Từ cụ viễn tổ Ngô Quyền cho tới ông, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, cũng vẫn là một dòng máu ấy: Yêu nước thương nòi, dù kết cục có chút khác nhau! Nếu vua Ngô Quyền đã oanh liệt đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, đập tan mộng ngoại xâm của địch nhân Hán tộc, thì Ngô Tổng thống đã thất bại trong việc ngăn chặn làn sóng đỏ từ phương Bắc tràn qua sông Bến Hải, không phải Bắc Hà mà là Bắc Kinh, không phải bởi ông kém tài kém đức, mà là do bị phản bội bởi người Mỹ (Đảng Dân Chủ) và các tướng tá do “Big Minh” cầm đầu.
Những vấn đề ông và bào đệ của ông, cố vấn Ngô Đình Nhu, phân tích và dự báo đã dần trở thành hiện thực: Trung Cộng đã hiện diện dày đặc trên đất nước Việt Nam! (Xin xem “Chính Đề”). Truyền thống thoả hiệp giữa các chính khách thiên tả Mỹ với Trung Cộng, có lẽ đã bắt đầu từ thời Đệ Nhất Cộng Hoà, chứ không phải đợi mãi tới khi Henry Kissinger sang gặp Đặng Tiểu Bình năm 1972. Lịch sử hiện đại Việt Nam chắc chắn sẽ được viết lại, theo hướng tôn vinh ông. Xin chia sẻ bài viết tâm huyết của anh Ngô Nhật Đăng về ông Ngô Đình Diệm nhân lễ giỗ lần thứ 57 của ông và bào đệ, để thấy rằng dòng dõi ông rất đỗi hào hùng:
BẬC HIỀN LƯƠNG
Gia phả họ Ngô Việt Nam chép : “Cụ viễn tổ là Ngô Nhật Đại, từ Châu Ái ra Đường Lâm đến đời ông Ngô Đình Mân làm Hào trưởng Đường Lâm lấy bà Phùng Thị Tịnh con gái ông Phùng Hải (em Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng), 40 tuổi sinh được Ngô Quyền".
Sau khi đánh tan quân Nam Hán, Ngô Quyền không lên ngôi, không đổi tên nước và không đặt tên hiệu nhưng đời sau đánh giá công đức của bậc Hiền Lương, sử sách vẫn coi ông là vua với tên thụy Ngô Vương Quyền.
Những phát hiện lịch sử mới nhất càng thấy rõ tầm vĩ đại của Ngô Quyền, tấm bia đá ở Kê Lặc (Hải Dương) cho ta biết nhiều điều thú vị : Thì ra cuốn Binh thư đầu tiên của dân tộc chính là Ngô Quyền viết, phần “Thủy binh pháp” đã chỉ rõ cách dùng sở trường sông nước của người Việt đối đầu với sở đoản của ngoại xâm là thủy trận. Nhà sử học Lê Văn Hưu đánh giá : “ Có thể nói, một cơn giận mà yên được dân, mưu cũng giỏi mà đánh cũng giỏi, chỉ một trận mà ngõ hầu nước Việt ta đã được nối lại”. Hay loại gỗ dùng làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng không phải gỗ lim mà là thứ gỗ càng ngâm nước càng cứng như sắt gọi là kê lặc (gân gà). Nhất là tư tưởng trị nước của ông, câu đầu được khắc trên tấm bia là “ Đồ xứ an dân”. Tư tưởng mà sau này Nguyễn Trãi nhắc lại trong Bình Ngô Đại Cáo :
“Từng nghe
Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”
Lịch sử có những khúc quanh thật bí ẩn, thời mà Nguyễn Trãi mang chí lớn và tài năng của mình phò Lê Lợi cũng là thời mà hậu duệ Ngô Quyền phục hưng sau loạn 12 sứ quân phải ly tán khắp nước. Gia phả họ Ngô chép : “ Con cái lưu lạc khắp nơi, đến đời ông Ngô Kinh trốn ở vùng Đồng Phang (Châu Ái) phải làm ông từ coi một ngôi đền nhỏ, ông chết sớm, có một người con trai còn nhỏ tuổi tên là Ngô Từ được Lê Khoáng là tù trưởng Lam Sơn nhận làm con nuôi”.
Ông Lê Khoáng là cha của Lê Lợi. Ngô Từ chính là người lo về hậu cần cho nghĩa quân Lam Sơn, sau khi đánh đuổi quân Minh, Lê Lợi lên làm vua và Ngô Từ là một trong bảy người được phong là “ Đệ Nhất khai quốc công thần” với tước Hưng Quận công, con gái ông chính là Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Giao mẹ của vị vua được đánh giá là “minh quân” của thời Lê trung hưng, vua Lê Thánh Tông.
Trong đám tù binh phương Bắc có cả Thượng thư Hoàng Phúc, người rất giỏi môn địa lý, phong thủy. Ngô Từ và Nguyễn Trãi có nhờ ông ta xem thế đất mồ mả cha ông mình (Gia phả họ Ngô chép Hoàng Phúc nói Nguyễn Trãi sẽ vướng họa tru di và khuyên ông từ quan). Bài chương của Hoàng Phúc sau khi miêu tả thế đất có câu : “Dòng họ này (Ngô) sẽ hưng thịnh đời đời, cứ vài đời lại có anh hùng xuất hiện”. Không biết có phải vì thế không mà dù sống ở Thăng Long nhưng khi chết Ngô Từ, Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Giao đều chôn cất nơi Đồng Phang, sau này vua Lê Thánh Tông cũng về nằm bên cạnh mẹ mà không về bên nội ở Lam Sơn. Tôi từng về Đồng Phang, bên những ngôi mộ đơn sơ là cây thị hơn 700 tuổi. gốc cây bị ăn ruỗng thành một cái bộng lớn, cả 2,3 người chui lọt nhưng vẫn xanh tốt xum xuê, đầy trái. Dân làng kể, thời cải cách ruộng đất nơi thờ tự bị biến thành kho chứa phân bón của hợp tác xã, cây thị mỗi năm chỉ ra có một quả, hơn hai mươi năm gần đây bỗng xanh tốt trở lại.
Từ Thăng Long, con cháu họ Ngô đi khắp vùng đất nước theo chính sách “lưu quan” của nhà Lê, thời Trịnh Nguyễn phân tranh một vị tướng họ Ngô trấn thủ bờ bắc sông Gianh được chúa Trịnh khen : “ Khanh là trảo nha (nanh vuốt) của xã tắc”. Chi họ này lấy chữ Trảo Nha, gọi là Ngô Trảo Nha, đó chính là trực hệ của gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong gia phả (được lưu giữ ở miền bắc ) chỉ có ít dòng vắn tắt : "Một nhánh của chi Trảo Nha vào đến Đồng Hới- Quảng Bình, vài đời sau theo Công giáo, hậu duệ là gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm, năm 1945 người anh lớn là Ngô Đình Khôi và con trai là Ngô Đình Huân bị Việt Minh giết, ba anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn cũng bị giết trong cuộc đảo chính tháng 11/1963".
Bị giết bởi sự phản bội, bị xuyên tạc, bị lãng quên, bị oan khuất. Miền Bắc thì khỏi cần nói, ngay tại miền Nam, gia đình Tổng thống cũng bị bôi nhọ bởi bao nhiêu thứ : Độc đoán, gia đình trị, lạm quyền, bị thao túng bởi đàn bà vv....để rửa mặt cho những kẻ phản bội bằng cái mác : “Cách mạng”.
Đã hơn 50 năm, những tài liệu mật cũng đã đến lúc được bạch hóa, người ta mới hiểu được tầm vóc vĩ đại của người khai sinh ra chế độ Dân chủ nhất trong suốt mấy ngàn năm lịch sử Việt Nam, nền Đệ nhất Cộng hòa. Chỉ trong hai năm với bao nhiêu khó khăn, năm 1956 VNCH đã có tăng trưởng kinh tế dương. Rồi nền giáo dục cơ bản là trung học được thế giới công nhận, một số trường đại học có đẳng cấp quốc tế, dân cày có ruộng, cuộc sống thanh bình, những người cộng sản không còn đất hoạt động....Dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng Đệ nhất Cộng hòa được thoát thai từ những kiểu mẫu Dân chủ nhất thời đó, có một bản Hiến pháp tiến bộ, một Quốc hội có hai viện...
Tôi đã từng có một thời gian ở vùng trà và cafe Bảo Lộc khi còn trẻ, từng đến Miệt Kinh, Miệt Thứ- Kiên Giang, nơi mà Đệ nhất Cộng hòa với chính sách của Ngô tổng thống “an cư, lạc nghiệp” cho đồng bào miền Bắc di cư và bà con nông dân miền Nam chưa có ruộng. Đó chẳng phải là tư tưởng “Đồ xứ an dân” của cụ tổ Ngô Quyền đó sao ?
Nhớ ngày mới nhập môn Triết học Đông phương, thầy dạy : Người ta được xếp thành 6 bậc theo tài trí Hiền- Lương- Anh- Hùng- Tuấn – Kiệt. Hiền Lương thì phải rất nhiều đời mới có một người, đó là linh khí của Trời Đất. Không có bậc đó thì đất nước muốn hưng thì phải có nhiều Anh- Hùng -Tuấn - Kiệt.
Cụ Ngô Đình Diệm há chẳng phải là một bậc Hiền Lương.
Ps: Bài viết vào ngày giỗ cố TT Ngô Đình Diệm 2/11/2015.”
https://www.facebook.com/dungnh5/posts/4865294306844533
Không có nhận xét nào