Anh Quốc hôm 24/11 đã đề xuất một dự luật an ninh mới, theo đó các hãng viễn thông khổng lồ của nước này sẽ bị phạt nặng nếu không tuân thủ quy định đảm bảo an ninh nghiêm ngặt. Dự luật An ninh Viễn thông mới này hướng tới việc cấm việc để hãng Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng viễn thông 5G của Anh.
Đây
là bước đi nhằm chính thức luật hóa việc cấm Huawei sau nhiều tháng
tranh cãi tại Anh về việc Huawei đe dọa an ninh nội địa khi tập đoàn
truyền thông này được cho là có mối liên hệ mật thiết với chính quyền
cộng sản Trung Quốc.
Các nỗ lực nhằm cấm Huawei tham dự vào mạng
lưới 5G đã được đưa ra kể từ hơn một năm nay. Nhưng dự luật này là bước
đi đầu tiên trong việc đưa những lệnh cấm đó thành luật, nêu quy định
chi tiết, chính xác về cách thức áp dụng lệnh cấm – nếu được Quốc hội
thông qua.
Dự luật quy định rằng công ty nào đến hạn chót mà
không đáp ứng được các yêu cầu an ninh cao hơn cũng sẽ phải đối diện với
những khoản phạt khổng lồ. Trong số này gồm cả việc phạt 10% doanh thu,
tức là hơn 100.000 bảng Anh một ngày.
Dự luật trao cho chính phủ
các quyền đối với an ninh quốc gia, theo đó chính phủ được ra chỉ dẫn
cho các công ty viễn thông lớn, chẳng hạn như BT, trong việc được sử
dụng các nhà cung cấp có “độ rủi ro cao” – trong đó có Huawei – như thế
nào.
Dự luật cũng đưa ra một biện pháp mới, theo đó quy định bất
kỳ công ty nào nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ phải đối diện với
những khoản phạt nặng. Tuy nhiên, khoản dọa phạt 100.000 bảng mỗi ngày
này sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp “tiếp tục vi phạm“.
Ofcom,
cơ quan quản lý viễn thông Anh, sẽ được trao nhiệm vụ theo dõi, giám
sát thực thi các quy định, bên cạnh những quyền lực mới mà cơ quan này
có thể cần để thực hiện việc giám sát.
Dự luật này được chính giới Anh kỳ vọng rất cao trong nỗ lực xây dựng một chế độ an ninh viễn thông an toàn nhất.
Bộ
trưởng Kỹ thuật số Oliver Dowden nói: “Chúng ta đang đầu tư hàng tỷ
bảng vào việc triển khai mạng 5G và dịch vụ băng thông rộng tốc độ cao
trên toàn quốc, nhưng các lợi ích này chỉ có thể đạt được nếu như chúng
ta hoàn toàn tin tưởng vào mức độ an ninh và độ bền của mạng lưới của
mình… Dự luật đột phá này sẽ đem đến cho Anh Quốc một trong những chế độ
an ninh viễn thông nghiêm ngặt nhất trên thế giới, và cho phép chúng ta
có hành động cần thiết để bảo vệ các mạng lưới của mình.”
Bộ Kỹ
thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao nói rằng các nghĩa vụ về an
ninh nhiều khả năng sẽ bao gồm cả những việc như ra quy định ai có quyền
tiếp cận tới các phần nhạy cảm của hệ thống cốt lõi, việc kiểm toán an
ninh được thực hiện ra sao, và việc bảo vệ dữ liệu khách hàng sẽ được
tiến hành thế nào.
Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm An ninh Mạng
Quốc gia, Tiến sĩ Ian Levy nói rằng “các mạng lưới quốc gia và các nhà
điều hành mạng của chúng ta cần phải biết là họ được trông đợi những
gì“.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cam kết nâng cao tiêu chuẩn, và dự
luật này đưa ra những yêu cầu an ninh viễn thông mới, sẽ giúp cho các
nhà mạng ra những quyết định quản lý rủi ro tốt hơn.”
Trước sự kiện này, Huawei bác bỏ những quan ngại liên quan tới hoạt động của hãng.
Phó
Chủ tịch Huawei Victoria Zhang nói: “Quyết định này mang động cơ chính
trị, không dựa trên việc đánh giá thẩm định công bằng đối với các rủi
ro… Nó không phục vụ cho lợi ích tốt nhất của bất kỳ ai, bởi nó sẽ khiến
Anh Quốc đi vào làn đường chậm, và gây rủi ro cho chương trình đồng đều
hóa kỹ thuật số trên toàn quốc của nước này.”
Anh Quốc được cho là ngày càng nghiêng về phía Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn Huawei.
Ban
đầu, Anh Quốc quyết định rằng thiết bị của Huawei cần phải bị gỡ bỏ
khỏi các phần nhạy cảm của mạng lưới cốt lõi, và chỉ được chiếm tối đa
35% trong các hệ thống không cốt lõi. Hạn chót cho việc đáp ứng các yêu
cầu này ban đầu được đưa ra là năm 2023.
Tuy nhiên, với áp lực từ
phía Hoa Kỳ, Anh đã điều chỉnh để ra lệnh gỡ bỏ hết các thiết bị của
Huawei khỏi toàn bộ mạng lưới 5G của Anh, chậm nhất là vào năm 2027.
Anh
đi đến quyết định này sau khi các lệnh trừng phạt mà Washington đưa ra
vào tháng 05 vừa qua với việc tuyên bố hãng này tạo ra mối đe dọa an
ninh quốc gia – điều mà Huawei phủ nhận. Theo đó, Hoa Kỳ đã đưa ra các
biện pháp trừng phạt mới để gây cản trở khả năng của Huawei trong việc
sản xuất chip của riêng họ.
Điều này khiến giới chức an ninh Anh
kết luận rằng họ không còn có thể đảm bảo tính bảo mật cho các sản phẩm
của mình nếu công ty phải bắt đầu tìm nguồn cung ứng chip từ bên thứ ba
để sử dụng cho thiết bị của mình.
Bộ trưởng kỹ thuật số Oliver
Dowden nói một đánh giá được thực hiện bởi Trung tâm an ninh mạng quốc
gia của Trung tâm Thông tin của Chính phủ là động lực cho những thay
đổi.
Tiến sĩ Ian Levy, giám đốc kỹ thuật của cơ quan này viết:
“Huawei tuyên bố có kho dự trữ các bộ phận mà họ có thể sử dụng, nhưng
điều này rõ ràng ảnh hưởng đến những gì Trung tâm an ninh mạng quốc gia
có thể nói về sản phẩm của họ trong tương lai… Chúng tôi nghĩ rằng các
sản phẩm của Huawei được điều chỉnh để đối phó với [các biện pháp trừng
phạt] có thể sẽ gặp nhiều vấn đề về bảo mật và độ tin cậy hơn do thách
thức kỹ thuật lớn trước mắt và chúng tôi sẽ khó tin tưởng hơn vào việc
sử dụng chúng trong khuôn khổ chiến lược giảm thiểu.”
Tuy nhiên,
giới quan sát còn cho rằng quyết định hồi tháng 07 này của Anh còn nhằm
phục vụ cho những toan tính chính trị khác trong đó có mong muốn của Anh
đạt được thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ và gia tăng căng thẳng với
Trung Quốc về việc xử lý dịch COVID-19 và cách Bắc Kinh ứng xử với Hồng
Kông.
Sau lệnh cấm của Anh, cơn ác mộng của Huawei tại châu Âu đã chính thức bắt đầu.
Tại Na Uy, tập đoàn viễn thông Telenor đã chọn công ty Ericsson của Thụy Điển cho mạng 5G của họ thay vì Huawei.
Chính
quyền Hà Lan cũng có kế hoạch cấm một số tập đoàn « có vấn đề » không
được tham gia xây dựng các bộ phận quan trọng trong mạng 5G của họ.
Tại Pháp, dù không có lệnh cấm hoàn toàn đối với Huawei, nhưng một số quy định đã mặc nhiên loại bỏ Huawei.
Tình
hình căng thẳng đến mức Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phải thực
hiện chuyến công du tại 5 nước châu Âu là Ý, Na Uy, Hà Lan, Pháp và Đức
hồi cuối tháng 08 với trọng tâm là hồ sơ Huawei trước nguy cơ các hợp
đồng xây dựng mạng 5G mà tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc đang
dần dần bị gạt ra ở lục địa già.
Nhưng dường như chuyến bị của
nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã không mang lại thành công như mong
đợi. Đức, quốc gia châu Âu được cho là có mối quan hệ hữu hảo với Trung
Quốc cũng chuẩn bị loại Huawei ra khỏi hệ thống 5G của nước này.
Truyền
thông quốc tế hồi đầu tháng 10 loan tin trong thời gian tới đây, Chính
phủ Đức sẽ thông qua một đạo luật về an ninh tin học, quy định một loạt
rào cản khó thể vượt qua đối với Huawei.
Theo các nghị sĩ Đức có
biết về dự thảo luật, dự luật về an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông
tin mà nội các của Thủ tướng Angela Merkel dự định sẽ không hoàn toàn
cấm cửa Huawei nhưng sẽ tạo ra những trở ngại hành chính không thể vượt
qua đối với công ty Trung Quốc.
Động thái này của Chính phủ Đức
sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng quốc tế của tập đoàn Trung Quốc.
Giống như Vương quốc Anh, Đức là một trong những thị trường quan trọng
của Huawei để mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ Hoa lục, và các hợp đồng với
các đại công ty Đức như Vodafone và Deutsche Telekom đã giúp Huawei trở
thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Ông Nils Schmid, phát ngôn viên về đối ngoại của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức SPD, một đối tác trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel, cho biết: “Nghị Viện Đức đòi hỏi các phương tiện pháp lý để có thể loại trừ các nhà cung cấp không đáng tin cậy như Huawei ra khỏi quá trình xây dựng hệ thống 5G và luật mới này có thể cho phép điều đó”. SPD là đảng đã chủ trương một cách tiếp cận cứng rắn với Huawei.
Dự luật vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn có thể có những thay đổi kỹ thuật, nhưng rõ ràng sẽ khiến Huawei gần như không thể tham gia vào chương trình 5G của Đức.
Một nghị sĩ đã tham gia các cuộc thảo luận về dự luật mới, không ngần ngại nêu câu hỏi “Làm thế nào Huawei, một công ty có liên hệ khả nghi với nhà nước Trung Quốc, có thể vượt qua bài kiểm tra về độ tin cậy chính trị?”. Theo nhân vật này: “Điều đó là không thể.”
Dự luật cũng dự kiến một vai trò quan trọng đối với tình báo của Đức, vốn từ lâu đã rất hoài nghi về Huawei. Thorsten Frei, một nghị sĩ thuộc CDU/CSU của bà Angela Merkel cho biết: “Theo hình thức hiện tại [dự luật] dự kiến rằng khi có nghi ngờ về độ tin cậy của một công ty thì chính phủ có thể điều tra bằng cách sử dụng thông tin do các cơ quan tình báo cung cấp.”
Không có nhận xét nào