Header Ads

  • Breaking News

    Phe Trump có mục đích gì khi quyết "sống mái" tại toà án

    Những đồng minh của ông Trump cho rằng chiến dịch khởi kiện hàng loạt chủ yếu để giữ thể diện sau thất bại "nuốt không trôi", chứ nó khó lòng thay đổi kết quả cuộc bầu cử.

    Phe Trump có mục đích gì khi quyết "sống mái" tại toà án

    Tổng thống Trump tuyên bố sẽ có động thái pháp lý ngay đầu tuần này về việc kiểm phiếu. Nhà lãnh đạo cũng không chịu nhận thua trước ứng viên đảng Dân chủ - cựu Phó tổng thống Joe Biden - trong kỳ bầu cử năm nay.

    Ông quyết liệt kêu gọi người ủng hộ và mạnh thường quân đóng góp tài chính cho những cuộc đấu tại tòa án.

    Đội ngũ của ông Trump cáo buộc gian lận bầu cử quy mô lớn xảy ra ở Pennsylvania và những bang mà ông Biden "đổi màu" thành công. Dù lập cả một đường dây nóng về trình báo gian lận, phe ông Trump vẫn chưa đưa ra bằng chứng nào đủ thuyết phục.

    Trả lời AP, ít nhất 10 trợ lý và đồng minh của ông Trump thừa nhận vấn đề cốt lõi không phải là tìm bằng chứng.

    Các trợ lý và đồng minh của ông Trump thừa nhận cuộc chiến pháp lý chỉ có thể trì hoãn một kết cục không thể tránh khỏi. Một vài người thật sự bất bình khi vị tổng thống muốn hạ uy tín cuộc bầu cử.

    Theo họ, động cơ của nhà lãnh đạo và nhóm đồng minh cốt lõi là giữ chân nhóm cử tri trung thành, dù phe này đã thất bại trong kỳ bầu cử.

    Cơ sở cáo buộc từ phe ông Trump

    Ngay sau khi các hãng tin tuyên bố ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Rudy Giuliani - luật sư của ông Trump - đã tổ chức họp báo ở Philadelphia, bang Pennsylvania.

    Ông khẳng định những giám sát viên của đảng Cộng hòa phải đứng quá xa nơi xử lý phiếu bầu và không thể đảm bảo phát hiện sai sót.

    Luật sư của Tổng thống Trump cho rằng điều mờ ám đã xảy ra. Pennsylvania chính là bang quyết định chiến thắng chung cuộc cho ông Joe Biden.

    "Không có cách nào phát hiện sai lầm vì chúng tôi đã bị tước mất quyền thanh tra phiếu bầu", Giuliani nói.

    Trả lời Fox News ngày 8/11, vị luật sư tiết lộ còn 2 hồ sơ kiện tụng đang được chuẩn bị. Trong tuần này, ủy ban tranh cử của ông Trump có thể gửi 4-5 hồ sơ kiện. Có khả năng họ sẽ thúc đẩy đến 10 vụ kiện.

    Một cuộc họp báo về cuộc chiến pháp lý của đảng Cộng hòa sẽ được tổ chức trong ngày 9/11.

    Giám sát viên kiểm phiếu được chỉ định bởi đảng chính trị hoặc ủy ban tranh cử để phát hiện những dấu hiệu mà họ cho là đáng quan ngại. Những người này không phải nhân viên cơ quan bầu cử, không làm việc cho chính quyền địa phương.

    Nhiều bang tại Mỹ có quy định về giám sát điểm kiểm phiếu và điểm bầu cử, luật ở mỗi nơi sẽ khác nhau.

    Các địa phương cũng đặt ra giới hạn nhất định để phòng ngừa tình trạng quấy rối hoặc đe dọa kiểm phiếu viên. Giám sát viên không được can thiệp vào quá trình bầu cử, và phải đăng ký trước với nhà chức trách.

    Với kỳ bầu cử năm nay, vì diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, một vài bang đã điều chỉnh về vị trí của giám sát viên nhằm giữ khoảng cách an toàn, tránh lây virus cho nhân viên bầu cử.

    Các luật sư của ông Trump có thể đòi hủy kết quả kiểm phiếu nếu giám sát viên phe này chứng minh được gian lận. Tuy nhiên, họ cần bằng chứng "nặng ký" chứ không phải cáo buộc suông, kiểu như "giám sát viên không thể nhìn rõ quy trình xử lý phiếu bầu".

    Những giám sát viên của đảng Dân chủ làm việc trong điều kiện giống như phe Cộng hòa. Họ khẳng định không phát hiện điều gì đáng quan ngại trong quá trình kiểm phiếu.

    Luật sư Giuliani tuyên bố đã gửi đơn kiện đến tòa án liên bang. Tuy nhiên, những cáo buộc này được tòa án địa phương lẫn liên bang kết luận là không đủ sức thuyết phục.

    Ngày 5/11, thẩm phán tòa liên bang tại Philadelphia, bang Pennsylvania yêu cầu cơ quan bầu cử địa phương và nhóm chiến dịch của ông Trump thỏa thuận về số lượng giám sát viên, cũng như khoảng cách giữa họ với nhân viên kiểm phiếu.

    Vụ kiện tại Philadelphia cuối cùng bị hủy bỏ. Theo Philadelphia Inquirer, vị thẩm phán kết luận yêu cầu từ phe ông Trump là không thiết thực.

    Khe cửa hẹp

    Các thẩm phán Mỹ rất ngại tai tiếng về việc tước quyền cử tri. Vì vậy, cáo buộc gian lận mà phía ông Trump đặt ra cần được chứng minh rõ là kết quả kiểm phiếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức cần hủy bỏ. Bên cạnh đó, phe ông Trump còn phải chứng minh điều này tái diễn ở nhiều bang.

    Thực tế là gian lận bầu cử rất hiếm khi xảy ra tại Mỹ. Trong những trường hợp bị phát hiện và xử phạt trước đây, kết quả cuộc bầu cử nói chung không bị ảnh hưởng.

    Phe ông Trump cáo buộc khoảng 21.000 phiếu bầu mang tên người đã khuất nhưng vẫn được tiếp nhận ở Pennsylvania. Thẩm phán quan ngại những đơn kiện gửi vào phút chót có thể "tước quyền lợi của cử tri hợp pháp".

    Dù mất đi toàn bộ 21.000 phiếu này, ông Joe Biden sẽ vẫn thắng tại Pennsylvania với cách biệt hơn 20.000 phiếu.

    Ngay cả chính quyền của ông Trump cũng bác bỏ những cáo buộc gian lận bầu cử trên quy mô lớn, dù không nói thẳng tên nhà lãnh đạo.

    Cơ quan An ninh mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng, phụ trách vấn đề an ninh bầu cử, nhấn mạnh là các văn phòng bầu cử địa phương luôn có những biện pháp phát hiện, "khiến việc gian lận bằng cách làm giả phiếu bầu là vô cùng khó khăn".

    Nhà chức trách tại những bang chiến trường như Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania và Nevada - với giới lãnh đạo địa phương gồm người của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa - đều khẳng định không phát hiện "bất thường" trên diện rộng hay sự vụ gian lận nào đáng kể.

    Dù không có bằng chứng, quản lý chiến dịch cho ông Trump - Bill Stepien - vẫn kêu gọi người ủng hộ tổng thống sẵn sàng tập hợp biểu tình.

    Một số đồng minh của ông Trump vẫn cố gắng ủng hộ nhà lãnh đạo, dù đã âm thầm chấp nhận hiện thực.

    Theo một nhân vật giấu tên trong đảng Cộng hòa, các nghị sĩ đảng này đang cho ông Trump thêm thời gian để cân nhắc mọi bước đi pháp lý.

    Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - lãnh đạo nhóm đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện - vẫn chưa chính thức lên tiếng về kết quả bầu cử.

    Dù chưa chúc mừng cựu Phó tổng thống Joe Biden, ông McConnell cũng không hùa theo các cáo buộc từ Tổng thống Trump.

    "Tôi nghĩ lập trường của ông ấy không thay đổi: đếm đủ mọi phiếu, phân xử mọi khiếu nại", Scott Jennings - chiến lược gia đảng Cộng hòa tại Kentucky và là đồng minh của nghị sĩ McConnell - chia sẻ.

    Jennings khẳng định ông McConnell "sẽ không chấp nhận bất kỳ bước đi nào vượt quá khuôn khổ pháp luật, và tán thành những biện pháp mà pháp luật cho phép".

    https://www.vietbf.com/

    Không có nhận xét nào