Header Ads

  • Breaking News

    Trần Ngọc Cư - Vì sao chính trị gia Donald Trump có cơ sở hậu thuẫn đáng nể sợ?

    Trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa rồi, có đến trên 73,5 triệu người ủng hộ Donald Trump, một khối cử tri đông đảo đứng thứ nhì trong lịch sử Mỹ, chỉ thua khối cử tri trên 79,5 triệu người của đối thủ Joe Biden.

    (1) Phải chăng Donald Trump đã thừa hưởng được khối cử tri truyền thống rất lớn của Đảng Cộng Hoà?

    Theo Hiến pháp Hoa Kỳ Tổng thống là quốc trưởng (head of state), đứng đầu chính phủ (head of government) Hoa Kỳ. Tổng thống điều khiển ngành hành pháp của chính phủ liên bang và là tổng tư lệnh của quân lực Hoa Kỳ. Nhưng theo truyền thống chính trị Mỹ, Tổng thống còn là nhà lãnh đạo chính đảng của mình, có thể đưa ra chương trình nghị sự cho các nhà lập pháp của đảng trong Quốc hội. Donald Trump đương nhiên thừa hưởng khối cử tri truyền thống của Đảng Cộng hoà, gồm phần lớn là thành phần bảo thủ, những người cố duy trì các giá trị Thiên Chúa giáo, thân Israel, bảo vệ quyền giữ súng của dân chúng được qui định trong Tu chính án thứ hai (the Second Amendment), chống phá thai, chống việc nới rộng quyền luyến ái LGBT (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender). Tóm tắt trong 3 chữ G (God, Gun, Gay).

    Khối cử tri trung kiên của cánh Cộng Hoà bảo thủ là những người Tin Lành (evangelicals). Theo học giả Walter Russell Mead, nhìn vào quá trình lập quốc và phát triển của Hoa Kỳ, những người Tin Lành thấy quá nhiều điểm tương đồng giữa Mỹ và Israel đến nỗi có người gọi Hoa Kỳ là “nước Israel mới”. Hơn một nửa số tiểu bang của Mỹ có thành phố hay thị xã mang tên Jerusalem hay Salem. Từ bờ Đông sang bờ Tây, nước Mỹ lốm đốm các thành phố lấy tên từ Kinh Thánh Cựu Ước. Những địa danh như Canaans, Zions, Jordans, Jerichos, Pisgahs, Mitzpahs and Gileads.

    Tổng thống Trump chắc chắn đã đánh động tâm can của đa số cử tri Tin Lành khi ông quyết định dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thủ đô Jerusalem, một quyết định táo bạo mà nhiều vị tiền nhiệm của ông không dám thực hiện.

    (2) Nhưng vấn đề là làm thế nào mà Donald Trump lại vừa giữ được sự ủng hộ của các cử tri truyền thống Cộng Hoà, vừa thu hút được các nhóm cử tri khác, vốn thường có quan điểm khác hẳn (thậm chí xung khắc) với lực lượng cử tri truyền thống của Đảng Cộng Hoà?

    Donald Trump dấn thân vào sự nghiệp chính trị bằng cách cỡi lên làn sóng dân tuý đang tràn qua các nước công nghiệp tiên tiến của phương Tây trong đó có Mỹ, như một phản ứng chống lại xu thế toàn cầu hoá, mà hậu quả là việc đưa công ăn việc làm từ các nước này sang Trung Quốc và các nước đang phát triển, đồng thời mở cửa biên giới quốc gia để tiếp nhận lao động nhập cư. Công nhân Mỹ cũng nhận hậu quả tương tự khi các hãng xưởng theo nhau đóng cửa và dời các cơ phận sản xuất sang Trung Quốc và Mexico, khiến cả triệu người thất nghiệp. Nhiều nhà máy sản xuất xe hơi, lốp xe, đồ phụ tùng qua bao thế hệ nằm trong các thành phố công nghiệp ở miền Đông Bắc phải ngừng hoạt động, và người ta bắt đầu gọi vành đai từ New York chạy về hướng Tây qua Pennsylvania, Ohio, India, Michigan, Illinois, và Wisconsin là Vành đai sét rỉ (the Rust Belt). Lực lượng công nhân có công đoàn của các nhà máy này trước đây có truyền thống bỏ phiếu cho các ứng viên Dân Chủ và vì thế vành đai công nghiệp này còn được gọi là bức tường xanh (blue wall, màu xanh tượng trưng cho phe Dân Chủ). Năm 2016 ứng cử viên Dân Chủ đã mất cử tri đoàn của ba bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania trước sự cạnh tranh vượt biên giới đảng phái của đối thủ Cộng Hòa Donald Trump.

    Tiến trình tự động hoá (automation) và sự phát triển công nghệ cao trong thời kỳ hậu công nghiệp không thu dụng những công nhân bị sa thải ở lứa tuổi không thể theo đuổi các kỹ năng mới, đưa họ vào tình trạng bất ổn kinh tế và tâm lý. Đây là chỗ những lời hứa hẹn đưa việc làm về lại Mỹ, từ chối tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, duyệt xét sửa đổi NAFTA (Thoả ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ) thành USMCA có sức hấp dẫn người lao động, không phân biệt chủng tộc và màu sắc chính trị.

    Trong khi các bang miền Tây trên bờ Thái Bình Dương và các bang miền Đông Bắc trên bờ Đại Tây Dương là nơi tập trung của cải trong nước, ngôi nhà của các công nghệ cao, có xu thế theo chủ nghĩa toàn cầu và là những bang màu xanh (Dân Chủ) đa văn hóa thì các bang vùng trái độn ở giữa (flyover country) chủ yếu sống về nông nghiệp và chăn nuôi là các bang màu đỏ (Cộng Hòa). Thành phần lao động da trắng và người nghèo da trắng ở những vùng này trở nên giận dữ trước một xã hội đa văn hoá, đa chủng do hậu quả của toàn cầu hoá và chính sách nhập cư của các chính quyền trước. Họ tập hợp dưới ngọn cờ MAGA của Donald Trump với hi vọng phục hồi niềm tự hào của người da trắng qua chủ nghĩa dân tộc da trắng (white nationalism) hoặc da trắng thượng đẳng (white supremacism). Họ có xu hướng kết nối nhau qua các nhóm bên lề (fringe groups), các toán dân quân võ trang (militia), sống trong các khu dân cư nhà tiền chế thưa thớt (mobile home neighborhoods) nằm xa khuất nhìn từ xa lộ chạy qua các bang nằm giữa nước Mỹ. Họ bị miệt thị là “red neck” (cổ đỏ vì lao động ngoài trời do thất học) hoặc “white trash” (rác rưởi trắng), v.v. Họ là những “người bị bỏ quên” (the forgotten) được nhắc đến trong diễn văn nhậm chức của Donald Trump. Với đời sống ngày càng khó khăn, người da trắng nghèo ở vùng quê hiện nay đang mang số phận người da đen sống giữa lòng các đô thị (inner city) vào những năm 1980, tìm nguồn an ủi trong nghiện ngập ma tuý (opioids và methametamine).

    Đa số người Mỹ lạc quan về tương lai của mình – nhưng những người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân thì không cảm thấy như vậy. Theo một phân tích gần đây được Viện Nghiên cứu Brookings công bố, người Mỹ nghèo gốc châu Mỹ La tinh khi nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn, mức độ lạc quan của họ cao hơn người da trắng nghèo khoảng 33 phần trăm. Và người Mỹ nghèo gốc châu Phi – mặc dù có tỷ lệ tù tội và thất nghiệp cao hơn hai nhóm kia rất nhiều và thường xuyên là nạn nhân của các tội phạm bạo động và sự tàn ác của cảnh sát – vẫn lạc quan hơn người da trắng nghèo gần ba lần. Kinh tế gia Carol Graham, người giám sát bản phân tích này, kết luận rằng người da trắng nghèo đau khổ trực tiếp vì thiếu thốn vật chất thì ít, mà đau khổ vì những vấn đề vô hình nhưng sâu sắc như “thiếu hạnh phúc, căng thẳng tinh thần, và vô vọng” thì nhiều. Điều này có thể giải thích tại sao khẩu hiệu của Donald Trump – “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” – nghe rất êm tai đối với nhiều người da trắng nghèo. Mỗi lần Trump có những phát biểu với nội hàm kỳ thị chủng tộc, họ sẽ là thính giả lắng nghe chăm chú nhất.

    Sau khi Trump ra đi, chủ nghĩa Trump (Trumpism) vẫn còn tồn tại lâu dài trong tâm thức của người lao động da trắng và người da trắng nghèo như một nguồn tự hào trước sự lấn lướt của một xã hội đa chủng, đa văn hoá trong vài chục năm tới có thể đẩy người da trắng từ địa vị độc tôn vào vị thế chỉ là một trong những nhóm đa số tại Hoa Kỳ.

    (3) Khi lấy Tổng thống Andrew Jackson làm một hình mẫu, Donald Trump nhắm đến mục đích gì?

    Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ (1829-37) là Andrew Jackson. Trước khi trở thành Tổng thống, Jackson là một nhà quân sự lập được nhiều chiến công lẫy lừng trong các trận đánh chống lại người Anh và các bộ lạc da đỏ liên minh với đế quốc Anh trong Chiến tranh 1812. Ông được coi là một vị anh hùng có công chống ngoại xâm và nới rộng biên cương của Mỹ. Jackson rất được lòng binh sĩ và giới bình dân.

    Trong văn phòng của Donald Trump ở Nhà Trắng, chân dung của Andrew Jackson được treo ở vị trí thần tượng. Jackson có thể cho thấy những xu hướng sau đây mà Trump muốn theo đuổi trên thực tế hay trên một loại hình reality show:

    – Cũng như Jackson nới rộng quyền bầu cử của đàn ông di dân từ châu Âu trong khi chống việc bãi bỏ chế độ nô lệ và mở ra những chiến dịch trừng trị người da đỏ từng hợp tác với người Anh, Trump tỏ ra có xu thế theo đuổi chủ nghĩa dân tộc da trắng (white nationalism) trong chính sách nhập cư. Như có lần ông buột miệng tự hỏi: “Sao những người nhập cư không đến từ Bắc Âu?” trong khi ông gọi người di dân Mễ là những “kẻ buôn ma tuý, trộm cướp, hiếp dâm”, gọi các nước châu Phi là “các nước hố xí”.

    – Jackson chống lại sự can thiệp của Anh, Trump không muốn các tổ chức quốc tế kể cả Liên Hiệp Quốc ảnh hưởng lên chính sách của mình, muốn rút khỏi NATO và các hiệp ước liên minh.

    – Jackson tự coi mình là một Tổng thống của người bình dân bình đẳng trước pháp luật chống đặc quyền, đặc lợi của giới quí tộc dựa vào tiền bạc. Trong mắt cử tri của mình, Trump muốn tát cạn đầm lầy (drain the swamp) để càn quét giới tinh hoa Washington, vì quyền lợi của người dân bị để lại đằng sau, bị lãng quên như Trump tuyên bố trong diễn văn nhậm chức 20.1.2017.

    – Jackson không muốn đem quân viễn chinh, nhưng một khi đã lâm chiến, thì phải hành động dữ dội, quyết chiến quyết thắng, ông kiếm được biệt danh “Indian killer” trong các chiến dịch bành trướng lãnh thổ vào các bộ lạc da đỏ thù địch. Trong mắt khối cử tri của mình, đây cũng là quyết tâm của Trump đối với ISIS.

    – Một cuộc nội chiến lạnh trên tờ 20 USD: Chính quyền Obama đã cho in hình Harriet Tubbman, một phụ nữ trong phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ, để thay thế hình của Andrew Jackson trên tờ giấy bạc. Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin của Chính quyền Trump đã đình hoãn việc phát hành giấy bạc. Chúng ta chờ xem quyết định của chính quyền Biden sẽ ra sao?

    (4) Nhiều người nói Donald Trump kỳ thị chủng tộc, người phản bác nói hoàn toàn không. Chính sách với người da màu của ông có thể phức tạp và tinh tế hơn nhiều. Thái độ của Donald Trump trong vấn đề người da màu có thể cũng là một nhân tố làm nên sức mạnh ngoại biên thu hút cử tri của chính trị gia này chăng?

    Dựa vào các sách vừa xuất bản của cháu gái của Trump là Mary Trump, của cựu luật sư riêng và cũng là người cộng sự trước đây của Trump, Michael Cohen, và các phát ngôn miệt thị người da đen (“shithole countries”, gọi Omarosa Newman là “that dog”, gọi Kamala Harris là “monster”), người ta có thể nói Donald Trump có đầu óc kỳ thị chủng tộc. Một ví dụ khác là trong khi nhắm vào cử tri phụ nữ ở ngoại ô (suburban women voters) tức phụ nữ trung lưu có học, Trump đe dọa nếu Biden đắc cử các hộ nghèo sẽ đến làm nhà trong xóm của các bà, đấy là cách nói bóng gió (dog whistle) rằng người da màu sẽ dọn vào đó làm mất giá nhà của họ.

    Tuy nhiên dưới chính quyền Trump, khi nền kinh tế tăng trưởng, người da đen và người da nâu cũng được hưởng lợi đồng đều, không bị phân biệt đối xử. Trong khi người da đen chiếm một tỷ lệ rất cao trong dân số phạm tội, việc Trump ký đạo luật the First Step Act tạo cơ hội cho phạm nhân da đen làm lại cuộc đời là một hành động đáng được người da đen ghi nhận. Ta cũng nên nhớ trong cuộc bầu cử 2016, rất nhiều người da đen đã không đi bầu cho Hillary Clinton chỉ vì họ nhớ lại những bản án nặng nề mà chính quyền Clinton đã dành cho người da đen trong chiến dịch bài trừ ma tuý.

    Ta có thể nói đối với người da đen, Trump có thể có thái độ kỳ thị chủng tộc nhưng không có chính sách kỳ thị rõ rệt.

    Việc Trump hô hào chống chủ nghĩa xã hội và chủ trương trừng phạt Trung Quốc được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người Mỹ gốc Việt, gốc Cuba, và gốc Venezuela. Mặc dù, trên thực tế, cụm từ “chủ nghĩa xã hội” mà Trump nói đến chỉ là một cố tình bóp méo khái niệm dân chủ xã hội được thể hiện tại các nước Bắc Âu, chứ không phải loại hình chủ nghĩa xã hội tại các nước cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, và Cuba, hoặc Venezuela.

    Bốn năm làm Tổng thống của Donald Trump là bốn năm liên tục vận động chính trị, có khi bằng các cuộc tập hợp cử tri (rallies) và thậm chí có khi xuyên qua các buổi thuyết trình hàng ngày về đại dịch coronavirus, để duy trì khối hậu thuẫn cuồng nhiệt và đáng sợ nói trên. Chủ yếu bằng hai chiến thuật sau đây:

    Chia để trị: tài trị nước của Donald Trump vận hành trên nguyên tắc ta-địch, có bên thắng bên thua (tổng số bằng không). Cộng Hoà là ta trong khi Dân Chủ là địch, thậm chí là bọn phạm tội phản quốc (treason). Chúng ta versus chúng nó: bang đỏ là ta, bang xanh là địch, ngay cả giữa cao điểm của đại dịch Covid-19. Trump gọi các hãng truyền thông chính mạch là “fake news” hoặc “kẻ thù nhân dân,” và chọn một số ít làm “cơ quan ngôn luận” cho mình như đài Fox, hãng tin One America Network News (OAN), Newsmax. Cơ hồ ông chỉ làm Tổng thống cho nửa nước, nhưng nửa nước cuồng nhiệt có lập trường kiên định. Chỉ số chấp nhận (approval rating) của Trump cực kỳ hiếm khi ngoi lên khỏi mặt nước, thường dưới 50%.

    Nói láo thường xuyên: theo thống kê kiểm chứng sự thật (fact check) của Washington Post, trong bốn năm tại chức Trump đã nói láo hoặc bóp méo sự thật khoảng 20 ngàn lần. Các đồng minh của Trump dùng mỹ từ “sự thật thay thế” (alternate truth) để diễn tả hiện tượng “Orwellian” này – sự thật không quan trọng, như trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell. Nhiều người bênh vực gọi Trump là một Tổng thống phi truyền thống (untraditional). Nhưng trên thực tế, Trump đi theo truyền thống của các lãnh tụ độc tài, nói láo như cơm bữa. Hannah Arendt (1906-1975), triết gia Mỹ gốc Do Thái-Đức lý giải: “Người dân lý tưởng của chế độ toàn trị không phải là đảng viên Quốc xã hay đảng viên Cộng sản kiên định lập trường, mà là những người đối với họ, sự phân biệt giữa sự thật và hư cấu (tức là thực tế trải nghiệm) và sự phân biệt giữa đúng và sai (tức là các chuẩn mực tư duy) không còn tồn tại.”

    Khối cử tri nằm dưới sức thu hút đầy ma thuật của Trump là thế lực có tác động ghê gớm trên sinh mệnh chính trị của các nhà lập pháp hoặc những nhân vật Cộng hoà có tham vọng chính trị ở các cuộc tuyển cử tương lai. Điều đó khiến trong thời gian gần đây, mặc dù thấy rõ Trump đã bị Biden đánh bại qua lá phiếu của cử tri, họ vẫn không dám công khai kêu gọi Trump nhìn nhận thất bại theo truyền thống dân chủ và tạo điều kiện cho một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm và lịch sự.

    T.N.C.

    https://boxitvn.blogspot.com

    Không có nhận xét nào