Header Ads

  • Breaking News

    Căn cứ nào cho chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% năm 2021 của Việt Nam?


    Ảnh minh họa. Gạo xuất khẩu của Việt Nam.

    AFP

    Thông qua mục tiêu GDP 6% trong năm 2021

    Với mục tiêu đề ra tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6%, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ các chương trình đề ra, theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả.

    Quốc hội Việt Nam đồng thời yêu cầu tất cả bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh. Đặc biệt, cần phải đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine và có giải pháp để người dân tiếp cận vaccine phòng dịch COVID-19 sớm nhất.

    Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2020 của Chính phủ, diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Hà Nội chú trọng đạt mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, mức độ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 được thảo luận tại phiên họp này là phải điều chỉnh theo 3 kịch bản tương ứng lần lượt 3%, 4% và 1,5%, thay mục tiêu ban đầu được đề ra là hơn 6%.

    Thực tiễn thế nào?

    Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đã có gần 69 ngàn doanh nghiệp đóng cửa và ngừng hoạt động, vì COVID-19 trong 8 tháng đầu năm 2020. Và số người lao động bị tác động bởi dịch bệnh này lên đến 32 triệu người. Đây là con số thất nghiệp kỷ lục tại Việt Nam, tăng cao nhất trong một thập niên qua.

    Đại diện Công ty TNHH Thái An, một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, vào tối ngày 12/11 chia sẻ với RFA:

     “Xu thế giá cả xuống thấp so với những năm trước đây. Sản phẩm thì khó tiêu thụ. Trong lĩnh vực công nghiệp thì khó khăn nhiều lắm. Tôi làm về sản phẩm hữu cơ thì cũng được thuận lợi và hoạt động bình thường. Nhưng nói chung, doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng bị khó khăn về vốn. Và hiệu ứng domino ngã theo tình hình chung hết.”

    Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý thuộc một công ty tư nhân kinh doanh đa ngành nghề, có trụ sở chính tại Sài Gòn, cho RFA biết công ty bị gặp khó khăn rất nhiều và buộc phải nợ lương nhân viên trong nhiều tháng.

    Bà Ba cho rằng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2021 không thể lạc quan được và trước mắt trong Quý I/2021 vẫn chưa thể vực dậy nỗi.

    “Nói chung là không thể dự đoán được, tại vì tình hình này giống như bàn cờ domino vậy, 1 quân cờ ngã là ngã hết. Nếu như tất cả các nước trên thế giới đang bị dịch, không mở cửa và nếu như năm sau mà dịch COVID-19 vẫn chưa hết thì sao? Trong nội địa, chỉ trong tháng 10 mà có 5-6 cơn bão tới thì thủy hải sản cũng không đánh bắt được. Nông nghiệp cũng không phát triển được. Du lịch cũng không triển khai được. Người trồng cà phê, tiêu mà không bán được thì lấy đâu ra tiền để đi du lịch? Doanh nghiệp nợ lương thì mùa hè, nhân viên làm gì có tiền để đi chơi ở đâu? Mở cửa cho khách du lịch nước ngoài vào thì chấp nhận đối đầu dịch COVID-19 tiếp hay sao? Nói chung, nếu qua năm sau mà kinh tế vực dậy được thì bằng cách nào? Bằng niềm tin thôi, chứ thực tế thì không ai dám chắc điều gì hết.”

    Nhận định của chuyên gia

    Đài RFA ghi nhận giới doanh nghiệp trong nước phản ánh gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa được khống chế.

    Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới-World Bank (WB) ghi nhận kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong nửa đầu năm 2020, nhưng vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.

    Trong một báo cáo công bố vào cuối tháng 7, WB đánh giá mức tăng trưởng kinh tế dự báo 2,8% của Việt Nam trong năm 2020, được xếp hạng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 thế giới.

    WB đưa ra 2 kịch bản đối với mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tùy vào tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi trong ngắn hạn như thế nào. Trong trường hợp thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm 2020 và 6,8% trong năm 2021. Còn ngược lại, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

    Chuyên gia tài chính-kinh tế độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 mà Quốc hội Việt Nam đề ra sẽ có thể khả thi trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và còn tùy thuộc tình hình chính trị và kinh tế thế giới lấy lại đà phục hồi trong năm tới.

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích có hai vấn đề quan trọng mà Việt Nam phải đối diện:

     “Thứ nhất, nếu dịch COVID-19 trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng tới và trong năm 2021 cũng chưa kiểm soát được dịch bệnh, mà nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 lại gần gấp đôi GDP. Thành ra, Việt Nam lệ thuộc vào thế giới mà thế giới lao đao thì chắc chắn sẽ tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, GDP của Việt Nam sẽ bị tác động.”

    Vấn đề thứ hai, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, là còn tùy vào tình hình chính trị tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp Mỹ bị khủng hoảng chính trị thì hậu quả là kinh tế bị khủng hoảng theo. Sự khủng hoảng đó sẽ tác động đến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam, bởi do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

    Trong khi đó, nhà quan sát tình hình Việt Nam-tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu lên nhận định của ông với RFA rằng:

    “Không thể nói là lạc quan vì cơ sở của nó là không rõ. Hồi năm 2019, họ đặt ra chỉ tiêu cho năm 2020 là 6,7%. Thế nhưng do COVID-19 thì xóa hết chỉ tiêu đó và đặt ra con số đạt đến 3%. Con số này thì không ai tin được. Trên cơ sở này sang năm thì người ta giả định tình trạng bình thường mới, tức là vẫn còn dịch bệnh thì làm sao mà đạt được 6%?”

    Mọi dự báo đều mang tính tương đối ngay cả khi thực tế không có nhiều biến động và diễn tiến thuận lợi. Trong khi đó tình hình thế giới hiện nay còn nhiều chuyển biến ngoài khả năng kiểm soát của các quốc gia.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào