Ảnh: Mười lăm nhà lập pháp ủng
hộ dân chủ từ chức hồi đầu tháng để phản đối các quy tắc mới của Trung Quốc.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
Trung Quốc đã lớn tiếng phê phán Anh, Mỹ, Úc, New Zealand và Canada sau khi Bắc Kinh bị cáo buộc ra sức bịt miệng những người chỉ trích ở Hong Kong.
Liên minh “Ngũ Nhãn” năm nước (Five Eyes), một hiệp ước chia sẻ tình báo, đã chỉ trích Trung Quốc áp đặt các quy tắc mới để loại các nhà lập pháp được bầu lên ở Hong Kong.
Liên minh này hối thúc Bắc Kinh đảo ngược hành động.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các nước này đừng thò tay vào chuyện của Trung Quốc và nói: “Họ nên cẩn thận nếu không sẽ bị móc mắt“.
“Họ có 5 mắt chứ đến 10 mắt thì cũng chẳng là cái gì. Người Trung Quốc không bao giờ gây rắc rối và không bao giờ sợ bất cứ điều gì,” người phát ngôn Triệu Lập Kiên phát biểu ở Bắc Kinh hôm thứ Năm.
Tuần trước, Hong Kong đình chỉ bốn nhà lập pháp ủng hộ dân chủ khỏi hội đồng lập pháp sau khi Bắc Kinh thông qua một nghị quyết cho phép chính quyền Hong Kong bãi nhiệm các chính trị gia được coi là mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Để đáp lại, tất cả các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ của Hong Kong đã tuyên bố từ chức. Lần đầu tiên kể từ khi Anh Quốc trao lại Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, hội đồng lập pháp gần như không có tiếng nói bất đồng.
Việc bãi nhiệm bốn nhà lập pháp Hong Kong bị nhiều người coi là nỗ lực cuối cùng của Trung Quốc để hạn chế quyền tự do của Hong Kong, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
Các ngoại trưởng của nhóm Ngũ Nhãn thúc giục Trung Quốc phục chức cho những người này, và nói rằng động thái này là vi phạm rõ ràng cam kết có tính ràng buộc pháp lý để bảo vệ quyền tự do và tự trị của đặc khu này.
Họ cũng cáo buộc Bắc Kinh đã hủy hoại quyền của người Hong Kong được bầu ra đại diện cho mình.
Nhóm Five Eyes là một liên minh chia sẻ thông tin tình báo của năm nước nói tiếng Anh, được lập ra từ thời Chiến tranh Lạnh. Ban đầu, nhóm được lập ra để theo dõi Liên Xô và các nước đồng minh.
Căng thẳng về luật an ninh quốc gia của Hong Kong
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong nói bất kỳ nỗ lực nào của nước ngoài đe dọa hay gây áp lực buộc Bắc Kinh “nhượng bộ” đều sẽ “chắc chắn thất bại.”
Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’, cho phép đặc khu này được giữ lại nhiều quyền và tự do hơn đại lục cho tới năm 2047.
Là một Đặc khu Hành chính, Hong Kong có hệ thống pháp luật riêng, đa đảng chính trị, và được hưởng các quyền trong đó có quyền tự do tụ tập và tự do ngôn luận.
Nhưng cuối tháng Sáu, Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia gây nhiều tranh cãi sau các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh và ủng hộ dân chủ kéo dài nhiều năm.
Luật này hình sự hóa các hành động “ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài“.
Bắc Kinh nói luật này nhằm đảm bảo ổn định cho Hong Kong, nhưng các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền nói luật này thực chất hạn chế tự do ngôn luận và các cuộc biểu tình.
Sau khi luật được thông qua, một số tổ chức ủng hộ dân chủ Hong Kong đã giải tán vì lo ngại cho an toàn của các thành viên.
Hong Kong: Những vụ bắt bớ đầu tiên khi luật an ninh có hiệu lực
Chín người bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm pháp luật, trong đó có một người mang lá cờ ủng hộ độc lập.
Hơn 300 người khác bị tạm giữ tại một cuộc tuần hành bị cấm tổ chức.
Các vụ bắt giữ xảy ra sau khi luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực, các quan chức cho biết.
Anh Quốc trong hôm thứ Tư đã ra khuyến cáo đi lại tới Hong Kong cho các công dân nước mình, theo đó nói luật an ninh mới làm gia tăng nguy cơ bị bắt giữ và trục xuất, hãng tin Reuters đưa tin.
“Giới chức Đại lục có thể dưới những tình thế nhất định bắt giữ các cá nhân theo các điều khoản của luật này, với mức án nặng nhất là tù chung thân,” Bộ Ngoại giao Anh nói.
Giải tán biểu tình
Cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay giải tán một số người biểu tình tụ tập để đánh dấu 23 năm kể từ khi sự cai trị của Anh kết thúc.
Luật an ninh quốc gia mới [còn được gọi là Luật Chống Biểu tình] nhắm vào sự ly khai, lật đổ và khủng bố với những hình phạt lên đến tù chung thân.
Luật có hiệu lực vào thứ Ba (30/6) nhưng toàn văn bộ luật chỉ được tiết lộ vài giờ sau đó.
Luật an ninh quốc gia được Bắc Kinh đưa ra sau khi tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng và phong trào dân chủ ngày càng lan rộng.
Giới chỉ trích cho rằng luật mới sẽ ngăn chặn một cách hiệu quả các cuộc biểu tình và làm suy yếu các quyền tự do của Hong Kong.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997, nhưng theo một thỏa thuận độc đáo nhằm bảo vệ một số quyền tự do nhất định mà người dân ở Trung Quốc đại lục không được hưởng – bao gồm cả quyền tự do ngôn luận.
Lãnh đạo Hong Kong, Carrie Lam, bảo vệ luật an ninh, nói rằng nó lấp đầy “lỗ hổng” an ninh quốc gia.
Thông tin chi tiết của luật an ninh quốc gia được giữ kín và nữ chính trị gia thân Bắc Kinh Carrie Lam thừa nhận bà đã không xem bản dự thảo trước khi đưa ra bình luận nói trên.
Nhưng Ted Hui, một nhà lập pháp đối lập, nói với BBC: “Quyền của chúng tôi (đang) bị tước đoạt, tự do của chúng tôi không còn nữa, luật pháp của chúng tôi, sự độc lập tư pháp của chúng tôi không còn nữa.”
Vương quốc Anh, EU và Nato đều bày tỏ quan ngại và giận dữ trong khi các nhóm ủng hộ dân chủ đã bắt đầu tan rã trong lo ngại bị trả thù ngay lập tức.
Washington, cũng kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại luật này, đã bắt đầu chấm dứt chế độ ưu đãi mà Hong Kong được hưởng trong thương mại và du lịch với Mỹ, trở lại với chính sách thông thường như với Trung Quốc đại lục.
Điều gì đang xảy ra trong ngày kỷ niệm?
Một số nhà hoạt động dân chủ đã cam kết sẽ bất chấp lệnh cấm và diễu hành vào buổi chiều. “Chúng tôi diễu hành hàng năm … và chúng tôi sẽ tiếp tục diễu hành“, cựu chiến binh Leung Kwok-hung nói với Reuters.
Hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội – được cảnh sát xác nhận là có thật – cho thấy một lá cờ đang được sử dụng để cảnh báo người biểu tình về bộ luật mới.
“Các cáo buộc sẽ không nhẹ, xin hãy tự quyết định,” Tsang Kin-shing thuộc Liên đoàn Dân chủ Xã hội nói.
Các sĩ quan cảnh sát trong thành phố đang chờ, người trong cuộc nói với tờ South China Morning Post. Họ nói khoảng 4.000 cảnh sát đã sẵn sàng để xử lý bất kỳ tình trạng bất ổn nào.
Luật an ninh quốc gia quy định gì?
Chi tiết đầy đủ của luật an ninh quốc gia chỉ xuất hiện sau khi nó có hiệu lực vào khoảng 23:00 giờ địa phương hôm thứ Ba (16:00 BST).
Luật này áp dụng cho cả dân Hong Kong thường trú và tạm trú. Một số các chi tiết được đưa ra trong luật:
Tội ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài bị trừng phạt bằng án tù tối thiểu ba năm, mức tối đa là chung thân.
Kích động hận thù đối với chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền đặc khu Hong Kong là vi phạm Điều 29.
Làm hư hại các công trình giao thông công cộng có thể được coi là khủng bố – người biểu tình thường nhắm vào cơ sở hạ tầng của Hong Kong trong các cuộc biểu tình kéo dài
Những người bị kết tội sẽ không được phép ứng cử vào các vị trí trong hội đồng thành phố
Bắc Kinh sẽ thành lập một văn phòng an ninh mới ở Hong Kong, với các nhân viên thực thi pháp luật của riêng mình – không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương
Đặc khu trưởng Hong Kong có thể bổ nhiệm thẩm phán trong các vụ án an ninh quốc gia, và bộ trưởng tư pháp có thể quyết định liệu có bồi thẩm đoàn hay không
Các quyết định của ủy ban an ninh quốc gia, được thiết lập bởi chính quyền địa phương, không thể bị thách thức về mặt pháp lý
Trung Quốc cũng nói rằng họ sẽ tiến hành truy tố các trường hợp được coi là “rất nghiêm trọng“, trong khi một số phiên tòa sẽ được xử kín
Tăng cường kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan tin tức
Luật này cũng có thể được cho là bị vi phạm từ nước ngoài bởi những người không phải là thường trú nhân, theo Điều 38
Luật an ninh quốc gia sẽ không áp dụng cho các hành vi xảy ra trước khi nó có hiệu lực.
Lãnh đạo Hong Kong thân Bắc Kinh, Carrie Lam, cho biết luật này lẽ ra đã phải có từ lâu.
Lo sợ hậu quả, các nhà hoạt động chính trị đang từ chức. Một người biểu tình ủng hộ dân chủ yêu cầu giấu tên nói với tôi rằng những nhiều người dân hiện đang xóa bài đăng trên mạng xã hội.
Nhiều người ngừng nói về chính trị, về tự do dân chủ vì họ muốn cứu lấy cuộc sống của chính họ. Họ muốn cứu lấy tự do của mình và tránh bị bắt.
Joshua Wong tuyên bố anh sẽ rời khỏi Demosisto. “Từ nay trở đi, Hong Kong bước vào kỷ nguyên mới của sự ngự trị của khủng bố, cũng như thời Khủng bố Trắng của Đài Loan, với những phiên xét xử độc đoán, nhà tù đen tối, phiên tòa bí mật, tự thú cưỡng ép, báo chí bị kiểm soát, và kiểm duyệt chính trị.” Joshua Wong nói
Phản ứng bắt đầu từ thời điểm luật an ninh quốc gia – lần đầu tiên được công bố sáu tuần trước – được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong bắt đầu ngừng sinh hoạt ngay lập tức, vì sợ luật mới và hình phạt mà luật này cho phép.
Theo South China Morning Post, các doanh nghiệp ủng hộ dân chủ bắt đầu xóa đi mọi dấu hiệu rằng họ từng ủng hộ các cuộc biểu tình.
Joshua Wong, tổng thư ký và thành viên sáng lập của đảng Demosisto, cảnh báo Hong Kong sẽ “biến thành một quốc gia cảnh sát chìm“.
“Lời hứa của Bắc Kinh với thế giới rằng Hong Kong sẽ có quyền tự chủ cao được chứng minh là dối trá“, nhà lập pháp đối lập Ted Hui nói với chương trình Newshour của BBC.
Nhưng bất chấp rủi ro, một số người vẫn quyết tâm tiến hành cuộc biểu tình truyền thống vào ngày 1/7, vốn đã được lên kế hoạch vào thứ Tư, và đã bị cấm, trong bối cảnh có thông tin về số lượng lớn cảnh sát sẽ được huy động.
Động thái này cũng gây ra các phản ứng quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Dominic Raab, nói rằng Trung Quốc đã phá vỡ lời hứa với người dân Hong Kong theo các điều khoản của thỏa thuận chuyển giao năm 1997.
Ông nói thêm rằng chính phủ Anh ‘thực sự’ có dự định xem xét các kế hoạch thay đổi quy tắc thị thực, cấp quyền công dân cho hàng triệu người ở Hong Kong.
Thỏa thuận trước đây giữa Anh và Trung Quốc quy định nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế” trong một tài liệu gọi là Luật cơ bản – hiến pháp nhỏ của Hong Kong – trong 50 năm.
Luật cơ bản bảo vệ các quyền như tự do hội họp và tự do ngôn luận – vốn không tồn tại ở Trung Quốc đại lục – và cũng đặt ra cấu trúc tự trị cho thành phố.
Julian Braithwaite, đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc tại Geneva, nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng luật này “rõ ràng có những hệ lụy đối với quyền con người“.
Ông Braithwaite, thay mặt cho 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Trung Quốc xem xét lại luật này.
https://thoibao.de
Không có nhận xét nào