Nhiều người phê phán hệ thống truyền thông trong các chế độ toàn trị là một chiều. Điều đó thì quá đúng và không có gì phải bàn cãi, nhưng tôi nghĩ cái hệ thống truyền thông đó phải cúi đầu vái lạy những tờ báo/tạp chí như New York Times, New Yorker, Washington Post và CNN.
Suốt từ năm 2016 đến nay (2020), hầu như ngày nào ông Trump và chánh phủ ông cũng đều bị những tờ báo trên chỉ trích, thậm chí chửi rủa. Xin nhấn mạnh là mỗi ngày. Tôi biết điều này, bởi vì tôi là một độc giả trả tiền (subscription) cho tờ New York Times. Mỗi ngày tôi nhận được chừng 5 cái 'notes' ngắn từ New York Times, và tôi có thể nói rằng trong suốt 4 năm qua, tôi chưa nhận bất cứ một thông tin nào tích cực về ông Trump. Nếu tính luôn các tờ báo khác như Business Insider, Guardian, NBC, Sydney Morning Herald, v.v. thì có lẽ tần số chỉ trích hoặc/và thù ghét ông Trump không phải là hàng ngày, mà là hàng giờ. Chỉ có thể mô tả bằng hai chữ 'kinh khủng'.
Ngay cả hệ thống truyền thông trong các nước toàn trị cũng không có mức độ thù hận và thiên vị kinh khủng như tờ New York Times và các tờ báo tương tợ. Hệ thống truyền thông trong chế độ toàn trị hay chỉ trích nặng nề những người bất đồng chánh kiến, nhưng họ chỉ thỉnh thoảng làm vậy, chớ không phải suốt ngày này sang ngày khác cả 5 năm dài.
Báo chí khuynh tả?
Tôi thường tự hỏi hay là do mình quá sensitive nên mới cảm nhận như vậy. Nhưng bình tỉnh xem lại thì không phải. Một điều tra xã hội năm 2017 do trung tâm Pew Research thực hiện cho thấy 62% các tường thuật liên quan đển Tổng thống Trump trong 60 ngày đầu chấp chánh là tiêu cực [1]. Một điều tra tương tự trong thời Obama cho thấy tỉ lệ tiêu cực là 20%.
Kết quả của một điều tra khác của Trung tâm nghiên cứu báo chí Shorenstein thuộc Đại học Harvard cho thấy 93% tường thuật của CNN và NBC trong 100 ngày đầu chấp chánh của Trump là tiêu cực [1]. Cũng kết quả điều tra đó cho thấy 91% tường thuật của CBS và 87% của New York Times về Trump cũng tiêu cực.
Theo Rasmussen Reports năm 2018, kết quả lấy ý kiến của 1000 cử tri tương lai cho thấy 45% trong số họ nghĩ rằng đa số kí giả viết nhằm đem lại lợi thế cho phe Dân Chủ, chỉ có 11% tin rằng họ viết có lợi cho phe Cộng Hoà [2].
Như vậy, quả thật báo chí đại chúng có xu hướng không ưa phe Cộng hoà và ghét Trump.
Để định lượng xu hướng ý thức hệ của hệ thống truyền thông, một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Columbia dùng một chỉ số gọi là ADA (Americans for Democratic Action) để đánh giá các tờ báo như New York Times, Washington Post, USA Today, Drudge Report, Fox News’ Special Report. Kết quả cho thấy LA Times, Washington Post, và đặc biệt là New York Times và CBS Evening News lệch hẳn về phía tả so với vị trí trung lập. Còn tờ lệch hẳn về phía hữu là Wall Street Journal [3].
Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố trên Science thì cho rằng không có xu hướng thiên vị cánh tả trong các bài tường thuật của các kí giả chánh trị [4].
Kí giả khuynh tả?
Sở dĩ tình trạng tả khuynh trong báo chí Mĩ là vì đa số kí giả có lẽ là ... khuynh tả. Theo Giáo sư David Weaver (một chuyên gia về báo chí và truyền thông thuộc Đại học Indiana), trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến 1080 kí giả trong thời gian 8/2013 đến 12/2013, kết quả cho thấy 28% tự xem mình là thiên tả, 7% thiên hữu [5], và 50% tự xem mình là độc lập. Một survey khác trên 462 kí giả về tài chánh cho thấy 58.5% nhận mình là thiên tả (họ gọi là 'liberal'), và chỉ có 4.5% là thiên hữu hay bảo thủ [6].
Đại học Mĩ thiên tả?
Khi được hỏi tại sao người Mĩ bầu cho Trump và đảng Cộng Hoà thì một số cử tri nói rằng họ chống lại sự đầu độc giới trẻ của các đại học Mĩ. Cử tri cảm thấy quá đau khổ trước sự đầu độc giới trẻ qua việc truyền bá các ý tưởng tả khuynh trong đại học và trường học nói chung.
Có thật là đại học Mĩ thiên tả và 'đầu độc' giới trẻ?
Có một nghiên cứu qui mô trên 1417 giáo sư Mĩ (tựa đề là "The Social and Political Views of American Professors") tìm hiểu về xu hướng ý thức hệ của họ. Kết quả cho thấy đa số giáo sư đều nghiêng về cánh tả. Cụ thể [7]:
• Khoảng 44% giáo sư tự nhận mình là tả khuynh, chỉ có 9% là hữu khuynh, và 46% là 'moderate' (tức nghiêng về bên này hay bên kia một chút);
• Ngay cả ở bậc cao đẳng (community college), có đến 37% tự xem mình là 'liberal' (tức tả khuynh), và chỉ có 19% là hữu khuynh. Đặc biệt các trường về xã hội và nhân văn, có đến 61% là tả khuynh và chỉ có 4% là phe bảo thủ;
• Về các vấn đề xã hội, đa số các giáo sư ủng hộ quyền của giới đồng tính luyến ái và phá thai, tức những vấn đề mà phe bảo thủ chống.
Ngay cả trong các trường luật cũng có sự 'phân hoá' tả và hữu khuynh [8]. Những trường tả khuynh được hưởng lợi từ bảng xếp hạng, còn các trường hữu khuynh thì bị ... 'phạt.' Trong một survey khác, đa số (70%) nhà kinh tế cũng có xu hướng ủng hộ phe Dân Chủ [9]. Tuy nhiên, xu hướng ý thức hệ chung của giới kinh tế thì vẫn chưa rõ.
Tóm lại, những kết quả trên đây cho thấy báo chí Mĩ thiên tả là sự thật. Một sự thật khác là đa số báo chí thiên tả ghét Trump, và sự thù ghét của họ thể hiện qua việc chọn lọc tin, cách đưa tin sao cho bất lợi cho Trump. Đa số kí giả cũng thiên tả, và xu hướng này có lẽ xuất phát từ các đại học Mĩ nơi mà đa số giáo sư cũng thiên tả.
Trong bài viết "The 'liberal leaning' media has passed its tipping point" trên WSJ [10] tác giả Sauter (là cựu chủ tịch CBS News) cho rằng xu hướng thiên tả của báo chí Mĩ đã vượt qua cái ngưỡng 'tipping point' (tức khó có thể quay về vị trí trung dung). Ông cho biết những tiêu chuẩn vàng của một kí giả (như khách quan và công bằng) không còn là chuẩn mực đạo đức của họ nữa.
Bỉnh bút Peter Lucas nhận xét rằng sự thiên vị của báo chí thù ghét Trump ngày nay cũng chính là báo chí phản chiến thời chiến tranh Việt Nam [11]. Theo Lucas, thời đó, mỗi một chiến thắng của phe Mĩ và đồng minh đối với truyền thông phản chiến là một chiến bại. Mỗi một chiến bại -- bất cứ nhỏ cỡ nào -- đối với họ là thảm hoạ. Mỗi một chiến thắng của đối phương -- bất cứ nhỏ cỡ nào -- đối với họ là một sai lầm thảm hại của Mĩ và đồng minh.
Phải công nhận rằng giới truyền thông cánh tả đã thành công mĩ mãn trong việc huy động công chúng Mĩ phản chiến. Những người lính Mĩ hồi hương bị phun nước miếng ngay tại phi trường, làm như họ là những kẻ tội phạm. Điều trớ trêu là sau này những người lính này được vinh danh trong ngày Memorial Day. Ngày nay, báo chí cánh tả chỉ đơn giản lặp lại trào lưu phản chiến đó sang chống Trump.
Linh hồn của một quốc gia là những thiết chế xã hội như đại học và báo chí. Chức năng chánh của đại học là truyền bá kiến thức. Chức năng chủ yếu của báo chí là đưa tin và giải trí. Thế nhưng ở Mĩ cả hai thiết chế đó đều trở thành chiến trường của ý thức hệ, và họ nghiêng về phía cánh tả.
_____
[1] https://shorensteincenter.org/news-coverage-donald.../...
[2] https://www.npr.org/.../study-news-coverage-of-trump-more...
[3] http://www.stat.columbia.edu/.../stuff_for.../Media.Bias.pdf
[4] https://advances.sciencemag.org/content/6/14/eaay9344
[5] https://www.washingtonpost.com/.../just-7-percent-of...
[6] https://www.investors.com/.../edito.../media-bias-left-study
[7] https://www.insidehighered.com/.../research-confirms...
[8] https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3646385
[9] https://www.forbes.com/.../surprise-70-of-economists.../...
[10] https://www.wsj.com/.../the-liberal-leaning-media-has...
[11] https://www.bostonherald.com/.../media-shows-similar-bias...
https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1126369051143744
Không có nhận xét nào