Dầu kết quả bầu cử sắp tới thế nào thì có hai điều chúng ta có thể đọc được từ nhiệm kỳ của ông Trump cũng như sự trỗi dậy của ông ấy. Đó là thế giới cần hiểu nước Mỹ và cần lắng nghe nhau nhiều hơn.
Trong thời gian đi học ở Pháp gần 20 năm trước tôi ở Ký túc xá sinh viên quốc tế ở phía Nam Paris và sinh hoạt sâu sát với những du học sinh từ nhiều nước Nam Mỹ như Colombia, Venezuela hay Bắc Phi như Algeria, Tunisia. Một trong những đề tài hằng ngày của du học sinh ở đây là chỉ trích đế quốc Mỹ xâm lược, sen đầm, can thiệp, làm rối loạn, hành hạ thế giới. Các trao đổi này rất hòa nhịp với môn thể thao tinh thần thường trực của báo đài từ Pháp đến Tây Ban Nha, những bài xã luận, những đoản văn trí thức hạ và mạt sát nước Mỹ và các vị Tổng thống Mỹ đặc biệt là các Tổng thống Cộng Hòa: Bush là tên học dốt nhờ danh tiếng ông cha mà được vào Yale và lên làm Tổng thống Mỹ, Trump thì khỏi phải nói thất học, lỗ mãng, trọc phú. Châm chọc các TT Mỹ đã thành một thú vui tinh thần: báo đài, phim ảnh, sách báo, và nói thật đi ngày nào chúng ta không nhận trong các group tin nhắn của mình ở Châu Âu các tin và hình ảnh cười cợt từ Donald Trump đến thức ăn nhanh đến những kiểu người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông ấy.
Nói như vậy không phải để chuẩn bị cho một thái cực khác về nước Mỹ hay ông Tổng thống hiện tại mà tôi và người bình thường nhất cũng có thể chỉ ra nhiều khiếm khuyết. Nước Mỹ có nhiều vấn đề, từ căng thẳng sắc tộc đến việc sử dụng và sở hữu súng, đến chủ nghĩa tiêu thụ đã đẩy, một ví dụ đơn giản thôi, việc chăn nuôi đến thành một công nghiệp nơi hàng trăm triệu con bò không bao giờ được thấy màu xanh của cỏ trong cuộc đời của mình.
Tuy nhiên chỉ trích và nhạo báng nước Mỹ và Tổng thống Mỹ đến độ như vậy ở Châu Âu (các bạn ở Mỹ phải qua đây mới thấy được điều này!) là một sự tự huyễn hoặc và xa rời thực tế đến trầm trọng. Thế giới này không chỉ có chân thiện mỹ với đầy đủ cách thức để cao đẹp, mà đầy rủi ro và đối thủ. Nước Mỹ mà mọi người đang chế nhạo là làm việc như điên đó đang cạnh tranh với những quốc gia trỗi dậy xưng hùng xưng bá trên thế giới trong việc xâm lược bằng hàng hóa và nhiều thứ khác, bất kể sinh mạng con người, chứ đừng nói đến môi trường. Nước Mỹ mà mọi người đang cười chê là không biết hưởng thụ cuộc sống và y tế công đó đã và đang đóng góp nhiều nhất vào các tổ chức quốc tế từ Liên hợp quốc đến Nato trong khi nhiều nước Châu Âu ngày càng cắt giảm quốc phòng để không phải hy sinh những chính sách xã hội. Nước Mỹ mà mọi người đang chê trách là bỏ rơi đồng minh đó cũng là nước có những người lính rời khỏi chiến trường cuối cùng so với tất cả các nước Châu Âu khác. Nước Mỹ mà mọi người chỉ trích là hiếu chiến đó đang làm nhiều nước Châu Âu lo ngại khi họ dọa rút phần của mình khỏi Nato, chốt phòng thủ đối với Nga, một nước mà Mỹ đâu có nhiều lý do gì để lo ngại. Nước Mỹ mà mọi người chỉ trích vì chủ nghĩa can thiệp đó đang nêu lên và tổ chức thực hiện một mô hình mà không phải lâu nay các bạn đang mong ước: đó là mọi quốc gia cần phải tự cường như những ngôi sáng trên bầu trời và hợp tác với nhau trên tinh thần bình đẳng. Thế giới có nghe đủ tiếng nói trên của nước Mỹ qua bài diễn văn của TT Donald Trump tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc? Hay là mọi người và báo đài đang dành nhiều thời gian hơn để châm chọc những lời chim sẻ đang kêu (tweet) ông này đang dùng để thu hút dư luận và cân bằng với báo đài suốt ngày chỉ trích trong một cuộc bầu cử đáng lý ra phải được đưa tin công bằng hơn?
Có lẽ chúng ta cần phải lắng nghe nước Mỹ nhiều hơn. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ nhì đó là chúng ta cần lắng nghe những người không được nói nhiều hơn.
Political correctness, không biết dịch sao nôm na đó là những sự đúng đắn và hướng thượng trong chính trị, có lẽ là một trong những điều làm bịt miệng và bóp nghẹt dân chủ nhiều nhất từ 20 năm nay. Hướng thượng là một điều tốt nhưng đẩy nó đến cực điểm là một sự xa rời thực tế khác vì không phải ai cũng đang đi cùng vận tốc với bạn. Tất cả đều có thể là những đề tài để thảo luận và thuyết phục, từ môi trường đến sắc tộc, từ tôn giáo đến dân chủ, từ tự do mậu dịch đến bảo hộ để bảo vệ sản xuất trong nước, từ mở rộng nhập cư đến bảo vệ biên giới của mình khỏi những dòng di dân kinh tế. Làm gì có độc quyền chân lý của những người nắm giữ tri thức và tự cho mình là đúng đắn. Mà thật ra chân lý là gì nếu nó không phục vụ rất nhiều người còn lại, vốn phải vận dụng và bị ảnh hưởng bởi các “chân lý” đó trong đời sống hằng ngày nhiều hơn rất rất nhiều so với những người nêu lên lý thuyết. Đám đông không nhiều lời và ít lý luận nhưng đám đông có lá phiếu (may mắn là thể chế dân chủ cho họ điều đó) và quyền quyết định những gì tác động đến cuộc sống của họ.
Những thảm cảnh đang diễn ra ở nước Pháp mà tôi yêu quý (nhiều vụ thảm sát liên quan đến tôn giáo) đáng buồn là kết quả của sự political correctness quá đáng trong chính trị, nơi mà người ta không còn dám nói những điều đơn giản như chỉ mặt đặt tên, không còn dám truy ra tận nguồn và giải quyết những vấn đề mà người dân thấy rất đơn giản nhưng lại bị lùng bùng hóa trong một hệ thống cồng kềnh về tổ chức cũng như lý luận của những người lãnh đạo và truyền thông từ báo đến đài. Tên sát nhân chỉ vừa mới sang Pháp vài tháng trước, sau khi đến từ Ý bằng cách vượt biển từ Bắc Phi.
Việc cần làm là gì? Hãy hỏi những người dân thường. Thậm chí hãy nghe những gì họ không thể nói được. Thật ra đó cũng là tiếng nói bên trong của mọi người chúng ta.
Ở một cấp độ ít thảm kịch hơn, người Mỹ im lặng đã lên tiếng năm 2016 khi bầu TT Donald Trump vào Nhà Trắng. Và có vẻ tiếng nói của họ cũng chưa được nghe đủ.
https://www.facebook.com/letrungtinh/posts/10221200298531503
Không có nhận xét nào