Ấn Độ - ASEAN mở rộng hợp tác, chú trọng vào tự do hàng hải trên Biển Đông
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 12/11/2020. REUTERS - KHAM
Theo trang tin The Economic Times của Ấn Độ, hôm qua, 12/11/2020, trong hội nghị cấp cao, các lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã thảo luận các vấn đề về Biển Đông và cùng khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải, giữa lúc Bắc Kinh luôn có những thái độ và hành vi gây hấn trên tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới này.
Trang tin này cho hay, các cuộc thảo luận tại hội nghị cấp cao lần thứ 17 ASEAN - Ấn Độ, diễn ra trực tuyến, tập trung vào các vấn đề của khu vực và quốc tế mà các bên đang quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, chống khủng bố, hợp tác kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, thủ tướng Narendra Modi ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông và tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách hướng đông của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố thúc đẩy các sáng kiến hợp tác, kết nối về kinh tế, xã hội, kỹ thuật số, tài chính và hàng hải luôn là ưu tiên tuyệt đối của New Delhi và trong những năm qua, Ấn Độ và ASEAN đã xích lại gần nhau trong nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Modi bày tỏ là Ấn Độ sẵn sàng cùng các nước ASEAN hợp tác, phấn đấu vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.
Bà Nguyễn (Đảng Cộng hòa) chiến thắng bà Nguyễn (Đảng Dân chủ) ở quận Cam
Thành viên Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Janet Nguyễn đã đánh bại Diedre Nguyễn của Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua lập pháp, đại diện cho Địa hạt 72, cho thấy sự trở lại của Đảng Cộng hòa ở tiểu bang California.
Cơ quan Đăng ký Quận Cam đã đưa tin về cuộc tranh cử thú vị giữa hai ứng cử viên người Mỹ gốc Việt có cùng họ Nguyễn:
“Tôi vô cùng khiêm nhường và vinh dự khi các cử tri của Địa hạt 72 đã tin tưởng lựa chọn tôi là tiếng nói của họ ở Sacramento”, bà Janet Nguyễn cho biết hôm thứ Năm (12/11). “Bây giờ chiến dịch đã ở phía sau chúng tôi, tôi đã sẵn sàng để để làm việc ngay lập tức thay mặt cho cư dân của địa hạt chúng tôi”.
Diedre Nguyễn thừa nhận thua cuộc vào tối 11/11, khi kết quả bầu cử cập nhật cho thấy lượng phiếu mà Janet Nguyễn đang hơn bà, nhiều hơn số phiếu còn lại để kiểm đếm. Vào thời điểm đó, Janet Nguyễn dẫn đầu (nhiều hơn người đứng nhì) với 17.995 phiếu bầu và 15.438 phiếu bầu chưa đếm trên toàn quận.
Về tiểu bang California, tỷ lệ đăng ký cử tri của Đảng Cộng hòa là 36,6%, Đảng Dân chủ là 34,3% và 24,3% thành viên độc lập. Nhân khẩu học khá đa dạng, với 48,2% người da trắng, 33,1% người Mỹ gốc Á, 18,3% người Mỹ gốc Latinh và 0,4% người da màu.
TT Trump tự tin sẽ giành được 270 phiếu Đại cử tri
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Examiner hôm thứ Sáu (13/11), Tổng thống Donald Trump tự tin rằng ông sẽ nhận được 270 phiếu Đại cử tri đoàn khi tất cả các chiến dịch pháp lý và việc kiểm đếm được hoàn tất.
Cố vấn Tòa Bạch Ốc: ‘Tổng thống Trump đã thắng’
Trao đổi với Fox Business hôm 13/11, Cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro nói rằng chính quyền TT Trump vẫn đang hoạt động như thể chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ thứ hai. “Chúng tôi nghĩ rằng Tổng thống đã thắng cuộc bầu cử này”, ông Navarro nhấn mạnh.
Trung Quốc đe dọa đáp trả Mỹ vì bình luận về Đài Loan
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm 12/11 nói “Đài Loan không phải một phần Trung Quốc”, điều này ngay lập tức khiến Bắc Kinh tức giận. Với phong cách ngoại giao sói chiến quen thuộc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Đài Loan là một phần không thể xâm phạm của nước này và Pompeo đang gây thêm tổn hại tới quan hệ Trung – Mỹ. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đài Loan sau đó cho biết hòn đảo “cảm ơn sự ủng hộ của Ngoại trưởng Pompeo”. Giới chức Đài Loan sẽ tới thủ đô Washington vào tuần tới để đàm phán kinh tế, động thái sẽ khiến Bắc Kinh thêm giận dữ, theo Reuters.
Ấn Độ – Pakistan đấu súng dữ dội, ít nhất 15 người chết
Theo đó, Lực lượng Ấn Độ và Pakistan dùng súng cối và nhiều loại vũ khí tấn công lẫn nhau tại một số khu vực dọc theo Đường Kiểm soát tại Kashmir, biên giới chưa phân định giữa hai nước trong một cuộc đấu súng mà phía Ấn Độ miêu tả là “đặc biệt dữ dội”. Các quan chức ở Srinagar và New Delhi cho biết, vụ đấu súng nổ ra sau khi quân đội Ấn Độ ngăn hoạt động xâm nhập từ phía Pakistan tại khu vực phía bắc Kashmir. Giới chức Ấn Độ cho biết 6 dân thường, ba binh sĩ và một biên phòng thiệt mạng. Trong khi đó, Pakistan cho biết 4 dân thường và 1 binh sĩ nước này thiệt mạng, theo Reuters.
Đảng Cộng hòa đang nỗ lực ngăn phe Dân chủ biến Mỹ thành nước XHCN
Phát biểu trên chương trình “America Newsroom” của Fox News hôm thứ Tư (11/11), Thượng nghị sĩ (TNS) John Kennedy cho rằng đảng Cộng hòa cần thắng ở bang Georgia. Vì nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện thì đảng thiên tả này sẽ thực hiện chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa của mình. “Người dân Mỹ phải quyết định: chúng ta sẽ sống trong một nền dân chủ hay chủ nghĩa xã hội”, ông Kennedy nói.
Chuyên gia: ĐCSTQ lợi dụng đại dịch để tác động tới bầu cử Mỹ
Chế độ Trung Quốc lợi dụng sự lây lan toàn cầu của virus viêm phổi Vũ Hán để gây bất ổn cho Hoa Kỳ – và cuối cùng là tác động đến cuộc bầu cử tổng thống – theo Robert Spalding, tác giả cuốn sách “Cuộc chiến trộm cắp: Cách Trung Quốc nắm quyền kiểm soát trong khi giới tinh hoa nước Mỹ đang ngủ”, theo The Epoch Times.
“Chúng ta đang ở vào năm 2020, giữa cuộc chiến tranh do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành trên toàn thế giới nhằm tiêu diệt nền tảng căn bản của chủ nghĩa tự do”, Spalding, một lữ đoàn trưởng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, nói với chương trình “Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ (American Thought Leaders)” của tờ The Epoch Times ngày 10/11.
Vào đầu tháng 1, chế độ đã nhận thấy mình ở thế bị “dồn vào chân tường” khi ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn một, tình thế buộc họ phải chỉnh sửa nền kinh tế của mình. Điều đó sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong nước gia tăng, Spalding nói.
Nhưng khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, ĐCSTQ nhận ra rằng họ có thể “chấp nhận cuộc khủng hoảng này và hô biến nó thành thời cơ”, ông nói.
“Vì vậy, khi bạn cộng tất cả những điều này lại với nhau, các hành động của ĐCSTQ đã chủ đích tác động đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ”, Spalding nói.
Ông nói thêm, ảnh hưởng đến từ các hành động của ĐCSTQ đã thể hiện rất rõ trong việc thúc đẩy các cuộc bỏ phiếu qua thư lớn do đại dịch.
TT Trump cáo buộc 2,7 triệu phiếu bầu cho ông bị hủy
Tổng thống Trump cuối hôm thứ Năm (12/11 theo giờ VN) cáo buộc phần mềm bầu cử Dominion đã xóa đến 2,7 triệu phiếu bầu cho ông trên toàn quốc.
Ông viết trên Twitter bằng chữ in hoa: “BÁO CÁO: DOMINION ĐÃ XÓA 2,7 TRIỆU PHIẾU BẦU CHO TRUMP TRÊN TOÀN QUỐC. PHÂN TÍCH DỮ LIỆU CHO THẤY 221.000 PHIẾU BẦU Ở PENNSYLVANIA CHUYỂN TỪ TRUMP SANG CHO BIDEN”.
Ông cũng cho biết “941,000 PHIẾU BẦU CHO TRUMP ĐÃ BỊ XÓA. TIỂU BANG SỬ DỤNG HỆ THỐNG KIỂM PHIẾU DOMINION ĐÃ CHUYỂN 435.000 PHIẾU BẦU CHO TRUMP SANG CHO BIDEN”.
Theo The Post Millennial, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cho biết, tiểu bang Pennsylvania là khu vực mà các phiếu bầu vẫn còn đang bị nghi ngờ về tính hợp pháp. Chiến dịch cáo buộc có những hành vi gian lận cử tri và các vấn đề xung quanh việc cho phép các giám sát viên của đảng Cộng hòa vào những cơ sở nơi kiểm phiếu ở thành phố Philadelphia.
Công ty phần mềm Dominion, có trụ sở tại Toronto, đã trở thành chủ đề gây tranh cãi kể từ khi có thông tin cho rằng họ có quan hệ chặt chẽ với các chính trị gia đảng Dân chủ và các nhà vận động hành lang.
Bà Jenna Ellis, cố vấn của ông Trump, đã đăng trên Twitter rằng tiểu bang Texas đã từ chối sử dụng hệ thống bỏ phiếu của Dominion do “các vấn đề an ninh”.
Tổng thống Mexico một lần nữa từ chối chúc mừng Biden
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador một lần nữa từ chối chúc mừng ứng cử viên đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 11/11.
Sound of hope dẫn lời ông Lopez Obrador nói: “Chúng tôi không phải là con rối của bất kỳ chính phủ nước ngoài nào… “
Tổng thống Lopez Obrador là một trong số ít các nguyên thủ quốc gia chưa chúc mừng “chiến thắng” của ông Joe Biden.
Lopez Obrador cho biết, ông sẽ không bày tỏ quan điểm của mình đối với cuộc bầu cử lần này của Hoa Kỳ, nhưng ông nói rõ: “chúng tôi không thể thừa nhận một chính phủ được thành lập chưa hợp pháp”.
Ông nói, ông sẽ đợi cho đến khi thách thức pháp lý của chính quyền Tổng thống Trump (TT Trump) đối với cuộc bầu cử có kết quả cuối cùng, lúc đó sẽ gọi điện chúc mừng người đắc cử.
TT Trump ký lệnh chấm dứt đầu tư vào các công ty dính líu đến quân đội Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump ngày 12/11 đã ban hành lệnh hành pháp chấm dứt đầu tư vào các công ty Trung Quốc có dính líu với quân đội Trung Quốc, vì lo ngại an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ bị đe dọa, theo The Epoch Times.
Động thái trên đưa ra sau trong bối cảnh ngày càng gia tăng những quan ngại về việc các quỹ hưu trí tại Mỹ đổ nhiều tiền vào các công ty nước ngoài ủng hộ chế độ độc tài chuyên chế Trung Quốc. Lệnh này nhắm vào các công ty quân đội Trung Quốc, bao gồm cả những doanh nghiệp đã bị Ngũ Giác Đài hồi tháng 6 và tháng 7 năm nay liệt vào danh sách công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Sắc lệnh nêu rõ: “Bắc Kinh đang ngày càng khai thác nguồn vốn của Hoa Kỳ để cung cấp và cho phép phát triển và hiện đại hóa quân đội, tình báo và các bộ máy an ninh khác của nước này”.
Thẩm phán Trung Quốc trúng cử ghế Tòa án quốc tế
AP đưa tin, ứng cử viên Xue Hanqin của Trung Quốc ngày 12/11 đã trúng cử ghế thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Ngoài bà Xue còn có 4 ứng viên khác của Uganda, Nhật Bản, Slovakia và Đức cũng trúng cử đợt này.
Tổng cộng, lần này có 8 ứng viên tranh cử vào 5 vị trí của ICJ – chức danh có nhiệm kỳ 9 năm bắt đầu từ ngày 5/2/2021. Trừ thẩm phán người Đức, 4 người trúng ghế còn lại đều là thẩm phán tái tranh cử nhiệm kỳ mới.
Bà Xue lần đầu trúng ghế vào tòa này vào năm 2010. Bà trở thành Phó chủ tịch ICJ từ năm 2018 và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này.
Với lịch sử đàn áp nhân quyền dày đặc và một xã hội không kiên toàn luật pháp như tại đại lục, việc Trung Quốc trúng cử các vị trí thẩm phán trong các tổ chức quốc tế luôn làm dấy lên lo ngại của dư luận.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào