Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”]
Guam là một hòn đảo nhỏ ở giữa
Thái Bình Dương, cách Hongkong bốn và cách Hawaii sáu giờ bay. Từ 1899, Guam là
lãnh thổ của Hoa Kỳ. Nó có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với Hoa kỳ. Nó
là tiền đồn cực Tây của họ ở Thái Bình Dương. Từ đây, máy bay và tàu chiến của
họ có thể khởi hành hướng về châu Á trong trường hợp khẩn cấp.
Đối với người Mỹ thì hòn đảo này giống như một chiếc hàng không mẫu hạm nằm tại
chỗ. Đóng trên Anderson Air Force Base là những chiếc máy bay ném bom
chiến lược B-2 và B-52 cũng như những chiếc máy bay chiến đấu F-15 và F-22. Đường
băng cất và hạ cánh vừa được cải mới cho chúng. Người Mỹ đã tốn tổng cộng 40 ty
dollar vào trong việc hiện đại hóa căn cứ Guam.
Một chiếc F-15 đang cất cánh tại Anderson Air Force Base trên đảo Guam.
Ngay từ những năm 60 và 70 trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, Guam đã đóng một
vai trò chiến lược quan trọng, Và ngày nay, Guam lại cũng quan trọng giống như
vậy đối với người Mỹ. Nhưng dẫu cho Guam là một mảnh ghép rất quan trọng, thì
nó cũng chỉ là một mảnh ghép trong chiến lược Châu Á mới của Mỹ.
Trong những năm vừa qua, giới quân sự Mỹ đã khéo léo mở rộng các quan hệ thân
thiện cũ trong vùng và giao kết quan hệ mới – từ Đông Á qua Đông Nam Á cho tới
Nam Á, từ Nhật cho tới Ấn:
Nhật Bản: đồng minh trung thành nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là Nhật
Bản. Hai quốc gia liên kết chặt chẽ với nhau qua một hiệp ước an
ninh. Treaty of Mutual Cooperation and Security netween the United States
and Japan, được ký kết năm 1960, quy định hai quốc gia hỗ trợ cho nhau nếu như
lãnh thổ của họ bị tấn công. Tròn 38.000 người lính Mỹ từ mọi binh chủng đóng
quân ở Nhật.
Hoa Kỳ rất muốn mở rộng liên minh với nước Nhật qua Hàn Quốc. Cũng đã có những
cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên của ba quốc gia. Nhưng đề tài này rất nhạy
cảm, vì Hàn Quốc và Nhật Bản có những mối hận thù lịch sử. Ví dụ như hiệp ước
quân sự đầu tiên giữa Seol và Tokio đã bị hủy chỉ vài giờ trước khi ký kết vào
cuối tháng Sáu 2012.
Nam Hàn: Đối với Hoa Kỳ, Nam Hàn giống như một cậu trẻ gương mẫu về quân sự.
Người Hàn Quốc nhộn nhịp tăng cường vũ trang từ nhiều năm nay. Tỷ lệ chi phí
cho quân đội trên tổng sản phẩm quốc dân cao hơn là ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Hoa Kỳ còn đóng tròn 28.000 người lính trên Hàn Quốc. Tuy Hàn Quốc và Trung Quốc
có gắn kết chặt chẽ về kinh tế, và họ có cùng trải nghiệm gây chấn thương của
thời Nhật Bản chiếm đóng, nhưng hai láng giềng này cũng không còn có điểm chung
nào nữa. “Không có điều gì cho thấy rằng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ
thay thế Hoa Kỳ trở thành đồng minh quan trọng nhất của Nam Hàn trong tương lai
gần đây”, Sebastian Heilmann và Dirk Schmidt viết. Nam Hàn sẽ vẫn ở bên phe của
Mỹ.
Philippinies: Đó là một nghi thức mang tính tượng trưng trên chiếc USS
Fitzgeraldtrong vịnh Manila. Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời đó Hillary
Clinton đã nhân chuyến đi thăm của bà trên chiếc tàu hàng không mẫu hạm vào giữa
tháng Mười Một 2011 để đưa ra một lời phát biểu rõ ràng: “Hòa Kỳ sẽ luôn luôn đứng
bên cạnh Philippines, và chúng tôi sẽ chiến đấu cùng với các anh.” Tình hữu nghị
giữa Hoa Kỳ và quốc đảo này không phải lúc nào cũng chặt như vậy. Vào đầu những
năm 90, người Mỹ đã phải đóng cửa căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân
Subic Bay trên Philippines. Bây giờ, người Mỹ quay lại – tất nhiên là với những
đơn vị nhỏ hơn, nhưng có sức chiến đấu mạnh hơn. Giới quân đội Philippines cần
sự giúp đỡ này, vì trước hết là hải quân của họ bị cho rằng không có nhiều sức
chiến đấu cho lắm. Lực lượng này nhỏ và phải dùng vật liệu lỗi thời. Về mặt thể
chế, Hoa Kỳ và Philippines cũng thắt chặt quan hệ của họ. Năm 2012 là lần đầu
tiên có những cuộc trao đổi được gọi là 2+2 mà các bộ trưởng bộ ngoại giao và
quốc phòng của hai nước gặp nhau ở đó.
Việt Nam: Lần đầu tiên sau 30 năm, một bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ lại đến
thăm vịnh Cam Ranh vào đầu tháng Sáu năm 2012. Leon Panetta nói rất đúng – với
một chiếc mũ bóng chày trên đầu – trên tàu USS Richard E. Byrd: “Đây là một
chuyến đi lịch sử.” Vịnh Cam Ranh, nằm trong Nam Việt Nam trước đây, là một căn
cứ hải quân quan trọng đối với người Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Thời
đó, họ xây mở rộng nó thành cảng tự nhiên lớn nhất của Đông Á. Và bây giờ thì
người Mỹ đã trở lại, họ lại được phép cập cảng này. Gần 40 năm sau khi Chiến
tranh Việt Nam chấm dứt lại có những cuộc tập dượt quân sự của hai địch thủ
ngày xưa. Chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington và tàu khu trục hạm
USS John McCain đã cùng tập dượt với hải quân Việt Nam trên biển Đông. Đi kèm
theo những lần tập dượt quân sự đó là những cuộc trao đổi tích cực trên bình diện
chính trị cao nhất. Từ 2009 đã có US-Vietnam Political, Security and
Defence Dialogue được thể chế hóa. Người Mỹ còn muốn tăng cường thêm cho
các quan hệ. Họ cố gắng vươn tới một đối tác chiến lược với nước cộng sản này.
Người Mỹ còn chưa cung cấp – ít nhất là chính thức – vũ khí. Việt Nam, nước đã
tăng cường vũ trang mạnh trong những năm vừa qua, mua theo truyền thống ở Nga.
Họ vừa mới đặt máy bay chiến đấu Su-30 và sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo. Chí phí
tổng cộng: 3,2 tỷ dollar.
Myanmar: Cả một thời gian dài là một quốc gia bị bài xích, Myanmar – Miến
Điện trước đây – đã biến đổi trong những năm vừa qua. Chính phủ dân sự đang cầm
quyền, vẫn còn bị giới quân đội thống lĩnh, tạo cho mình một lớp sơn dân chủ,
cuối cùng cũng để cho nữ chính khách đối lập nổi tiếng thế giới Aung San Suu
Kyi vào Quốc Hội. Và bất thình lình, các quốc gia Phương Tây ve vãn chính quyền
mới. Hillary Clinton tới thăm vào cuối tháng Mười Một 2011 như là chính trị gia
hàng đầu đầu tiên của Phương Tây, và trong tháng Mười Một 2012, Barack Obama vừa
tái đắt cử đã lướt qua cựu thủ đô Yangoon của Miến Điện sáu giờ đồng hồ trong
chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên (!) của mình. Cũng đã có những cuộc trao đổi
bí mật giữa các chuyên gia quân đội hai bên với mục đích đào tạo người quân đội
Miến Điện ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ bây giờ hưởng lợi từ việc rằng cả trong thời tẩy
chay bởi Phương Tây, họ luôn giữ tiếp xúc không chính thức với giới quân đội.
Hoa Kỳ là nước Phương Tây duy nhất có một tùy viên quân sự trong sứ quán của họ.
Thái Lan: Quan hệ với Thái Lan là một trong những quan hệ đối tác lâu đời
nhất giữa Hoa Kỳ và một nước châu Á. Nó bắt nguồn từ một hiệp ước năm 1833. Thế
nhưng trong những năm vừa qua, quan hệ giữa hai đối tác lâu năm này đã trì trệ.
Đồng thời, các quan hệ của Thái Lan đối với Trung Quốc lại ngày một tốt hơn.
Ian Storey, chuyên gia ở International Institute for Strategic Studies
(IISS) tại Singapore, nói: “Trong tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á, Thái
Lan có những quan hệ quân sự chặt chẽ nhất với Trung Quốc.”
Singapore: Quốc đảo nằm ở khởi điểm của Eo biển Malacca cho phép bốn chiếc
tàu chiến siêu nhanh của người Mỹ, những cái được gọi là Littoral Combat
Ships (LCS) thường xuyên cập bến cảng Singapore. Chiếc đầu tiên của những tảu
này đến đó vào trong mùa Xuân 2013 và được phép đóng ở đó mười tháng. Singapore
đồng minh tuy không phải là một căn cứ quân sự chính thức của người Mỹ, nhưng
người ta có thể gọi đó là một căn cứ trên thực tế.
Indonesia: Cả một thời gian dài, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Indonesia bị trục
trặc. Nhưng từ khi đất nước này biến đổi từ một chế độ độc tài sang một nền dân
chủ bền vững, Hoa Kỳ và Indonesia đã tiến lại gần nhau. Trong năm 2010, một Comprehensive
Partnership Agreement được ký kết, cái cũng bao gồm cả một cộng tác quân sự.
Hiện nay, người Mỹ cũng cung cấp vũ khí cho quân đội Indonesia, ví dụ như hai
chục chiếc máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng và tám chiếc trực
thăng Apache mới tinh.
Úc: Hoa Kỳ và Úc có một truyền thống cộng tác quân sự trên 60 năm. Sự cộng
tác này còn được tăng cường thêm trong những năm vừa qua. Trong một thỏa thuận
trong tháng Chín năm 2011, Úc cho phép Hoa Kỳ tiếp cận không giới hạn các căn cứ
và cảng quân sự của Úc. Có tầm quan trọng đặc biệt trong đó là Darwin, thành phố
cảng ở miền Tây Bắc của Úc. Thành phố này nằm gần biển Đông nhất. Người Mỹ muốn
đóng tròn 2500 lính Thủy quân Lục chiến ở đó, Darwin cũng có thể được mở rộng
thành căn cứ cho máy bay Hoa Kỳ, vì Guam đơn giản là nằm cách quá xa những điểm
nóng trong tương lai.
Ấn Độ: Dưới thời của Tổng Thống George W. Bush, một hiệp ước bảo vệ (New
Framework for the US-India Defense relationship) có hạn mười năm được ký kết
năm 2005 giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ. Sự tiếp cận về quân sự này diễn ra tiếp tục dưới
thời Obama. Ấn Độ, cả một thời gian dài phụ thuộc vào vũ khí do Nga cung cấp,
hiện nay đã mua ngày càng nhiều trên thị trường vũ trang Mỹ. Dù là pháo siêu
âm, trực thăng có trang bị hỏa tiển hay máy bay vận tải – hiện giờ thì người Mỹ
sẵn sàng thỏa mãn các ước muốn của quân đội Ấn.
Bên cạnh nhiều liên minh và hợp tác đa phương này, người Mỹ cũng cỗ vũ cho sự cộng
tác về quân sự giữa các đối tác châu Á của họ. Dấu hiệu rõ rệt nhất là con số
tăng lên của những cuộc tập trận trên Thái Bình Dương mà thường có nhiều quốc
gia tham dự.
Trước những hoạt động đa dạng về quân sự này của người Mỹ ở châu Á, người Trung
Quốc có cảm giác họ bị Hoa Kỳ và bạn bè hay đồng minh của nó bao vây. Họ nhìn
thấy một vòng vây theo dạng của một chữ C lớn, cái trải dài từ Nhật Bản qua
Đông Nam Á cho tới Ấn Độ. Đái Húc, đại tá không quân Trung Quốc còn nhìn thấy cả
một NATO Á Châu đang thành hình.
Người Mỹ tất nhiên là chối cãi việc họ muốn bao vây hay ngăn chận Trung Quốc.
Dù đó là Obama, Biden phó của ông hay giới cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ – họ
phủ nhận làu làu là có những ý định xấu xa như vậy. Ví dụ như Phó Tổng Thống
Joseph R. Biden thường hay nói: “Tôi dứt khoát cự tuyệt những ý nghĩ của một sự
bao vây.”
Nhưng người ta không cần phải là chuyên gia quân sự để nhận ra một mâu thuẫn lớn
giữa những lời nói và việc làm này. chính sách liên minh trong những năm vừa
qua của Mỹ ở Châu Á cần phải chống lại ai nếu như không chống lại Trung Quốc?
Người ta cũng phải lên án cả người Trung Quốc vì sự không thành thật này. Họ
ngây thơ tuyên bố rằng họ không có ý định làm bá chủ ở Châu Á, thế nhưng hành động
của họ đã cho thấy rằng họ nói dối.
Wolfgang Hirn
https://www.tvvn.org
Không có nhận xét nào