Header Ads

  • Breaking News

    Trần Công Lân - Người Mỹ Gốc Việt và Nền Dân Chủ

    Người Việt tỵ nạn tại Mỹ vì đi tìm tự do nhưng khi sống trên đất Mỹ và hưởng các quyền tự do của chế độ dân chủ thì chúng ta lại quên đi những yếu tố căn bản đã xây dựng nền dân chủ.

    Niềm tin (in the God we trust)

    Khi sống trong một xã hội mà bạn không có lòng tin nơi người khác trong sự tiếp xúc hàng ngày thì khó mà sống chung lâu dài trong yên bình. Xã hội xây dựng trên căn bản luật pháp (rules of law) cho nên Hiến Pháp mới đặt ra sự phân quyền. Nếu nhà lãnh đạo (tổng thống) lạm dụng quyền lực để đi đến chuyên quyền và dần dần trở thành độc tài thì không còn là dân chủ nữa. Vậy thì người dân có chấp nhận một vị lãnh đạo nói láo (phủ nhận hay nói ngược lại chính điều mình đã nói ra trước đó hay sự kiện đã xảy ra trước đó mà mọi người đều biết, có truyền hình, báo chí ghi nhận)?

    Phải chăng bạn chấp nhận một vị lãnh đạo "làm được việc" để đánh đổi với nền dân chủ? Cái nào quan trọng hơn? Nhà lãnh đạo có thể trở thành nhà độc tài trong 30, 40 năm so với nền dân chủ lâu dài và rất khó thiết lập?

    Khi một quốc gia mà các nhân vật điều khiển guồng máy quốc gia (chính trị gia, ông tòa, cảnh sát, viên chức chính quyền, vị lãnh đạo tôn giáo...) đều giơ tay tuyên thệ (oath) khi nhậm chức nhưng rồi lại vi phạm lời thề thì xã hội sẽ ra sao? Khi tổng thống, thượng nghị sĩ nói láo và đổ thừa cho giới truyền thông loan tin bậy. Khi nhà lãnh đạo tôn giáo lạm dụng tình dục trẻ em. Khi ông tòa xử án nặng nhẹ theo chủng tộc, giàu nghèo, thế lực.... Khi cảnh sát lạm dụng quyền khám xét, cứ bắn trước rồi tính sau (dân có thưa kiện thì cũng là tiền thuế của dân trả cho nạn nhân). Có ai hỏi rằng "God" nào mà chúng ta đã tin cậy lẫn nhau khi thực tế là "God" của bạn sẽ bênh bạn và "God" của tôi sẽ bênh tôi. Cuối cùng sẽ đưa đến kiện tụng. Nhưng ai sẽ có đủ điều kiện (tiền bạc và thì giờ) để theo đuổi vụ kiện nếu không phải dân nhà giàu.

    Khi trong một gia đình không còn sự tin cậy lẫn nhau, khi trong một quốc gia mà người dân không còn tin tưởng vào chính quyền, luật lệ, nhà lãnh đạo (chính trị gia) ... thì việc gì sẽ xảy ra?

    Bạn có muốn giao du, liên hệ, làm việc, đối thoại, ăn nhậu với những kẻ nói láo, đưa tin nhảm, tin xuyên tạc (nửa đúng nửa sai).... Khi một thường dân nói láo, tung tin giả làm rối loạn xã hội thì thiệt hại sẽ như thế nào? Vậy tại sao bạn ủng hộ nhà lãnh đạo có hành động y như vậy? Thiệt hại cho cả nước chứ không riêng gì bạn. Vậy trách nhiệm công dân của bạn nằm ở đâu?

    Bạn sẵn sàng làm ngơ những nhu cầu của dân Mỹ để ủng hộ ứng cử viên chỉ vì chiêu bài chống Trung Cộng? Bạn đang là công dân Mỹ, chọn lãnh đạo cho nước Mỹ mà ưu tiên của bạn lại là quyền lợi cho VN? Đừng chụp mũ người viết là thân Cộng (Việt cộng hay Trung cộng) để tránh né cái ngu xuẩn của bạn. Nếu mọi người di dân đều muốn nước Mỹ phục vụ cố hương thì ai sẽ phục vụ nước Mỹ? Dân chủ là làm chủ nơi bạn đang sống chứ không phải cố hương.

    Nếu ai đã từng sống dưới chế độ cộng sản tất nhiên phải biết cộng sản bưng bít tin tức, loan truyền tin giả, đe dọa và thủ tiêu những ai nói thật. Ngay cả sự phê bình là điều cộng sản khuyến khích trong học tập cải tạo nhưng chỉ là cho kẻ ngoài đảng còn trong đảng thì không có. Đảng viên phải đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Vậy thì chuyện xảy ra trên đất Mỹ 2020 có khác gì dưới chế độ cộng sản? Nền dân chủ tại Mỹ còn tồn tại là sợi dây: tự do báo chí. Nếu bạn không còn tin vào giới truyền thông nữa tức là chúng ta sống trở lại "miền Nam sau 1975".

    Khi chính quyền (do dân bầu) kết hợp với giới tư bản, tài phiệt để bóp miệng dân như trường hợp Thái Lan (NYPost News) thì có thể gọi là dân chủ nữa không?

    Khi giáo quyền và chính quyền phân lập, ai cũng nghĩ tôn giáo sẽ không ảnh hưởng đến chính trị nhưng thực tế cho thấy chính trị vẫn dựa vào tôn giáo (in the God we trust). Vậy Thượng đế mà chúng ta tin là thượng đế nào? Của Thiên chúa giáo? Của Hồi giáo? Của Ấn Độ giáo? Hay Do Thái giáo?

    Vậy khi những người chống phá thai vì nhân danh Thượng đế (?) có thật Thượng đế có nói như vậy chăng? Hay chỉ là người truyền đạo diễn dịch? Nếu là người ủng hộ phá thai thì Thượng đế của họ nói gì? (Nếu bạn phá thai thì đời sau bạn sẽ phải trả nợ, tội ai làm nấy chịu thì cản làm gì? Hay làm như vậy sẽ giúp bạn lên thiên đàng?)

    Thượng đế nói con người sinh ra bình đẳng. Vậy sao còn nạn kỳ thị? Buôn người? Nô lệ tình dục? Tại sao vẫn còn những nhà chính trị đạo đức giả trong Quốc Hội và giới Hành Pháp? Ai là những cử tri đưa họ vào vị trí quyền lực đó? Trách nhiệm của mỗi cá nhân đóng góp cho nền dân chủ tồn tại. Tránh né trách nhiệm đưa đến sự suy tàn của nền dân chủ.

    Đã đến lúc chúng ta phải xét lại Hiến Pháp của nền dân chủ vì là do con người viết ra chứ không phải Thượng đế mà mọi người phải tin theo. Là con người thì có thay đổi, có tiến bộ, có sai lầm. Vậy thì các chính trị gia của thời xưa có thể không nhìn ra xã hội hiện đại. Các nhà chính trị ngày nay còn dựa vào tôn giáo (the chosen) để thực hiện mưu đồ chính trị chỉ là những kẻ xài bạc giả.

    Công lý (justice)

    Trong một xã hội mà không có sự công lý, công bằng sẽ dẫn đến tranh đấu, hỗn loạn. Việc thiết lập, ban hành và thực thi pháp luật đòi hỏi thời gian và phương thức tiến hành. Vì luật là chữ nghĩa (giấy trắng mực đen) khi viết ra thì khó mà thay đổi. Và chữ nghĩa thì có định nghĩa (sự giới hạn) của nó. Chính vì thế các kẻ biết luật tìm cách tránh né, luồn lọt qua luật pháp (loophole). Trò chơi cút bắt không bao giờ ngưng. Phải mất thời gian, nhiều năm để giải quyết nơi tòa án. Nếu nói giản dị thì bạn đừng làm những gì mà bạn không muốn người khác làm như vậy cho bạn. Nhưng trong xã hội không phải ai cũng như vậy. Có những kẻ dám gian lận, chụp giựt để giành quyền lợi trước rồi mọi chuyện tính sau. Họ hy vọng sẽ tránh né lưới pháp luật. Vậy thì bạn chọn cách nào? Sống lương thiện và chịu thiệt thòi hay sống chụp giựt?

    Khi sự công bằng không còn dựa trên sự đơn giản, cảm nhận thông thường (common sense) mà là dựa trên kỹ năng của luật sư để biện hộ. Nhà giàu thì có tiền để mướn luật sư giỏi, kiện lên tận Tối Cao Pháp Viện cùng với hàng trăm đơn xin giảm án, xóa án vì đương sự có thành tích tốt (tin từ Reuters).

    Khi toà xử cùng tội hiếp dâm, giết người nhưng nếu can phạm là dân da trắng, chưa có án tích, nhà giàu thì ông toà cho án nhẹ. Nếu là dân da đen, nghèo, có tiền án thì tội nặng (3 đời trong tù không được ân xá). Nếu là cùng tin vào Thượng đế (In the God we Trust) thì thử hỏi Thượng đế có xử như vậy không?

    Khi một người A nói láo về người B, nếu B là nhà giàu sẽ thưa kiện A cho sạt nghiệp. Nhưng nếu B là dân nghèo thì làm gì được A?

    Nước Mỹ tiến bộ nhanh nhờ vào các phát minh khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên chỉ có 5% bằng sáng chế là có hiệu lực kinh tế (làm ra tiền) còn đa số là chỉ treo tường làm cảnh. Thế nhưng có những kẻ biết luật (đa số là luật sư) mua những phát minh (không làm ra tiền) để dùng đi kiện (patent troll) những công ty, dịch vụ nhỏ (không đủ tiền mướn luật sư). Vì không muốn ra toà, các nạn nhân phải nhắm mắt "cúng" cho bọn lưu manh một số tiền cho yên chuyện. Vậy đâu là công bằng xã hội?

    Tự do ngôn luận (free speech)

    Nghe thì thấy rất là...tự do. Nhưng khi có mạng xã hội (social media) thì mạnh ai nấy nói. Tin giả không phải đợi khi tổng thống nói mới biết tin giả. Tự do ngôn luận có thể là đe doạ giết người (nói chơi thôi mà?), nói bóng gió cho ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tung tin đồn nhảm một cách nửa thật nửa ngờ (maybe, maybe not). Vậy thì trách nhiệm của một công dân, có niềm tin nơi Chúa, có lời thề bảo vệ tổ quốc nhưng sẵn sàng cướp của giết người vì ý muốn cá nhân? Lương tâm hình như không có trong xã hội Mỹ.

    Tại sao bạn có thể nói những điều không thật hay chỉ vì nghe ông này, bà kia (có chức vụ cao cấp) nói như vậy và bạn truyền tin lại một cách vô tội, không kiểm chứng. Có bao giờ bạn đặt bạn vào vị trí của nạn nhân hay không?

    Chúng ta cùng tin Chúa cứu rỗi linh hồn của những tín đồ. Nhưng ai có tin là Chúa sẽ cứu rỗi những kẻ nói láo để hại người khác hôm nay, rồi mai xưng tội để Chúa rửa tội và hôm sau tái diễn. Vậy Chúa của bạn là một đứa con nít bị kẻ xấu gạt hoài hay sao?

    Tự do ngôn luận không phải chỉ là lời nói. Đó còn là sự phổ biến tài liệu, phim ảnh, hình vẽ, âm thanh.... Nếu sự phổ biến hình/phim ảnh khiêu dâm được coi như tự do ngôn luận thì tại sao sự chụp hình cảnh sát bắt người hay đánh đập nghi can (nghi can chưa bị kết tội trước tòa) thì lại bị cấm cản? Tại sao dân xâm phạm tình dục thì bị bắt mà các nhà chính trị (ứng cử viên tổng thống, tòa án tối cao...) thì lại được xí xóa?

    Khi công chức liên bang không được dùng danh hiệu, cơ sở, vật dụng của nhà nước trong sinh hoạt cá nhân hàng ngày (vận động tranh cử), không được nhận quà, ăn trưa (lunch) quá $10. Thế nhưng các chính trị gia trong Hành Pháp, Quốc Hội thản nhiên lạm dụng thì nếu có bị khui ra thì chỉ trả lại số tiền (trong khi là dân sẽ mất việc làm, tù tội).

    Vậy Hiến Pháp qui định "tự do ngôn luận" có phân biệt là dân nói thì đừng nghe, đừng tin mà quan chức nói thì phải tin, đừng nghi ngờ vì...hãy tin vào Thượng đế (in the God we Trust)?

    Khi bộ trưởng bộ tư pháp (Justice department) William Barr tuyên bố: "lịch sử do kẻ thắng viết" thì có khác gì lịch sử của cộng sản Việt Nam hay Trung Cộng hay không? Xã hội dân chủ khác xã hội độc tài ở chỗ người viết sử độc lập với chế độ. Nếu kẻ cầm quyền tự viết sử để che dấu cái xấu thành cái tốt thì xã hội sẽ đi về đâu khi toàn là giả dối? (Yahoo news)

    Tự do ngôn luận còn phải có lương tâm nữa. Đánh mất lương tâm thì cho dù có lôi Thượng đế ra mà thề thốt thì cũng vô ích. Thật buồn cười khi các viên chức, chính trị gia... khi nhậm chức đã tuyên thệ trên Kinh thánh (God) để rồi nói láo, làm ẩu đến khi phải ra tòa, Quốc Hội điều trần thì lại phải giơ tay thề xin nói thật. Vậy khoảng thời gian giữa 2 lần thề thì toàn nói láo cả hay sao?

    Tự do ngôn luận nhưng khi tranh cử thì tung tin nhảm, tin đồn, vu cáo, mạ lỵ đối thủ thì lúc đó Thượng đế (God) của bạn đi đâu rồi? Chúng ta đã biết cộng sản nói láo để lường gạt dân, cướp chính quyền, bán nước, bán dân. Chúng ta bỏ nước ra đi tìm tự do để được nói lên sự thật. Vậy thì tại sao khi sống dưới chế độ tự do, dân chủ thì chúng ta lại tiếp tay cho sự nói láo phát triển, hủy hoại cơ chế dân chủ mà nước Mỹ đã xây dựng 300 năm nay?

    Tự do ngôn luận cũng không có nghĩa là tự do...chụp mũ. Chúng ta đã sống qua cuộc chiến đấu chống cộng sản. Nếu cộng sản chụp mũ người chống đối là theo đế quốc Mỹ và người chống cộng chụp mũ người không theo mình là thân Cộng thì người quốc gia dân tộc đứng ở đâu? Nếu phe Cộng Hòa chụp mũ những ai bất đồng ý kiến là "chủ nghĩa xã hội" (socialist) thì công bằng xã hội (chủ trương của đảng Dân Chủ) không đáng để bảo vệ hay sao? Cũng như phe Dân Chủ chống những ai ủng hộ đảng Cộng Hòa thì chẳng lẽ những giá trị gia đình (family value) là đồ bỏ hay sao?

    Khi chính trị gia nói láo có thể bị thưa kiện. Báo chí, truyền thông nếu đưa tin không đúng sẽ phải đính chính, xin lỗi hay bị kiện. Mà nếu báo chí, truyền thông bị gán cho là "fake news" mà không thấy có sự cải chính hay bị kiện thì bạn phải ý thức rằng người tố cáo "fake news" chính là người tung tin giả. Nên nhớ giới báo chí Mỹ có quyền đòi hỏi tin tức do luật qui định (Freedom of information act). Nếu bạn nói láo với báo chí và tờ báo thuật lại y như vậy thì "Ai" là người nói láo? Bạn hay phóng viên, nhà báo?

    Tự do chọn lựa (choice, option)

    Khi các nhà thương mại (cửa tiệm, gian hàng, công ty, hãng máy bay…) quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ của họ đều nhắc nhở người tiêu dùng có quyền chọn lựa như sức mạnh của người dân. Cũng như các nhà chính trị kêu gọi cử tri bầu cho họ vì họ sẽ tạo công việc làm cho dân. Nghe thì khoái lỗ tai lắm nhưng có ai suy nghĩ lại chăng?

    Khi bạn chọn lầm và trả lại, hay có tranh chấp với các công ty thì ai là kẻ thiệt hại? Bạn. Cá nhân bạn có thể kéo dài sự kiện tụng với công ty, hãng, xưởng có luật sư riêng?

    Chính trị gia không thể mở hãng thu người làm việc. Họ tạo cơ hội cho các nhà tư bản mở hãng, xưởng, dịch vụ khiến dân có việc làm. Nhưng loại việc làm như thế nào? Không ai nói. Nếu gặp nhà tư bản có ý lường gạt hay bất tài thì sẽ sập tiệm. Kẻ lãnh đạo sẽ bị tù tội hay trốn thoát. Nhưng còn dân thợ? Bạn có thể nào cứ nhảy từ công việc này 6, 8 tháng hay 2,3 năm rồi lại thất nghiệp nghỉ vài tháng chờ kiếm việc khác. Đó không phải là lối sống mà ai cũng có thể chấp nhận?

    Vậy lỗi tại nhà chính trị, nhà tư bản hay tại người dân...chọn lầm?

    Quyền lợi của đảng không phải là quyền lợi của dân tộc hay đất nước.

    Cạnh tranh có lợi cho người tiêu thụ. Các nhà chính trị thường liên kết với giới tư bản, thương mại. Mỗi khi có khủng hoảng kinh tế thì phải cứu chuộc (bail out) các hãng lớn vì đó là bảo vệ việc làm (jobs) cho dân. Và chính quyền thường kêu gọi sự cạnh tranh sẽ có lợi cho người tiêu thụ. Nhưng người dân Mỹ đã từng chứng kiến các ngân hàng, hãng máy bay, hãng dầu hỏa, công ty cấp thẻ tín dụng (credit card)... thay vì cạnh tranh giá thì lại đồng loạt lên giá bóp cổ dân tiêu thụ. Có giới chức nào lên tiếng đâu? Các vị dân cử tại Quốc Hội đã bị giới vận động hành lang bịt miệng hết rồi.

    Sức mạnh của là phiếu?

    Cứ mỗi 2, 4 năm người dân Mỹ lại đi bầu đại diện dân. Nhưng khi đã đắc cử thì các vị này lại chạy theo thế lực tư bản thì người dân đã bị gạt. Họ có thể làm gì khác ngoài việc chờ...đi bầu lại. Vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn vì...Hiến Pháp đã qui định như vậy. Bạn có muốn thay đổi Hiến Pháp hay không? Hiến Pháp là do con người viết ra chứ không do Thượng đế đặt ra.

    Con người của 300 năm trước có khác gì con người hôm nay? Nếu có thì tại sao? Tại sao con người hôm nay không thể có Hiến Pháp phù hợp với cuộc sống hiện tại mà phải tuân theo ý kiến của người 300 năm trước?

    Sự mỵ dân của nền dân chủ Mỹ là không thành thật về lá phiếu. Bỏ qua sự gian lận, cách bỏ phiếu... các nhà chính trị chỉ khích động dân đi bầu vì yếu tố: việc làm, kinh tế, quyền giữ súng, phá thai...nhưng làm ngơ trước những luật lệ vô lý mà chính họ (làm luật và thi hành luật) biết là bóp méo ước muốn của người dân: sự thành thật, công bằng, sự tiết kiệm, sự yên bình.... Bởi vì có nói láo, thêu dệt sự kiện mới làm dân (thiếu suy nghĩ, kiến thức, nông nổi...) sẽ hành động bằng cách biểu tình, đòi hỏi, đấu tranh...mà kẻ có lợi là các chính trị gia. Tuy Hiến Pháp ghi nhận sự bình đẳng (equality) nhưng thực tế là các chính trị gia cố tình tạo sự bất bình đẳng để cho những kẻ khôn ngoan thủ lợi trước (khiến kinh tế phát triển) và sau đó là khích động đám đông đấu tranh. Nếu các nhà cai trị chủ trương tiết kiệm, đơn giản thì kinh tế sẽ không ồn ào, náo nhiệt, hấp dẫn những nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới phiêu lưu đổ tiền vào Mỹ để phát triển kinh tế. Nếu có quá đà sụp đổ thì thiệt hại vẫn là dân đen.

    Tuy Hiến Pháp ghi nhận sự mưu cầu hạnh phúc nhưng thế lực tài phiệt, tư bản làm đủ mọi cách để con người không đạt được hạnh phúc mà hạnh phúc chỉ là bóng mây, giấc mơ không bao giờ hiện thực. Họ dùng đủ mọi mánh khóe tâm lý để khuynh đảo xã hội khiến con người mê mệt chạy theo những giấc mơ không "hạnh phúc" để kích thích cho nền kinh tế hoạt động. Và khi về già, tàn hơi, ngã quỵ thì con người mới biết … quá trễ. Nếu chính quyền cai trị yên bình thì không có tin tức gì để khai thác và chính trị gia chẳng có gì để nói, tranh cãi, xúi dục dân tranh đấu và lá phiếu của người dân xứ Bhutan, Na Uy hay Mỹ đều có giá trị như nhau cũng như mỗi cuộc bầu cử sẽ chẳng tốn hàng trăm tỷ mỹ kim.

    Tuy gọi là dân chủ nhưng người dân Mỹ đã mất tự chủ vì quá kiêu ngạo và tự tin vào Hiến Pháp và cơ chế. Khi con người mất tự chủ vì còn tin vào Thượng đế "in the God we trust" trên Hiến Pháp cũng như trên tờ giấy Mỹ kim. Khi sự kỳ thị chủng tộc (mở hay kín) còn tồn tại là còn xung đột và sự bình đẳng trong xã hội chưa được thực hiện. Khi tự do tôn giáo mà còn nhân danh Thượng đế cấm phá thai tức là còn áp chế Thượng đế của tôi lên trên Thượng đế của bạn. Và khi Tối Cao Pháp Viện xử (có luật hay không có luật) vẫn là ý kiến từ con người cho dù có trình độ, thành tích về luật tới đâu chăng nữa vẫn không thể nói đó là ý Chúa? Và nếu con người không đồng ý đưa đến chiến tranh thì cũng vẫn là con người giết con người chứ đừng đổ lỗi cho Thượng đế. Nếu người đã sống 20, 30 tuổi mà còn bị giết thì bào thai có nghĩa lý gì? Dân chủ là gì nếu giáo dục không đem lại dân chủ và tin tưởng nơi Thượng đế có nghĩa gì khi con người vẫn còn gạt nhau từ lời nói, hành động trong cuộc sống?

    Kết luận

    Người Mỹ gốc Việt đến Mỹ hơn 40 năm và chỉ mới tham dự chính trị cấp tỉnh, quận khoảng 10 năm trở lại. Thế hệ 1 và 1 rưỡi chưa đủ ý thức về lịch sử và chính trị Mỹ và cũng chưa học kỹ bài học cộng sản để có thể tìm con đường cho bản thân và dân tộc. Cứ xem các bài viết, hoạt động của cộng đồng VN trên đất Mỹ cho thấy chúng ta chưa đủ khả năng quan sát, phân tích và lý luận để gọi là đấu tranh quyền lợi của con người tuy rằng kiến thức, bằng cấp, chức vụ thì rất là gồ ghề, sáng chói. Nếu đã biết rằng đồng tiền không đem lại hạnh phúc và chiếc áo không làm nên thầy tu thì chúng ta nên tự giáo dục lại để có nhân cách hơn vì chẳng ai muốn đối thoại với kẻ mất dạy như CSVN. Và nước Mỹ là siêu cộng sản?

    Trần Công Lân

    Tháng 9 năm 2020 (Việt lịch 4899)

     

    Không có nhận xét nào