(4) Bố trí quân CSVN tại Hạ lào
*( Trích sách “Gải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam của Bùi Anh Trinh )
Ngũ Giác Đài đã chuyển tin tình báo cho tướng Hoàng Xuân Lãm rằng quân CSVN tại khu vực quanh Tchepone có khoảng 22 ngàn người. Gồm có 10.000 quân sản xuất và tiếp vận tại các binh trạm của tuyến đường mòn HCM, 7.000 quân chiến đấu và 5.000 quân Cộng sản Lào.
Tuy nhiên đây chỉ là tin bịp nhằm đánh lừa quân VNCH mạnh dạn tiến vào đất địch. Sự thực lúc đó quân CSVN tại hạ Lào là 60.000 quân, được bố trí như sau :
Bố trí lực lượng CSVN tại trận địa :
Sau trận Khe Sanh năm 1968, quân đội Mỹ rút khỏi khu vực Khe Sanh, các toán thám báo của Mỹ và VNCH ngưng hoạt động trên vùng biên giới Lào Việt, bỏ ngỏ khu vực Hạ Lào cho quân CSVN tự do di chuyển. Đoạn đường Quốc lộ 9, từ Lao Bảo ( cửa khẩu biên giới ) đến Tchephone cũng bỏ hoang từ năm 1968.
Các tin tức về hoạt động của quân CSVN bên kia biên giới Lào Việt đều căn cứ trên không ảnh của phi cơ hay vệ tinh, phối hợp với tin tức của tình báo Lào ( lực lượng Vàng Pao ). Tuy nhiên không ảnh không thể nào phát hiện được những cuộc chuyển quân hay trú quân trong khu vực rừng già Hạ Lào. Mà trong khu vực này CSVN đã mở “hệ thống đường mòn HCM” gồm 4 đường chính chạy song song theo hướng Bắc-Nam và rất nhiều đường phụ giữa các đường chính, hễ bị bỏ bom đường này thì ngay tức khắc đoàn xe vận chuyển đổi sang tuyến đường khác.
Còn tin tức tình báo của lực lượng Vàng Pao chủ yếu là tin tức do mua bán tin tức, không có kiểm chứng, cho nên không chính xác, thường là những tin đồn thổi được lan truyền trong các phiên nhóm chợ của các buôn làng sống dọc theo biên giới vùng Hạ Lào.
Vì vậy khi soạn thảo lệnh hành quân, cơ quan MACV ghi nhận lực lượng CSVN trong vùng hành quân chỉ có 7 ngàn quân chiến đấu, 10.000 quân sản xuất và công binh ( Dân công phục vụ cho tuyến vận chuyển “Đường mòn HCM” ), và 5.000 quân Cọng sản Lào. Tất cả được bố trí rải rác để bảo vệ 4 binh trạm phục vụ cho tuyến đường mòn HCM chứ không nơi nào tập trung quá 1.000 quân chiến đấu.
Nhưng trong thực tế, khi cuộc hành quân nổ ra thì quân số của CSVN tại khu vực Tchephone khoảng 60.000 quân, với 8 sư đoàn bộ chiến gồm 5 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn pháo cơ giới, 1 sư đoàn pháo phòng không, 1 sư đoàn công binh và 1 trung đoàn tăng.
Theo sách vở quân sự của bất cứ nước nào, một cuộc hành quân cấp quân đoàn ( Sinh mạng của 30 ngàn người ) mà căn cứ trên tin tình báo sai lệch đến 8.000% thi người có trách nhiệm cung cấp tin tình báo phải ra tòa án binh và hình phạt chắc chắn là tử hình, bởi vì chỉ có phản quốc , thông đồng với địch quân mới hành động như vậy.
CSVN chuẩn bị chiến trường trước đó 5 tháng
Tháng 3 năm 1970, sau khi tuyến tiếp liệu qua cảng Sihanoukville bị đổ bể, Hà Nội tập trung phát triển tuyến Đường mòn HCM để có thể tiếp tục đưa người và vũ khí vào Nam.
Trước năm 1968 tuyến đường này không thể phát triển được vì phi cơ Hoa Kỳ thả bom liên tục và thám báo của VNCH hoạt động ngày đêm trên đất Lào. Sau trận Khe Sanh thì quân đội Mỹ tại VN chủ trương giải quyết chiến tranh bằng hòa đàm cho nên tất cả các hoạt động quấy rối của tình báo VNCH và HK trên đất Lào đều bị ngưng hẳn.
Sau trận tấn công sang Cam Bốt vào tháng 5 năm 1970 thì Ngũ Giác Đài mới phát hiện ra rằng quân CSVN chẳng có bao nhiêu và họ hầu chư chỉ chạy tránh các cuộc càn quét của quân đội VNCH.
Chính vì quân CSVN tại chiến trường Miên luôn luôn chạy tránh cho nên lối hành quân thần tốc của Tướng VNCH Nguyễn Viết Thanh đã khiến cho Tướng Abrams, Tư lệnh quân đội HK tại VN, phải buông lời khâm phục trước mặt các thuộc tướng của mình (“The Abrams Tapes”, cuốn sách phổ biến các cuộn băng thâu âm các cuộc họp của BTL / MACV ).
Từ đó có rất nhiều “thầy dùi” tưởng “ngon ăn” nên viết báo khuyên các nhà quân sự Mỹ tấn công luôn sang Hạ Lào, hoặc tiên đoán rồi đây quân HK sẽ tấn công qua Lào. Những tin tức chộn rộn này khiến cho Hà Nội báo động cho Mặt trận Tây Nguyên (B.3) và “Mặt trận Đường 9 Nam Lào” (B.5).
Tháng 10 năm 1970 Hà Nội chỉ thị cho Thượng tá Nguyễn Hữu An đi quan sát địa hình tại khu vực Lao Bảo, Làng Vei để chuẩn bị đưa quân vào thành lập Mặt trận Đường 9. Sau đó Hà Nội đưa Sư đoàn 2 ( Sư đoàn 2 “Sao vàng”, khoảng 10.000 người ) đến hoạt động tại khu vực A Shao và Sư đoàn 304 ( khoảng 10.000 người ) cùng với 3 trung đoàn Công binh là các trung đoàn 219, 83, 7 vào hoạt động tại Hạ Lào ( Mỗi trung đoàn khoảng 2.500 người ).
Đến tháng 1 năm 1971 Tướng Lê Trọng Tấn vào Nam Lào cùng với Sư đoàn 308 Bộ binh ( khoảng 10.000 người ), 3 Trung đoàn pháo cơ giới (368, 38, 45), 1 trung đoàn pháo mang vác (84), và 3 trung đoàn pháo phòng không (230, 241, 591) . Thành lập tại B.5 ( Mặt trận Đường 9 Nam Lào ) một quân đoàn đặt tên là 70B , do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thiếu tướng Đồng sĩ Nguyên và Đại tá Cao Văn Khánh làm Tư lệnh phó ( Tổng cộng quân CSVN trong vùng Hạ Lào khoảng 40.000 người ).
Trong khi đó để đề phòng quân HK đổ bộ ở vùng duyên hải phía Bắc vĩ tuyến 17, Hà Nội bố trí tại “Bắc vĩ tuyến 17” Sư đoàn 320 Bộ binh ( khoảng 10.000 người ), Sư đoàn 324 Bộ binh ( khoảng 10.000 người ), Sư đoàn 367 Phòng không, và 2 trung đoàn tên lửa (237, 238).
Đến khi biết chắc quân Mỹ không đổ bộ vào Bắc vĩ tuyến 17, Hà Nội điều Sư đoàn 320 và 324 vào tiếp viện cho chiến trường Tchepone Đồng thời điều Sư đoàn 2 Bộ binh đang hoạt động tại thung lũng A Shao đến tiếp viện cho Tchepone.
Tin bình báo là vấn đề sống chết, thắng bại của một cuộc hành quân
Khi một người sĩ quan thảo một lệnh hành quân cấp đại đơn vị (cấp sư đoàn trở lên), bắt buộc ông ta phải biết chắc chắn lực lượng địch trong khu vực hành quân là bao nhiêu, bố trí như thế nào. Muốn biết như vậy thì cần phải có tin tức tình báo chính xác và phải kiểm lại bằng các cuộc thám sát của các toán thám báo hoặc bằng phi cơ quan sát hay bằng không ảnh.
Còn khi chưa biết rõ tình hình địch thì chỉ được phép mở các cuộc hành quân thăm dò bằng các đơn vị tình báo, mà cấp cao nhất chỉ là đại đội ( khoảng 100 người ). Hoặc là mở cuộc hành quân lục soát với cấp Lữ đoàn ( khoảng 8.000 người ) nhưng phải biết chắc là toàn bộ lực lượng địch trong khu vực hành quân chỉ là những đơn vị nhỏ cấp đại đội trở xuống.
Không thể nào mở một cuộc hành quân cấp quân đoàn mà tình hình địch chỉ là một ẩn số. Các tài liệu được phổ biến sau này về cuộc hành quân Lam Sơn 719 cho thấy tin tức về lực lượng địch tại khu vực Tchepone chỉ có 7.000 quân chiến đấu và bố trí phân tán tại nhiều binh trạm. Trong khi sự thực quân CSVN tại đó là một quân đoàn chủ lực ( quân đoàn 70B được thành lập tháng 1 năm 1971, do Lê trọng Tấn làm Tư lệnh. Một quân đoàn khoảng 40.000 người )
Quyết định đưa quân vào Hạ Lào với 2 Sư đoàn (Sư đoàn Dù và Sư đoàn 1 BB) và 1 Lữ đoàn Thiết kỵ chứng tỏ người thảo lệnh hành quân ( Tướng Hoàng Xuân Lãm ) không hay biết là địch có mặt tại Hạ Lào là 3 sư đoàn. Nếu biết quân địch có thể là 3 sư đoàn thì bắt buộc lực lượng tấn công phải là 9 sư đoàn. Đây là nguyên tắc của sách vở quân sự, lực lượng tấn công bắt buộc phải gấp 3 lực lượng phòng thủ.
Trường hợp Tướng Kinnard soạn thảo lệnh hành quân năm 1966 thì lúc đó các đơn vị thám báo của VNCH và Mỹ hoạt động liên tục ngày đêm trong khu vực Hạ Lào, hễ những toán này đi thì những toán kia về. Do đó tin tức tình báo về hoạt động của CSVN tại Hạ Lào là chính xác 100%. Và quân CSVN tại Hạ Lào lúc đó chỉ có cấp Tiểu đoàn ( 500 người ).
Vả lại khi soạn thảo lệnh hành quân năm đó (1966) thì trong tay của Tướng Westmoreland có thừa lực lượng để đối phó cho dù lực lượng CSVN tại Hạ Lào là cấp quân đoàn ( 3 sư đoàn, 40.000 người ) hay cấp Lộ binh ( 9 sư đoàn, 120.000 người ), nghĩa là càng nhiều càng tốt.
Đến năm 1968 khi Tướng Palmer soạn thảo lệnh hành quân Elpaso 1 thì quân CSVN tại Hạ Lào được ghi nhận chính xác là 2 sư đoàn đã bị thương tổn sau trận Khe Sanh. Nhưng Tướng Palmer vẫn dùng tới 4 sư đoàn để tung vào Hạ Lào trong khi quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng tăng quân lên đến 9 sư đoàn nếu có dấu hiệu địch tăng quân lên cấp quân đoàn.
Trong khi đó lệnh hành quân Lam Sơn 719 bị gói gọn trong 3 sư đoàn ( 2 sư đoàn hành quân và 1 sư đoàn trừ bị ). Và rồi khi cuộc hành quân bước sang ngày thứ 8 thì Tư lệnh cuộc hành quân là tướng Abrams đã nhận được tin quân số của CSVN hiện diện trên đất Hạ Lào là 35.000, gồm 5 sư đoàn Bộ binh ( Băng ghi âm “The Abrams Tape” lưu trữ tại Ngũ Giác Đài được giải mã ).
Nhưng khi biết rằng lực lượng địch là 35.000 người thì Bộ chỉ huy hành quân ( Tướng Abrams ) vẫn không thay đổi cuộc hành quân, nghĩa là nhắm mắt coi như địch chỉ có 7.000 quân.
Ai đã cho tin dỏm về thực lực của quân CSVN tại Hạ Lào ? Dĩ nhiên không phải là do cơ quan tình báo của VNCH bởi vì khu vực đó nằm ngoài biên giới. Còn về phía Tướng Hoàng Xuân Lãm thì tuyệt đối tin tưởng vào tin tình báo do Mỹ cung cấp.
Tại sao Mỹ lại cho Tướng Lãm tin tình báo dỏm ? Và tại sao sau khi biết được quân địch đông gấp 5 lần so với tin tình báo ban đầu thì kế hoạch hành quân của Tướng Abrams vẫn không thay đổi ? Xin đón đọc những hồi sau sẽ rõ.
Không có nhận xét nào