Header Ads

  • Breaking News

    Bùi Anh Trinh – Tử chiến Hạ Lào 1971 : Bài 1

     


    Ngày  31-3-1971, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tới Đông Hà trao huân chương cho binh sĩ VNCH tham gia Chiến dịch Lam Sơn 719

    Tình hình chung

    Những tính toán chiến lược

    Hồi ký của tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Mỹ và đồng minh tại Việt Nam cho biết Nam Việt Nam có đường biên giới phía Tây dài gần 1.500 cây số.  So với  tuyến phòng thủ của Nam Hàn thì tại vĩ tuyến 38 chỉ có 200 cây số nhưng cần tới 1 triệu quân Hàn – Mỹ, nên Westmoreland cho rằng muốn lập một tuyến phòng thủ dọc theo biên giới phía Tây của Nam Việt Nam thì cần phải có nhiều triệu quân.  Điều này không thể nào làm được.

    Vì vậy Tướng Westmoreland mơ ước có một tuyến phòng thủ chạy dọc theo phía Nam vĩ tuyến 17, từ bờ biễn Đông Hà đến vùng Hạ Lào, cắt ngang con đường mòn HCM.  Tuyến phòng thủ này chỉ cần khoảng 1 quân đoàn ( 40.000 quân ).  Đến năm 1968 thì Westmoreland định cho thi hành kế hoạch này nhưng trận Mậu Thân đã khiến Tổng thống Johnson thụt lại vì ngại mang tiếng mở rộng chiến tranh, phá vỡ hòa đàm.

    Và rồi Westmoreland phải rời Việt Nam sau trận Mậu Thân.  Kể từ lúc đó con tàu của nước Mỹ quay sang hướng hòa đàm để rút quân về cho nên kế hoạch cắt đường mòn HCM đành treo lại.  Cho đến tháng 7 năm 1969 Nixon phát hiện ra vũ khí của Bắc Việt đã tuồn vào Nam bằng ngã Sihanoukville.  Ông hỗ trợ cho Lon Nol lật đổ Sihanouk vào tháng 4 năm 1970 và cho liên quân Việt – Mỹ tràn sang Cam Bốt quét sách căn cứ địa của quân CSVN.

    Quân VNCH tiến sang Cam Bốt như chẻ tre khiến cho Tư lệnh quân Mỹ tại VN là tướng Abrams đã nhận xét về khả năng chỉ huy hành quân của các sĩ quan cao cấp VNCH  như sau :

    “Khi bàn về cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt 1970, Abrams tuyên bố với các sĩ quan tham mưu là Tướng Nguyễn Viết Thanh soạn thảo và hành quân nhanh đến độ ông làm cho các đơn vị Hoa Kỳ đang hành quân tham dự chung có cảm tưởng cánh quân của họ chậm như những con voi” ( Nguyễn Kỳ Phong, Vũng Lầy của Bạch Ốc, ghi chú trang 453, trích từ “Abrams Tapes” của Sorley ).

    Ý Abrams muốn nói các sĩ quan Mỹ nên học hỏi nơi các sĩ quan VN về kỹ năng chỉ huy hành quân.  Tuy nhiên các nhà phê bình chiến lược của Mỹ lại không biết như vậy;  họ cho rằng cuộc hành quân sang Cam Bốt là chiến thắng của quân đội Mỹ.  Và họ nghĩ đánh trận địa chiến với cấp sư đoàn, quân đoàn thì đương nhiên quân Mỹ phải thắng dễ dàng.  Thậm chí có nhiều nhà báo đã mạnh dạn hỏi Tướng Abrams rằng sao không tiến sang Lào để cắt đường mòn HCM?

    Lời bàn rõ như ban ngày của các ông thầy dùi khiến cho Kissinger không thể để cho người ta nghĩ rằng Washington chậm tay, ông xúi Nixon cho đánh sang Lào bằng quân Việt Nam và máy bay Mỹ.

    Các kế hoạch hành quân sang Lào có trước đó :

    Mới đầu, vào năm 1966 kế hoạch tấn công sang Lào để khóa đường mòn HCM là sáng kiến của Tướng Kinnard, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không vận Mỹ.  Ông đã nêu ý kiến này với Tướng Johson là Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và được Johnson hết mình hỗ trợ.  Sau đó Tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Đồng minh tại Việt Nam, nhờ Tướng Kinnard soạn thảo kế hoạch chi tiết với sự trợ giúp của Đại tá Athur D.Simons, người đã từng chỉ huy hoạt động tình báo của CIA tại Lào.

    Kế hoạch của Kinnard (1967) : sử dụng 4 sư đoàn ( khoảng 40.000 người )

    Sư đoàn Dù 101 của Mỹ sẽ đổ xuống cao nguyên Boloven thuộc vùng cực Nam của nước Lào, sau đó tiến theo hướng Bắc để tới thành phố Savana, rồi tạt sang hướng Tây Bắc để đến thành phố Savannakhet nằm bên bờ sông Mekong.  Savanakhet cũng là nơi cuối cùng của Quốc lộ 9, chạy từ Quảng Trị tới sông Mekong, là biên giới Thái-Lào.  Như vậy lộ trình hành quân của Sư đoàn Dù Mỹ khoảng 270 cây số.

    Trong khi đó Sư đoàn 3 TQLC/ Mỹ sẽ từ Quảng Trị, theo Quốc lộ 9 tiến thẳng đến Tchépone là nơi Quốc lộ 9 gặp đường mòn HCM.  Sau đó SĐ3/TQLC/ Mỹ sẽ tiến đến Savanakhet.  Lộ trình hành quân của Sư đoàn 3 TQLC cũng khoảng 270 cây số.

    Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ từ Pleiku sẽ di chuyển vế hướng Tây để gặp Liên tỉnh lộ 913 của Lào, rồi chuyển sang hướng Bắc để đến thành  phố Tchépone và gặp Sư đoàn 1 Bộ binh VNCH.  Rồi cả hai sư đoàn sẽ để lại một bộ phận để trấn giữ Tchépone về lâu về dài.  Lộ trình hành quân khoảng  400 cây số.

    Sư đoàn 1 Bộ Binh VNCH sẽ tiến từ A Shao ( Biên giới Việt Lào, phía Nam Quốc lộ 9 ) tiến theo hướng Tây Bắc đến Tchepone để gặp Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ.  Lộ trình hành quân khoảng 150 cây số.

    Nhìn vào kế hoạch trên đây thì thấy Tướng Kinnard và Westmoreland đặt giả định là quân CSVN trên đất Lào không đáng kể  ( Không có quân số cỡ sư đoàn, thậm chí không tới cấp trung đoàn ).  Sư đoàn 101 ND và sư đoàn 3 TQLC hành quân 270 cây số như đi diễn tập chứ không tính tới chuyện gặp sự kháng cự của địch.  Khu vực di chuyển của 4 sư đoàn tạo ra một vệt càn quét hầu như kiểm soát toàn bộ vùng Hạ Lào mà không hế chú trọng tới mức kháng cự của địch tại khu vực hành quân.

    Sở dĩ MACV đánh giá không có địch trong khu vực hành quân bởi vì thuở đó các đơn vị trinh sát của Mỹ và VNCH thường xuyên hoạt động ngày đêm trên đất Lào, hễ những toán này về thì có những toán khác thay thế.  Ngoài ra các đơn vị Dân sự chiến đấu của Lào do CIA chỉ huy và tài trợ đang làm chủ tình hình tại vùng Hạ Lào.  Cho nên cuộc hành quân đặt trên căn bản là quân CSVN chỉ tập trung cao lắm là cỡ tiểu đoàn cơ động địa phương.( Mỗi tiểu đoàn khoảng 500 người ).

    Kế hoạch được đại sứ Bunker chuyển về Washington nhưng không được thi hành bởi vì theo Tướng Westmoreland : “Tổng thống Johnson bị áp lực của các nhà phản chiến bao vây chặt khiến ông không muốn có thêm hành động nào mới để khỏi bị cho là mở rộng chiến cuộc như ông đã hứa với dân chúng…” ( Hồi ký Westmoreland, bản dịch của Duy Nguyên trang 213).

    Kế hoạch hành quân Elpaso 1 (1968) : Sử dụng 3 sư đoàn ( khoảng 30.000 người )

    Sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố không tái ứng cử vào cuối tháng 3 năm 1968, Tướng Westmoreland nghĩ rằng người kế vị Johnson có thể chấp nhận tấn công sang Hạ Lào cho nên ông chỉ thị cho Tướng Bruce Palmer thảo một kế hoạch tấn công khác bởi vì kế hoạch trước khó thực hiện và tốn kém rất nhiều, nhất là phải duy trì quân Mỹ trên đất Lào quá lâu.

    Khi Tướng Palmer bắt đầu soạn kế hoạch thì tình hình vùng Hạ Lào đã đổi khác.  Lúc đó quân đội Mỹ vừa tiêu diệt xong 4 sư đoàn CSBV bao vây căn cứ Khe Sanh.  Tin tức của tình báo Lào ( Lực lượng Dân sự chiến đấu của tướng Vàng Pao ) cho biết có 2 sư đoàn CSBV vừa mới bị thương tổn sau trận Khe Sanh đã rút về Nam Lào.  Do đó Westmoreland quyết định dùng 3 sư đoàn Mỹ và 1 sư đoàn VNCH tấn công quân CSVN trong vùng Hạ Lào.

    Kế hoạch hành quân của Tướng Palmer được đặt tên là “Elpaso”:  Sử dụng 3 sư đoàn Mỹ, 1 sư đoàn VNCH và với sự hỗ trợ của khoảng 1 sư đoàn Thái Lan và Lào.

    Lực lượng Thái Lan và Lào sẽ trấn giữ và hành quân càn quét trong khu vực cao nguyên Boloven.

    Một sư đoàn Mỹ xuất phát từ Thái Lan vượt biên giới sang Lào tại Savnakhet rồi theo Quốc lộ 9 tiến về hướng Đông để đến Tchépone là nơi Quốc lộ 9 cắt đường mòn Hồ Chí Minh.

    Hai sư đoàn Mỹ từ Khe Sanh tiến theo Quốc lộ 9 tiến về huớng Tây đến Tchépone.

    Một sư đoàn VNCH từ A Shao tiến theo hướng Tây Bắc đến Tchépone.

    Kế hoạch này nhằm mục đích dùng Tchepone làm căn cứ tiền tiêu để kiểm soát ngăn chận quân Bắc Việt có thể thâm nhập vào Nam bằng đường mòn HCM.  Nếu kế hoạch đó được thực hiện thì cuộc chiến VN đã đổi khác bởi vì lúc đó Hà Nội đã kiệt quệ sau khi dốc toàn lực cho trận Mậu Thân.

    Kế hoạch hành quân Elpaso 2 (1968) : Sử dụng 4 lữ đoàn ( khoảng 8.000 người )

    Sau khi kế hoạch của Tướng Palmer vừa soạn xong thì Westmoreland nhận được thông báo chuẩn bị rời khỏi chức vụ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam.  Tuy nhiên vì nôn nóng muốn biết có phải quả thực 4 sư đoàn CSVN bị đánh tan tại Khe Sanh hay không, ông chỉ thị cho tướng Palmer soạn một kế hoạch hành quân khác, gọi là kế hoạch Elpaso 2 nhưng chỉ sử dụng 4 lữ đoàn quân VNCH.

    Hai lữ đoàn quân VNCH sẽ xuất phát từ Khe Sanh, theo Quốc lộ 9 tiến về hướng Tây đến Tchépone ( Cách biên giới Việt Lào 42 cây số . Mỗi Lữ Đoàn khoảng 2.000 người )

    Hai lữ đoàn VNCH từ thung lũng A Shao tiến theo hướng Tây Bắc để tới Tchépone.

    Nhìn vào kế hoạch Elpaso 2 thì thấy Tướng Palmer và Westmoreland đặt giả định rằng quân CSVN trên đất Lào là 2 sư đoàn bị thương tổn trong trận Khe Sanh vừa qua.  Cuộc hành quân chỉ có tính cách thăm dò lực lượng địch chứ không có tính cách chiếm đóng như hai kế hoạch trước.

    Cuối cùng thì kế hoạch Elpaso 2 cũng không thực hiện được vì ngay sau đó Westmoreland rời nhiệm sở tại Việt Nam và Washington gặp Hà Nội tại Paris.  Cả 3 kế hoạch được xếp lại và lưu trữ trong tủ hồ sơ của MACV.

    BÙI ANH TRINH

    https://quanvan.net/tu-chien-ha-lao-1-tinh-hinh-chung/#.X9JDgLN7mUk

    Không có nhận xét nào