Header Ads

  • Breaking News

    Hơn 40 người bị thương trong cuộc đụng độ rung chuyển Bangkok

    Thái Lan : Phong trào dân chủ tiếp tục xuống đường

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Hàng chục người bị thương trong cuộc biểu tình rung chuyển Bangkok

    Ít nhất 41 người bị thương sau cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở Bangkok, thủ đô Thái Lan.

    Người biểu tình cố gắng tiến đến tòa quốc hội hôm qua, 17/11, nơi các nhà lập pháp đang tranh luận về những thay đổi khả dĩ đối với hiến pháp.

    Họ ném bom khói và túi sơn vào cảnh sát. Cảnh sát đã trả đũa bằng vòi rồng và xịt hơi cay.

    Những thay đổi được đề xuất với hiến pháp là một trong những yêu cầu cốt lõi của phong trào biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Thái Lan.

    Những điều khác gồm các cải cách đối với chế độ quân chủ và cách chức Thủ tướng Prayuth Chan-ocha - một cựu tướng lĩnh từng nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 2014.

    Nhưng phóng viên Jonathan Head của BBC, người có mặt tại hiện trường, cho biết nhiều nhà hoạt động lo ngại rằng nghị viện sẽ bác bỏ hầu hết các yêu cầu của họ - đặc biệt là việc kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.

    Các nhà lập pháp dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu tối thứ Tư (giờ địa phương) về việc có chấp nhận bất kỳ thay đổi nào được đề xuất hay không.

    Những cải cách mà những người biểu tình đang kêu gọi có thể khiến Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cũng như việc cải cách thượng viện, nơi các thành viên không do dân bầu lên.

    Chuyện gì xảy ra hôm thứ Ba?

    Cuộc biểu tình hôm thứ Ba được cho là bạo động nhất kể từ khi phong trào do sinh viên lãnh đạo nổi dậy vào tháng Bảy.

    Biểu tình bắt đầu bằng việc một nhóm người cố gắng cắt qua hàng rào chắn gần quốc hội và ném bom khói lẫn túi sơn vào hàng ngũ cảnh sát chống bạo động.

    Đối phó lại, cảnh sát đã sử dụng vòi rồng để cố gắng đẩy lùi người biểu tình và khi thất bại, họ sử dụng vòi rồng để bắn chất lỏng có pha dung dịch hơi cay.

    Cảnh sát sử dụng vòi rồng với nước tẩm hóa chất để giải tán những người biểu tình ủng hộ dân chủ trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangkok vào ngày 17 tháng 11 năm 2020

    Những người biểu tình được trông thấy cố gắng gội rửa sạch chất kích ứng khỏi mắt họ.

    Giới chức y tế nói người đã được điều trị tại bệnh viện do ảnh hưởng của hơi cay, trong khi những người khác được chăm sóc tại hiện trường.

    Theo các hãng tin AFP và Reuters, một số người biểu tình bị thương do đạn bắn, dù cảnh sát bác bỏ việc sử dụng đạn thật hoặc đạn cao su trong suốt cuộc đụng độ.

    Một người biểu tình bị dính hơi cay đang rửa mặt bên ngoài quốc hội vào ngày 17 tháng 11 năm 2020 ở Bangkok

    Một số người biểu tình cố gắng ẩn núp sau những con vịt bơm hơi khổng lồ bằng cao su, vốn được dự tính thả trên sông phía sau quốc hội trong khi các nhà lập pháp tranh luận bên trong tòa nhà.

    Người biểu tình sử dụng các con vịt bơm hơi bằng cao sư làm lá chắn để bảo vệ bản thân khỏi vòi rồng

    Giữa bối cảnh hỗn loạn, người biểu tình chống chính phủ sau đó đã đụng độ với bên ủng hộ chế độ quân chủ, khi các nhóm đối đầu ném đồ vật vào nhau.

    Những người ủng hộ chủ nghĩa bảo hoàng chống lại cảnh sát trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ gần quốc hội Thái Lan. 17 tháng 11 năm 2020

    Cảnh sát đã can thiệp để tách hai nhóm này ra.

    Tại sao biểu tình bùng nổ ở Thái Lan?

    Thái Lan có lịch sử lâu đời về biểu tình và bất ổn chính trị, nhưng làn sóng mới đây bắt đầu vào tháng Hai khi tòa án ra lệnh giải tán một đảng đối lập ủng hộ dân chủ non trẻ.

    Các cuộc biểu tình lại bùng nổ trở lại vào tháng 6 khi nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng Wanchalearm Satsaksit mất tích ở Campuchia, nơi ông sống lưu vong kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

    Nhưng mọi thứ chỉ thực sự bắt đầu khi những người biểu tình bắt đầu chất vấn về quyền lực của của chế độ quân chủ.

    Động thái này đã gây ra cơn địa chấn khắp đất nước mà từ khi mới sinh ra, người dân được dạy rằng phải tôn kính và yêu mến chế độ quân chủ và biết sợ hậu quả khi nói về chế độ.

    Luật lèse-majesté (tội khi quân) của Thái Lan, cấm bất kỳ sự xúc phạm nào đối với chế độ quân chủ, là một trong những luật lệ hà khắc nhất trên thế giới.

    Không có định nghĩa rõ ràng về sự xúc phạm đối với chế độ quân chủ và các nhóm nhân quyền nói rằng luật thường được sử dụng như một công cụ chính trị để kiềm hãm tự do ngôn luận và những lời kêu gọi của phe đối lập về việc cải cách và thay đổi.

    Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã ra mặt phản đối các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo - và nói rằng những người biểu tình muốn bãi bỏ chế độ quân chủ - điều mà những người biểu tình phủ nhận.

    Một người biểu tình, Panusaya Sithijirawattanakul, nói ý định của họ "không phải là hủy bỏ chế độ quân chủ mà là hiện đại hóa nó, để nó thích ứng với xã hội của chúng tôi".

    https://www.bbc.com/vietnamese/world-54983281

    Thái Lan : Phong trào dân chủ tiếp tục xuống đường

    Thanh Hà RFI

    18/11/2020

    Cảnh sát triển khai phương tiện chuẩn bị đối phó với người biểu tình chống chính phủ gần trụ sở Nghị Viện Thái Lan, tại Bangkok, ngày 17/11/2020. AP - Sakchai Lalit

    Một ngày sau cuộc tập hợp của hàng chục ngàn người tại thủ đô Bangkok và đã xảy ra xung đột với cảnh sát, hôm nay 18/11/2020 phong trào phản kháng Thái Lan tiếp tục kêu gọi xuống đường. Cùng lúc, Quốc Hội biểu quyết về lộ trình sửa đổi một số điều khoản trong bản Hiến Pháp.

    Yêu sách của phong trào phản kháng Thái Lan vẫn là đòi tập đoàn quân sự trao trả quyền lực cho xã hội dân sự, đòi thủ tướng Chan Ô Cha phải từ chức và giới hạn quyền lực của nhà vua. Một trong số các nhà lãnh đạo của phe đòi dân chủ Thái Lan được AFP trích dẫn cho rằng « cuộc đấu tranh đã rẽ sang một khúc quanh mới, không còn chỗ cho các giải pháp thỏa hiệp ». Về phía chính phủ, phó thủ tướng Prawit Wongsuwan hôm nay kêu gọi các lực lượng an ninh « bảo vệ người tuần hành, cho dù họ thuộc phe nào đi chăng nữa ».

    Hôm qua (17/11/2020), cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi rồng và hơi cay giải tán đám đông tập hợp trước trụ sở Quốc Hội, nơi dự án cải tổ Hiến Pháp đang được thảo luận. Xung đột làm ít nhất 55 người bị thương.

    Từ thủ đô Bangkok, thông tín viên Carol Isoux tường thuật về cuộc xuống đường rầm rộ của phe đòi dân chủ Thái Lan vào chiều tối qua :

    « Không khí ngột ngạt đến khó thở tại khu vực chung quanh tòa nhà Quốc Hội Thái Lan. Hàng trăm quả lựu đan cay ném về phía người biểu tình. Số này tự vệ với những phương tiện sẵn có như đeo kính bơi, pha nước với kem đánh răng để làm dịu cay mắt. Một vài nhóm nhỏ cứ vài tiếng đồng hồ lại thay phiên nhau bước lên tuyến đầu. Nhiều chiếc xe cứu thương đưa nạn nhân vào các bệnh viện gần nhất dưới tiếng vỗ tay của đám đông.

    MiAn, một thanh niên đang theo học ngành y tá đến đây giúp đỡ mọi người, anh đứng ở phía sau đoàn biểu tình và nói : « Giờ đây, quả bóng đang ở bên sân của chính phủ. Có hàng trăm dân biểu … Họ phải làm việc chứ. Nếu như đòi hỏi của chúng tôi là chính phủ phải từ chức và tổ chức bầu cử được thỏa mãn, thì chúng tôi sẵn sàng chấm dứt tất cả các biểu tình. Nhưng dường như phía chính phủ chỉ biết dùng bạo lực và luôn luôn là bạo lực để đáp lại những yêu sách của người biểu tình. Họ chỉ biết làm có thế thôi ».

    Các va chạm đối đầu đã bắt đầu từ chiều qua với các nhóm Áo Vàng thuộc thành phần bảo hoàng cực đoan. Phe này chống đối cải tổ Hiến Pháp thu hẹp quyền hạn của nhà vua. Đây là một trong những đòi hỏi chính của phong trào sinh viên. Cảnh tượng đối đầu giữa phe bảo hoàng và những người ủng hộ cải cách làm người ta liên tưởng đến những gì đã diễn ra trước cuộc đảo chính hồi năm 2014 ».

    https://www.rfi.fr/vi/

    Không có nhận xét nào