(Cambodia floods put spotlight on risk of trading lakes for land)
Shaun Turton and Mech Dara – Bình Yên Đông lược dịch
Nhân viên cứu nạn kéo thuyền qua nước lụt ở ngoại ô Phnom Penh ngày 16 tháng 10 năm 2020. [Ảnh: Vann Soben]
Quy hoạch kém trong việc chạy đua để phát triển làm cho thiệt hại của thay đổi khí hậu thêm tồi tệ
Phnom Penh – Trời đã tối khi nước từ sông Prek Tnaut bị ứ đọng bắt đầu tràn vào căn nhà bê tông 2 tầng của Yoeu Phally ở bìa phía nam của thủ đô Phnom Penh.
“Đến 11 PM, mọi thứ đều nổi trên mặt nước,” Phally, một nông dân trồng lúa, nói với Nikkei Asia. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ nước dâng cao đến thế.”
Gần đó, các nhà sư của chùa Wat Har túm lấy các vật dụng cần thiết trước khi xây một đê tạm bằng cát và vải nhựa bên ngoài cửa chùa để ngăn nước lụt.
“Nó xảy ra rất nhanh, không đầy 20 phút,” sư Mok Sok Ly nhớ lại. “Nước lên đến cổ.”
Cảnh tượng như thế đã xảy ra trên khắp khu vực Mekong trong những tuần lễ gần đây khi các cơn giông nhiệt đới mang mưa lớn đổ xuống Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Kết quả là lũ lụt và đất chuồi đã giết chết hàng chục người, buộc hàng chục ngàn người phải di tản và gây thiệt hại tràn lan cho tài sản, hạ tầng cơ sở và mùa màng.
Chùa Wat Har ở bìa phía nam của Phnom Penh vẫn bị ngập nhiều ngày sau khi lũ tràn qua vùng nầy. [Ảnh: Shaun Turton]
Lũ lụt từ sông Mekong và các phụ lưu làm ngập đất đai của Cambodia và các nước láng giềng mỗi năm, đóng một vai trò sống còn trong nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Nhưng lũ quét gần đây, do mưa như trút nước, tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Theo sau lưng đợt hạn hán kéo dài, các chuyên viên nói lũ lụt có vẻ phù hợp với các tiên đoán rằng thay đổi khí hậu sẽ làm cho các sự kiện thời tiết cực đoan mạnh thêm.
Ở Cambodia – được cơ quan Standard & Poor’s xếp vào hạng các quốc gia dễ tổn thương nhất đối với thay đổi khí hậu – lũ lụt gần đây làm thiệt mạng ít nhất 40 người, thiệt hại hàng chục xưởng may, và ảnh hưởng trên 130.000 gia đình trong 19 của 25 tỉnh của quốc gia nầy.
Khủng hoảng đã làm nổi bật hậu quả của việc hủy hoại đất ngập nước và hồ chung quanh Phnom Penh có tác dụng ngăn lũ thiên nhiên.
Tuần rồi, Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chỉ trích nói rằng việc lấp các hồ có vai trò trong tai họa và và mô tả đó là kết quản “tự nhiên” của quá nhiều mưa.
Các quan sát viên, tuy nhiên, nói quy hoạch kém và coi thường việc quản lý nước của chánh phủ trong việc nới rộng thành phố đã làm cho vấn đề thêm tồi tệ.
Kể từ năm 2003, các nhà phát triển các thành phố vệ tinh và các khu nhà ở có cổng rào đã lấp trên 60% các hồ của thành phố và trên 40% các vùng đất ngập nước quan trọng, theo một phúc trình của nhóm nhân quyền Sahmakum Teang Tnaut.
Trường hợp nổi bật nhất là Boeung Kak, từng là hồ lớn nhất của đô thị, nơi hàng ngàn người bị cưỡng bức rời khỏi nhà ven bờ hồ, sau khi nó được giao cho một công ty tư nhân do một chánh trị gia có thế lực làm chủ trong năm 2007, và rồi được bơm đầy cát.
Chiều hướng đó tiếp tục. Các kế hoạch để phát triển khoảng 1.500 ha đất ngập nước ở phía nam thành phố thành một khu thương mại và gia cư khổng lồ, được gọi là thành phố ING, với 2/3 đã được lấp đất.
Trong một nghiên cứu ảnh hưởng của dự án hồi tháng 6, STT cho thấy nó có thể làm cho trên 1 triệu người bị tổn thương vì lũ lụt gia tăng. Vùng nầy nhận gần 70% nước mưa và nước thải của thành phố, và đóng vai của một hệ thống lọc nước thiên nhiên cho nước chảy tràn và nước thải trước khi chảy vào các hệ thống sông.
Marc Goichot, một chuyên viên các hệ thống nước ngọt của Á Châu ở Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund (WWF)), nói rất “tiện” để “đổ thừa cho trời” và chỉ tập chú vào thay đổi khí hậu, nhưng các chánh phủ cần phải có trách nhiệm cho ảnh hưởng của việc thay đổi cách sử dụng đất bên trong các đồng lụt.
“Chúng ta tạo nên các điều kiện đưa chúng ta đến thảm họa nhiều hơn,” Goichot nói. “Chúng ta gọi chúng là thiên tai, nhưng chúng là nhân tai.”
Những người di tản buộc phải ở trong các lều ở ngoại ô Phnom Penh vào ngày 17 tháng 10 năm 2020 sau lũ lụt sông Mekong. [Ảnh: Vann Soben]
Kỹ nghệ xây cất Cambodia đã bùng nổ trong những năm gần đây, với đầu tư gia tăng từ 5,5 đến gần 11 tỉ USD trong năm ngoái, theo các con số chánh thức do truyền thông địa phương trích dẫn. Hầu hết sự tăng trưởng chú trọng vào Phnom Penh, nay là nơi cư trú của 2,1 triệu người.
Vối thành phố tiếp tục tăng trưởng, Saber Masoomi, giám đốc quốc gia Quỹ Đất Ngập nước và Thủy cầm Hoang dã (Wildfowl and Wetlands Trust) của Cambodia, nói quản lý nguồn nước cần phải là thành phần “cốt yếu” của hoạch định đô thị và quyết định rộng lớn hơn.
“Chúng ta cần thừa nhận rằng quốc gia nầy đang tăng trưởng nhanh chóng. Kinh tế, dân số và nhu cầu. Đó là thực tế,” ông nói.
“Cái đang thiếu, trước nhất, là sự hiểu biết về lề lối kinh tế xã hội của quốc gia và, thứ hai, một kế hạch làm rõ cách thức mà một thành phố nhiệt đới như Phnom Penh có thể đối phó với an ninh nguồn nước. Không có nền kinh tế đa dạng và vững mạnh, rất khó để chú trọng riêng đến đất ngập nước.”
Đại diện của Bộ Quản lý Đất đai và Bộ Kế hoạch không trả lời yêu cầu cho ý kiến.
Một viên chức về quy hoạch của Cambodia làm việc ở Phnom Penh nói việc lấp các đồng lụt được công nhận rộng rãi là sẽ gây thêm tai ương ngập lụt, nhưng nói “chánh trị” đã ngăn cản việc bác bỏ các dự án như thế.
“Kể từ thập niên 1400s, khi nhà vua dời thủ đô từ Siem Reap về Phnom Penh, họ chưa bao giờ biết thành phố có vấn đề ngập lụt,” viên chức nói và yêu cầu được dấu tên. “Anh không thể ngăn chận được lũ lụt, nhưng nếu họ lấp các hồ, nó sẽ thành thảm họa.”
Cuối cùng, các chuyên viên nói cái giá của sự mất mát tác dụng thiên nhiên có thể vượt qua rất xa giá trị tiền bạc của bất động sản cải tạo từ đất ngập nước.
Một bài nghiên cứu được phổ biến hồi năm ngoái ước tính rằng đất ngập nước dành để phát triển ở phía nam Phnom Penh cung cấp khoảng 30 triệu USD giá trị kinh tế hàng năm trong việc thanh lọc nước thải, cung cấp nước và lương thực.
Courtney Weatherby, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Stimson, nói thay thế các hệ thống thiên nhiên với các kiến trúc dựa vào kỹ thuật của con người để quản lý nước thường tốn kém hơn nhiều trong dài hạn.
“Chắc chắn phát triển phải xảy ra, nhưng sự đánh đổi đó cần được cứu xét bằng con mắt tinh tường vì khi anh thấy nhiều quyết định để lấp đất ngập nước, việc đánh đổi đó không phải là một phần của phương trình,” cô nói.
Weatherby thêm rằng nguyên tắc bao gồm việc quản lý nguồn nước khi thiết kế đã được thiết lập bởi kiến trúc sư và nhà thiết kế đô thị nổi tiếng Vann Molyvann của Cambodia.
Được biết như người đã xây dựng Cambodia, Molyvann hoàn tất trên 100 dự án trong thập niên 1950s và 60s khi là trưởng ngành công chánh và kiến trúc quốc gia.
Ông mất năm 2017, nhưng di sản của ông vẫn sống trên một số tòa nhà tiêu biểu và diễn văn – chẳng hạn như diễn văn tại một hội nghị năm 1999.
“Cambodia là một xã hội của ½ đất, ½ nước và các thành phố không nên được xây dựng bằng các bãi rác mà bằng việc kết hợp nước trong thiết kế của chúng,” ông nói.
Không có nhận xét nào