Header Ads

  • Breaking News

    Bằng cấp giả: Lừa đảo về học thuật!

    Một sự kiện liên quan đến giáo dục Việt Nam được báo chí chính thống lẫn cư dân mạng xã hội bàn tán suốt tuần qua liên quan đến Trường Đại học Đông Đô ở Hà Nội - một trong những đại học ngoài công lập được thành lập sớm nhất tại Việt Nam.


    Theo kết luận điều tra của Cơ quan Công an, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết quan điểm của bộ là kiên quyết xử lý bằng cách thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Còn việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng mà bộ gọi là văn bằng ‘không hợp pháp’ sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

    Chuyện bằng cấp giả các loại được in ấn như thật và được mua bán ngầm nhưng công khai tràn lan trong xã hội, không là chuyện lạ hay mới. Nhưng chuyện một trường đại học cấp hàng trăm văn bằng giả là chuyện chưa từng nghe tới, như chia sẻ của PGS-TS Hoàng Dũng với RFA tối ngày 1 tháng 12:

    Thật ra việc làm bằng giả như vậy lâu nay chỉ một vài cá nhân. Đến Đại học Đông Đô thì tình hình đã quá tệ. Tức là các cấp lãnh đạo cao nhất của trường có chủ trương như thế. Đây là điều xưa nay chưa từng có. - PGS-TS Hoàng Dũng

    “Thật ra việc làm bằng giả như vậy lâu nay chỉ một vài cá nhân. Đến Đại học Đông Đô thì tình hình đã quá tệ. Tức là các cấp lãnh đạo cao nhất của trường có chủ trương như thế. Đây là điều xưa nay chưa từng có.

    Một cái lỗi to hay nhỏ thì cũng chỉ là lỗi nếu sau đó cái nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh lỗi đó được khắc phục. Nếu người ta chỉ giải quyết hậu quả do lỗi đó sinh ra mà không giải quyết cái nguyên nhân gây ra lỗi thì đó không phải là lỗi bình thường nữa. Phải làm sao để trường hợp như Đại học Đông Đô không xảy ra nữa là cái mà về mặt quản lý người dân quan tâm hơn rất nhiều, so với việc giải quyết vụ việc này riêng lẻ.”

    Đã từ lâu, nhiều người hoạt động trong lãnh vực giáo dục đã lên tiếng cảnh báo chuyện học giả nhưng có bằng thật, bởi nhiều nhà tuyển dụng còn quá thiên về bằng cấp, họ đòi hỏi bằng cấp này, chứng chỉ kia mới tuyển dụng. Thêm vào đó là bệnh háo danh của một bộ phận trong xã hội. Họ không học nhưng lại muốn có bằng cấp cao để lòe người khác nhằm tiến thân một cách dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.

    Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết ông không hề ngạc nhiên khi sự việc cấp bằng giả hàng loạt ở Trường Đại học Đông Đô đổ bể. Ông giải thích:

    “Thực sự tôi không ngạc nhiên với chuyện Đại học Đông Đô. Với cách thức học tập, cách thức tiếp cận bằng cấp ở Việt Nam, kể cả bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ nó vẫn đang có cái gì đấy lệch lạc. Nó không thể đi vào học thuật, nó không thể đi vào con đường khoa học mà vẫn là cái tiêu chí để vào được cương vị này, cương vị khác, từ công ty nhỏ đến bộ máy hành chính Nhà nước. Với cách tiếp cận như vậy thì nó không cổ vũ cho việc học hành. Bây giờ phải làm sao để đừng có tiến sĩ giấy nữa mà phải là tiến sĩ thật mới có đất dụng võ.”
     

    Theo cơ quan điều tra, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Trường đại học Đông Đô đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.

    Sau khi sự việc được truyền thông chính thức lên tiếng, cả người dân lẫn một số vị lãnh đạo lên tiếng yêu cầu công khai danh tánh 55 vị mua bằng giả của Trường Đại học Đông Đô.

    Trao đổi với báo chí trong nước vào trưa 30 tháng 11, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, phải nêu danh tính những người gian dối đó để làm gương cho các thế hệ sau và là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người sau này không dám làm như vậy nữa. TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng cần phải công khai danh tính của 55 người mua bằng này, bởi đây là hành vi thách thức sự trong sạch của nền giáo dục. Nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu.

    Trên mạng xã hội, hôm 29 tháng 11, nhà báo Nguyễn Như Phong cho biết ông có danh sách 55 vị này. Ông gia hạn nếu trong một tháng, các vị này không làm đơn xin rút ngay khỏi các chức vụ hiện có thì ông sẽ công khai danh tính từng vị. Ông cho biết sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực của danh sách này.

    PGS-TS Hoàng Dũng cho rằng, nếu cơ quan có thẩm quyền mà không công khai danh tánh ‘những người có uy tín’ kia thì dư luận sẽ nổi giận và nhà nước để cho một cá nhân như ông Nguyễn Như Phong tung danh sách ra thì nhà nước đã thua ngay trên sân nhà. TS. Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông:

    “Một trong những điều khiến cho người dân tin rằng nhà nước quyết tâm giải quyết triệt để vụ này, là những người được cho là ‘có uy tín’ bỏ tiền ra mua bằng có được công khai danh tánh hay không.

    Tôi thấy không có lý do gì mà không công khai danh tánh những người này. Mà nếu họ không công khai thì người dân bắt buộc phải đặt ra câu hỏi ai đứng đằng sau 55 người này. Và 55 người này chắc chắc không phải ‘dân đen’, bởi nếu ‘dân đen’ thì đã bị trị từ lâu. Những người này chắc có chức vụ gì đó nên họ không tiện công bố. Nếu vậy thì đây là cái thể chế đứng về phía những người có chức, có quyền chứ không phải đứng về phía công lý.”

    Tiếp theo đó là thay đổi cơ chế từ quản lý sang quản trị. Cách quản trị mềm dẻo để người dân tham gia vào giám sát tất cả mọi hoạt động, kể cả các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp lẫn các hoạt động dịch vụ công.- GS. Đặng Hùng Võ

    Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đồng quan điểm khi cho rằng phải công khai danh tánh chứ không có lý do gì giấu diếm cả. Đã gian trá trong học thuật thì phải thừa nhận điều đó. Ông nói tiếp:

    “Tôi cho rằng việc đầu tiên là phải xử rất nặng tất cả những người can dự vào việc man trá về học thuật này, bởi trong học thuật không thể có man trá. Đây là lừa đảo về học thuật. Phải xử gấp theo khung phạt trong BLHS không kiêng nể một ai cả để sau này không ai làm thế nữa.

    Đây là việc phải làm ngay lập tức kể cả phải hy sinh mấy chục cán bộ nhà nước cấp cao thì cũng phải làm. Không có cách nào khác cả.

    Tiếp theo đó là thay đổi cơ chế từ quản lý sang quản trị. Cách quản trị mềm dẻo để người dân tham gia vào giám sát tất cả mọi hoạt động, kể cả các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp lẫn các hoạt động dịch vụ công.”

    Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền lực nhà nước không chỉ là thống nhất, phân công, phối hợp mà còn được kiểm soát. Quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhà nước của dân nên quyền lực phải được kiểm soát. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

    Với nguyên tắc quyền lực thuộc về Nhân dân, thống nhất và kiểm soát trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nguyên tắc tiếp theo được khẳng định là cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phục tùng Nhân dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ và chịu sự giám sát của Nhân dân.

    Hiến pháp quy định như thế nhưng thực tế thì khác hẳn vì người dân không có chỗ nào để công bố ý kiến giám sát cả.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào