Cảnh sống cơ hàn tạm bợ của hàng trăm người dân Thủ Thiêm suốt 20 năm
Ban Quản lý đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), hôm 19 tháng 11 năm 2020, nói đã có Báo cáo số 917 gởi Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM về ‘Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và các nhiệm vụ, giải pháp năm 2021’.
Trong đó, ông Nguyễn Thế Minh – Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết năm 2021 sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến tạm cư, tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm – sự thất hứa của cả hệ thống
Trong suốt hơn 2 năm nay, lần lượt các lãnh đạo thành phố hứa giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trong nhiệm kỳ này. Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành phố hứa sẽ đền bù cho người dân trước tháng 9/2019. Ông Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm thông báo sẽ hoàn thành bồi thường trong tháng 9/2020. Mới đây, ông Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố lại tiếp tục tuyên bố sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trước tháng 6/2021.
Nhưng tất cả lời nói của những người trong bộ máy lãnh đạo thành phố đều chưa thực hiện được.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, người theo sát và đòi quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm nói rằng di sản mà ông Nguyễn Thiện Nhân để lại là sự “thất hứa” và “bất lực” của cả một hệ thống lãnh đạo:
“Tôi thấy đây là sự bất lực của ông Nhân, và không hẳn chỉ là một mình ông Nhân.
Thứ nhất khu vực ở Thủ Thiêm khi mà được chính quyền công nhận ngoài ranh là khu 4,3 ha thì vẫn không được giải quyết một cách rốt ráo theo nguyện vọng của người dân, theo thực tế. Tức là mức giá đề ra vẫn thấp hơn so với mức giá thị trường rất nhiều và nó có nhiều khúc mắc trong chính khu vực 4,3 ha này, dù đã được công nhận là ngoài ranh.
Cả hai bên vẫn chưa có bất kỳ một cuộc trao đổi pháp lý nào rõ ràng, sòng phẳng, rành mạch. Và với một hệ thống truyền thông đưa tin chưa được chính xác ở trong nước thì rất khó để phân định được rằng vấn đề pháp lý này là dân đúng hay chính quyền đúng. Đó là ở thời của ông Nhân.
Và còn một vấn đề nữa là khu vực 160 ha Tái định cư của người dân Thủ Thiêm bị mất. Với số đất đó và cái giá thị trường hiện nay thì làm sao để trả lại được đất cho người dân.
Cho nên tôi nhìn nhận nó không phải chỉ là sự thất hứa của ông Nhân, mà đây là sự bất lực của ông ấy, và là sự thất hứa của cả một hệ thống.”
Người dân vẫn mòn mỏi ra Trung ương khiếu kiện
Ông Nguyễn hồng Quang, là một người dân ở Thủ Thiêm cho biết hiện nay hàng chục người dân Thủ Thiêm đang còn “đội đơn” ra Hà Nội khiếu nại khắp các cơ quan công quyền. Lần nào bà con cũng bị cưỡng chế bắt về đồn:
“Người dân người dân bây giờ vẫn còn đang ở Hà Nội. họ đi xe ôm để lên nhà ông Trương Hòa Bình, nhà ông Nguyễn Phú Trọng, ông Vượng, rồi văn phòng Thủ tướng. Sáng nay vẫn còn bị lùa lên xe họ kêu gào, khóc lóc cầu cứu.”
Ông Quang nói rằng tất cả những gì ông Nhân để lại cho người dân Thủ Thiêm không có gì ngoài những lời hứa:
“Cho đến thời điểm anh Nhân về hưu thì không có vấn đề gì xảy ra cả, ngoài những lời hứa. hết người này đến người khác.
Ở trên Trung ương đá banh về thành phố, rồi thành phố đá xuống Ủy ban quận 2, rồi Chủ tịch quận 2 cũng bác đơn hết. Không có giải quyết một vấn đề gì hết.
Không có một giải quyết nào, một cái giải trình nào cụ thể. Chỉ có họp tiếp xúc, báo chí đưa tin, người dân đưa lên công nhận, rồi phóng viên viết bài. Chứ không có một giải quyết nào cụ thể, thiệt tâm cả.
Cho đến giờ này họ không có khả năng hoặc họ phải đối diện với những tảng băng quá lớn hoặc là họ bao che không có cái gì được giải quyết hết.
Mấy chục năm qua rồi, họ ghi nhận rồi họ hứa sẽ báo cáo lên Thủ tướng, Quốc hội, báo cáo lên cấp trên. Tiếp xúc cử tri cũng ghi nhận, thông cảm, chia sẻ, cũng đau buồn, nhận lỗi rồi cũng đâu vào đó.”
Bà Lung, một dân oan Thủ Thiêm, người đã từng theo đoàn dân oan ra Hà Nội khiếu kiện với Trung ương về những sai trái ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 11 năm 2020, cho biết bà không chắc năm 2021 chính phủ sẽ giải quyết xong:
“Tin thì tôi không tin lắm, nhưng cũng cầu xin ơn trên cho bà con Thủ Thiêm mau sớm được giải quyết, còn tin thì không tin.
Cũng chưa có gì khả quan lắm, nói thì họ nói hoài, giờ chỉ có bên Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ban Tiếp dân Trung ương thì mình còn nghĩ về bên đó họ có tâm mà họ giải quyết thôi, chứ còn thành phố thì không tin nữa, khi nào thay đổi người mới thì họa may.
Thì cũng mong vậy thôi, chứ mình ra ngoài đó (Hà Nội), thì ở trong này họ đưa người ra động viên này kia, nhưng bà con chúng tôi chỉ tin tưởng Ban Tiếp dân Trung ương, thấy ông này có tâm giúp bà con, nói có tình có lý thì mình cũng nghe để đi về, chứ thành phố ra không nhằm nhò gì với tụi tui hết. Nếu tui còn tiền là còn ở nữa… tại vì đi hết tiền rồi…”
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 TP.HCM. Để xây dựng khu đô thị mới này, TP.HCM đã giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Hơn 14 ngàn hộ dân với hơn 60 ngàn người đã mất nhà cửa nên gần 20 năm qua khiếu kiện do mức bồi thường không thoả đángg.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hôm 20 tháng 11 năm 2020, liên quan việc này cho biết, dân oan Thủ Thiêm không có một chút hy vọng gì:
“Ban Quản lý Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, họ chỉ quản lý các dự án chứ không liên can gì tới dân hết trơn, mà họ nói kiểu đó là cái kiểu cần coi trọng dự án của họ thôi, còn nhân dân thì bỏ qua một bên.
Họ nói 160 hecta đất tái định cư của dân… trong khi chính họ đã làm mất 160 hecta đó.
160 hecta đất tái định cư trong phạm vi 5 phường thì họ chia cho 64 dự án, bán chia với nhau, thì còn đâu mà xin chính phủ.
Họ còn thòng thêm một câu là sau khi có ý kiến kết luận rồi thì sẽ đề nghị chính phủ cho sử dụng biện pháp cưỡng chế hành chánh. Đúng là họ không cần biết đến dân, chỉ cần bỏ tiền vô túi, dân sống chết mặc bây.”
Trong báo cáo hôm 19/11, Ban Quản lý đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết năm 2021 sẽ phối hợp thực hiện các nội dung kiến nghị, kết luận liên quan sau khi có kết quả kiểm tra về 160 ha đất tái định cư của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là một dân oan Thủ Thiêm, khi nói với Đài Á Châu Tự Do, hôm 20 tháng 11 năm 2020, cho rằng chính quyền không thể giải quyết xong trong năm 2021, vì nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã tự ý thay đổi nhiều nội dung trong quyết định 367 của chính phủ:
“Tôi nghĩ sẽ không làm được, vì họ vướng víu rất là nhiều, vì muốn giải quyết vấn đề Thủ Thiêm thì phải dựa trên quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ thì mới giải quyết được. Chứ còn họ cứ dựa trên quyết định 1997 là hoàn toàn sai.
Nên bây giờ tất cả chỉ thị, quyết định đều dựa trên quyết định 1997 để giải quyết cho bà con, mà bản thân quyết định này đã sai.
Chính vì vậy nói 2021 mà giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm là không bao giờ được. Đơn giản vì vì sai phạm như vậy không giải quyết được thì làm sao giải quyết được năm 2021, mà họ cứ dựa vào quyết định cực kỳ sai lầm của Lê Thanh Hải ký là 1997.
Hai chục năm nay rồi họ cứ né tránh và đưa quyết định 1997 ra đền bù, nó không hợp lý. Hai chục năm rồi có giải quyết được cái gì đâu.”
Vào tháng 1 năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vì những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành Ủy mà đứng đầu là ông Lê Thanh Hải đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội…
Ngoài ra, một số lãnh đạo cấp cao khác của TP.HCM cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có sai phạm là: cựu phó Bí thư Thành ủy Tất Thành Cang, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND; và ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố…
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào năm 1996 là ông Võ Văn Kiệt, đã ban hành quyết định 367, với các nội dung chính: Quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha và quy mô tái định cư là 160 ha.
Thời điểm này, Thủ Thiêm vẫn thuộc Huyện Thủ Đức, chưa thuộc Quận 2 như hiện nay.
Khu Đô Thị Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm Sài Gòn chỉ một con sông, nơi mỗi mét vuông đất có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên theo báo chí trong nước, mức đền bù chỉ hơn 18 triệu đồng mỗi mét vuông vào năm 2009, được cho là không hợp lý, vì chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng khi đó.
Chính quyền TP.HCM đã nhiều lần đối thoại với người dân Thủ Thiêm, tuy nhiên đến nay, người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Mới nhất là thông báo của UBND TP.HCM sẽ đối thoại với người dân Thủ Thiêm vào ngày 27/11 tới đây.
Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm:
“Họ nói 27/11 này dự kiến sẽ đối thoại với dân. Nhưng TPHCM lại coi thường Chính phủ, ra thông báo sẽ tổ chức đối thoại dự kiến vào ngày 27/11 và yêu cầu chính phủ phải thực hiện, chuyện đó là tréo ngoe.
Trong khi Thủ tướng đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ phải chủ trì cuộc đối thoại, mà chỉ có Thanh tra Chính phủ mới được quyền thông báo ngày giờ đối thoại, mới được quyền gởi giấy mời triệu tập nhân dân và các ban ngành đoàn thể TPHCM có liên quan. Mà TPHCM bảo họ có quyền, họ không coi ai ra gì hết.”
Ông Cao Thăng Ca cho biết, ông và người dân Thủ Thiêm đã nói nhiều lần rồi và không có một chút hy vọng nào, không còn sự tin tưởng nào đối với chính quyền TP.HCM. Ông nói tiếp:
“Chúng tôi chỉ còn sự căm thù và khinh bỉ thôi, tại vì họ là những người không tuân thủ luật pháp, không theo chủ trương của Đảng, họ chỉ biết lợi nhuận chia chác với nhau thôi. Chúng tôi yêu cầu phải khởi tố vụ án, thì mới giải quyết được vụ Thủ Thiêm.”
Dưới góc nhìn của người am hiểu luật pháp, Luật sư Phạm Công Út đưa ra nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 11 năm 2020, về vấn đề này:
“Cái đó mình hy vọng thôi, vì họ đã hứa với người dân Thủ Thiêm nhiều năm rồi, nhất là gần đây Bí thư Thành ủy cũng đã hứa những mốc thời điểm nhưng cũng đã cán mốc hết rồi nhưng tất cả đều im lặng.
Bây giờ họ lại đưa ra một mốc mới nữa, chỉ là hy vọng thôi chứ có lẽ người dân Thủ Thiêm người ta sẽ không tin.
Mà giải quyết Thủ Thiêm còn có những ngôi nhà người dân bị mất sạch, đất đai bị thâu tóm, nằm ngoài ranh quy hoạch, người ta kiện ra tòa… tòa xử dân thua, mặc dù bây giờ kết luận chính quyền sai.
Như vậy giải quyết thì bản án đã có hiệu lực, giải quyết lại thì phải giải quyết vấn đề pháp lý, vì có người họ không muốn nhận tiền mà muốn ở lại Thủ Thiêm, thì phải giải quyết thế nào?
Họ yêu cầu trả lại đất và bồi thường tài sản, trong khi tòa đã tuyên chính quyền thắng, như vậy ngoài hậu quả thực tiễn còn hậu quả pháp lý nữa, phải xử lý như thế nào?
Những người ra bản án như vậy có bị xem là trái pháp luật hay không? Hành chánh thì thấy sai, còn về mặt tố tụng thì tòa án có thấy cái sai của mình hay không?”
Luật sư Phạm Công Út cho rằng, phải giải quyết triệt để về tư pháp, vì đó là những bản án oan, làm người dân mất đất. Như vậy nói 2021 giải quyết xong vấn đề Thủ Thiêm thì đó chỉ là điều mơ ước, vì Luật sư Phạm Công Út cho rằng ông thấy có rất nhiều rào cản khó khăn.
https://thoibao.de/blog
Không có nhận xét nào