Câu hỏi đó chắc vẫn vang lên, vô thanh trong suy nghĩ nhiều người, khi trải qua các chặng cứu trợ hay từ thiện, nơi vô số các em nhỏ hay thanh niên nhọc nhằn với cuộc sống hàng ngày của mình, vật lộn với miếng ăn và tai ương ở miền Trung Việt Nam.
Khi ghé qua hỏi han về gia cảnh, nhiều người đã bối rối thú nhận rằng con cái của họ đã bỏ học từ lớp 4 hay lớp 5. Lý do là để phụ giúp gia đình, hoặc nghỉ học vì đến trường, có chữ thêm, không biết để làm gì.
“Phụ giúp”, là kiếm ít củi, trông em, sai vặt… nếu giỏi hơn thì có thể nhận việc ở đâu đó, kiếm được chút tiền cho bữa cơm chiều.
Con đường dẫn ra các vùng Bắc Trung Bộ xa xôi, được biết chuyện có nơi nhiều em nhỏ xin nhận giỏ đeo gạch đi bằng lối mòn đến nơi đang xây dựng trên cao, dài có khi đến 2-3 cây số, để nhận 10.000 đồng một chuyến. Nhưng kinh khủng hơn, ở Đồng Văn, Hà Giang, có chuyện những em cõng hơn 30kg gạch đi vài cây số, chỉ được 2000 đồng/chuyến. Sức chịu các em như vậy, mỗi ngày đi được 3 chuyến.
Nói chuyện với một bà cụ ở làng Húc, Quảng Trị, bà kể cho biết hầu hết cuộc sống của những người trong vùng đều là tự cung tự cấp. Do đó, trẻ con phải tham gia giúp gia đình là đương nhiên. Việc buộc gia đình phải chu cấp cho mình một chút tiền đi học là một điều quá xa xỉ ở những nơi như vậy.
“Như năm nay bão lụt liên tục thì mình làm sao để sống?” – bà cụ nói – “thì mình đi mượn gạo để ăn rồi năm sau ráng làm để trả lại”.
Nhưng, không hề có nghĩa là
năm sau, họ có thể dư dả và trả được, nên khi những món nợ sống còn như vậy chồng
chất, 100 ngàn đồng (khoảng 4 USD) để chi phí tiền học cho một năm trở thành điều
quá lớn đối với một đứa bé ở đây.
Vậy nên, mỗi khi có chuyến cứu trợ hay từ thiện nào về, giống như ngày hội. Thức
ăn, quần áo là niềm vui, những thứ để được tiếp tục học hành lại càng lớn lao
hơn. Có những nơi, trẻ em đi cùng người lớn từ 4-5 giờ sáng, háo hức đến chờ nhận
chút quà, mà giá chỉ bằng một bữa nhậu con ở đô thị.
Một gia đình nghèo khó ở Quảng Bình, ở nơi chịu các trận bão lụt vừa rồi, có lúc nước dâng cao đến 4 mét, được mọi người trong vùng giới thiệu, kể rằng đó là một gia cảnh nghèo khó nhất: nhà chỉ 3 mẹ con, bà mẹ bị tai biến, hai đứa con gái thì còn nhỏ, đang đi học. Nghe hướng dẫn của cán bộ trong làng, họ đi xin trợ cấp hộ nghèo, nhưng rồi sau 3 năm, việc giúp đỡ hộ nghèo cũng bị cắt, bởi cán bộ xác định là gia đình này “vẫn cứ nghèo hoài”, nên không được giúp nữa. Khi hỏi thêm mới hay, nguồn trợ cấp này bị xà xẻo theo kiểu nào đó, mà mỗi năm, họ chỉ nhận được có 200 ngàn đồng vào dịp tết âm lịch. Đứa con gái lớn, nhận được giấy báo trúng tuyển 2 trường đại học, nhưng rồi phải từ bỏ ước mơ và nghĩ đến chuyện đi làm công kiếm sống.
Chắc rằng, tôi hay các bạn,
ai cũng sẽ trĩu nặng những suy nghĩ riêng, khi đối diện với những câu chuyện
như vậy, mặc dù vẫn phải cười.
Những hình ảnh và video của anh chị em trong nhóm thiện nguyên Có Mặt Cho Nhau
góp gửi về, cho thấy người đi đến nơi trao thật khó nhọc, nhưng để đi đến nhận
lấy, cũng không kém. Có những đứa trẻ vừa nhận được phần của mình, đã mở vội những
những quyển tập và quà trong chương trình Triệu Quyển Tập Cho Em, xuýt xoa với
giấy trắng mà thương.
Con đường dài từ Huế đến Quảng Trị, Quảng Bình… là những dữ liệu dồn nén cho câu hỏi những đứa trẻ Việt Nam học để làm gì? Ngay cả ở những giáo xứ Công giáo tử tế, trẻ em được khuyến khích học đến hết cấp 2 hoặc cấp 3, mọi thứ lại tiếp tục bế tắc ở mức độ cao hơn: chúng làm gì có đủ tiền để ra thành phố lớn học đại học?
Ở các thành phố lớn, nơi con cái của những gia đình đầy đủ vẫn phải đang kêu gào và vật vã về chuyện sách giáo dục cứ đầy đoạ tinh thần trẻ em, thì vạn nơi khó khăn tiếp cận với con chữ như vậy, những đứa trẻ khác sẽ học như thế nào?
Dĩ nhiên, hỏi chỉ là một cách để tự vấn lương tâm về sự bất lực của những đứa trẻ và của chính bản thân mình trước một thế giới đẹp đẽ nhưng đầy ảo ảnh. Chắc rồi ai cũng sẽ có câu trả lời riêng cho bản thân mình. Nhất là khi nhìn vào thế giới sống của chúng ta – nơi đầy những câu chuyện như quan chức dùng tiền bằng cả những ngôi trường lớn hay khu nhà cứu nạn để mua quốc tịch nước ngoài cho bản thân mình – họ im lặng đào thoát khỏi một quê hương nghèo khó, nơi bị giới cầm quyền – bạn bè của họ – rất ung dung chi xài sai, thâm lạm đến hơn 55 ngàn tỷ đồng/năm từ tiền thuế.
Và ngay cả những người dù không ra đi nhưng nhà cao cửa rộng bất thường, dù được trang trí với nhiều bằng cấp hay chức vụ, nhưng trong những giờ phút riêng tư, chắc họ cũng mỉm cười và nói với nhau rằng “học để làm gì”
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/
Không có nhận xét nào