Header Ads

  • Breaking News

    Cuộc phỏng vấn của báo Tri-Tân: Ông Nhượng Tống với Việt Nam Quốc Dân Đảng

     

    Trả lời phỏng vấn

    Tháng Chín năm ngoái, khi làm được cho cuốn tiểu thuyết Lan Hữu quay trở lại, tôi đã biết kể từ đó sẽ phải thực hiện nhiều tìm kiếm vào các ngóc ngách, để thực sự biết về Nhượng Tống, và các tìm kiếm mỗi lúc sẽ một khó khăn hơn, các đầu mối ngày một trở nên nhỏ bé hơn.

    Điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân từng trả lời phỏng vấn công khai trên báo. Dưới đây là bài phỏng vấn trên tờ Tri tân, số 185-186, ngày 10 tháng Năm năm 1945, do Phạm Mạnh Phan thực hiện. Số kép Tri tân này thuộc hệ "đặc san", được đặt tên là "Việt Nam Giải Phóng". Ta cũng biết, đây là thời điểm lịch sử có tên gọi Đế quốc Việt Nam. Một tháng sau đó, Nhượng Tống sẽ cho in cuốn sách về Nguyễn Thái Học.

    Tờ Tri tân là một tờ không lạ, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ có thể tìm được dấu vết Nhượng Tống ở đây. Rất cảm ơn người bạn đã chỉ cho tôi thông tin này.

    Cuộc phỏng vấn của Tri-Tân

    Việc tước khí giới quân đội Pháp đêm mồng 9 tháng ba dương lịch 1945 đã đem lại nền độc lập cho nước nhà. Trong khi quốc gia được giải phóng, các đảng chính trị đã thấy công nhiên xuất đầu lộ diện để làm việc cho tổ quốc.

    Nhiều người nhắc nhở đến Việt nam quốc dân đảng, một đảng chính trị đã gây nên bao vụ đổ máu ghê hồn để chống lại với kẻ thù chung.

    Muốn biết về Việt nam quốc dân đảng, không gì bằng hỏi ngay một yếu nhân của đảng đó, ông Nhượng Tống, người đã trung thành với đảng ngay từ lúc khai sơ.

    *

    *       *

    Tôi đã gặp ông ngay tại nhà trọ ở phố Cửa Nam, ông là một cựu chính trị phạm và trước kia là một biên tập viên đắc lực của Thực Nghiệp dân báo. Trong làng bút mực, cái tên ông không phải xa lạ.

    Ông bận nam phục và có vẻ nho nhã. Với những cử chỉ ôn tồn, ông đã tiếp tôi trên một căn gác vắng vẻ.

    Bước chân vào phòng, tôi như có cảm tưởng đã lạc lõng vào một nơi đầy những sự bí mật và quan trọng!

    Tôi nhẹ nhàng vào chuyện:

    - Chúng tôi mong ông cho biết qua về lịch sử Việt nam quốc dân đảng mà nhiều người đang mong đợi.

    Ngồi xếp chân vòng chòn [sic] trên chiếc ghế bành kiểu mới, và nhìn thẳng vào tôi, ông bắt đầu phá một mối ngờ về lai lịch của đảng:

    - Nhiều người ngỏ [ngỡ?] rằng Việt nam quốc dân đảng lập nên do các anh em ở ngoài như Nguyễn hải Thần, tức Tú Nhạc ở Quảng Châu bên Tầu. Ông Hải Thần quê ở Đại-từ và là giáo sư trường Hoàng-phố. Ông có lập một đảng cách mệnh, nhưng không dính líu gì đến Việt nam quốc dân đảng của chúng tôi lập ngay tại nước nhà vào hồi năm 1926-1927.

    Tôi ngắt lời ông để tìm tới nguồn gốc của đảng:

    - Vậy, vì một nguyên nhân gì mà ông và các bạn đồng chí lập nên đảng?

    - Giạo [sic] đó tôi còn nhớ đâu vào năm 1925 thì phải, sau hồi viên toàn quyền Merlin bị ném bom ở cạnh Quảng-châu, anh Nguyễn thái Học và tôi thấy ở Đông dương, người Pháp chỉ thi hành chánh sách giả dối và lừa lọc. Mặc dầu viên toàn quyền mới Varenne thuộc đảng xã hội xướng lên cái thuyết Pháp Việt đề huề, nhưng chúng tôi thấy chỉ là câu chuyện lường gạt và che đậy sự vờ vịt của họ. Dưới ách viên toàn quyền mới, dân Việt nam ta lại càng bị trói buộc hơn bằng những đạo luật thắt cổ như luật về báo chí chẳng hạn!

    Toàn dân lấy làm thất vọng. Và thái độ người Pháp giạo đó giống hệt như câu tôi đã viết trong cuốn Cách mệnh tiên thanh: “Tay phải giơ ra đề huề, nhưng tay trái luồn xuống để lần lưng móc túi”!

    - Cuốn sách đó ông có cho xuất bản?

    Ông Nhượng Tống cười và đáp:

    - Những sách như thế giạo còn họ cai trị thì xuất bản làm sao được. Cuốn đó tôi đem in “lậu” để phân phát cho các đồng chí.

    Ngừng một vài giây như để ôn lại những bước đường đầu trong đời chính trị, ông nói luôn một mạch:

    - Tôi nghĩ họ không thật tâm khai hóa cho mình thì cộng tác với đề huề làm sao được. Tôi quyết tranh đấu, tranh đấu đến cùng. Tôi vốn là một người đầu óc ưa hòa bình nên nghĩ ngay đến hòa bình cách mệnh.

    Một mặt tôi cùng Phạm tuấn Tài, Phạm tuấn Lâm, tức Dật-công, là hai bạn thân, lập nên Nam đồng thư xã để cho xuất bản các sách có tính cách tuyên truyền, cổ động tinh thần ái quốc và giúp đỡ đồng bào trong việc công dân giáo dục.

    Một mặt, tôi cổ động các thợ thuyền, các công chức lập lên những hội tiết kiệm và hợp tác xã để dự bị một cuộc tổng bãi công. Tôi tin rằng nếu thi hành điều dự định của tôi thì món tiền các thợ thuyền cùng các công chức tiết kiệm trong sáu năm sẽ đủ nuôi họ và gia đình họ để đồng lòng bãi công trong sáu tháng! Sau sáu tháng thì trong công việc hành-chính và các nghành [sic] công thương đều hỗn loạn.

    Trong khi ấy và chỉ khi ấy chúng tôi sẽ cổ động đến quân lính sự bất tuân thượng lệnh! Nhờ sức ủng hộ của binh công, chúng tôi mong sẽ làm xong cuộc quốc gia cách mệnh.

    Tôi đã bắt đầu hồi đó thi hành điều tôi ước mong vì đó chính là lối cách mệnh hòa bình.

    Nhưng khi gặp anh Nguyễn thái Học, anh Hồ văn Mịch thì các anh cho cái chương trình của tôi hoàn toàn thuộc không tưởng (utopie) không thể thực hành được ở xứ mình. Anh Học nói:

    - “Người Pháp đã đổ máu cướp tự do của ta, ta cũng phải đổ máu mà đòi lại! Muốn lấy lại nền độc lập cho đồng bào thì phải cần dùng đến võ lực để đánh đổ chủ quyền người Pháp, để đuổi họ ra khỏi đất nước này”.

    - ………..

    - Sau ba đêm bàn bạc với các đồng chí, điều đề nghị của anh Học được mọi người tán thành. Tôi năm đó kém anh Học ba tuổi, mới có 21, là người bé nhất. Lẽ cố nhiên tôi phải phục tòng đa số.

    Từ khi đó chúng tôi mới liên lạc các anh em đồng chí ở khắp nơi mà bí mật hành động để lập nên Việt nam Quốc Dân Đảng.

    Ở các nơi như Thanh-hóa, Bắc-ninh, Hưng-yên giạo đó đã có những đoàn thể cách mệnh, nhưng những đoàn ấy chưa có danh hiệu cùng chương trình hành động rõ ràng và duy nhất.

    Chúng tôi gặp anh em rồi tất cả đều nhập vào đảng do chúng tôi tổ chức.

    Cổ động trong ít lâu mà đảng viên của đảng đã rất đông. Theo các sách của người Pháp thì có tới vài nghìn người, nhưng đó là theo số người bị bắt vào năm 1929. Đúng ra thì đảng bấy giờ đã có trên hai vạn, và đến 1930 tất cả Bắc kỳ đảng viên đã lên tới trên 7 vạn người!

    Ngạc nhiên về con số vĩ đại ấy, tôi liền bước sang câu hỏi chính:

    - Với một số đông đảng viên ấy, chắc cách tổ chức của đảng cũng…

    Tôi chưa nói hết lời thì người tôi phỏng vấn liền tiếp luôn:

    - “Chúng tôi đã tổ chức đảng chia làm 4 bậc: trung ương đảng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ và chi bộ.

    Trung ương có 8 ban: ban tài chính, ban tuyên truyền, ban tổ chức, ban binh bị, ban giám sát, ban trinh thám, ban giao thông và ban ám sát.

    Dưới trung ương đảng bộ là kỳ bộ. Tất cả có 3 kỳ: Trung, Nam, Bắc.

    Từ tỉnh bộ trở xuống chỉ có 4 ban, tuyên truyền, tổ chức, tài chính và giám sát.

    Mỗi chi bộ có 19 đảng viên vì giạo đó có lệ cấm không được hội họp quá 19 người. Nói là 19 nhưng nhiều khi mỗi chi bộ không đủ con số đó. Mỗi khi họp ở đâu thì do ban tổ chức tìm nơi và quyết định rồi mệnh lệnh sẽ do các đảng viên truyền đi, đảng viên ấy ở trong bộ giao thông.

    Trong trung ương đảng bộ, anh Nguyễn khắc Nhu tức Sứ [sic] Nhu làm chủ tịch, còn anh Nguyễn thái Học thì là phó chủ tịch.

    Đến 1929 đảng chúng tôi chia làm hai ban: ban lập pháp và ban chấp hành. Ban lập pháp thì anh Sứ Nhu đứng đầu. Ban chấp hành thì anh Nguyễn thế Nghiệp.

    Nghe xong một đoạn dài về cách tổ chức đảng, tôi tò mò muốn biết cách vào đảng, liền hỏi:

    - Mỗi khi một người muốn vào đảng thì buộc phải có những điều kiện gì?

    - Có! Muốn vào đảng thoạt tiên phải có 2 người trong đảng giới thiệu. Rồi đảng phái người đi điều tra trong một tháng. Việc điều tra ấy đảng ủy cho ban trinh thám. Khi vào đảng, phải giơ tay tuyên thệ trước mắt các đồng chí, đại khái: “Trước giang sơn tổ quốc, trước mặt các anh em đồng chí, tên tôi là Mỗ bao nhiêu tuổi, thề xin giữ bí mật cho đảng, phục tòng mệnh lệnh của đảng, hy sinh tài sản, tính mệnh cho đảng. Nếu sai tôi xin chịu tử hình.”

    - Đảng tổ chức như vậy chắc cũng có nguồn lợi-tức gì để chi tiêu các khoản?

    - “Tiền của đảng một phần là do các đảng viên đóng, mỗi người mỗi tháng hai hào. Những người đi làm công sở mà có lương tháng thì phải góp hàng tháng hai mươi phần trăm số lương. Các nhà nông công, thương, phải nộp hàng năm hai mươi phần trăm số lợi tức. Ngoài ra đảng lại mở cuộc lạc quyên trong các đồng chí. Nhiều anh em đã giúp đảng hàng vạn!”

    Biết rõ về cách tổ chức, tôi bèn hỏi tới chương trình của Việt Nam quốc dân đảng thì ông Nhượng Tống liền đứng lên đi tản bộ trong phòng như có vẻ suy nghĩ. Rồi ông thư thả nói:

    - Chương trình của đảng có 4 thời kỳ: phôi thai, dự bị, phá hoại tức cách mệnh với người Pháp và kiến thiết. Chúng tôi chưa làm xong cái chương trình ấy thì đã bị vỡ và bị người Pháp thẳng tay đàn áp. Chúng tôi mới tới thời kỳ thứ ba. Còn thời kỳ thứ tư là kiến thiết quốc gia theo chương trình khi ấy là lập nước Việt Nam ta thành một nước cộng hòa xã hội.

    - Ông làm ơn cho biết Việt Nam quốc dân đảng hành động khắp trong nước hay chỉ có nguyên ngoài Bắc?

    - Chúng tôi định lập chi nhánh ở khắp Trung, Nam nhưng đồng chí ở hai nơi này không có mấy. Hồi đó Nam-kỳ phần nhiều theo Nguyễn an Ninh. Trung-kỳ thì theo Tân Việt cách mệnh đảng và Thanh Niên đồng chí hội. Chúng tôi có phái người đi liên lạc để mong hợp nhất không những ở trong nước mà còn cả các đảng cách mệnh ở Xiêm, ở Tầu. Nhưng điều mong ước đó không được thực hiện.

    Tôi liền bước sang câu hỏi phụ để biết qua về văn chương cách mệnh:

    - Ngoài các sách của Nam Đồng thư xã, Việt Nam quốc dân đảng có còn các bài văn nào trong thời kỳ tuyên truyền chăng?

    - Khi Việt Nam quốc dân đảng thành lập thì vừa là lúc Nam Đồng thư xã bị người Pháp bắt đóng cửa. Các sách đã xuất bản như Gương thiếu niên, Gương thành bại, Trưng Vương diễn nghĩa, Tôn dật Tiên, Dân tộc chủ nghĩa, Dân sinh chủ nghĩa phần nhiều bị cấm và tan-nát cả.

    Tôi hồi đó có làm cuốn Cách mệnh tiên thanh, trong đó kể người Pháp 32 tội! Sách in giấu không cho nhà đương cục biết.

    - Nghe nói trong sách ấy có một bài cách mệnh ca, ông còn nhớ xin cho biết.

    - Tôi chỉ còn nhớ có tám câu đầu là:

    “Lửa đế quốc thiêu tàn sáu giống

    “Sóng cường quyền vỗ động năm châu

    “Nước đến chân, lửa đốt đầu

    “Khói tanh sặc sụa hơi sầu mê man

    “Giống mạnh những moi gan móc mắt

    “Loài yếu cam sấp mặt cúi mày,

    “Thảm nào quá thảm lúc này

    “Nhục nào hơn nhục ngày rày nữa đâu!

    và mấy câu cuối:

    “Xin đứng dậy cùng lên tiếng hát

    “Gọi hồn mê hét quát gió mây

    “Nằm da uống máu có ngày

    “Xông tên đột đạn phen này mới xong,

    “Cùng dấn bước xin cùng dấn bước

    “Gây binh đao gây cuộc binh đao

    “Phất cờ đào, đổ máu đào,

    “Nam đồng bào, nữ đồng bào tiến lên!”

    Ngoài mấy câu đó tôi còn nhớ trong có một bài quốc ca:

    “Một lời đồng tâm liều thân vì nước

    “Góp chung máu đào quyết rửa thù chung

    “Con đường quang vinh vui chân cùng bước

    “Chết đáng chết trên trần thế mấy anh hùng?

    “Chết đáng chết trên trần thế mấy anh hùng?

    “Cùng loài sài lang, thề chẳng đội trời chung

    “Sống ra không thẹn cùng non sông!

    “Chết đi không hổ cùng cha ông

    “Nào anh em đồng chí!

    “Xin tiến lên cùng!

    “Lắp súng, anh em tiền quân!

    “Tuốt gươm, anh em tiền phong!

    “Tuốt gươm, lắp súng,

    “Tiến lên! Tiến lên! Ta phấn đấu tới cùng!

    - Thế đảng đang bành trướng, chẳng hay vì lẽ chi lại bị vỡ?

    - Đảng bị tiết lộ là vì có nội công.

    - Có lẽ rồi sau đảng cũng rõ con người phản bội?

    - Người ấy chính là Bùi tiên Mai ở Thái Bình. Trước hắn làm thừa phái và lại là đại biểu cho tỉnh bộ Thái bình để dự vào trung ương đảng bộ.

    Hắn đi tố cáo với quân địch nên các đồng chí ở Thái bình và các đảng viên ở trung ương đảng bộ đều bị bắt, trừ chủ tịch Nguyễn khắc Nhu và phó chủ tịch Nguyễn thái Học trốn thoát.

    Giạo đó nhiều bạn đồng chí ở bên Tầu muốn đón anh Học sang bên đó, nhưng anh nhất định không chịu đi.

    Anh Nguyễn khắc Nhu sau cầm đầu trận đánh Hưng hóa và chết ở trận.

    - Sau khi bị tiết lộ, đảng có hành động gì nữa không?

    - “Sau việc bắt bớ năm 1929, chúng tôi, những người còn lại định tổ chức cuộc khởi nghĩa ở toàn hạt Bắc Kỳ các bạn tôi chú ý nhất là Hà-nội. Vì vậy ở trường bay Bạch mai chúng tôi có tới hơn 30 người đội là đồng chí và trong đạo quân thứ 4 và thứ 9, có hơn ba trăm hạ sĩ quan là đảng viên.

    Nhưng sau cuộc phản bạn của đội Dương, các võ trang đồng chí đều bị bắt và bị cách chức. Đảng có phái người đi trừng trị, đội Dương bị giết hụt và bố đội Dương là giáo Du thì bị giết ở đầu Hàng-Đậu.

    Thành ra khi khởi nghĩa chỉ đánh được có Yến Báy, còn ở Hà-nội chỉ ném được có mấy quả bom.

    Trong khi ấy ở Hải-dương, Bắc-ninh, Kiến-an, Thái-bình, Phả-lại, Hưng-hóa, Vĩnh-bảo, Phụ-dực đều có nội biến. Những nơi này các đảng viên cũng bị đàn áp và tan tác cả. Sau vụ Yên báy, lần đầu 13 người lên máy chém, trong đó có Ngô hải hoàng, Nguyễn thanh Thuyết, Nguyễn thái Học, Phó đức Chính v.v.; lần thứ nhì hơn ba mươi người, tất cả hơn 50 người bị thiệt mạng! Ngoài ra gần 3 nghìn người bị đầy sang Inini [Tahiti? hay Guyane?], và ra Côn Đảo!

    - Thế ông bị bắt vào hồi nào?

    - Về phần tôi, năm 1929 bị kết án năm năm cấm cố (détention), 5 năm biệt xứ, không được đến các thành phố lớn!”

    Nói đến Việt Nam quốc dân đảng khi bị đàn áp, tôi chạnh lòng nhớ tới đảng trưởng và cô Giang một nữ đồng chí của ông nên hỏi tiếp:

    - Thưa ông, chúng tôi còn nhớ giạo đó đảng có nữ đồng chí là cô Giang, chẳng hay cô nhập đảng vào thời kỳ nào và giữa cô với Nguyễn thái Học có giây [sic] liên lạc mật thiết gì chăng?

    Ông Nhượng Tống nói ngay:

    - Cô Giang chính là vợ anh Nguyễn thái Học.

    - Ông cho biết qua về thân thế Nguyễn thái Học?

    - Nguyễn thái Học là sinh viên trường Cao đẳng thương mại và trước có học qua ban sư phạm. Anh người ít nói, nhưng nóng tính. Tôi quen anh năm đó vào trạc 24, 25. Quê anh ở làng Thổ tang, phủ Vĩnh tường, Vĩnh yên. Làng đó bị quân Pháp đốt phá khi đảng vỡ lở.

    Cụ thân sinh ra anh đã mất. Nay chỉ còn cụ Bà mà tôi vừa tới thăm cách đây ít lâu. Anh có ba anh em. Em thứ nhất là Nguyễn văn Nho cũng vào đảng sau bị kết án tử hình. Em thứ ba năm nay mới ngoài 20 tuổi. Anh là người đồng quận của ông đội Cấn người đã cầm đầu cuộc đánh phá Thái nguyên. Theo chỗ tôi biết thì đời cách mệnh của anh chịu ảnh hưởng rất nhiều của đội Cấn.

    Còn cô Giang. Nguyên đảng tôi không có lệ cho đàn bà nhập đảng. Cô thuộc về chi bộ Bắc giang. Chi bộ ấy thành lập trước khi có Việt Nam quốc dân đảng.

    Vì anh Sứ Nhu đã trót thu nạp nữ đồng chí, nên chỉ riêng có chi bộ đó có phụ nữ [… bị mờ mấy chữ…]

    Cô Giang năm lấy anh Học độ hai mươi tuổi. Nhà chỉ có ba chị em gái, đều làm cách mệnh cả! Cô Bắc là chị cả, bị kết án đày chung thân. Cô thứ ba là cô Tỉnh không bị bắt. Cô Giang tự tử ở đầu làng anh Nguyễn thái Học. Nghe đâu hiện nay có miếu thờ cũng như người ta đã thờ Trần quang Diệu ở Cổ-am, vì anh là người đã đánh huyện Vĩnh-bảo!

    - Người ta kể chuyện khi Nguyễn thái Học bị hành hình ở Yên-báy thì Cô Giang thu mình trong bộ áo mầu nâu có đứng trong đám quần chúng mà chứng kiến vụ tàn sát đó. Chuyện ấy có thật chăng?

    - Có thể có được lắm, vì cô Giang là một đảng viên rất trung thành.

    Sau khi biết cặn kẽ về Việt nam quốc dân đảng, tôi liền hỏi về tình hình hiện thời của đảng.

    Người tôi tiếp chuyện thong thả trả lời như muốn cân nhắc từng câu nói:

    - Ngày trước người Pháp đàn áp chúng tôi, thì chúng tôi phải lẩn trong bóng tối. Nay chúng tôi được tự do hành động.

    Công việc hiện nay của đảng chúng tôi mong hợp nhất với đảng quốc gia để lãnh đạo cho quần chúng trong công việc nhận biết lấy nghĩa vụ và quyền lợi của một người công dân, để giúp đỡ chính phủ quốc gia cùng giám đốc các quan lại trong mọi công việc kiến thiết.

    Làm như vậy là để mong nâng cao được trình độ sinh hoạt và tinh thần của đại đa số dân chúng.

    Việc hợp nhất ấy cơ hồ đã thành sự thực. Một dân tộc khi phục sinh, bao giờ cũng trông ở một quốc hồn mạnh mẽ. Khi quốc hồn của ta đã mạnh mẽ thì sự đồng tâm sẽ được hết thảy các con nước…

    Nói đến đây ông căn dặn:

    - Ông nhớ gạch chữ con nước.

    Rồi ông tiếp:

    - Hết thẩy các con nước coi là thiêng liêng. Cho nên trông thấy sự hy sinh, sự cố gắng, sự một lòng một dạ của các anh em chân chính ái quốc đứng trước công việc ích trung trong lúc này, tôi rất lấy làm lạc quan. Tôi quả quyết tin rằng, với sự đồng tâm ấy, dân tộc Việt Nam ta đã bước sang một giai đoạn mới trên đường tiến hóa.”

    - Đảng hiện nay có định chiêu tập một đại hội nghị để tiếp tục bàn các công việc?

    - Không cần, Đảng chúng tôi trong lúc này chỉ là tiếp tục các công việc thường.

    - Hiện giờ trong đảng ai làm đảng trưởng?

    - Chúng tôi không hề có đảng trưởng. Quyền tối cao trong đảng trước kia là ở người chủ tịch Trung ương đảng bộ mà nay thì ở thường vụ ủy viên hội.

     

    *

    *       *

    Cuộc phỏng vấn kéo dài đã gần hai tiếng đồng hồ. Chia tay từ giã giữa lúc màn tối bao phủ vạn vật, tôi tự nhủ, nếu còn người Pháp ở đây lẽ ra tên tôi cũng đã bị liệt vào bảng tình nghi và biết đâu một tên ma tà [nào?] chả theo rõi [sic] bóng tôi để dò la hành động. Vì tôi đã dám công nhiên nói chuyện với một cựu chính trị phạm và đặt chân vào một đảng bộ của Việt nam quốc dân đảng!

    đây là số báo Tri tân, và bài phỏng vấn của Phạm Mạnh Phan:



    Đây là giai đoạn có vai trò lớn của người Nhật tại Đông Dương, đồng thời là giai đoạn gọi ngắn gọn là "Đế quốc Việt Nam" - dường như cho đến nay các sử gia đã đồng loạt bỏ chữ "bù nhìn" khi nhắc tới "Chính phủ Trần Trọng Kim".

    Báo chí ở Hà Nội giai đoạn này như thế nào? Hết sức hỗn loạn. Ngoài Tri tân là tờ tiếp tục ra, ta có Ngày Nay Kỷ nguyên mới (xem thêm ở kia) với vai trò quan trọng của Nguyễn Tường Bách, Khái Hưng và Nguyễn Trọng Trạc. Ngày Nay Kỷ nguyên mới giống như tiếp nối tờ Ngày nay, sau khi các yếu nhân (Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, Khái Hưng Trần Khánh Giư và Nguyễn Gia Trí bị người Pháp bắt: sự kiện xảy ra vào đầu thập niên 40), và vào ngày 19 tháng Tám năm 1945, số cuối cùng của tờ báo này đang ở trong nhà in. Liên quan chặt chẽ đến câu chuyện của chúng ta, quãng thời gian này còn có tờ Bình minh, là một tờ báo dính dáng nhiều đến người Nhật: theo hồi ký của Vũ Bằng, tờ này có thể coi là ý đồ của người Nhật lập ra "tam đầu chế" với Nguyễn Doãn Vượng, Nguyễn Giang và Khái Hưng; Nguyễn Doãn Vượng không nhận lời, Nguyễn Giang cùng Khái Hưng làm, nhưng gần như chắc chắn Khái Hưng lừng khừng ở đây, mà tập trung với bên Ngày Nay Kỷ nguyên mới (sau khi các nhân vật lớn của Tự Lực văn đoàn bị bắt, Nhất Linh thì trốn ra nước ngoài và bị giam ở hang đá Liễu Châu trước khi được tướng Trương Phát Khuê thả, Thạch Lam chính là người chăm lo nhà xuất bản, nhà in - tờ báo thì đã đình bản - cho tới lúc Khái Hưng được thả về Hà Nội, tuy vẫn bị quản thúc, năm 1943, thì Khái Hưng chịu trách nhiệm chính; khi Nhật đảo chính Pháp thì đương nhiên Khái Hưng không còn bị quản thúc nữa).

    Quay trở lại với số báo Tri tân (xem thêm về ý nghĩa của tờ báo này trong khung cảnh chung ở kia): trong "mục lục" ta đọc thấy một số cái tên. Nguyễn Văn Tố là yếu nhân của Tri tân ngay từ đầu, H. B. là Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, một yếu nhân khác của tờ này, Tiên Đàm là Nguyễn Tường Phượng, chủ nhiệm kiêm quản lý của Tri tân, Thi Nham là Đinh Gia Thuyết. Trong số các tác giả của số này, ít nhất có Thi Nham Đinh Gia Thuyết và Trúc Khê Ngô Văn Triện rất thân cận với Nhượng Tống, có thể coi là những người bạn của Nhượng Tống - có lẽ điều này giải thích việc Tri tân cử người phỏng vấn Nhượng Tống.

    Cách đây vài năm, tôi rất kinh ngạc khi biết Phạm Mạnh Phan, nhân vật quan trọng của Tri tân về sau rất ít được biết đến, còn sống ở Hà Nội rất lâu, làm cho Thông tấn xã Việt Nam.

    Bài phỏng vấn trên đây cần được coi là một chứng từ quan trọng. Nếu đọc kỹ nó, ta sẽ biết, hoặc khẳng định được một số chi tiết. Trước tiên là liên quan đến lịch sử Việt Nam Quốc dân đảng (ta cũng cần để ý, Nhượng Tống ngay lập tức phân biệt VNQDĐ Nguyễn Thái Học với đảng của Nguyễn Hải Thần, điều này hết sức quan trọng, vì các loại tên gọi hao hao nhau có thể gây nhầm lẫn, và quả thật ngày nay vẫn rất nhiều người nhầm lẫn: Việt Quốc của giai đoạn 45 (thậm chí trước đó)-46 hết sức phức tạp và gần như không có chút dính dáng nào tới VNQDĐ 1930): nhiều chi tiết ở đây sẽ được nhắc lại kỹ lưỡng hơn ngay sau đó, vì ngày 17 tháng Sáu năm 1945, tức là chỉ hơn một tháng sau bài phỏng vấn này, Nhượng Tống sẽ cho in cuốn sách quan trọng về Nguyễn Thái Học (xem hình ảnh quyển sách ở kia).

    Nhưng ngoài đó ra, còn có các chi tiết liên quan đến tiểu sử Nhượng Tống. Nhờ chính những lời này, ta biết cụ thể án mà Nhượng Tống phải chịu hồi 1929: 5 năm tù, 5 năm biệt xứ. Chi tiết theo đó năm 1936 Nhượng Tống từ Côn Đảo về mà mọi tiểu sử Nhượng Tống đều viết cho tới tháng Chín 2015 là sai: án của Nhượng Tống là 5 năm Côn Đảo, nhưng có vẻ Nhượng Tống được thả về sớm hơn một chút, vì theo như ở kia, năm 1933 (lẽ ra phải là 1934) Nhượng Tống đã rời Côn Đảo. Khi Nhượng Tống nhắc lúc mình 21 tuổi cũng quan trọng: thời điểm ấy hẳn là 1927: như vậy đã rất rõ ràng là Nhượng Tống sinh năm 1906, tức là các tiểu sử trước nay đều sai. Tôi nghĩ, trước đây người ta sai năm sinh này thì còn hiểu được, nhưng đến đầu những năm 2000 mà vẫn còn sai như vậy thì thật kỳ quặc, không thể hiểu nổi. Tôi sẽ trở lại với riêng chi tiết này sau.

    Thông tin mà tôi thấy đặc biệt giá trị liên quan đến cuốn sách Cách mệnh tiên thanh: như vậy cần phải ghi thêm vào danh mục trước tác của Nhượng Tống thêm một tác phẩm. Niên đại của nó hẳn nằm trong khoảng từ 1926 đến 1929. Gần như không có hy vọng gì tìm lại được cuốn sách ấy nữa, nhưng nhờ ở đây, ít nhất ta có thể kết luận trong cuốn sách ấy, Nhượng Tống kết tội người Pháp (32 điều), trong sách cũng có một bài "cách mệnh ca" và một bài "quốc ca" (tên cuốn sách ấy có xuất hiện trong cuốn sách về Nguyễn Thái Học, nhưng không kèm các chi tiết như ở đây).

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/12/tra-loi-phong-van.html

    Không có nhận xét nào