Header Ads

  • Breaking News

    Tuấn Khanh - Mọi Thứ, Phải Chỉ Là Nhân Dân

    Mùa bão – lũ – lụt năm 2020 ở Việt Nam bùng lên. Tháng 10 năm Canh Tý, nước dâng nhanh như sấm giật, người dân miền Trung kể rằng họ mới đốt nến lên nhìn mực nước dưới cột nhà, quay đi quay lại một chút, nước đã sát mép chân. Nước dâng cho mưa, lụt nhưng nước còn ngậm lũ của những nhà máy thủy điện do nhà nước dựng lên xả ra liên hồi.

    Tiếng dân kêu nạn của năm Canh Tý có nhiều điều lạ thường. Người dân không gọi tên nhà nước, mà chỉ gọi tên nhau. Dân gọi dân, đời gọi đời, thậm chí gọi cả trời… nhưng ít ai nghe thấy tiếng gọi tên nhà cầm quyền trong cơn hoạn nạn.

    Suốt nhiều tuần liền, trên các trang mạng xã hội như Facebook, tràn ngập các tin tức về người cứu người, hy vọng được cứu và hy vọng đến nơi kịp lúc. Không có ranh giới nào về vùng miền hay giàu nghèo. Bức tranh Việt Nam đẹp lạ lùng trong khốn khó.

    Nhưng, đó là chuyện của dân đen.

    Mặt khác của việc người dân tự giúp nhau, không gọi tên chính quyền trong hành động đơn phương của mình – nói một cách nào đó đã tạo ra một cơn đau nhức, tinh thần của những người lãnh đạo. Những người cầm quyền bị đẩy ra ngoài rìa của hành động yêu thương, như thể họ bị coi như không phải là người Việt vậy. Bên cạnh đó, những tuyên bố cứu trợ người dân từ nhà nước rất chậm chạp so với hành động trực tiếp và hiệu quả của một cô ca sĩ tên Thủy Tiên ở Sài Gòn, là sự sụp đổ về ý nghĩa cai trị đất nước, đặc biệt khi sự cai trị đó, luôn hô to là sống chết vì nhân dân.  

    Trăm năm nay, nước Việt vẫn sống và gượng sống với bất kỳ khó khăn nào, bởi tình đồng bào. Kẻ bị tát phía kia, thì phía này cũng đau. Chuyện đói khổ ở đâu đó, dù không nhìn thấy mặt nhau nhưng đủ thắt tim người đang ăn miếng no đủ. Những điều giản đơn ấy tạo nên một tinh thần đạo đức của người Việt, như di sản cuối của cha ông để lại.

    Đến thời đại hôm nay, mưa lũ hôm nay, giữa mọi thứ đau thương hỗn loạn diễn ra, nhà cầm quyền nhất mực tập trung kèn trống đại hội riêng. Bên cạnh hình ảnh rộn rịp vỗ tay chúc tụng nhau, là bão ập, nước dâng, người chết, nhưng rồi chỉ có một tướng quân được nhắc tên để tưởng niệm ở Quốc hội.

    Rồi đến khi rảnh tay, các quan lại địa phương lại trình diễn bằng ngôn ngữ chính trị, vờn trên khốn khó đời thật của dân đen, bằng việc viễn dẫn luật 64/2008 để chặn thu tiền cứu trợ của mọi nơi dồn về vùng bị nạn. Luật 64/2008 tạo ra áp đặt và mơ hồ, lại được bọn lạm quyền thích dựa dẫm làm cớ để chặn, lấy, trong lúc quốc gia khẩn cấp. Luật ấy cắt đứt nghĩa đồng bào, tình dân tộc… bằng cách ra lệnh không có bất kỳ ai người Việt được quyền tự mình cứu giúp nhau, mà phải nộp hết cho nhà nước, và để nhà nước định đoạt.

    Bối cảnh ấy, dẫn đến những xung đột nhất định. Và những xung đột như vậy giữa người cứu trợ và các giới chức địa phương cũng cho thấy luật về quyền lập hội, công đoàn hay tổ chức NGO trong nước đang thúc bách vô cùng. Ở nhiều nơi cho biết, nhiều đoàn cứu trợ đã tức giận ngừng phát, có người đòi mang hàng cứu trợ đi về, phát luôn trên đường đi chứ không muốn bị lấy đi, nạp cho bất kỳ cơ quan địa phương nào.

    Hàng cứu trợ chồng chất ở các nơi như vậy nhưng không đến được tay người dân, tranh cãi nhiêu khê. Luật 64/2008 giúp cho các quan lại địa phương khả năng không bóp được dân bên ngoài, thì bóp dân bên trong. Nhiều gia đình từng kể với báo chí rằng, họ vừa cầm được 500 ngàn, nụ cười chưa kịp tắt thì bọn nách thước, sai nha ập đến, lấy đi 400 ngàn, vỗ ngực nhân danh phải chia phần công bằng.

    Dân gian vẫn có câu “mượn hoa dâng Phật” hay mỉa mai hơn là “của người ơn ta”. Một hệ thống hành chính nhà nước thì không thể tồn tại trong sự mỉa mai như vậy, và nếu cố bám vào một điều luật không sức sống nào đó để hành động, thì lại là cơ hội tốt để trăm triệu dân Việt xét lại về cách sự nuôi dưỡng bất công, vô lý đó có xứng đáng là bộ mặt đại diện một nhà nước hay không?

    Quảng Trị là một trong những nơi sớm nhất nhận ra sự xung đột này. Công văn giải thích (nói lại) từ tỉnh này với hoạt động cứu trợ, phân minh rằng sẽ không có cản trở hay buộc giao nộp hàng cứu trợ có thể chưa làm vừa lòng hoàn toàn những người dân quan tâm, nhưng chí ít cho thấy phản ứng cần thiết phải làm. Dù bịt mắt bịt tai cố chấp như thế nào, rồi cũng phải có người nhận ra rằng: Nhân dân là giá trị tối ưu cho việc xây dựng xã hội. Không thể có hệ thống công quyền mạnh đứng trên nền nhân dân đói khổ – còn nếu có, chỉ có thể là áp bức.

    Không có thứ luật nào hay mệnh lệnh chính trị nào có thể cưỡi, ngồi trên nỗi đau của con người. Đó là điều mọi nhà lãnh đạo cần phải học nằm lòng. Nhất là khi có những loại luật được tạo ra để hủy diệt truyền thống thương yêu của người Việt với nhau.

    https://www.tvvn.org/

    Không có nhận xét nào