Header Ads

  • Breaking News

    Thu nhập/người tăng nhưng nợ công 40 triệu/người, kinh tế có khả quan như Thủ tướng nói?

    Tổng kết trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 10/11, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng sau 5 năm nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, thu nhập đầu người bình quân của Việt Nam đã tăng gần 145%, tương đương gần 9.000 USD theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), và Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất cũng theo WB.


    Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước trong kỳ họp, con số nợ công tới năm 2021 sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng kéo theo gánh nặng nợ công tới hơn 40 triệu đồng/người vừa được cảnh báo đã không được ông Phúc nhắc đến cho thấy thực tế nền kinh tế không mấy khả quan như bài nói. Nhiều dẫn chứng đưa ra cũng cần được cân nhắc lại.
    “Thu nhập đầu người Việt Nam tăng gần 145%”

    Ông Phúc đưa ra con số rằng trong hơn 4 năm qua, hơn 8 triệu việc làm đã được tạo mới, năng suất lao động của nền kinh tế tăng 5,8%/năm, cao hơn so với mức 4,3% giai đoạn trước.

    Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng gần 145%. Dẫn tiêu chuẩn của WB, bài phát biểu cho rằng thu nhập của người dân Việt Nam đã tương đương gần 9.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua).

    Tuy nhiên, bài nói không đưa ra con số bình quân thu nhập cụ thể làm căn cứ cho tỷ lệ tăng gần 145% nói trên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 2.215 USD/người theo Tổng cục Thống kê, và thu nhập năm 2020 dự báo ở mức 2.750 USD/người theo Bộ Tài chính, thì mức tăng sau 5 năm là 124%, thấp hơn nhiều con số 145% nói trên.

    Vẫn trích nguồn từ WB, ông Phúc nói rằng tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện nay xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con hổ châu Á” cộng lại, và đến năm 2045, tầng lớp này sẽ chiếm trên 50% dân số – tức tương đương dân số của Hàn Quốc.

    Tuy nhiên, ngay cả khi chia bình quân, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 2.750 USD/người (2020), thấp hơn vài chục lần so với thu nhập bình quân/đầu người của “4 con hổ châu Á” lần lượt gồm Hàn Quốc là 31.761 USD/người (2019), Đài Loan 25.893 USD/người (2019), Hongkong 48.755 USD/người (2019), Singapore 65.233 USD/người (2019). Xét về chỉ tiêu đo lường kinh tế, việc số dân thuộc tầng lớp bình dân tương đương với số dân của một quốc gia hầu như không có giá trị so sánh.

    Về mục tiêu tăng trưởng 2021 khoảng 6% mà các đại biểu quốc hội cho rằng là cao, cần điều chỉnh, ông Phúc cho rằng mức tăng trưởng này là thấp so với tiềm năng của đất nước…
    Chuyên gia kinh tế: 5 năm, nợ công tăng 11%, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất chỉ 7,08%

    Dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 do Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội cho thấy Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỷ đồng để cân đối ngân sách trung ương, gồm vay bù bội chi ngân sách khoảng 318.870 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương khoảng 260.902 tỷ đồng.

    Như vậy, Chính phủ phải đi vay bù đắp bội chi ngân sách, đồng thời phải vay để có tiền trả nợ gốc và số tiền vay năm sau luôn cao hơn năm trước (dự toán ngân sách năm 2018 vay 363.284 tỷ đồng, năm 2019 vay 425.252 tỷ đồng).

    Dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại), chưa vượt trần, nhưng tới năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4%, vượt ngưỡng Quốc hội cho phép với giai đoạn 2016 – 2020 là 25%.

    Theo tính toán của Phó Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng, với mức tăng nợ công nói trên thì từ trẻ sơ sinh cho đến già lão, mỗi người sẽ gánh hơn 40 triệu đồng nợ công, tăng cao hơn mức 30 triệu đồng/người vào đầu nhiệm kỳ.

    Trước thông tin trên, TS Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam đã vượt xa tăng trưởng kinh tế, và vấn đề không nằm ở con số vay mà phải nằm ở khả năng trả nợ, theo Báo Đất Việt.

    Ông Hùng dẫn thống kê cho biết tốc độ tăng nợ công trong 5 năm gần đây là khoảng 11% trong khi, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất mới đạt 7,08% vào năm 2018 – “Những chỉ số trên đang minh họa cho việc sử dụng vốn vay của Việt Nam thời gian qua không hiệu quả”.

    Chuyên gia kinh tế cho hay các biện pháp cần kíp lúc này là phải kiểm soát thật chặt các khoản vay, không để tình trạng vay nợ tiếp tục tăng cao. Song song với đó phải có biện pháp sử dụng thật hiệu quả các khoản vay, phải bảo đảm các khoản vay sẽ sinh lợi.

    Giải pháp đầu tiên cần làm là Chính phủ cần chấm dứt việc bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp. Tiếp đến là tăng hiệu quả sử dụng vốn vay vì có tiền không giải ngân được chính là do dự án không khả thi, không hiệu quả. Ngoài ra, còn là vấn đề năng lực của các ban quản lý dự án hạn chế, còn yếu kém khiến dự án đội vốn, chậm tiến độ dẫn tới nợ đầm đìa như dự án Cát Linh – Hà Đông, các tuyến Metro TP.HCM…

    Trên Thanh Niên, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay chỉ tiêu nợ công/GDP giảm xuống do Việt Nam thay đổi cách tính GDP, thế nhưng, con số tuyệt đối vẫn tăng. Sang năm 2021, khi áp dụng cách tính GDP mới thì tỷ lệ nợ công giảm mạnh chỉ còn khoảng 45 – 46% GDP, nhưng giá trị tuyệt đối của nợ công vẫn đang tăng nhanh.

    Do thay đổi cách tính GDP cũng không làm thay đổi tổng thu ngân sách nên tỷ lệ nợ công trên mức thu ngân sách nhà nước cũng tăng nhanh. Điều đó dẫn đến gánh nặng trả nợ hàng năm của Chính phủ và phá vỡ chính sách thu chi của quốc gia.

    TS Phạm Thế Anh cũng nhấn mạnh mất 1/4 tổng thu ngân sách chỉ để trả nợ gốc và lãi hàng năm thì sẽ không còn vốn để phát triển. Điều cần làm là cần tinh gọn bộ máy công quyền, cắt giảm chi thường xuyên cùng các khoản đầu tư công theo kiểu dàn trải ở các địa phương như nhà lưu niệm, tượng đài… để tập trung vốn cho đầu tư. Chuyên gia kinh tế cho hay không giảm được bộ máy công quyền cồng kềnh thì không thể giảm được chi thường xuyên và từ đó vẫn cứ mãi phải đi vay để bù chi, để trả nợ cũ…

    Nợ công – ai vay, ai trả?

    “Nợ công biến thành nợ tư ở chỗ, khi nợ công tăng cao, có thời kỳ chúng ta buộc người dân phải mua trái phiếu, mua công trái, tức là tư nhân phải mua nợ nhà nước.

    Nhưng ngược lại nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Bài học EU và Tây Ban Nha, khi các ngân hàng tư nhân bị nợ nặng thì Nhà nước buộc phải cho vay nhiều dẫn đến thâm hụt ngân sách, nợ công tăng lên. Việt Nam chúng ta cũng bị tình trạng đó khi Nhà nước phải mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Bỏ ngân sách ra mua bao gồm cả mua nợ, mua nghĩa vụ nợ đã khiến nợ công bị tăng lên bởi cộng từ các khoản nợ tư.

    Vấn đề một số tập đoàn trong nước đang vay nợ nước ngoài, nếu chúng ta không quản lý tốt, không cảnh báo họ thì tổng nợ nước ngoài của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên. Bởi vì nợ nước ngoài bao gồm cả nợ Chính phủ và nợ tư nhân, nợ nước ngoài tăng đồng nghĩa với uy tín quốc gia sẽ giảm. Đó là chưa kể nếu không may vỡ nợ, xảy ra thất nghiệp, bất ổn thị trường ngoại hối thì một số khoản nợ của tư nhân Nhà nước thậm chí còn phải bảo lãnh, phải mua lại của tư nhân để giữ ổn định nền kinh tế.

    Tôi ví dụ, mới đây thôi, một tập đoàn khá lớn đang đầu tư ở nước ngoài khá nhiều đã đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi tính toán đến thời kỳ trả nợ và khả năng trả nợ của họ. Hàng chục ngân hàng Việt Nam phải xúm lại đề nghị Chính phủ cho vay nợ, giãn nợ bởi vì nếu tập đoàn này vỡ nợ thì một loạt ngân hàng chết theo hoặc tập đoàn này buộc phải bán một số dự án ở nước ngoài mà chúng ta đang cần để bảo vệ đất nước.

    Nói thế để khẳng định rằng không thể có chuyện nợ tư tư trả, nợ công công trả mà tất cả phải được quản lý, tất nhiên là tùy theo mức độ khác nhau và cơ chế khác nhau.” (trích)

    – TS Nguyễn Minh Phong, báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 11/11/2019.

    https://trithucvn.org/

    Không có nhận xét nào