Quang cảnh sông Mekong giáp ranh giữa Thái Lan và Lào, nhìn từ phía Thái Lan. Ảnh chụp ngày 29/10/2019 tại Nong Khai, Thái Lan.
Reuters
Tiến sĩ Phạm Tuấn Phan - Giám đốc điều hành uỷ hội sông Mekong vào ngày 4 tháng 12 vừa qua được mời thuyết trình về những thành quả và thử thách trong nhiệm kỳ của ông. Buổi webinar do Chương trình Việt học của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) tại Singapore tổ chức.
“Việt Nam chủ trì ASEAN vào năm 2020 và đã đưa Ủy hội sông Mekong vào chương trình nghị sự. Chúng tôi ghi nhận đây là một nỗ lực đặc biệt của Việt Nam nhằm nhấn mạnh hợp tác Mekong và nêu rõ tầm quan trọng của nó. Lưu vực sông Mekong quan trọng vì nó là nguồn xung đột như tranh chấp lãnh thổ, tranh giành tài nguyên và ưu thế chiến lược. Chúng ta thấy sự căng thẳng này diễn ra hàng ngày ở lưu vực sông Mekong và Lan Thương”.
Lan Thương là tên gọi của đoạn sông Mekong chảy qua Trung Quốc. Từ năm 2014, Trung Quốc khởi xướng hợp tác Lan Thương-Mekong, một khuôn khổ hợp tác đa phương với 4 quốc gia bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Miến Điện. Các công trình đập thủy điện của các quốc gia thượng nguồn bị cho là đã làm trầm trọng thêm nạn hạn hán và hạn mặn ở các khu vực hạ lưu.
Đề cao vấn đề sông Mekong trong khuôn khổ ASEAN là một thành tích đáng kể, ông Phan nói, vì trước đây các quốc gia thuộc khối ASEAN chỉ muốn đưa những vấn đề vào nghị trình của khối nếu nó ảnh hưởng đến tất cả 10 quốc gia thành viên.
Một thành tích lớn khác trong nhiệm kỳ của ông là lần đầu tiên đã có được tuyên bố chung về thủ tục tham vấn trước của dự án thủy điện Pak Beng ở Lào, ông nói:
“Đây là một bước đột phá vì hai lần trước đây đã không thành công và dư luận đã lên án Ủy hội sông Mekong nặng nề vì sự thất bại đó.”
Dự án ông nói đến là đập thủy điện được xây dựng ở huyện Pak Beng thuộc tỉnh Oudomxay ở phía Bắc Lào. Theo kế hoạch, quá trình tham vấn trước được bắt đầu từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017. Theo Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận, viết tắt là Thủ tục PNPCA thì bất kỳ dự án nào sử dụng nước cũng đều phải trải qua một trong ba quy trình: Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. Trước đó, quy trình tham vấn trước cho hai dự án thủy điện gây tranh cãi Xayaburi và Don Sahong bắt đầu trong lúc Lào đã xúc tiến dự án.
Ủy hội sông Mekong còn bị nhiều chỉ trích, và trong những năm qua, có một số chuyên gia hoạch định chính sách cho rằng Ủy hội không hiệu quả. Ngân sách của Ủy hội cho giai đoạn 2016-2020 ước tính là 65 triệu Mỹ kim với phần lớn từ đóng góp của các quốc gia và tài trợ của các đối tác phát triển. Năm 2015 Đan Mạch đã ngưng hỗ trợ tài chính cho Ủy hội.
Tiến sĩ Phạm Tuấn Phan cho biết từ khi Ủy hội được thành lập năm 1995 đến năm 2015, tổ chức này đã được tài trợ xấp xỉ 320 triệu Mỹ Kim. Ông vẫn khẳng định rằng Hiệp định Mekong 1995 là thỏa thuận tốt nhất của khu vực:
“Hiệp định Mekong 1995 là thỏa thuận duy nhất đáng giá. Hợp tác Lan Thương-Mekong của Trung Quốc không dựa trên khuôn khổ hiệp ước, nên chỉ có Ủy hội sông Mekong là đáng giá”.
Trong phần hỏi đáp sôi nổi của buổi webinar, ông cũng nói thêm, chỉ có ba khuôn khổ hợp tác về sông Mekong có liên quan đến vấn đề nước, là Hiệp định Mekong 1995, Hợp tác Lan Thương-Mekong của Trung Quốc, và mới đây là Quan hệ Đối tác Hoa Kỳ-Mekong. Mỹ vào ngày 11/9/2020 đã nâng cấp Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong lên thành Quan hệ Đối tác Hoa Kỳ-Mekong và bước này được cho là để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông nói: “Đối tác Quan hệ Hoa Kỳ-Mekong là khuôn khổ duy nhất hợp tác với Uỷ hội sông Mekong…” Về Hợp tác Lan Thương-Mekong thì ông nói, “Tôi đã cố gắng hơp tác nhưng thất bại. Tôi chỉ có thể nói rằng Hợp tác Lan Thương-Mekong không được thân thiện với Uỷ hội sông Mekong”.
Tiến sĩ Phạm Tuấn Phan cũng lập lại một phát biểu đã từng gây nhiều tranh cãi. Xét trên Nghiên cứu Quản lý và Phát triển Bền vững sông Mekong bao gồm Tác động của các Dự án Thủy điện Dòng chính được hoàn tất năm 2017, ông lập luận rằng:
“Công chúng Việt Nam rất lo ngại về việc thiếu nước trên sông Mekong vì các đập. Nhưng theo tôi, bạn nên nhớ điều này: Các đập không tiêu thụ nước”.
Nhà nghiên cứu Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Yusof Ishak trong vai trò tham dự viên ghi nhận trong phần hỏi đáp qua chat rằng: “Kết luận của bản Nghiên cứu Mekong rằng các đập trên sông Mekong không dẫn đến việc thiếu nước hơn ở Mekong và việc xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Mekong không phải do việc xây dựng đập trên sông Mekong...Điều này nghe có vẻ gây tranh cãi và phản trực quan”.
Trước đây ông Brian Eyler, tác giả của cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” trong một cuộc phỏng vấn với mạng báo Người Đô Thị nói: “Tháng 2/2017, Giám đốc điều hành của Ủy hội sông Mekong, TS. Phạm Tuấn Phan nhận xét trong một cuộc phỏng vấn Phát triển thủy điện không giết chết sông Mekong. Phát biểu của ông gây ra nhiều tranh cãi. Nếu dòng Mekong chỉ để sản xuất điện, giao thông đường thủy, và tưới tiêu, thì chắc chắn các con đập sẽ không giết chết sông Mekong. Nhưng Mekong không chỉ là một con sông. Sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại, và địa lý cùng với sản vật tự nhiên của nó mang lại những trải nghiệm sống không nơi nào khác trên thế giới có được. Trong bối cảnh đó, không còn nghi ngờ gì nữa, các con đập, các tuyến đường sắt, đường cao tốc mới, và hệ thống mang lại kiểu phát triển mới này cho lưu vực sông Mekong sẽ làm thay đổi hẳn môi trường văn hóa và sự phong phú sinh thái vẫn còn được thấy trong những ngày cuối này của dòng Mekong hùng vĩ, nếu chúng ta không bắt tay hành động trong thời gian tới”.
https://www.rfa.org
Không có nhận xét nào