Header Ads

  • Breaking News

    Châu Âu rất tiêu cực trước làn sóng Covid-19 thứ hai

    Châu Âu có nguy cơ “buông xuôi” trước làn sóng Covid-19 thứ hai. Châu Âu lại một lần nữa bắt buộc phải thu mình lại với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chống chọi lại với làn sóng thứ hai.


    Làn sóng Covid-19 thứ hai đang khiến châu Âu chao đảo. Sau một mùa hè mở cửa trở lại, làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 lại khiến các quốc gia châu Âu một lần nữa phải gồng mình chống lại một cuộc khủng hoảng mới nhưng gây nên bởi mối hiểm họa cũ. Trong mấy tuần gần đây, hàng loạt quốc gia tại “lục địa già” đã ghi nhận số lượng các ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Để chống chọi lại với làn sóng thứ hai, châu Âu lại một lần nữa bắt buộc phải thu mình lại với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Thế nhưng, không phải nước nào cũng nhận được phản ứng tích cực từ người dân.

    Hiện nay các nước châu Âu đang liên tiếp tái áp đặt các lệnh phong tỏa toàn quốc trước sự bùng nổ dữ dội của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khác với đợt phong tỏa đầu tiên hồi tháng 3/2020, tâm lý lo sợ và tuân thủ nghiêm ngặt của người dân nhiều nước châu Âu đã không còn, thay vào đó là một sự mệt mỏi, chán chường rất rõ, và đi kèm với đó là nhiều hành động phản kháng. Tại Đức từ nhiều tháng qua thì cứ đến cuối tuần lại có biểu tình ở nhiều thành phố lớn, chống phong tỏa hay giãn cách xã hội. Tại Italy, từ tuần trước các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố lớn như Napoli, Milan hay thủ đô Roma, dẫn đến đụng độ bạo lực và cảnh sát Italy phải dùng hơi cay để giải tán.

    Tại Pháp, sau khi chính phủ Pháp áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ hôm 30/10, liên tiếp có các cuộc biểu tình quy mô nhỏ ở Quảng trường Cộng hòa tại thủ đô Paris cũng như ở nhiều thành phố khác. Nhiều người không biểu tình bạo lực thì chọn cách phản kháng là “bất tuân dân sự”, như vẫn mở các cửa hàng bị cấm hoặc di chuyển rất đông. Cuối tuần qua tại Paris, mặc dù lệnh phong tỏa đã có hiệu lực nhưng người dân vẫn đổ ra đường sinh hoạt, đi lại rất đông, không khác mấy so với ngày thường, chỉ ở mức độ ít hơn một chút.

    Trước hết, cần nói rõ rằng, mặc dù mệt mỏi, chán chường nhưng đa số người dân các nước đều ủng hộ việc tái phong tỏa vì họ hiểu rằng đây là biện pháp duy nhất nếu không muốn mọi việc tồi tệ hơn. Như tại Pháp, hơn 70% người dân ủng hộ tái phong tỏa, trong khi trước đó đa số (51%) lại phản đối lệnh giới nghiêm từ 21h đến 6h sáng. Nói cách khác, người dân châu Âu một mặt hiểu và tuân thủ các biện pháp cứng rắn với hy vọng dịch sớm hạ nhiệt hoặc chấm dứt nhưng mặt khác, họ cũng rơi vào tình trạng bế tắc về tinh thần và thể xác, khi các lo lắng về cuộc sống, về nghề nghiệp ngày càng tăng cao.

    Nguy cơ “buông xuôi”trước dịch Covid-19

    Đợt phong tỏa đầu năm đã để lại các di chứng lớn về kinh tế, xã hội, về sức khỏe tâm thần mà cho đến nay đa phần người dân châu Âu vẫn chưa kịp khắc phục. Vì thế, đợt phong tỏa lần 2 này sẽ càng làm mọi việc tồi tệ thêm. Những chỉ số y tế, những mô hình dự đoán đưa ra đều cho thấy làn sóng dịch Covid-19 thứ hai này tại châu Âu sẽ còn khốc liệt, chết chóc hơn làn sóng thứ nhất.

    Cũng không một chính phủ châu Âu nào dám chắc là lệnh phong tỏa chỉ kéo dài 4-6 tuần, tất cả đã chuẩn bị tinh thần phải “hy sinh” đợt lễ quan trọng nhất trong năm là Giáng sinh và Năm mới. Đó sẽ là cú sốc khủng khiếp đối với nền kinh tế các nước vì đây là thời điểm các hoạt động kinh tế sôi động nhất trong năm. Đó cũng sẽ là cú sốc tinh thần nghiêm trọng với các gia đình, khi không thể tụ họp với người thân, bạn bè. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến những rạn nứt xã hội ngày càng lớn hơn.

    Ngoài ra, dịch Covid-19 đã và đang khoét sâu hố ngăn cách giàu-nghèo, khiến sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn. Hàng triệu người lao động nghèo bị mất việc và lại không có các điều kiện về kinh tế, về nơi ở, để có thể tuân thủ việc phong tỏa một cách nghiêm túc. Ở châu Âu, đa số tầng lớp lao động ở cả gia đình trong các căn hộ nhỏ và việc phải ở trong nhà cả ngày là điều vô cùng mệt mỏi.

    Tâm lý buông xuôi, phản kháng sẽ ngày càng lớn hơn và thực sự thì các mầm mống về bất ổn xã hội, thậm chí bạo loạn xã hội đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, ở các nước như Italy hay Pháp. Đây thực sự là kịch bản ác mộng với nhiều nước châu Âu, khi kinh tế kiệt quệ, xã hội bạo loạn và người dân thì kiệt sức.

    Duy trì các hoạt động kinh tế

    Biện pháp hỗ trợ quan trọng đầu tiên, đó là các nước châu Âu thực thi một lệnh phong tỏa ít khắc nghiệt hơn hồi tháng 3. Nếu hồi tháng 3 nền kinh tế các nước gần như tê liệt thì hiện nay, hầu như tất cả các hoạt động kinh tế đều được phép diễn ra. Người dân chỉ được yêu cầu làm việc từ xa và ở nhà một cách tối đa, khi có thể. Những ai không thể làm việc từ xa thì vẫn có thể đi làm bình thường nếu có giấy chứng nhận của công ty.

    Chỉ có các nhà hàng, quán bar, các tụ điểm vui chơi thể thao, văn hóa, các nơi đón tiếp đông công chúng như bảo tàng, thư viện… là phải đóng cửa. Về nguyên tắc, ở nhiều nước như Pháp, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà 1 tiếng/ngày và đi lại không quá 1km trong bán kính quanh nhà, nhưng với việc đa số đều có thể đi làm, thì thực tế là các hoạt động kinh tế được duy trì một cách tối đa.

    Ở một số lĩnh vực bị cấm hoạt động thì sự phản kháng đang gia tăng. Như tại Pháp, nhiều chủ cửa hàng nhỏ vẫn mở bán vì cho rằng quyết định đóng cửa họ là bất công, trong khi nhiều cửa hàng lớn của các tập đoàn vẫn được hoạt động, đồng thời các tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ như Amazon, Alibaba… vẫn được phép bán các đồ không thiết yếu và không phải thực phẩm. Do đó, so với đợt phong tỏa trước, lần này đa số các hoạt động kinh tế đều được duy trì, cả từ nỗ lực của các chính phủ lẫn sự phản kháng của người dân.

    Tất nhiên các nước cũng tiếp tục bơm tiền để trợ giúp các doanh nghiệp khó khăn. Italy đã chi thêm 5 tỷ euro, Pháp chi thêm 20 tỷ euro, đồng thời tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ trả lương đến 75% cho nhân viên các công ty vừa và nhỏ đến hết năm nay. Tương tự, Anh cũng hỗ trợ trả lương lên đến 80% cho các công ty. Đức cũng đã thông báo sẽ chi thêm 8-12 tỷ euro để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    https://www.vietbf.com/

    Không có nhận xét nào