Nguồn hình ảnh, Dave Meurer
Trong suốt hơn một trăm năm qua, dòng sông Klamath thuộc hàng quan trọng nhất cho cá hồi ở Mỹ bị những con đập chặn lại dòng di chuyển.
"Truyền qua bao đời, thế hệ của ông tôi, bà tôi, ông bà cố của tôi, và chắc chắn cả ông bà cố của ông bà cố tôi đều là ngư dân. Đánh bắt cá nuôi sống gia đình là tất cả những công việc hàng ngày của họ. Chúng tôi chỉ biết đánh bắt cá mà chưa bao giờ biết đến một cuộc sống khác," Amy Cordalis, cố vấn pháp lý của Yurok và là thành viên của bộ lạc bản địa lớn nhất California, nói.
Thật khó để nói về mức độ quan trọng của nghề cá đối với những người Yurok đã sống hàng thiên niên kỷ ở vùng nông thôn Bắc California.
Tuy nhiên, sinh kế này đã giảm dần trong nhiều thập kỷ sau khi sông Klamath vốn chảy qua lãnh thổ của bộ lạc bị chặn để xây đập thủy điện.
Nhưng giờ đây, sau nhiều năm đàm phán căng thẳng, vận may của Yurok có thể sẽ đến, với việc dự án dỡ bỏ con đập lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã được bật đèn xanh.
Mặc dù lớn lên ở Ashland, bang Oregon, song Cordalis vẫn thường đến thăm Requa, một ngôi làng nhỏ gần cửa sông Klamath ở phía bắc bang California, để gặp gỡ gia đình, tham dự các buổi lễ của bộ lạc - và để câu cá.
Cha cô - "một ngư dân Yurok lão luyện" - có bốn con gái một con trai, và ông đã dạy các con cách câu cá.
"Hồi tôi mới lớn, vẫn còn đó những đợt cá hồi di cư," cô nhớ lại. "Vào những đêm đẹp trời, bạn có thể bắt được tới cả một hai trăm con là thường. Chúng tôi rất thích những lúc như thế. Nó khiến bạn cảm thấy mình là một người Yurok giỏi giang: bạn đang làm đúng những gì mà tạo hóa ban cho bạn. Bạn mang cá về, chất đầy nhà hun khói và tủ đông của mình mà vẫn còn để chia cho bà, cho cô dì của bạn, cho anh em họ của bạn nữa - với tất cả những người bạn quan tâm, bạn có thể biếu họ cá để ăn."
Amy Cordalis, cố vấn pháp lý của Bộ lạc Yurok, được cha dạy cách câu mà vẫn bảo tồn được cá hồi - một kỹ năng gia truyền kế thừa từ đời này qua đời khác trong dòng họ
Cordalis cho biết do có tiền bán cá nên họ không cần chính quyền cấp tiền mua đồng phục đi học cho trẻ em, mua tủ lạnh hoặc ô tô cũ. Nói tóm lại, câu cá là một nguồn thu nhập có giá trị tốt tại vùng bảo tồn có thu nhập trung bình chỉ vào khoảng 11.000 đô la Mỹ một năm.
Ngày nay, trải nghiệm đánh bắt cá không được như xưa, cô nói. Việc dựa trên tất cả các kinh nghiệm và kỹ năng được truyền lại qua nhiều thế hệ không còn được sử dụng nữa, bởi vì khi cô xuống sông cùng ba cậu con trai, thì "ở đó đâu có còn cá nữa".
"Nó giống như sự tan vỡ trong cách sống của chúng ta. Đó là sự thất bại của cách chúng ta dạy dỗ con cái," Cordalis nói. "Đó là sự sụp đổ trong mối tương tác với môi trường tự nhiên, bởi chẳng còn cá nữa."
Nghiên cứu đã chỉ ra điều này.
Nguy cơ tuyệt diệt cá hồi
Sông Klamath từng là quê nhà của loài cá hồi lớn thứ ba trên đất Mỹ - cá hồi trưởng thành sẽ bơi ngược dòng, tìm về về dòng sông quê hương để đẻ trứng. Giờ đây, lượng cá trở về chỉ bằng một phần nhỏ so với trước kia.
Một trong năm loài cá hồi Thái Bình Dương, cá hồi chinook di cư vào mùa xuân, trước đây từng có hàng trăm nghìn con, giờ đã gần như bị xóa sổ: năm ngoái chưa đến 700 con trở về.
Một loài khác, cá hồi coho, thân dài từ 60cm đến 76cm, có thể nặng đến trên 5kg khi trưởng thành, đã bị coi là "có nguy cơ tuyệt chủng" theo Đạo luật về Các loài Khẩn nguy của Hoa Kỳ.
Các con đập xây dựng trên sông Klamath được xác định là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cá hồi sụt giảm.
Tổng số có tám đập thủy điện được xây chắn trên sông từ đầu thập niên 1900 cho đến 1962. Sự hiện diện của chúng tạo ra những thay đổi rõ rệt trong quần thể cá hồi trên Klamath và các nơi khác.
"Bất cứ khi nào bạn xây một con đập trên sông thì điều đó luôn có những tác động khủng khiếp: nó chặt đứt dòng chảy thành hai phần tách biệt hoàn toàn," Michael Belchik, nhà sinh vật học ngư nghiệp cao cấp của bộ tộc Yurok và là thành viên bộ tộc đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong việc phục hồi nguồn cá, giải thích.
"Sông mang theo nhiều thứ khác ngoài nước. Không chỉ có nước chảy xuôi, cá bơi ngược dòng mà thôi: trong dòng chảy của sông còn có cả chất dinh dưỡng, phù sa và các sinh vật khác nữa."
Cordalis, người thường câu cá cùng cha và chị gái trên sông Klamath, đã tận mắt chứng kiến số lượng cá hồi trên sông biến động so với hồi cô còn nhỏ
Không có lượng phù sa màu mỡ trôi xuống, môi trường sinh thái hạ lưu sông bên dưới các con đập sẽ bị tiêu tán, chỉ còn lại những tảng đá lớn nơi đáy sông.
Những tảng đá này là địa bàn lý tưởng để loài giun lông, còn được gọi là giun tơ, bám vào. "Thông thường, những dịch chuyển dưới đáy sông ngăn không cho các đàn giun ăn bám này xâm chiếm từng vài cm vuông đáy sông," Belchik cho biết. Nhưng giờ đây, "bọn giun này lấn chiếm mọi chỗ".
Mặc dù bản thân chúng không gây hại, nhưng giun lông là vật chủ thứ cấp của C. Shasta, một loại ký sinh trùng đặc biệt dễ làm tổn thương đến cá hồi chinook non.
Belchik nói rằng con đập nằm thấp nhất phía hạ lưu sông Klamath - Đập Cổng Sắt - đã khiến cho C. Shasta sinh sôi nảy nở ngập tràn. Những con cá hồi không đến được trại ươm - cơ sở sinh sản nhân tạo - cho nên sẽ đẻ trứng ngay bên dưới đập. Nhiều cá hồi con tập trung ở gần đập dễ bị nhiễm ký sinh trùng.
"Những nguyên nhân này khiến việc kiểm soát bệnh dịch của chúng tôi trở nên vuột khỏi tầm tay, dịch bệnh hoành hành dẫn tới xóa sổ 80 hoặc 90% lượng cá về nơi đây," Belchik nói.
"Cứ khi nào mà cá chỉ có sự đa dạng gene rất hạn chế và chỉ có một khu vực địa lý sinh sống hạn hẹp thì điều đó đồng nghĩa với việc thảm họa sẽ xảy ra, hoặc dưới dạng cá bị bệnh dịch, hoặc dưới dạng bị lũ lụt."
Các hồ chứa phía sau các con đập cũng là nguyên nhân gây ra sự tích tụ đáng kể của tảo độc - chúng phát triển mạnh trong vùng nước tù đọng giàu chất dinh dưỡng và ấm. Với số lượng đủ lớn, nó sẽ có hại cho sức khỏe con người.
Vào mùa thu, nước có chứa tảo độc được giải phóng và chảy xuống hạ lưu, hướng tới cửa sông Klamath, nơi có khu bảo tồn Yurok.
"Chúng tôi vừa nhận được thông báo thường niên cho năm nay, cho biết nồng độ microcystin và tảo lục lam trong nước sông hiện đang ở mức độc hại cho sức khỏe," Frankie Myers, phó chủ tịch bộ lạc Yurok cho biết.
Tảo độc tích tụ không chỉ làm cho việc đánh bắt cá trở thành công việc độc hại.
"Có những hoạt động văn hóa và tín ngưỡng tâm linh nay chúng tôi không thể làm mà không gây rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của mọi người," ông giải thích. "Những địa điểm chúng tôi tới cầu nguyện, nơi chúng tôi chữa bệnh, nơi chúng tôi chế biến dược liệu, tình trạng ô nhiễm ở những nơi đó khiến cho người ta thấy phát ốm. Điều đó tạo tác động tâm lý lên các cộng đồng chúng tôi."
Phá bỏ các con đập
Giải pháp mà Yurok và liên minh các bộ lạc khác cùng các tổ chức môi trường ủng hộ từ lâu là dỡ bỏ bốn trong số tám đập phía hạ lưu sông Klamath.
Nguồn hình ảnh, Dave Meurer
Chụp lại hình ảnh,
Đập Cổng Sắt (Iron Gate Dam), có chiều cao 53m, là con đập lớn nhất trên sông Klamath sẽ bị phá bỏ
Sau các cuộc đàm phán khó khăn, PacifiCorp (công ty vận hành các đập này) và 40 bên liên quan, bao gồm các bộ lạc và chính quyền bang California, đã ký kết được một thỏa thuận vào năm 2010.
Theo Klamath River Renewal Corporation, tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ giám sát việc dỡ bỏ đập, việc phá đi đồng thời bốn con đập với tổng chiều cao 411 bộ (125m) khiến đây trở thành dự án dỡ bỏ đập lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Đây cũng được coi là dự án có chi phí đắt nhất, lên tới gần 450 triệu đô la.
Kết quả sẽ là 400 dặm dòng chảy của sông được khôi phục trở lại thành môi trường sống cho cá hồi và các loài di cư khác như cá hồi vân và cá mút đá Thái Bình Dương.
Belchik cho biết việc mở lại các bãi đẻ trứng mà trước đây cá không thể tiếp cận sẽ cho phép đa dạng di truyền hơn và mật độ cá bớt đông đúc hơn, nhờ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
"Tôi đã dành cả sự nghiệp đời mình để giúp xây dựng các dự án phục hồi coh nhiều loại cá khác nhau," Belchik nói. Nói về hiệu quả thì "[các dự án] khôi phục không gian di chuyển luôn cho kết quả tức thì và thành công nhất".
Bằng cách kết nối các suối và các nhánh nước lạnh với nhánh chính của sông Klamath, Belchik cho biết nhiệt độ nước của sông nói chung sẽ giảm xuống.
Điều này không chỉ cải thiện chất lượng nước (nhiệt độ thấp hơn làm giảm nguy cơ tảo nở hoa, do đó làm tăng oxy hòa tan và cải thiện mức độ pH); nó cũng sẽ có lợi cho bọn cá hồi, bởi lũ cá con mà chúng sinh ra khi di cư tới những khúc sông này sẽ được hưởng dòng nước mát hơn, trong lúc môi trường nước ấm sẽ khiến chúng dễ bị mắc dịch bệnh hơn.
Việc dòng nước trở nên mát hơn nhờ vào tuyết tan sẽ giúp lũ cá đối phó tối hơn với tình trạng biến đổi khí hậu. Và việc phù sa trở lại lắng đọng tự nhiên cùng một lớp đáy sông mới được tạo ra từ lượng phù sa này sẽ làm giảm đi đáng kể môi trường sống của giun lông, loài mang theo ký sinh trùng C. Shasta làm chết cá hồi.
Khôi phục nguồn cá
Với hơn 1.700 con đập đã bị dỡ bỏ ở Mỹ - trong đó có 90 con đập hồi năm ngoái, theo cơ sở dữ liệu của American Rivers (Tổ chức quản lý và bảo vệ sông ngòi của Mỹ) - ngày càng có nhiều ví dụ minh họa những lợi ích đối với hệ sinh thái, đặc biệt là đối với quần thể cá bị bệnh.
Việc loại bỏ hai đập nhỏ và cải thiện dòng chảy làm nơi di chuyển cho cá trên sông Penobscot ở Maine, được hoàn thành vào năm 2016, đã khôi phục 2.000 dặm môi trường sống cho cá hồi Đại Tây Dương và các loài khác, đổi lại là sản lượng điện bị mất đi do việc phá đập được bù lại từ các con đập khác.
Dự án đã dẫn đến sự phục hồi về số lượng cá hồi quay trở lại đẻ trứng: năm nay có 1.426 con cá hồi quay trở lại, so với chỉ 248 con vào năm 2014.
Các loài cá di cư khác cũng được hưởng lợi: cá trích Mỹ (alewife) và cá trích lưng xanh đã tăng lên 1,9 triệu con so với chỉ 2.000 con vào năm 2011.
Tại Vườn Quốc gia Olympic ở bang Washington, việc dỡ bỏ hai đập lớn trên sông Elwha đã được hoàn thành vào năm 2014, khôi phục 75% môi trường sinh sản không thể tiếp cận trước đây.
Người ta chỉ phát hiện ra có hơn 1.600 cá hồi chinook đỏ bơi về đẻ trứng ở phía thượng nguồn con đập thứ hai hồi năm 2018 - có những dấu hiệu đáng mừng cho thấy cá hồi chinook đang quay trở lại nơi quen thuộc này.
Trong cùng một khu vực, cá hồi coho non đã tăng từ 9.000 con năm 2014 lên 17.000 con vào năm 2017.
Nhưng có lẽ cá hồi vân di cư sinh sản vào mùa hè mới là loài gây ấn tượng mạnh nhất.
Trên sông Elwha, số lượng cá hồi đã được cải thiện đáng kể kể từ khi dỡ bỏ hai con đập lớn
"Trước khi tiến hành các cuộc lặn khảo sát việc loại bỏ đập ở hạ lưu sông Elwha (2009-11), hầu như người ta chỉ nhìn thấy độ một vài con cá hồi vân trong mùa hè," nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về cá, Sarah Morley, và các đồng nghiệp tại NOAA (Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ) viết trong bài báo ra hồi tháng 5/2019.
"Nghiên cứu của Sonar ước tính số lượng cá mùa hè 2018 đã có ít nhất là 300 con. Giống như loài phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn, những con cá hồi vân đã trở lại dòng sông quê hương vào mùa hè."
Tạo tiền lệ
Việc loại bỏ các đập lớn như đập trên sông Klamath là chuyện phức tạp. Trong các kế hoạch của Klamath River Renewal Corporation, đầu tiên sẽ là việc rút mực nước xuống đằng sau mỗi bức tường của con đập. Tiếp theo là việc phá dỡ - phần lớn thông qua khoan và nổ mìn, rồi dùng xe tải hốt bỏ đống đổ nát.
Phần đáy hồ mới lộ ra sẽ được rải lớp mùn và hạt giống bản địa lên trên. Điều này không chỉ giúp khôi phục môi trường sống về trạng thái tự nhiên: cả hai đều là yếu tố rất quan trọng để giảm lượng trầm tích trôi mất ra biển.
Trong các thử nghiệm được thực hiện bởi Ellen Mussman và những người khác trước khi di dời đập Elwha, thảm thực vật đã giúp giảm xói mòn 33%, trong khi lớp mùn phủ lên trên giúp giảm 99%. Các nhà nghiên cứu kết luận cùng nhau, đây có thể là một phương tiện hiệu quả cao để ngăn chặn xói mòn.
Và mặc dù có vẻ như ngược đời khi một công ty điện lực lại ủng hộ việc dỡ bỏ đập, nhưng điều này thực sự mang lại lợi ích kinh doanh tốt cho PacifiCorp.
Đó là do để gia hạn giấy phép hoạt động cho các đập này, các khách hàng của công ty sẽ phải chi trả khoảng 400 triệu đô la để nâng cấp đập, nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu pháp luật (bao gồm việc xây dựng các âu thuyền rất tốn kém tại mỗi con đập để không làm gián đoạn hành trình di cư của cá).
Loại bỏ các con đập là một lựa chọn ít tốn kém hơn: theo Thỏa thuận Xử lý Thủy điện Klamath (KHSA), khách hàng sẽ chỉ phải trả 200 triệu đô la, còn 250 triệu đô la sẽ do chính quyền bang California trả.
Việc phá bỏ đập đã được Ủy ban Công ích của cả bang Oregon, nơi sông Klamath khởi nguồn, và California hậu thuẫn, vì lợi ích của khách hàng.
Bob Gravely, giám đốc kinh doanh khu vực của Pacific Power (công ty con của PacifiCorp quản lý các đập) nói rằng việc dỡ bỏ đập "sẽ đem đến kết quả tốt hơn cho khách hàng".
Nhìn chung, sẽ chỉ thiệt hại chút ít về mặt sản xuất năng lượng tái tạo: các con đập chiếm chưa đến 8% công suất phát điện tái tạo hiện tại là 2.208 MW của PacfiCorp và tính đến tháng 7/2020, 1.190 MW công suất tái tạo khác đang được xây dựng. Công trình này dự đoán sẽ có thêm 3.743MW năng lượng tái tạo được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2023.
"Tôi nghĩ rằng một trong những phần tuyệt nhất của toàn bộ dự án này là chúng tôi đang thiết lập một tiền lệ để thế giới noi theo," Cordalis nói.
"Tôi nghĩ cách tiếp cận là cũng làm việc với công ty, với các bang, với các bộ lạc, với các nhà bảo vệ môi trường, để đạt được một thỏa thuận cho phép dỡ bỏ những con đập này cho các bộ lạc và các công dân Mỹ được hưởng lợi từ việc phục hồi dòng sông theo một cách ít tốn kém hơn so với việc tái cấp phép cho các con đập - đó thực sự là một mô hình về cách bạn có thể tiếp cận việc hồi sinh dòng sông một cách bền vững trên toàn thế giới."
Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Vào ngày 17/11/2020, một thỏa thuận mới đã được ký kết giữa PacifiCorp với người Yurok và các bên liên quan về kế hoạch dỡ bỏ các con đập. Nếu như được các nhà quản lý cấp liên bang phê chuẩn thì dự án sẽ bắt đầu được khởi động vào năm 2022, và việc phá đập sẽ được triển khai vào năm 2023.
"Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu là có một bộ lạc bản địa và một nền văn hóa đang bị đe dọa," Myers nói.
"Tôi nghĩ rằng việc đàm phán nhằm dỡ bỏ các con đập này diễn ra nhanh chóng là nhằm để dỡ bỏ những con đập đang gây hại cho sinh thái, để khôi phục nguồn cá hồi, và cũng vì bởi nhằm sửa sai những gì đã xảy ra trên đất nước này trong suốt 150, 200 năm qua, sửa lại những điều sai trái đã gây hại cho người Mỹ bản địa."
Với Yurok, Myers nói rằng các con đập này được coi là "tượng đài của chủ nghĩa thực dân", và so sánh chúng với bức tượng tướng lĩnh Liên minh miền Nam.
"Những con đập này tượng trưng cho cuộc chiến mà chúng tôi đã chiến đấu ở đây, trên sông Klamath. Và chúng đã phá hủy dòng sông, cảnh quan, văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi phải đối phó với những con đập mỗi ngày."
Đáp lại điều này, Gravely từ Pacific Power's cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng được trở thành một phần của thỏa thuận dàn xếp cho phép mong muốn của các bộ lạc quanh lưu vực sông Klamath và những bên khác, liên quan tới việc dỡ bỏ đập để hướng tới tương lai", trong lúc đảm bảo cung ứng cho khách hàng sử dụng điện ở sáu tiểu bang.
Myer nói rằng hiệp ước được đàm phán giữa Yurok và chính phủ liên bang vào thời thập niên 1850 đã hạn chế quyền bảo lưu của bộ lạc để đổi lấy một mức sống tốt lâu dài.
Theo ông, mặc dù chính phủ liên bang đã không thể thực hiện được hết thỏa thuận, nhưng việc dỡ bỏ đập sẽ đưa mục tiêu đó đến gần hơn.
Dự đoán sự trở lại của những đàn cá khỏe mạnh, bộ lạc đã xây dựng một nhà máy thu hoạch chế biến cá hồi - cả để đánh bắt thương mại và tự cung tự cấp tại chỗ - được thực hiện bền vững, giống như người Yurok đã làm trong hàng ngàn năm qua.
"Chúng tôi đã tồn tại được từ các nguồn tài nguyên của con sông và sống cộng sinh với nó từ thời xa xưa," Cordalis cho biết.
"Câu chuyện sáng thế của chúng tôi kể về cách mà đấng tạo hóa sinh ra dòng sông, đất đai, động vật, thực vật, sau đó sinh ra con người và nói với con người rằng: 'Tất cả mọi điều có sẵn nơi đây là dành cho ngươi, và ngươi sẽ không cần thêm bất cứ thứ gì, miễn là ngươi sống một cách cân bằng thuận thảo với tự nhiên, miễn là ngươi không lấy đi từ thiên nhiên nhiều hơn những gì ngươi cần để nuôi sống gia đình mình.' Đức tin căn bản, cội nguồn đó chỉ cho ta biết cách chung sống với dòng sông, với tất cả tài nguyên của nó và với thế giới tự nhiên."
Trong khi các con đập ngày càng đe dọa sự cộng sinh này, việc loại bỏ chúng sẽ một lần nữa tạo điều kiện cho mối liên hệ cổ xưa giữa người Yurok và sông Klamath phát triển trở lại.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-55161205
Không có nhận xét nào