Hình minh hoạ. Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu ở cảng thuộc tỉnh Quảng Ngãi hôm 28/10/2020
AFP
Thẻ vàng là biện pháp cảnh cáo của Ủy Ban Châu Âu khi một quốc gia có hải sản nhập vào khu vực này bị phát hiện có dấu hiệu hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định, viết tắt theo tiếng Anh là IUU.
Từ tháng 8/2017, ngành thủy sản Việt Nam đã bị Ủy Ban Châu Âu (EC) phạt thẻ vàng - IUU.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, giải thích:
“IUU là khuyến cáo việc đánh bắt có trách nhiệm để vừa bảo vệ quyền lợi cho chính mình vừa bảo vệ quyền lợi cho các nước trong khu vực. Điều này bảo đảm được cái truy xuất nguồn gốc, cái an toàn thực phẩm, cái yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài. Có những vi phạm thành ra Châu Âu giơ thẻ vàng lên”.
Hậu quả là trong suốt thời gian bị “thẻ vàng”, 100% container hải sản từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.
Theo nguồn từ ngày 3/6 của Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam, gọi tắt là VASEP, chi phí một container thủy sản bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác vào khoảng 500 Bảng Anh, chưa tính phí lưu cảng và thời gian vận chuyển bị chậm lại 3 hay 4 tuần lễ.
Đây là tổn thất đáng kể, theo VASEP, đối với ngành xuất khẩu mũi nhọn khi bị thẻ vàng, vì cứ trung bình một container bị kiểm tra như vậy thì phí tổn có thể lên đến 10.000 Euro/container.
Đó là lý do vì sao 3 năm nay Việt Nam quyết tâm thực hiện việc gắn máy định vị trên các tàu đánh bắt xa bờ, bên cạnh việc xử phạt hoạt động vi phạm đánh bắt trái phép IUU tại hải phận nước khác.
Chủ tịch Hội Nghề Cá Quảng Ngãi, ông Phan Huy Hoàng, nói về thiết bị giám sát hải trình cho tàu cá Việt Nam:
“Khi đã trang bị máy thì đi đâu phải mở ra, ở nhà có cái trạm gọi là “trạm bờ” là người ta quan sát được hết những tàu đó đi đâu và đi đâu. Tàu nào mà vi phạm thì cơ quan kiểm soát gọi điện cảnh báo ngay. Đó là biện pháp chống khai thác ra vùng biển nước ngoài”.
Số liệu mới nhất từ Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cho thấy hiện đã có 82% số tàu cá xa bờ đã được lắp ráp thiết bị giám sát hành trình rồi. Con số này hồi tháng 4 là 56%.
Ông Nguyễn Trí Thạnh, một chủ tàu cá tại huyện đảo Lý Sơn với ngư trường quen thuộc là Hoàng Sa và Trường Sa, xác nhận tàu nhà và gần hết tàu bạn ở Lý Sơn phải tuân thủ qui định gắn thiết bị giám sát hành trình nếu muốn đi biển:
“Chính xác, có người gắn năm ngoái, người gắn năm nay, đánh bắt xa bờ là bắt gắn hết. Có điện thoại vệ tinh liên lạc được với bờ và tàu nọ với tàu kia nữa. Không gắn là quản lý không xuất sổ cho đi đâu”.
Từ Cà Mau, bà Mùi là vợ ngư dân Trần Văn Huốc, từng bị bắt vì đánh lưới mực bất hợp pháp trên biển Thái Lan năm 2013, cho hay hiện tại tàu cá của chồng bà phải mở máy định vị 24/24 mỗi lần ra khơi:
“Gắn cái máy định vị đó mình ra biển chạy tới tầm nào đó, bao nhiêu lý đó… thì không được chạy qua bên kia. Qua bên nước khác thì có tổng đài người ta báo cho mình, kêu mình về. Không quay về thì bị mấy ông phạt đó, vô bờ thì bị phạt bao nhiêu tiền đó”.
Được hỏi chuyện vượt hải phận để đánh bắt ở vùng biển nước khác có còn xảy ra không, bà Mùi trả lời:
“Cũng có một số vi phạm. Có nghĩa là nó biết cách tắt máy rồi chạy qua bên kia mần. Tổng đài mất liên lạc mới kêu trên máy cho ghe đó chạy quày về. Chủ ghe mà để cho tài công chạy lút ra đó thì chủ ghe bị phạt. Người nào lì thì tắt máy rồi lén chạy qua mần nhưng mà bên mình là người ta biết rồi đó”.
Cà Mau là nơi nhiều tàu cá xa bờ thường xâm nhập hải phận Thái Lan để câu lưới mực một cách dễ dàng cách đây vài năm. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau mới đây thông báo là trên 1.500 tàu cá của tỉnh này đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 84,5%.
Khắc phục và tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản xuất khẩu theo khuyến nghị của EC bao gồm nhiều việc và qui định gắn thiết bị giám sát hải trình là một khâu quan trọng của nổ lực chung, là khẳng định của Chủ tịch Hội Nghề Cá Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng. :
“Có các biện pháp về hành chính, về giáo dục rồi biện pháp trang bị kỹ thuật, thế thì đảm bảo thực hiện chống IUU là biện pháp trang bị máy giám sát hải trình cho tất cả tàu đánh bắt xa bờ”.
“Nhưng do điều kiện kinh tế từng địa phương và điều kiện kinh tế của ngư dân cũng chưa đáp ứng được, nên một phần là ngư dân và một phần là Nhà Nước. Bây giờ lo được 80-90% rồi, sắp tới là trang bị tiếp cho đầy đủ 100%”.
Tùy theo mức độ nghèo giàu mà có tỉnh thì trang bị toàn bộ cho ngư dân, có tỉnh thì trang bị một nửa, và có tỉnh thì ngư dân phải chịu chi phí toàn bộ, là giải thích tiếp của ông Phan Huy Hoàng::
“Quảng Ngãi mình vì kinh phí hạn chế cho nên ngư dân tự trang bị, tự bỏ tiền ra mua. Cái máy thì khoảng hai mấy đến 30 triệu đồng, chi phí duy trì hoạt động hàng tháng là 250.000 đồng”.
“Từ khi gắn máy thì nói chung hầu hết ngư dân không còn vi phạm đánh bắt ra nước ngoài nữa. Cũng có trường hợp cá biệt là ngư dân tắt máy để làm việc đó nhưng khi về bị xử phạt ngay và nặng lắm, tối đa là 1 tỷ Đồng”.
Giới chức tỉnh Bến Tre thông báo gần 98 % tàu hoạt động khai thác thủy sản thuộc diện bắt buộc tại địa phương đã lắp đặt thiết bị giám sát.
Viện trưởng Viện Chiến Lược Nông Nghiệp, tư vấn Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, ghi nhận thành quả cố gắng tháo gỡ thẻ vàng IUU mà EU đang áp dụng cho Việt Nam:
“Việt Nam đã quyết liệt tháo gỡ vướng mắc liên quan đến rủi ro tàu thuyền đánh bắt cá của Việt Nam sang lãnh hải các nước xung quanh. Việc đào tạo, tuyên truyền, cảnh báo đến thuyền viên và cộng đồng người đánh cá, rồi việc trang bị máy móc định vị, máy móc truyền tin cho tàu thuyền đánh bắt để bảo đảm thông tin cũng được làm khá mạnh. Có thể nói là có một bước thay đổi khá lớn”.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn còn đưa ra những việc cần làm ngoài các biện pháp mang tính kỹ thuật. Đó là phải ra soát lại và xem lại ngư trường của Việt Nam, xem lại khả năng an toàn, phương tiện …
Ông nói phải có những hướng dẫn cụ thể để ngư dân biết cách có được thu nhập chính đáng trong lãnh hải của mình mà không lo ngại hay có ý định làm chuyện trái phép.
https://www.rfa.org/vietnamese/
Không có nhận xét nào