Phan Thanh Giản vốn dòng dõi nho gia. Lúc còn nhỏ, ông được một nhà sư nuôi dạy. Lớn lên, cụ theo học với nhiều bậc túc nho. Vì vậy, tư duy của Phan Thanh Giản tất nhuần thấm tư tưởng của Phật Thích Ca và Khổng Tử khiến cụ trở thành một nhân vật suốt đời sống với đạo Từ Bi và với đức Nhân, Trí, Dũng của hai vị đại triết nhân này. Lúc sắp trao thành cho quân Phú Lãng Xa tức quân Pháp, nhằm tránh cho lê dân khỏi bị nạn binh đao trước mắt, cụ đã để lại một bức thư tuyệt mệnh trong đó có câu:
“Hỡi các quan và lê dân! Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lãng Xa. Những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi. Nhưng lá cờ ba sắc[cờ Pháp] không thể bay phất phới trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”
(Trích thư của cụ Phan gửi cho hai vị quan Tổng Đốc Miền Tây)
Do sự kiện Pháp quân chiếm mất thành trong lúc điều đình mà vua quan triều Nguyễn hồi đó đã giáng cách cụ để trút trách nhiệm mất đất lên vai cụ. Sau này, khi Việt Minh Cộng Sản cầm quyền, cụ cũng bị gán tội phản quốc và do dó, Tượng Phan Thanh Giản dựng tại sân Trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ bị chính quyền Cộng Sản đập bỏ ngay sau 30 Tháng Tư, 1975; ảnh cụ bị đạn của cán bộ CS bắn xuyên qua tim (coi: Đặc San Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ, Houston, Texas, 2007, trang 23-24 ).
PHAN THANH GIẢN
Vậy thì,
Phan Thanh Giản là ai?
Cụ được nuôi dưỡng và dạy dỗ như thế nào?
Con đường thi cử của cụ như thế nào?
Cụ làm quan với những chức vụ gì?
Tại sao cụ bị giáng chức tới năm lần?
Tại sao cụ trao thành Vĩnh Long cho Pháp và uống thuốc độc tự vẫn.
Tại sao một số các vua quan Triều Nguyễn lên án cụ?
Tại sao Đảng Cộng Sản VN đã lên án cụ?
Hiện nay cụ được CSVN phục hồi danh dự của cụ như thế nào?
Người dân tôn vinh cụ như thế nào?
Cụ có xứng đáng được vinh danh là bậc đại trí, đại dũng, và đại nhân không?
THÂN THẾ PHAN THANH GIẢN
Phan Thanh Giản sinh Giờ Thìn, Ngày 12 tháng Mười, Bính Thìn (1796), đời Lê Cảnh Hưng; mất vào đêm mồng Bốn rạng ngày mồng Năm tháng 7 năm Đinh Mão (1867) sau khi tuyệt thực 17 ngày rồi uống thuốc độc tự vẫn; hưởng tho 72 tuổi. Linh cữu an táng tại làng Bảo Thạnh, Kiến Hòa.
Phan Thanh Giản lấy tên tự là Tịnh Bá và Đạm; hiệu là Lương Khê; biệt hiệu là Mai Xuyên. Sau khi thi đậu, cụ cưới vợ người đầu tiên người làng Cần Giuộc. Bà này mất, cụ tục huyền với bà Trần Thị Hoạch ở Quảng Trị và đưa vợ về Kiến Hòa để lo phụng dưỡng cha mẹ. Trong dịp này, cụ làm một bài thơ để tạ ơn vợ đã thay cụ báo hiếu cha mẹ.
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây cười tớ ham dong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước, nợ trai đành nỗi bận
Cha già, nhà khó, cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo cơn ly biệt
Rằng nhớ, rằng quên, lòng hỡi lòng
(tham khảo: Vĩnh Long Xưa và Nay của Huỳnh Minh, 1967)
Tương truyền tổ phụ cụ Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu là Ngẫu Cừ, sống dưới đời Nhà Minh.Sau đó Phan Thanh Tập di cư sang Việt Nam cư ngụ tại Phủ Hoài Sơn, Bình Định. Phan Thanh Tập có một con trai là Phan Thanh Ngạn tục kêu là Xán. Năm 1771, gia đình ông Ngạn di vào Nam, ngụ ở Thanh Trông, Định Tường. Sau dời về Mân Thích, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long; rồi lại dời về Huyện Bảo An, Hoằng Trị, Vĩnh Long. Cuối cùng, ông lại dời về thôn An Hòa, Tân Thạnh, Vĩnh Bình., phủ Định Viễn, Trấn Vĩnh Thạnh; nay là xã Bảo Thạnh, Bai Tri, Bến Tre. Ông cưới vợ là bà Lâm Thị Bút sinh hạ ra Phan Thanh Giản. Năm 1802, Phan Thanh Giản được 7 tuổi thì bà mẹ qua đời. Bà mẹ kế là bà Trần Thị Dưỡng rất yêu quý ông và cho ông thụ giáo với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi. Năm 1815, cha của Phan Thanh Giản bị tù oan. Phan Thanh Gian xin với quan cho ông được ở tù thế cho cha. Quan không thể giúp được nhưng tạo cơ hội cho ông ở gần cha và trau giồi kinh sử. Sau khi cha mãn tù, Phanh Thanh Giản ở lại Vĩnh Long tiếp tục học để tạo sự nghiệp.
SỰ NGHIỆP
Năm 1825, cụ đậu Cử Nhân Khoa Ất Dậu.Năm sau, cụ đậu Đệ Tam Giáp đồng Tiến Sĩ. Cụ là người đậu Tiến Sĩ khai khoa ở Nam Bộ. Cụ từng giữ nhiều chức vụ: dưới ba triều Minh Mạnh, Thiệu Trị, và Tự Đức: Lang Trung Bộ Hình, Tham Hiệp Quảng Bình và Giám Khảo Thi Hương Thừa Thiên; Hiệp Trấn Quảng Nam, Hàn Lâm Viện, Phó Sứ sang Nhà Thanh, Đại Lý Tự Khanh Cơ Mật Viện, Kinh Lược Trấn Tây, Bố Chánh Tỉnh Quảng Nam, Hộ Lý Tuần Phủ Quan Phòng, Nội các Thừa Chỉ, Tả Thị Lang Bộ Hộ, Thị Lang Bộ Hộ, Binh Bộ Tả Thị Lang, Tham Tri Bộ Binh, Chánh Chủ Khảo Trường Thi Hà Nội, Hình Bộ Thượng Thư, Lại Bộ Thượng Thư, Kinh Lược Sứ, Nam Kỳ Kinh Lược Phó Sứ, Gia Định Tuần Vũ (coi giữ Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, và Hà Tiên), Chánh Tổng Tài Quốc Sử Quán biên soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc Tử Giám Sự Vụ, được cử đi sứ tại Pháp, Trung Hoa, và nhiều nước khác. Năm 1852, Vua Tự Đức ban cho cụ tấm kim khánh khắc “Liêm, Bình, Cẩn, Cán” [Ngay Thật, Công Bằng, Cẩn Thận, Siêng Năng].
Cụ bị giáng chức 5 lần. Lần
thứ nhất lúc cụ bị thất bại khi dẹp loạn Cao Gồng ở Chiên Đàn, phía bắc Quảng
Nam. Lần thứ hai cụ bị giáng chức vì can gián Vua Minh Mạng trong chuyến ngự du
Quảng Nam với lý do là dân tình Quảng Nam lúc đó đang đói kém. Lần thứ ba cụ bị
giáng vì lỗi thuộc viên sơ ý không đóng dấu triện vào một tờ sớ. Lần thứ tư cụ
bị giáng vì ông không ký vào bản án Cơ Mật Viện buộc tội Tổng Đốc Bình Định xin
vua hủy bỏ bản tuồng Lôi Phong Pháp lý do vở tuồng có lời lẽ bôi bác, chế nhạo
Trời, Đất, và các Thần Minh. Lần thứ năm, cụ bị kết tội bất cẩn khi ông làm Phó
Chủ Khảo Trường Thi Thừa Thiên. Cuối cùng, cụ bị giáng cách vì thực dân Pháp
tráo trở chiếm đoạt thành Vĩnh Long trong lúc còn đang diều đình. Thực tế, cụ
xét thấy tình thế không thể cứu vãn được nữa và để cứu lê dân trước mắt khỏi bị
nan binh đao, nên cụ trao thành cho Pháp rồi uống thuốc độc tự vẫn. Vua và một
số quan lại xiểm nịnh lên án cụ nặng nề khiến cho sau này Đảng Cộng Sản lợi dụng
cơ hội cũng biếm nhục cụ đủ điều. Nhưng tấm lòng son sắt của cụ đối với quốc
gia và dân tộc đã được trời xanh soi sáng và ngày nay tên tuổi của cụ đã được
phục hồi. Xét cuộc đời và sự nghiệp văn thơ, chính trị của cụ, cụ quả xứng đáng
là một bậc đại trí, đại nhân, và đại dũng.
Mặc dầu trên vai cụ nhiều gánh nặng quốc gia phải chu toàn, cụ Phan vẫn
hoàn tất nhiều tác phẩm rất giá trị về văn học và chính trị như sau:
Lương Khê Thi Thảo (454 bài thơ); Lương Khê Văn Thảo; Sứ Thanh Thi Tập; Tây Phù Nhật Ký; Ước Phu Thi Tập; Tích Ung Ca Hội Tập; Sứ Trình Thi Tập; Việt Sử Thông Giám Cương Mục; và Minh Mạng Chính Yếu.
Năm 1864, lúc làm Kinh Lược trấn nhậm Vĩnh Long, cụ Phan và Nguyễn Thông phụ tá xây dựng Văn Thánh Miếu thờ Đức Khổng Tử và Văn Xương Các làm nơi hội họp xướng họa thi văn. Tại Vĩnh Long ngày nay, Tòa Văn Xương Các có thờ chân dung của cụ và bài vị của Võ Trường Toản. Năm 1966, Tỉnh Trưởng Vĩnh Long Huỳnh Ngọc Diệp và thân hào nhân sĩ tỉnh dựng tượng đồng để tưởng nhớ công đức của cụ.
VÀI NÉT VỀ ĐẤT NAM KỲ THUỞ XA XƯA
Đất Nam Kỳ xưa kia được khai khẩn và mở mang do công lao của ai?Theo tài liệu trong cuốn Vĩnh Long Xưa và Nay của Huỳnh Minh (1967) thì, kể từ năm 1679, xẩy ra có một số tướng sĩ Nhà Minh, Trung Quốc chạy sang Việt Nam lánh nạn khủng bố của Nhà Mãn Thanh. Họ được Chúa Nguyễn Hiền Vương ở Huế chấp thuận cho vào khai khẩn miền Nam. Nhóm thứ nhất do Huỳnh Tấn dẫn đầu đến lập nghiệp tại khu vực Bà Rịa và Biên Hòa bây giờ. Nhóm thứ hai do Dương Ngạn Địch dẫn bộ hạ theo dường sông vào định cư ở Gò Công, Định Tường. Nhóm thứ ba do Mạc Cửu lập nghiệp ở Hà Tiên. Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1725- 1738) mới có thêm đất Vĩnh Long (1732).
Nam Kỳ dưới thời Chúa Nguyễn được mở mang khai khẩn và được chia làm 3 dinh (Dinh: là đơn vị hành chánh tương đương với Vùng hay Khu ngày nay) và một trấn. Đó là Biên Dinh (Biên Hòa), Phiên Dinh (Gia Đinh), Long Hồ Dinh (Vĩnh Long), và Hà Tiên Trấn (Hà Tiên). Đất Vĩnh Long được hình thành từ năm 1732 dưới thời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Chu (1725-1738) mang tên là Châu Định Viễn, thuộc Long Hồ Dinh [Long Hồ Dinh, và mở thêm 4 huyện là Long Xuyên, (Cà Mâu), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), và Trấn Di (Bắc Bặc Liêu)]
Đất Vĩnh Long hay là Châu Định Viễn hồi đó rất rộng lớn bao gồm một phần Bến Tre ở phía bắc và Trà Vinh ở phía nam, và là bộ mặt văn hóa của Miền Tây (tương tự như thành phố Tây Đô Cần Thơ bây giờ). Cho tới năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua và phải dâng Chúa Nguyễn Phúc Khoát hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công). Hai phủ này sáp nhập vào Châu Định Viễn. Thế là hồi đó, đất Vĩnh Long bao gồm cả Tân An và Gò Công bây giờ.
Năm 1759, một lần nữa, Nặc Tôn (con Nặc Nguyên) lại dâng thêm đất Tầm Phong Long tức vùng Châu Đốc và Sa Đéc bây giờ. Các miền đất mới này lại được sáp nhập vào Châu Định Viễn, Long Hồ Dinh. Công lao mở mang đất mới này là của Nguyễn Cư Trinh, một vị quan tài kiêm văn võ. Để bảo vệ hữu hiệu hơn và vì tính cách quan trọng về giao thương, Nguyễn Cư Trinh cho dời Long Hồ Dinh qua Tầm Bào (nay là Thị Xã Vĩnh Long) và chọn nơi này làm thủ phủ của Miền Tây. Tại đây, khoảng những năm đầu của thập niên 1770, đã diễn ra nhiều trận đánh giữa quân của Nguyễn Lữ (Tây Sơn) và quân của Tống Phước Hiệp, Nhà Nguyễn có trợ lực của quân Xiêm.
Năm 1787 quân Chúa Nguyễn bắt đầu thắng thế và lấy được Thành Gia Định, rồi chiếm được toàn Miền Nam. Từ đó đất Miền Nam chính thức mang tên là Gia Định và chia làm 4 trấn: Phiên Trấn (tức Gia Định cũ), Biên Trấn (Biên Hòa), Vĩnh Trấn hay Hoằng Trấn (Vĩnh Long, Châu Định Trấn, hay Long Hồ), và Định Trấn (Cần Thơ, Sóc Trăng, Bặc Liêu).
Năm 1808, Vua Gia Long đổi tên Hoằng Trấn thành Vĩnh Thanh Trấn và ấn định thêm một trấn mới nữa là Hà Tiên Trấn gồm Hà Tiên, Rạch Giá và Cà Mâu. Trong đời Gia Long, đất Vĩnh Long được cai quản bởi 3 vị Tổng Trấn là Quận Công Nguyễn Văn Nhân (1801-1805); Tổng Trấn Lê Văn Duyệt (1806-1815); và Tổng Trấn Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức (1816 — 1819).
Năm 1820, Vua Minh Mạng lên ngôi, đất Vĩnh Long vẫn mang tên là Vĩnh Thanh Trấn cho tới năm 1832 mới đổi tên thành Vĩnh Long Trấn. Đây là giai đoạn Vua Minh Mạng hài tội Lê Văn Duyệt một cách độc đoán mặc dầu Lê Văn Duyệt đã qua đời khiến dân chúng bất mãn và con nuôi của ông là Lê Văn Khôi công phẫn nổi lên chống Triều Đình. Ngay sau khi Tổng Trấn Lê Văn Duyệt mất, Vua Minh Mạng bãi bỏ chức vụ Tổng Trấn Gia Định và chia đất Miền Nam thành 6 tỉnh gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh gồm 3 tỉnh Miền Đông là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường và 3 tỉnh Miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Mỗi tỉnh đứng đầu là quan Tuần Phủ. Hai hay ba tỉnh có một quan cai quản gọi là Tổng Đốc.
Dưới thời Tự Đức, nhà vua đặt ra một chức để cai quản toàn Miền Nam gọi là Kinh Lược Đại Sứ. Năm 1850 (Tự Đức Thứ Ba), Thượng Thư (Bộ Trưởng bây giờ) Bộ Công Nguyễn Tri Phương được cử làm Kinh Lược Đại Sứ Nam Kỳ, kiêm Tổng Đốc Định-Biên (Gia Định + Biên Hòa), kiêm Tổng Đốc Long-An (Vĩnh Long + An Giang).
Năm 1851, Phan Thanh Giản được cử làm Kinh Lược Phó Sứ phụ tá cho Nguyễn Tri Phương. Bấy giờ Phan Thanh Giản đặt Tổng Hành Dinh tại Thành Vĩnh Long và bắt đầu từ đó cụ khởi sự trách nhiệm đối phó với ý đồ xâm lấn của thực dân Pháp.
Bối Cảnh Xã Hội: Triều Đình
Cấm Đạo và Bế Môn Tỏa Cảng
– Dân Tình Bất Mãn
– Tây Phương Gây Hấn
Nước ta khởi sự dính líu với người Pháp bằng Hiệp Ước Versailles ký ngày 28.11.1787 giữa Chính Phủ Pháp và Bá Đa Lộc, đại diện cho Nguyễn Ánh tức vua Gia Long sau này.Trong chuyến đi, Bá Đa Lộc dẫn theo Hoàng Tử Cảnh, 4 tuổi, làm con tin. Nội dung hiệp ước: Pháp giúp cho Nguyễn Ánh 4 tầu chiến, 1200 lính, 200 pháo binh, 250 lính Phi , quân trang, quân phí, v.v. Đổi lại, triều đình phải dành cho Pháp quyền sở hữu tuyệt đối về Cảng Hội An và Đảo Côn Lôn. Tuy nhiên vì tình thế nước Pháp rối loạn nên hiệp ước không thi hành được. Bá Đa Lộc phải vận động một số tư bản Pháp hùn nhau bỏ tiền mua tầu và súng sang giúp Nguyễn Ánh.
Trong thời gian đầu sau khi thành công trong việc triệt hạ Nhà Tây Sơn và thống nhất đất nước, Vua Gia Long còn tỏ ra biết ơn và ưu đãi người Tây Phương. Trong một lá thư viết hồi tháng 7.1802, giáo sĩ Labartette nhận định: “Nhà vua [Gia Long] ưu đãi đạo thánh của chúng ta vượt quá sự mong muốn. Nhà vua biết ơn sâu xa Bá Đa Lộc – người đã cứu giúp bản thân nhà vua và dòng họ ông – và mỗi lần nhắc tới giám mục thì ông lại rưng rưng nước mắt”. Nhưng trong một lá thư viết vào năm 1812 thì giáo sĩ bày tỏ một sự e ngại : “Chừng nào nhà vua còn trị vì thì chúng tôi vẫn còn hy vọng được tự do hành đạo. Nhưng sau khi nhà vua mất đi thì e rằng mọi việc sẽ thay đổi hết.” Sự kiện này chứng tỏ Vua Gia Long trong lòng không ưa gì người Pháp.
Điều e ngại này đã trở thành sự thật. Sau này, Giáo sĩ Louvet ghi nhận: “Năm 1817, Gia Long chọn ông Hoàng Chi Đảm [tức Minh Mạng] nối ngôi. Sự lựa chọn này bị phần đông quan lại chỉ trích [trong đó có Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt] và trở thành một tai họa lớn cho quốc gia và cho nhà thờ ở xứ sở này. Ông vua kế vị Gia Long đã quyết tâm cự tuyệt người Phương Tây và nền văn minh của họ. Ông ta xô đẩy triều đình lao vào việc tàn sát đẫm máu. Để rồi sau 40 năm dẫn đến cuộc can thiệp của người Pháp và sự phân liệt quốc gia. Chưa bao giờ vua Gia Long lại thiếu ý thức bằng cái ngày ông ta quyết định một sự lựa chọn như vậy, mặc dầu những viên quan cận thần nhất đã hết sức ngăn cản Vua.”
Thực vậy, ngay sau khi Gia Long nằm xuống, vua Minh Mạng thi hành ngay chính sách bài Gia Tô Giáo và “bạch quỷ” Tây Phương: lãnh sự Pháp không được thừa nhận; đặc sứ Pháp không được tiếp kiến; thuyền trưởng Pháp không được lên bờ; giáo sĩ bị tử hình v.v. Vua Minh Mạng từ chối ký kết hiệp ước thương mại với vua Louis XVIII và nói với ông Chaigneau, một viên quan Pháp phục vụ cho triều đình bấy giờ rằng: “Cần gì có hiệp ước thương mại. Nước Pháp ở quá xa nước chúng tôi. Làm sao thần dân của chúng tôi lại có thể đi buôn bán với người của nước ông được?” Ông Chaigneau nhắc nhở: “Nếu nhà vua từ chối ký hiệp ước thì nước Pháp sẽ có ý nghĩ không tốt về nhà vua.” Vua Minh Mạng trả lời: “Người ta không thể đòi hỏi khác được vì tôi không muốn ký một hiệp ước mà xem ra nó chẳng có ích lợi gì.”
Sau này Minh Mạng có thay đổi tư duy, cử người sang Pháp điều đình, nhưng bị vua Pháp từ chối tiếp kiến vì vua Pháp coi “Minh Mạng là kẻ thù của Gia Tô Giáo.”Vua Thiệu Trị và Tự Đức kế vị sau đó càng tỏ ra kỳ thị “bạch quỷ” tây phương ngặt nghèo hơn và sự “cởi mở” hay “mở cửa” đón tây phương của triều đình sau đó mới áp dụng thì đã muộn. Bắt đầu từ năm 1850, Nã Phá Luân III quyết định thực hiện dùng võ lực xâm chiếm VN.
Tóm lại, sự bất tài và tinh thần thủ cựu và tự tôn của các vua Triều Nguyễn thể hiện trong chính sách bế môn tỏa cảng, bài bác Gia Tô Giáo, và khinh miệt người Tây Phương là những nguyên nhân chính dẫn tới sự kiện dân tình bất bình, đất nước loạn lạc, và rồi mất vào tay Pháp. Thật vậy, trong thời vua Gia Long có tới 70 cuộc nổi dậy; trong thời Minh Mạng có tới 230 cuộc tạo loạn; và trong 7 năm ngắn ngủi của Thiệu Trị có 50 cuộc nổi loạn; và trong thời Tự Đức có 40 cuộc nổi dậy. Tiếng oán thán cùa dân chúng thể hiện trong bài hịch của Nông Văn Vân:
Mười lăm năm đức chính có
chi?
Kho hình luật vẽ nên hùm có cánh
Ba mươi tỉnh nhân dân đều oán
Tiếng oan hào kêu dậy đất không lông
PHÁP KHỞI HẤN CHIẾM VĨNH LONG: PHANH THANH GIẢN LÃNH SỨ MẠNG ĐIỀU ĐÌNH RỒI TỰ VẪN
Ngày 22.4.1857, Napoléon III quyết định thành lập “Hội Đồng Nam Kỳ” với nhiệm vụ duyệt xét lại Hiệp Ước Versailles nhưng thực chất là hợp thức hóa việc đem quân qua xâm chiếm nước ta.
Ngày 31.8.1858, Đô Đốc
Rigault de Genouilly phối hợp với quân Tây Ban Nha bắt đầu nổ súng vào Cảng Đà
Nẵng.Viên Trấn Thủ Đà Nẵng được lệnh “an binh bất động”. Nguyễn Tri Phương được
cử làm Tổng Chỉ Huy mặt trận Đà Nẵng – Quảng Nam.
Ngày 10.2.1859, Pháp đánh chiếm Vũng Tầu và ngày 17.2 Pháp tiến đánh
Thành Gia Định. Lúc này cuộc chiến giữa Trung Hoa và Pháp nổ ra khiến Pháp phải
rút một phần lực lượng ở Đà Nẵng và Saigòn qua Trung Hoa. Triều đình lúc đó không
nắm được cơ hội ngàn năm một thuở này để tổng phản công; lại để cho Tướng chỉ
huy Mặt Trận Gia Định lúc đó là Tôn Thất Hiệp “án binh bất động” với hy vọng
“làm nản lòng địch”! Sau này, Nguyễn Tri Phương được điều động thay thế Tôn Thất
Hiệp lại chủ trương “công và Thủ” tức là vừa đánh vừa giữ. Ông cho đắp đồn Kỳ
Hòa dài 3000 mét, ngang 1000, chia làm 5 khu ngăn cách nhau bằng hàng rào gỗ.
Thành xây bằng đất sét cao 3 mét 50, dày 2 m.
Ngày 25.10.1860, chiến tranh Trung Hoa kết thúc, quân Pháp lại trở qua nước ta và quyết nhanh chóng thôn Nam Kỳ. Ngày 23.2.1861, quân Pháp mở cuộc tấn công phá đại Đồn Chí Hòa. Tướng Charner, Tổng Tư Lệnh quân đội Pháp, ghi trong nhật ký: “Quân địch kháng cự rất mãnh liệt … Quân ta tổn thất khá nhiều: 225 lính bị loại khỏi vòng chiến. Ngày 12.3.1861, quân Pháp coi như đã chiếm xong vùng Gia Định. Một báo cáo của Tổng Chỉ Huy Nguyễn Bá Nghi gửi về Triều Đình Huế tâu: “Tình thế đã đến lúc “đánh và giữ” đều không được. Trừ một chước Hòa, tôi chỉ còn chịu tội.”
Trong giai đoạn chống Pháp này, toàn dân khắp nơi đều tự động nổi lên chiến đấu. Nhưng các lực lượng này phần lớn là tự phát và không có kết hợp với nhau. Một tác giả Pháp, Pallu de la Barrière, ghi chép rằng: “Thực tế đâu đâu cũng là trung tâm kháng chiến. Cuộc kháng chiến có cơ sở và hệ thống khắp nơi. Có thể nói rằng có bao nhiêu người Việt thì có bấy nhiêu trung tâm kháng chiến. Đúng hơn là phải xem mỗi người nông dân đang bó lúa là một trung tâm kháng chiến. (Xem: Histoire de L’expédition de Cochinchine en 1861, Paris, 1864, tr. 248).
HÒA ƯỚC 5.6.1862: MẤT BA TỈNH MIỀN ĐÔNG
Đồn Kỳ Hòa bị mất.Nguyễn Tri
Phương bị trọng thương phải đưa về Kinh chữa trị. Ngày 1.4.1861, Quân Pháp thừa
thắng tiến đành Định Tường. Triều đình sai Nguyễn Tri Phương đem hai vệ quân phối
hợp với quan của Nguyễn Ba Nghi vào cứu viện. Quân cứu viện chưa tới nơi thì
quân Pháp đã tiến đánh Thành Vĩnh Long ngày 20.3.1862. Tổng Đốc Trương Văn Uyển
bỏ thành chạy. Như vậy, kể từ tháng 9 năm 1858 đến tháng 3, 1862, Pháp quân chiếm
được 4 thành: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, và Vĩnh Long.
Trước tình thế đó, triều đình cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đứng ra
thương thuyết chuộc lại đất. Do đó, Hòa Ước ngày 5/6/1862 ký tại Saigon hình
thành gồm 12 điều khoản trong đó có điều khoản quy định 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định,
Định Tường, và Đảo Côn Lôn tức Côn Đảo phải nhượng đứt cho Pháp. Ngoài ra triều
đình còn phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha trong vòng 10 năm một khoản tiền bồi
thường chiến phí là 4 triệu đồng tương đương với 288 ngàn lượng bạc. Đổi lại,
Pháp sẽ trả lại Vĩnh Long với điều kiện Triều đình phải có biện pháp chấm dứt
các cuộc khởi nghĩa chống Pháp.
Trong phái bộ Việt Nam đi ký hòa ước có một linh mục người Việt tên là Đặng Đức
Tuấn, người kể lại sự kiện ký hòa ước trong bài “Lâm Nạn Phụng Quôc Hành” như
sau:
Làm hai tập nữa dâng vào
Thánh Thượng ngự lãm định giao cuộc hòa
Dạy quan Cơ Mật truyền ra
Tư cho các tỉnh hay qua chuyện này
Triều đình đã định làm vầy
Sai Đặng Đức Tuấn vào Tây giảng hòa
…
Vì còn nhiều việc khả nghi
Chưa biết bàn định lẽ gì cho hay
Thượng quan đòi Tuấn hỏi ngay
Tây xin làm vậy, Tuấn bày làm sao?
Tuấn rằng “Ông Lớn lượng cao
Sớ tâu Hoàng Đế xin vào Đồng Nai
Cho tôi tùng phái với Ngài
Tôi dám quả quyết không ai làm gì
Hòa đặng thì ta hòa đi
Bằng hòa chẳng dặng, ta thì về ngay
Quan Lâm vào tấu nội ngày
Vua ban sắc hạ y rày lời xin
Quan Phan ở cửa nghe tin
Cũng vào thính chỉ đặng in như lời
(Xem: Tinh Hoa Công Giáo Ái Quốc Việt Nam, 1970, Saigon, Lam Giang, Võ Ngọc
Nhã, Đặng Đức Tuấn).
Việc chuộc 3 tỉnh bất thành,
Vua Tự Đức và nhóm quan lại nịnh thần đã khiển trách Phan Thanh Giản và Lâm Duy
Hiệp không làm tròn nhiệm vụ nhưng vẫn cử Phan Thanh Giản làm Tổng Đốc Vĩnh
Long và chỉ thị tiếp tục cố gắng tìm cách thương thuyết lại với Pháp. Nhưng các
nỗ lực thương thuyết đều không có kết quả. Đời sau có kẻ dựa vào việc Phan
Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký vào hiệp ước trên mà quy tội cho hai ông bằng câu
“Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khi dân” (Phan, Lâm bán nước, triều đình coi
thường dân chúng) và sau đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng lợi dụng câu nói trên
để lên án cụ Phan là phản quốc. Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây đã dấy
lên nhiều cuộc hội thảo đòi Cộng Sản VN phải phục hồi danh dự cho cụ Phan.
Ngày 4 tháng Ba, năm 1863, để tìm cách chuộc lại 3 tỉnh Miền Đông, Vua Tự Đức bèn cử Phan Thanh Giản dẫn đầu phái đoàn đáp Tầu L’Européen qua Pháp điều đình với Hoàng Đế Napoleon III. Cùng đi với cụ Phan có Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, và 53 tùy viên trong đó có Trương Vĩnh Ký làm thông dịch viên. Trước khi lên đường, cụ Phan làm bài thơ Thuật Hoài đễ giãi bày tấc lòng như sau:
Chút nghĩa vương mang phải gắng
đi
Tang bồng đành rõ chí nam nhi
Thuyền ngô phơi phới giăng hòn bạc
Khói đá phăng phăng lướt tích ti
La Hán dang tay chờ khách đến
Tướng quân ghé mắt hẹn ngày về
Phen nay miễn đặng hòa hai nước
Nỗi tớ xin đừng bận bịu chi!
Đề nghị giảng hòa tố cáo tâm
trạng tuyệt vọng của Tự Đức nếu không muốn nói đó là thái độ đầu hàng. Tình trạng
hòa hoãn này làm cho các quan đầu tỉnh bó tay không dám động tĩnh gì. Lợi dụng
tình thế đó, quân Pháp súc tiến chiếm đoạt Nam Kỳ.
Sau một tháng điều đình (khoảng giữa tháng 6 đến giữa tháng 7), Aubaret,
đại diện chính phủ Pháp và Phan Thanh Giản ký bản hiệp ước gồm 21 điều khoản. Đại
cương: Pháp trả lại cho nhà vua ba tỉnh miền đông nhưng vẫn làm chủ Saigon, Thủ
Dầu Một, và Mỹ Tho. Triều đình Huế phải thừa nhận sự bảo hộ của Pháp trên lục tỉnh.
Các diều khoản khác về thương mại, truyền giáo, v.v. vẫn giữ nguyên như trong
Hòa Ước 1862.
Thỏa ước Aubaret-Phan Thanh Giản này bị nhiều nhân vật Pháp trong đó có Bộ Trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa Chasseloup Laubat cực lực phản đối.Một trong ba bức thư hiện tìm thấy tại Kho Lưu trữ Quốc Gia Paris, Pháp khẩn thiết yêu cầu không cho Phan Thanh Giản chuộc đất nói lên ý đồ của thực dân Pháp muốn trước sau thôn tính nước ta. Nội dung lá thư được sơ lược như sau:
“Tôi thừa nhận phái bộ An Nam hiện đang ở Paris là cơ hội cho các điều đình về thương mại tất yếu sẽ dẫn tới việc chinh phục hoàn toàn toàn xứ này.Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta rút đạo quân viễn chinh về nước để đổi lấy một khoản bồi thường chiến phí dù khoản đó lớn đến bao nhiêu đi nữa … Việc chinh phục dứt điểm Nam Kỳ sẽ mở rộng ảnh hưởng của Pháp … Phan Thanh Giản, sứ giả của An Nam đầu tiên và đồng thời cũng là Phó Vương của ba tỉnh còn lại và là Tổng Đốc Vĩnh Long. Tốt hơn hết là chúng ta lôi kéo cho được nhân vật quan trọng này …”
Cuối cùng Napoléon III quyết
định hủy bỏ tạm ước.Tuy nhiên, về phía triều đình Huế, Vua Tự Đức lại cử Phan
Thanh Giản làm Khâm Sai Đại Thần ở ba tỉnh miền tây và tiếp tục thi hành lệnh
giải giới quân đội và nghiêm trị những người nổi loạn. Kết quả của hành động
này giúp Pháp chóng và dễ dàng thôn tính nước ta mà trước mắt là chiếm ba tỉnh
miền tây: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên khiến Phanh Thanh Giản đã không thể
làm gì hơn là bỏ trống thành cho Pháp rồi tự vẫn.
MẤT BA TỈNH MIỀN TÂY: PHANH THANH GIẢN TUYỆT THỰC TỰ VẪN
Tờ mờ sáng ngày 17.6.1867, Tướng Pháp De Lagrandière hội 1400 quân tại Định Tường
rồi kéo qua vây hãm Thành Vĩnh Long đồng thời trao tồi hậu thư buộc Phan Thanh
Giản dự cuộc hội đàm ngay trên tầu của Pháp.Cuộc hội đàm diễn ra ngắn ngủi và bất
lợi, cụ Phan xin đình lại để hỏi ý kiến Triều Đình. Lợi dụng lúc cụ Phan xuống
tầu điều đình, quân Pháp đổ bộ chiếm thành Vĩnh Long. Rồi những ngày kế tiếp,
quân Pháp kéo rốc xuống chiếm An Giang và Hà Tiên một cách dễ dàng.
Trong tình cảnh đó, cụ Phan
ung dung vào ngụ trong một chòi tranh và bắt đầu tuyệt thực.Thật đúng là thái độ
của bậc hiền nho, quân tử: “thung dung tựu nghĩa” có nghĩa là bình thản đón cái
chết cho tròn nghĩa. Triều đình Huế nhận được tin mất ba tỉnh miền tây bèn gửi
chiếu chỉ vào bãi chức cụ và cho đục tên cụ trên bia tiến sĩ ngoài Huế để trút
hết trách nhiệm của triều đình lên vai cụ. Cuộc tuyệt thực kéo dài tới 17 ngày
mà cụ vẫn chưa chết. Có lẽ nỗi oan ức phải nín lặng đã khiến cụ không dễ gì nhắm
mắt. Cuối cùng cụ phải uống thuốc độc và ra đi vào lúc nửa đêm mồng 4 rạng mồng
5 tháng 7 năm Đinh Mão (1867); lúc đó cụ được 72 tuổi.
Linh cữu của cụ Phan được đem về mai táng tại làng Bảo Thạnh, huyện Ba
Tri, Bến Tre.Rất nhiều quan An Nam và Pháp tới phân ưu. Cụ Tú Tài Nguyễn Đình
Chiểu ở Chợ Ba Tri làm một bài thơ khóc cụ, coi cụ như một vị trung thần vị quốc
vong thân.
Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây trắng cõi Ngao Châu
Ba triều công cán vài hàng sớ
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu
Trạm bóng ngày chiều, tin điệp vắng
Thành Nam, đêm quạnh bóng quyên sầu
Minh tinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ đây mặc gió thu
Sau khi cụ Phan mất, các con
của cụ là Phan Tôn, Phan Liêm vâng lời di chúc tuyệt đối không hợp tác với Pháp
mặc dầu người Pháp hứa ban cho nhiều bổng lộc. Hơn thế nữa, hai ông còn đứng
lên gọi đàn, tổ chức nghĩa quân kháng Pháp tại Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Bến
Tre. Sau đó hai ông ra Hà Nội chiến đấu trong hàng ngũ của Nguyễn Tri Phương.
Hai ông bị bắt làm tù binh ngày 20.11.1873, rồi được trao trả cho Triều Đình Huế
sau Hòa Ước năm Giáp Tuất (1874). Cụ Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ lòng cảm phục
nghĩa khí của Phan Liêm, Phan Tôn qua 10 bài thơ điếu Phan Công Tòng Tử Nghĩa ở
Giồng Gạch. Trích mấy câu như sau:
Trống nghĩa Bảo An nghe sấm dậy
Cờ đề Công Tử guộng mây qua
Trái với sự dự đoán của Pháp,
sau khi cụ Phan qua đời, nghĩa quân nhiều nơi, hết nhóm này tới nhóm khác, liên
tục nổi lên chống Pháp như Đinh Sâm ở Láng Hầm, Phong Điền, Cần Thơ; Phan Lữ,
cháu cụ Phan tử trận tại làng Phù Ngải, huyện Bảo An, Bến Tre. Ngày 16.6.1868,
Nguyễn Trung Trực nổi lên ở Rạch Giá và Phú Quốc. Năm 1870 đến 1872, Quản Hớn lập
chiến khu ở 18 Thôn Vườn Trầu tại Gò Vấp, Hóc Môn, Bà Điểm. Nguyễn Hữu Huân người
Định Tường khởi nghĩa từ 1859. Năm 1864 ông bị bắt và bị đày đi Cayenne (Nam Mỹ).
Trở về, ông lại tiếp tục chiến đấu. Cuối cùng Nguyễn Hữu Huân bị bắt giải về xử
tử tại Bến Tranh, Mỹ Tho ngày 19.5.1875.
GÁN GHÉP TỘI VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ CHO PHAN THANH GIẢN.
Triều đình Nhà Nguyễn gán
ghép tội cho cụ Phan như thế nào?
Trước hết phải kể tới sự kiện triều đình Tự Đức gán ghép tội cho cụ. Sau khi
Pháp chiếm trọn 6 tỉnh miền Nam, Triều Đình Tự Đức trút hết trách nhiệm cho cụ
về tội để mất thành với những lời buộc tội rất nặng nề như: “Xét phải tội chết
chưa đủ che được tội.” và quyết định: “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở
bia tiến sĩ, để mãi mãi cái án giam hậu.”
Sự thật cụ Phan có đầu hàng Pháp và để mất thành không? Các nhà phân tích
sử liệu sau này căn cứ vào tư cách và nhân cách cao quý của cụ Phan để đưa ra kết
luận là: Trước họa xâm lược của Pháp, vua tôi triều Nguyễn tỏ ra rất bị động và
lúng túng. Trong triều chia ra người chủ chiến, kẻ chủ hòa, người lo chống giữ
lâu dài. Vua Tự Đức thì tỏ ra phân vân và có thái độ chủ hòa hơn là chủ chiến
nên nhà vua đã cho lịnh “tư cho quan Kinh Lược không đánh nhau với quân Pháp, tự
phải rút lui. Tư liệu lịch sử cho thấy Phan Thanh Giản không đầu hàng và không
nộp thành cho giặc như miêu tả trong một số tư liệu của Pháp. Việc mất ba tỉnh
Miền Tây là hậu quả của chủ trương sai lầm của Vua Tự Đức. Tuy nhiên, năm 1886,
Vua Đồng Khánh cho khôi phục nguyên hàm và khắc lại tên cụ trên bia tiến sĩ.
Đảng Cộng Sản VN đã lên án cụ Phan và phục
hồi danh dự cho cụ như thế nào?
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945-54, Đảng Cộng Sản VN muốn đưa ra “đấu
tố” trên tòa án văn học chính trị một nhân vật điển hình để răn đe tư tưởng chủ
hòa của quân, dân, cán, chính.Đảng đã cho Viện Trưởng Viện Sử Học, Giáo Sư Trần
Huy Liệu, viết bài lên án cụ Phan.
Tháng 10.1963, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử công bố bài viết tổng kết của GS Trần Huy Liệu với nhan đề “Chúng Ta Đã Nhất Trí về Nhận Định Phan Thanh Giản”.Qua bài đó, Trần Huy Liệu đã lên án cụ Phan rất gắt gao và đầy hắc ám: “Công đức đã bại hoại thì tứ đức [bốn Đức của Vua Tự Đức ban cho cụ Phan: Liêm, Bình, Cẩn, Cán] còn gì là đáng kể?”; “Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân.” và “Phan đã dâng hiến thành cho giặc”. Khi Miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản, do những lời kết tội thâm độc đó, tất cả những gì liên hệ đến cụ Phan như thơ văn, đền thờ, tượng đài, tên trường học, tên đường phố, v.v. đều bị các cán bộ hay chính quyền địa phương thẳng tay triệt hạ.
Năm 1994, trước những dư luận
nổi lên từ nhiều phía trong và ngoài nước yêu cầu phục hồi danh dự cho Phan
Thanh Giản, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Vĩnh Long có lẽ là vì nơi đây
còn di tích của cụ để lại như Văn Miếu và Văn Xương Các (có chân dung của cụ đặt
tại đây) trong khu đất Văn Thánh ở Long Hồ.GS Phan Huy Lê, Chủ Tịch Hội Khoa Học
Lịch Sử VN, đọc bài tổng kêt có đoạn như sau: “Chúng ta đều nhất trí không nên
quy kết cho ông cái tội “bán nước’ hay “phản bội tổ quốc”.
Ngày 16 tháng 8 năm 2003, một cuộc tọa đàm diễn ra tại Saigòn do Tạp Chí
Xưa & Nay tổ chức với chủ đề – và cũng chính là nhan đề của cuốn sách – “Thế
Kỷ thứ 19: Nhìn Về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản”. Khoảng trên một trăm nhân
vật tham dự buổi tọa đàm này trong đó có những cán bộ đảng viên cao cấp như: Võ
Văn Kiệt, Trần Văn Giàu, và Trần Bạch Đằng. Không thấy có bài tổng kết nào được
đưa ra trong cuộc hội họp này. Tuy nhiên, sau đó, nguyên cựu thủ tướng Võ Văn
Kiệt viết một bài đăng với tựa đề “Những Suy Nghĩ Sau hai cuộc Hội Nghị về Nhân
Vật Phan Thanh Giản” trong có đoạn viết:
Tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà
lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm bản án cho chính mình: đó là cái chết. Một
cuộc đòi thanh sạch đáng để lại gương soi cho hậu thế. Sau cuộc tọa đàm tháng
8/2003, tôi đã về thăm mộ cụ PTG và thắp nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng
quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ Cụ bởi mộ đã bị thời gian bào
mòn quá nhiều. [trích bài “140 Năm Sau” của Nguyễn Như Hùng (Santa Clara, CA)
đăng trong Đặc San PTG & ĐTĐ Cần Thơ, tr. 23]
Như vậy, phải chờ tới 40 năm kể từ cuộc hội thảo lần thứ nhất vào năm
1963 trong đó Trần Huy Liệu gắt gao lên án cụ PTG là “chủ bại”, “phản lại quyền
lợi của dân tộc”, “dâng thành, hiến đất cho giặc”, đến năm 2003, Đảng CSVN mới
cho Võ Văn Kiệt nói lên lời cải tội cho cụ Phan rằng cụ là người yêu nướcthương
dân.
Cộng Sản VN có thực tâm phục hồi danh dự cho cụ Phan không?- Không. Vấn đề
phục hồi danh dự cho cụ Phan cũng như phục hồi danh dự cho nhóm Nhân Văn Giai
Phẩm của cụ Phan Khôi thực ra chỉ là những hành động mà người CS làm cho có
hình thức và vì nhu cầu của tình thế cần vuốt ve dư luận bất mãn của đông đảo
quần chúng mà thôi. Nên nhớ một sự thật là người cộng sản không bao giờ thật
tâm làm bất cứ một điều gì cả. Họ dối trá ngay cả với chính bản thân họ để tồn
tại.
TỔNG KẾT
Trong
hậu bán thế kỷ thứ 19 tức là thời của cụ Phan Thanh Giản, nước ra lâm vào một
tình trạng vô cùng loạn lạc: các vua Triều Nguyễn chỉ lo hưởng thụ; triều thần
chia rẽ bè phái; nhiều cựu công thần bị bạc đãi; lòng dân bất phục triều đình;
nhiều hào kiệt nổi dậy chống triều đình; và đặc biệt là quân Pháp xâm lấn.
Phan Thanh Giản là người có tiếng là tài đức vẹn toàn nên được bổ dụng vào nhiều chức vụ quan trọng.Nhưng chính vì các đức “Liêm, Bình, Cẩn, Cán” mà cụ không có tiền để “quà cáp” với các quan trên nên cụ bị nhiều quan trong triều ganh ghét. Đời cụ bị tới năm lần giáng cấp, nhưng cụ vẫn không bất mãn (như trường hợp của Cao bá Quát), không hề ca thán, và cụ vẫn chăm lo phục vụ. Tại sao một viên quan bị giáng cấp nhiều lần như vậy mà vẫn được nhà vua cử làm chánh sứ đi Pháp, đi Trung Hoa? Tại sao không phải là một vị quan nào khác trong hay ngoài hàng ngũ tôn thất? Như vậy rõ ràng cụ phải là một nhân vật độc đáo của thời đại không ai thay thế được: cụ phải là con người bao gồm đủ cả ba đại đức Nhân, Trí, Dũng và đó chính là ba đức lớn của người quân tử, của kẻ Sĩ mà Khổng Tử đã nói tới trong sách Luận Ngữ rằng “có thể đem vận mệnh quốc gia mà giao cho họ; dẫu có gặp nguy hiểm đến tính mạng thì cũng không làm dao động được họ.”
Một câu hỏi khác: tại sao cụ không vượt thoát ra ngoài để tiếp tục chiến đấu?- Không, cụ không thể làm như vậy được giản dị là vì những lệnh vua Tự Đức đã ban ra là “hưu binh”, “giải giáp”, và nhà vua còn lệnh cho PTG dụ Trương Định giải tán lực lượng nghĩa binh chống Pháp. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có cái chết mới giải thoát cho cụ cái sứ mạng không thể làm được (mission impossible) là lấy lại các tỉnh miền tây đã lọt vào tay quân Phú Lãng Xa.
Nhưng, tại sao cụ lại chọn cái chết kéo dài bằng tuyệt thực mà không tự vẫn ngay với một chén thuốc độc? – Rõ ràng là cụ muốn tỏ ra bình thản đón cái chết – cái mà thường ai cũng sợ – để chứng tỏ với nhóm triều đình khiếp nhược và với bọn quân Pháp hung hãn rằng giống nòi Việt vẫn có những con người coi cái chết nhẹ như lông hồng và không thể khuất phục họ được. Cái chết từ từ đó chính là cái chết mang ý nghĩa trong câu nói “Thung dung tựu nghĩa” vậy.
Nhìn lại cuộc đời sự nghiệp của cụ Phan Thanh Giản, chúng ta sẽ có lỗi nếu không làm cho thật sáng tỏ con người của cụ, một con người có đầy đủ phong cách của một bậc hiền nhân, quân tử không tì vết. Cụ quả có dư điều kiện để xứng đáng phải được vinh danh là một danh nhân trên thế giới như trường hợp của cụ Nguyễn Trãi đã được UNESCO của Hiệp Quốc năm 1980 công nhận là Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới.
HẢI BẰNG HOÀNG D. BÌNH
(Arizona)
https://www.tvvn.org/phan-thanh-gian-than-the-va-su-nghiep-hoang-dan-binh/
Không có nhận xét nào