Nguồn: Viện nghiên cứu kinh tế xã hội văn phòng nội các
Ngoại nhu tiếp tục tăng, tốc độ phục hồi của nội nhu chậm lại
Ngoại nhu tiếp tục tăng. Xuất khẩu thực tế trong tháng 8 tăng 6,8% so với tháng trước, tăng tháng thứ ba liên tiếp. Theo khu vực, doanh số bán hàng sang Trung Quốc tiếp tục tăng và doanh số bán hàng sang các nước phát triển cũng có dấu hiệu khởi sắc.
Do xuất khẩu tăng nên hoạt động sản xuất của các công ty tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp và khai khoáng tháng 8 tăng 1,7% so với tháng trước, tăng tháng thứ ba liên tiếp. Triển vọng sản xuất cũng dự kiến sẽ tăng 5,7% trong tháng 9 và 2,9% trong tháng 10, và sự phục hồi dần dần sẽ tiếp tục.
Tuy nhiên, ở châu Âu, sự lây lan đại dịch Covid 19 trở lại đang trở nên nghiêm trọng hơn, và rủi ro giảm sút của xuất khẩu ngày càng tăng. Nếu xuất khẩu sang châu Âu giảm, tác động sẽ tập trung vào lĩnh vực vận tải và thiết bị điện.
Tốc độ phục hồi của nội nhu đang chậm lại. Về nhu cầu trong nước, tiêu dùng cá nhân dường như đã ngừng tăng trong mùa hè. Chỉ số hoạt động tiêu dùng trong tháng 7 giảm 2,4% so với tháng trước, giảm sau với hai tháng. Nhu cầu bị dồn nén trong giai đoạn ban hành tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã kết thúc, và việc tái lây lan Covid-19 là lực cản lớn cho việc phục hồi tiêu dùng.
Lợi nhuận của công ty giảm sút khiến đầu tư vốn giảm
Lợi nhuận công ty giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Doanh số bán hàng trên toàn ngành trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 đã giảm 10,7% so với quý trước, mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu thống kê. Do nhu cầu trong và ngoài nước giảm mạnh do sự lây lan của Covid-19, doanh số bán hàng ở cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất đều giảm đáng kể. Mặt khác, thu nhập thông thường giảm 29,7% so với cùng kỳ năm trước đối với tất cả các ngành, giảm quý thứ năm liên tiếp. Ăn uống / ở, các dịch vụ liên quan đến cuộc sống / giải trí, phương tiện đi lại, v.v., bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc tự kiềm chế đi ra ngoài, rơi vào cảnh thua lỗ.
Lợi nhuận doanh nghiệp trong giai đoạn tháng 7-9 sẽ tăng lên do việc nới lỏng các hạn chế đối với các hoạt động trong nước và nước ngoài, nhưng sự phục hồi của các nền kinh tế nước ngoài còn chậm, và cần tiếp tục các biện pháp chống lại sự lây nhiễm. Do đó, tốc độ phục hồi dự kiến sẽ chậm lại.
Đầu tư vốn tiếp tục giảm. Do tình hình hoạt động kinh doanh sa sút, thái độ đầu tư của các doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn. Đầu tư vốn trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 lần đầu tiên giảm 6,7% so với quý trước trong hai quý trên cơ sở toàn ngành. Trong cuộc khảo sát vào tháng 9 về quan điểm ngắn hạn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, kế hoạch đầu tư vốn cho năm 2020 đã được điều chỉnh giảm, thấp hơn so với năm trước. Tuy nhiên, mức giảm là nhỏ so với thời điểm xảy ra cú sốc Lehman, một phần là do được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, chẳng hạn như những khoản liên quan đến làm việc từ xa, đặc biệt là đầu tư phần mềm đã được điều chỉnh tăng[1].
Nguy cơ giảm phát
Theo Bộ nội vụ, chỉ số giá tiêu dùng CPI, trừ mặt hàng thực phẩm tươi sống, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Do tác động của Covid-19, chỉ số CPI giảm trong tháng 4, tháng 5; không thay đổi trong tháng 6, tháng 7 và tiếp tục giảm trong tháng 8, tháng 9. Như vậy chỉ số CPI đã không tăng từ tháng 4 cho đến nay[2].
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ước tính rằng "nhu cầu" tổng thể của nền kinh tế Nhật Bản thấp hơn "khả năng cung cấp" và nhu cầu bị thiếu lần đầu tiên trong 3 năm và 9 tháng. Chuyên gia của Viện nghiên cứu Nomura cho biết, “Chênh lệch cung cầu âm cho thấy giá cả có xu hướng giảm và có lo ngại rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ lại rơi vào trạng thái giảm phát. Quan trọng là cải thiện năng lực tiềm năng[3].
Du học sinh, thực tập sinh quay trở lại Nhật Bản
Số liệu của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản cho thấy khoảng 13.700 người nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 9. Con số này lần đầu tiên vượt mức 10.000 người trong 6 tháng qua, nhưng vẫn giảm 99,4% so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm trên 99% trong 6 tháng kiên tục kể từ tháng 4.
Trong số này, đa số là người đến từ châu Á, với 3.000 người từ Trung Quốc, 2.700 người từ Việt Nam, 1.400 người từ Hàn Quốc, và 1.000 người từ Thái Lan. Hầu hết những người này được cho là du học sinh và thực tập sinh kỹ năng đã ở Nhật Bản trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nay quay trở lại Nhật Bản.
Nhật Bản đã tái mở cửa đi lại với Singapore và Hàn Quốc cho các đối tượng đi công tác. Tuy nhiên, lây nhiễm Covid-19 đang tăng trở lại, đặc biệt là ở châu Âu. Vì vậy, trước mắt ít khả năng có khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản[4].
Dự đoán kinh tế trở lại mức thời điểm trước Covid-19 vào năm 2022
Kinh tế Nhật Bản chạm đáy trong tháng 5. Dự đoán GDP thực quý tháng 7-9/2020 tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, tiêu dùng cho ăn nhà hàng, dịch vụ khách sạn còn hạn chế, số người nhiễm Covid-19 từ tháng 7 tăng trở lại, nên xu hướng hạn chế vẫn còn mạnh, hoạt động kinh tế chậm trở lại bình thường. GDP tháng 7-9 tăng, song chỉ trở lại khoảng 40% so với sự sụt giảm của quý tháng 4-6, khả năng sự phục hồi sau đó chậm.
Nguyên nhân là do thực hiện "lối sống mới", thường xuyên hạn chế chi tiêu dịch vụ như ăn uống và đi lại. Ngoài ra, hoạt động kinh tế bị thu hẹp liên tục trong một thời gian nhất định, công ty phá sản và số người thất nghiệp tăng lên là điều không thể tránh khỏi, làm tổn hại nền tảng kinh tế, nên dù việc hạn chế hoạt động kinh tế được gỡ bỏ, nhu cầu cũng khó có thể khôi phục lại như mức ban đầu. Thu nhập của nhân viên giảm và lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút sẽ là những yếu tố làm giảm tiêu dùng cá nhân và đầu tư vốn trong dài hạn.
Có thể mong đợi rằng lối sống mới sau Covid-19 sẽ tạo ra nhu cầu mới chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, rất khó để phục hồi mức cầu thông thường bị sụt giảm trong thời gian ngắn. Dự đoán tăng trưởng GDP thực năm 2020 là -5,8% và 3,6% vào năm 2021. GDP thực sẽ trở lại mức ban đầu trước khi có Covid-19 từ năm 2022[5].
Phan Cao Nhật Anh
Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á
[1] 日 本 経 済 展 望, truy cập ngày 23/10/2020 tại https://www.jri.co.jp/MediaLibrary/file/report/japan/pdf/12130.pdf
[2] 9月の消費者物価指数 0.3%下落 2か月連続でマイナス, truy cập ngày 24/10/2020 tại https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201023/k10012677001000.html?utm_int=news-business_contents_list-items_032
[3] 「需要」が「供給力」を下回る 3年9か月ぶり 新型コロナ影響か. https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201012/k10012658991000.html?utm_int=news-new_contents_list-items_015
[4] 9月の外国人旅行者 6か月ぶり1万人超も 去年比99%超の大幅減, truy cập ngày 23/10/2020 tại https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201021/k10012674081000.html?utm_int=news-business_contents_list-items_064
[5] 2020・2021年度経済見通し, truy cập ngày 23/10/2020 tại https://www.nli-research.co.jp/report/detail/id=65680?site=nli
http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1508
Không có nhận xét nào