Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ không tự động trở lại trạng thái tinh
khôi, đáng ngưỡng mộ nếu Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa
Kỳ. Chúng ta không nên lý tưởng hóa các chính sách trước thời Trump.
Liệu Biden có nhu nhược trong đối ngoại như Obama? |
Donald Trump đã làm được nhiều điều để khôi phục sự khả tín của quyền lực Mỹ.
Nghe
Barack Obama nói về “xoay trục” sang châu Á quả là thú vị. Thật tuyệt
khi ông dành thời gian đến dự các cuộc họp ASEAN. Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương, hay TPP, là một thành tựu đáng kể.
Nhưng
một số khía cạnh trong chính sách đối ngoại của Obama quả thật tồi tệ.
Obama không có khát vọng thực thi quyền lực. Thậm chí còn có lý do để tự
hỏi liệu chính quyền của ông, đặc biệt là trong nhiệm kỳ hai, có thực
sự hiểu về quan hệ quốc tế hay không. Quan hệ quốc tế không phải chỉ là
về quyền lực mềm.
Một trong những phát biểu ngớ ngẩn nhất mà tôi
từng nghe là khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chỉ trích hành động của
Nga ở Ukraine vào năm 2014 là hành vi kiểu thế kỷ 19 không thể chấp nhận
được trong một thế kỷ 21.
Thực sự có nhiều điều để chỉ trích
[trong hành động của Nga]. Nhưng chỉ trích Nga vì coi thường các giá trị
và quy tắc của bạn đồng nghĩa với việc cho rằng các đối thủ cạnh tranh
phải chia sẻ những cam kết như của bạn. Tại sao họ phải làm như vậy? Bạn
cần phải có sức mạnh và ý chí sử dụng nó để khiến họ tôn trọng các giá
trị và quy tắc của bạn.
Chính quyền Obama nhiệm kỳ đầu đã làm
trung gian cho một thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila, một đồng minh của
Mỹ, trong vụ Trung Quốc khống chế bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Khi
Trung Quốc nuốt lời, Mỹ không làm gì cả. Năm 2016, Tập Cận Bình hứa với
Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng khi Bắc Kinh
làm như vậy bằng cách sử dụng lực lượng hải cảnh thay vì hải quân, Mỹ
lại đứng nhìn.
Gọi đó là “sự kiên nhẫn chiến lược”, Obama đã
không làm gì trong 8 năm khi Bình Nhưỡng thúc đẩy chương trình hạt nhân
của mình. Triều Tiên hiện là một quốc gia hạt nhân trên thực tế, và là
thứ tư ở châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.
Giải trừ hạt
nhân hoàn toàn là một ảo tưởng. Sự ổn định giữa các quốc gia hạt nhân
chỉ có thể được duy trì thông qua khả năng răn đe. Để chiếc ô hạt nhân
của Mỹ trở nên đáng tin cậy, Mỹ phải sẵn sàng sử dụng vũ lực thông
thường. Nếu bạn miễn cưỡng không muốn sử dụng vũ khí thông thường thì
làm sao bạn có thể đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân một cách đáng tin cậy
được?
Khi Obama rút quân nhưng không thực thi được lằn ranh đỏ về
việc Syria sử dụng vũ khí hóa học, uy tín sức mạnh của Mỹ ở khắp nơi đã
suy giảm. Việc Trump đột ngột từ bỏ TPP là một cái tát vào mặt những
người bạn và đồng minh của Mỹ. Nhưng không phải mọi thứ Trump làm đều
sai.
Trump hiểu quyền lực, mặc dù theo bản năng. Và ông ta sử
dụng quyền lực đó một cách thẳng thừng thô ráp, và đôi khi không mạch
lạc. Nhưng khi ông sẵn sàng không kích Syria vì sử dụng vũ khí hóa học
trong khi vẫn đang dùng bữa tối với Tập Cận Bình, Trump đã làm được rất
nhiều để khôi phục uy tín cho sức mạnh của Mỹ.
Năm 2017, Triều
Tiên đã phóng thử tên lửa theo một quỹ đạo bay qua Nhật Bản. Bình Nhưỡng
khoe rằng đây là “một khúc dạo đầu có ý nghĩa đối với việc kiềm chế
Guam.” Guam là lãnh thổ của Hoa Kỳ. Đáp lại, Trump đe dọa sẽ nhấn chìm
Triều Tiên trong “khói lửa và giận dữ”. Tất cả các vụ thử tiếp theo của
Triều Tiên đều diễn ra theo các quỹ đạo khiến tên lửa của họ không dám
lại gần lãnh thổ Mỹ.
Hoa Kỳ dưới thời Trump đã lần đầu tiên bác
bỏ rõ ràng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đã
trao quyền cho Hạm đội 7 tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP)
để thách thức chúng. Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các tuyên bố của mình hoặc
thay đổi hành vi. Nhưng Bắc Kinh cũng không thể ngăn Mỹ và các đồng
minh hoạt động ở Biển Đông mà không đối diện nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Điều này không phải lý tưởng. Tuy nhiên, tự do hàng hải cần phải được
thực hiện như một quyền của các nước, chứ không phải một đặc ân do Trung
Quốc ban phát.
Ngược lại, trong nhiệm kỳ thứ hai của Obama,
FONOP đã gây ra các cuộc tranh luận công khai ồn ào giữa Lầu Năm Góc và
Hội đồng An ninh Quốc gia, điều này làm suy yếu tác dụng của chúng.
Quyền lực cứng cần được cân bằng bởi chính quyền lực cứng; sự cân bằng
trở nên vững chắc nhờ khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy để kiểm soát
các cường quốc hạt nhân khác. Hoa Kỳ là một thành phần không thể thay
thế của bất kỳ cán cân quyền lực châu Á nào. Không một tập hợp các cường
quốc châu Á nào có đủ sức nặng chiến lược để cân bằng lại Trung Quốc.
Các
vấn đề nguy hiểm nhất ở châu Á đòi hỏi sức mạnh cứng: tranh chấp ở
Himalaya, eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Sự thịnh vượng
liên tục của châu Á dựa trên nền tảng là sự ổn định được tạo ra bởi sự
cân bằng quyền lực cứng.
Nếu Biden thắng, ông ta sẽ mang theo
toàn bộ “hành lý” thời Obama tới Nhà Trắng. Vị phó tổng thống của Obama
không thể bác bỏ mọi trách nhiệm về những gì đã xảy ra dưới sự giám sát
của Obama. Bạn bè cũng như kẻ thù sẽ xem xét kỹ lưỡng mọi hành động của
Biden để xác định bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện sự yếu đuối.
Là
một thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, chắc chắn Biden
hiểu rõ về ngoại giao. Ông sẽ không chuyển hướng các chính sách về
Trung Quốc hoặc thương mại. Nhưng chính sách sẽ phải được thực hiện và
truyền đạt một cách có trật tự hơn và có sự cân nhắc nhiều hơn dành cho
các nước bạn bè và đồng minh. Hình thức và bầu không khí ngoại giao của
Mỹ sẽ được cải thiện. Tất cả điều này là rất đáng hoan nghênh.
Nhưng
tất cả những điều đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều nếu chính sách đối
ngoại Mỹ rơi vào tình trạng miễn cưỡng sử dụng quyền lực của Obama hoặc
sự thiếu nhất quán của Trump. Chúng ta không thể bác bỏ khả năng này.
Các
ưu tiên của Biden sẽ tập trung vào trong nước. Đối phó với hậu quả của
đại dịch sẽ lấy mất hầu như toàn bộ thời gian và sự chú ý của ông. Những
nhân vật mà Biden bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và Cố
vấn An ninh Quốc gia sẽ có vai trò quan trọng hơn thường lệ.
Biden
sẽ không bước vào Nhà Trắng với tâm thế thoải mái, tự tại. Ông sẽ phải
quản lý và cân bằng các mong muốn khác nhau của phe tiến bộ và truyền
thống của Đảng Dân chủ. Chính sách có thể bị co kéo theo các hướng khác
nhau. Những người được bổ nhiệm có thể không phải đều có cùng một tư
duy. Các chính sách đối ngoại và đối nội sẽ có sự đánh đổi.
Một
chính quyền Biden cuối cùng có thể vẫn thiếu nhất quán như chính quyền
Trump, cộng thêm đó là việc không nắm được khả năng thực thi quyền lực.
Người dịch: Phan Nguyên
Không có nhận xét nào