Header Ads

  • Breaking News

    Hiền Vương - Đổ thừa đế quốc

    Bộ trưởng Việt Nam: Rừng mất do Mỹ rải chất độc hoá học.

    Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, hôm 3/11 nói rằng “rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hoá học đã huỷ hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung” trong 30 năm phát triển và cho biết cần phải “phục hồi từng bước”.

    Giờ là tháng 11-2020, nghĩa là sắp sang năm thứ 47 kể từ ngày người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào 29-3-1973. Trên thực tế thì việc ‘rải chất khai hoang’ của lính Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc trong năm 1971.

    Như vậy con số tính toán gọi là “trong 30 năm phát triển” mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu ra cho ‘đổ thừa’ về việc 2 triệu ha rừng ở miền Trung bị hủy hoại vì Mỹ rải chất độc hóa học, là không thuyết phục.

    Theo bài viết “Một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người” đăng trên cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam ngày 13-5-2016, có đoạn viết như sau:

    “Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau”. (1)

    Dường như khi ‘đổ thừa’ vào người Mỹ trong chuyện hủy diệt rừng miền Trung, ông bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quên mất khoản tài trợ hàng chục triệu Mỹ kim được chính phủ Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam để giải quyết những hệ lụy liên quan chất độc khai quang. Tài liệu có tên “Bản tuyên bố và chương trình hành động – Nhóm đối thoại Việt – Mỹ về chất độc da cam/ dioxin 2010 -2019” đã mô tả chi tiết về từng gói tiền chục triệu cùng các cam kết từ chính phủ Việt Nam, trong đó có phần trồng lại rừng bị ảnh hưởng của chất độc da cam.

    Nếu lời ‘đổ thừa’ của ông bộ trưởng Cường là đúng sự thật, thì cần làm rõ về số tiền bạc chục triệu Mỹ kim đó suốt cả chục năm qua đã sử dụng có đúng mục đích hay không?

    Một tài liệu khác có tên “Đánh giá cơ hội phục hồi cảnh quan rừng Quảng Trị, Việt Nam” do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị thực hiện, có nhận xét như sau (trích):

    “Bốn yếu tố được xác định là tối quan trọng cho phục hồi cảnh quan rừng (PHCQR) thành công là: (1) sự tích cực của các bên tham gia chủ chốt; (2) năng lực và nguồn lực để thực hiện; (3) chính sách hỗ trợ và thực thi; và (4) khả năng tiếp cận thị trường và các chuỗi giá trị. Tại Việt Nam, những nhân tố này vừa hỗ trợ lại vừa là rào cản đối với PHQCR.

    Ví dụ, sự đảm bảo về quyền sử dụng đất sẽ khuyến khích người nông dân đầu tư vào các loài cây gỗ có giá trị cao hơn. Nhưng nhu cầu cần có thu nhập ngắn hạn buộc người nông dân phải phụ thuộc vào việc trồng keo ngắn ngày để lấy gỗ dăm có giá trị thấp. Tương tự, việc đóng cửa rừng thường có xu hướng tạo ra khai thác không bền vững, người dân chỉ khai thác nhanh thay cho việc khai thác rừng tự nhiên một cách bền vững để mang lại lợi nhuận cao như cách các dự án của KfW đã chứng minh.

    Một vấn đề cụ thể ở Quảng Trị là các mô hình trồng keo để phục hồi rừng đã rất thành công từ những năm 1980. Điều này giúp tăng độ che phủ rừng và phủ xanh đất trống. Tuy nhiên, việc trồng đơn loài trên quy mô lớn dẫn đến nguy cơ dễ bị sâu bệnh, làm suy giảm chất lượng rừng trồng và rủi ro thị trường lớn.

    Việc cả ngành lâm nghiệp gần như chỉ tập trung vào phát triển keo, từ nghiên cứu đến khuyến lâm và thị trường, trở nên “keo hóa”, điều này hạn chế tầm nhìn của tỉnh để có thể nâng cao chuỗi giá trị bằng cách đầu tư vào rừng gỗ lớn (chu kỳ khai thác dài hơn) và trồng rừng bằng các loài cây gỗ bản địa. Nhưng ngay cả trồng rừng bằng các loài bản địa, thì hiện tại cũng còn rất thiếu năng lực và công nghệ kỹ thuật để sản xuất giống cây có chất lượng cao, kỹ thuật lâm sinh (ngoài “trồng và chặt”) tại địa phương còn yếu hay chưa có chứng nhận chất lượng giống.

    Ở tầm quốc gia, độ che phủ rừng trên thực tế là đã tăng, nhưng hầu hết là do tăng diện tích rừng trồng với các loài cây mọc nhanh nhập ngoại, nhất là cây keo. Trong thời gian 2005 và 2015, Quảng Trị đã mất 35.000 ha rừng tự nhiên, nhưng được bù đắp bởi việc trồng 57.00 ha nên diện tích rừng vẫn tăng 22.000 ha. Các diện tích rừng trồng này có giá trị đa dạng sinh học rất thấp và trong trường hợp ở Quảng Trị, nó làm cho đất lâm nghiệp bị đối mặt với nguy cơ xói mòn cao hơn do chu kỳ khai thác ngắn. Việc chuyển ưu tiên từ số lượng sang chất lượng đòi hỏi có những cải cách ở các cấp cao nhất” (3).

    Trở lại với phát biểu ở nghị trường của bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) khi lý giải về thiên tai, có ý kiến giải thích do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở. Tuy nhiên, lý giải đó chưa đủ, khi trong thời gian qua chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn.

    “Nhìn vào mưa lũ và hậu quả ở miền Trung vừa qua, chúng ta càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào”, ông Thắng nêu ý kiến.

    Từ thực tế, ông cho biết những năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng ồ ạt, cùng với việc phát triển phục vụ sinh kế khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Đặc biệt, độ che phủ rừng hàng năm tuy tăng, vẫn không thể chống chọi được với thiên tai. “Lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ngoài lý do địa chất còn do nằm ở khu vực đồi núi trọc. Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên lũ đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn”, ông Thắng phân tích.

    Theo thống kê của Tổng cục lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là hơn 11% và 89% là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế xã hội.

    _____________________

    Chú thích:

    (1) https://www.quangnam.gov.vn/CMSPages/BaiViet/Default.aspx?IDBaiViet=20052

    (2) https://assets.aspeninstitute.org/content/uploads/2016/06/2012-5-30DialogueGroup2ndYearReportwithFocusonUSAIDComprehensivePlan-VN.pdf

    (3) https://www.iucn.org/sites/dev/files/content/documents/2018/tom_tat_tieng_viet_-_quang_tri_roam_assessment-28.5docx.pdf

    https://vietnamthoibao.org/

    Không có nhận xét nào