định FTA đang có hiệu lực và là quốc gia nằm trong nhóm các nền kinh tế có nhiều mậu dịch tự do nhất trong khu vực và trên thế giới.
https://www.rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào