Header Ads

  • Breaking News

    ĐBQH: ‘Xây thủy điện là trái quy luật tự nhiên, sẽ gây nhiều hậu quả’

    Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng “làm nhiều đập thuỷ điện, không vỡ chỗ đập thuỷ điện nhưng sẽ vỡ ở chỗ khác, nước dâng cao phải tìm đường thoát, nước thoát sẽ tạo ra những quy luật trái tự nhiên nên sẽ gây ra nhiều hậu quả”.


    Tại phiên thảo luận Quốc hội Việt Nam về kinh tế xã hội, liên quan đến dự án thủy điện, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản thích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao, có thể dẫn tới hậu quả như phá vỡ sinh kế và mất rừng.

    “Ở Tây Nguyên, xây 25 dự án thủy điện đã lấy đi 68.000 ha rừng của 26.000 gia đình. Ở Thừa Thiên Huế, dự án Rào Trăng 3 với công suất 11MW, chiếm mất 11 ha rừng; dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW, chiếm mất 168 ha rừng bảo tồn thiên nhiên của huyện Phong Điền. Xây thủy điện còn gây động đất cường độ nhỏ, ảnh hưởng tới nguồn nước và thay đổi dòng chảy…”, bà Dung lấy một loạt dẫn chứng.

    Ngoài ra, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường, theo bà Dung.

    Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam hiện có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện khác nhau với công suất phát điện là 20.000 MW. “Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng”, ông Tuấn Anh nói.

    Theo ông Tuấn Anh, thủy điện có hai mặt tích cực và tiêu cực. “Mặt tích cực như đóng góp cho phát triển địa phương, cung cấp điện, tác dụng cắt giảm và điều tiết lũ… Tác động tiêu cực của thủy điện sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đất, nước và khí hậu cũng như đời sống người dân”, Bộ trưởng Công thương nêu.

    Đáng chú ý, ông Tuấn Anh còn khẳng định nguyên nhân xảy ra sạt lở đất, ngập lụt thời gian qua ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam là “gắn chặt với tính dị thường và cực đoan của thời tiết”.

    Tranh luận lại, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng với những phát ngôn của Bộ trưởng Công thương, “tôi thấy rằng mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá. Bộ trưởng có nói là do chính quyền địa phương, do quy hoạch, do khâu tổ chức thực hiện, tôi cho rằng chưa ổn”.

    Dẫn chứng lại lời nhận xét “Ở đâu có nhà máy thuỷ điện thì ở đấy gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt” và câu nói của người xưa “tức nước thì vỡ bờ”, Đại biểu Hồng khẳng định “làm nhiều đập thuỷ điện, không vỡ chỗ đập thuỷ điện nhưng sẽ vỡ ở chỗ khác, nước dâng cao phải tìm đường thoát, nước thoát sẽ tạo ra những quy luật trái tự nhiên nên sẽ gây ra nhiều hậu quả”.

    Nhận xét về giải trình từ phía Bộ Công thương, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: “Chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng, mặt tốt của thủy điện là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời”? Cho rằng thủy điện tiềm ẩn nguy cơ, ông Nhưỡng kiến nghị thay thế bằng các năng lượng xanh, sạch như điện gió, điện mặt trời.

    Còn ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá chúng ta mới chỉ bàn tới câu chuyện của ngày hôm nay mà chưa bàn tới 40 – 50 năm nữa, khi các dự án thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì nó sẽ trở thành những quả bom nổ chậm, nguồn lực nào quản lý .

    “Chắc chắn nó sẽ là một di sản sau này thế hệ con cháu chúng ta phải lo”, ông Quốc nói.

    https://trithucvn.org/

    Không có nhận xét nào