Header Ads

  • Breaking News

    7 nhà hoạt động dân chủ HK bị bắt: Kiên quyết bám trụ không sợ hãi

    Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 7 nhà hoạt động dân chủ ngày 01/11, bao gồm 6 nghị viên đương nhiệm và 1 nghị viên tiền nhiệm của Hội đồng Lập pháp, với cáo buộc họ liên quan đến hành vi gây rối tại cuộc họp của Ủy ban Hạ viện thuộc Hội đồng Lập pháp vào ngày 8/5 năm nay. Tối ngày 1/11, một nhóm các nhà hoạt động dân chủ đã tổ chức một buổi họp báo để giải thích vụ việc. Ông Hồ Chí Vĩ, chủ tịch Đảng Dân chủ, chỉ ra rằng chính quyền đã sử dụng tất cả các hình thức truy tố chính trị cực đoan. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả khi tăng cường đàn áp, phe Dân chủ vẫn sẽ kiên trì nói lên sự thật và tiếp tục bám trụ chiến tuyến không hề sợ hãi.

    Bảy nhà hoạt động dân chủ bị bắt bao gồm các nghị sĩ đương nhiệm Hồ Chí Vĩ, Doãn Triệu Kiên, Hoàng Bích Vân, Trương Siêu Hùng và các cựu nghị sĩ Chu Khải Địch, Trần Chí Toàn và Chủ tịch Đảng Lao động Quách Vĩnh Kiện. Theo Apple Daily, một nhóm nghị viên bị bắt đã tổ chức một cuộc họp báo trong Hội đồng Lập pháp vào tối ngày 1/11, để giải thích về vụ việc.


    Ông Hồ Chí Vĩ, chủ tịch Đảng Dân chủ, tuyên bố rằng chính phủ đã viện dẫn các điều khoản 17C và 19B trong “Sắc lệnh ‘Quyền hạn và Đặc quyền’ của Hội đồng Lập pháp” để truy tố 7 người này. Trong đó bao gồm hành vi khinh thường Hội đồng Lập pháp và can thiệp vào việc thực thi nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng Lập pháp. Ông chỉ ra rằng chính phủ đã dùng mọi cách để triển khai các cuộc truy tố chính trị chống lại các nhà dân chủ. Ông Trương Siêu Hùng Đảng Lao Động chỉ hô khẩu hiệu trong cuộc họp cũng bị buộc tội khinh thường Hội đồng Lập pháp. Nhưng ông Hồ Chí Vĩ cũng nhấn mạnh, ngay cả khi đàn áp gia tăng, các nhà dân chủ sẽ vẫn tiếp tục nói lên sự thật, bày tỏ sự bất mãn của người dân Hồng Kông đối với chính quyền Hồng Kông và tiếp tục bám trụ chiến tuyến không hề sợ hãi.

    Ông Trương Siêu Hùng nói rằng, cảnh sát đến bắt ông lúc 7 giờ sáng với lệnh khám xét. Phạm vi lệnh khám xét rất rộng, bao gồm quần áo, sách vở, điện thoại di động, máy tính, tài liệu, v.v. Ông đặt câu hỏi liệu có cần thiết phải làm vậy hay không. Ông Trương chỉ trích cảnh sát đã không đặt lịch hẹn để bắt ông, thay vào đó họ cố tình đến nhà bắt ông. Ông lo lắng rằng con gái ông sẽ sợ hãi. Ông cũng nói rằng do tình hình dịch bệnh, hiện tại các hoạt động đã giảm đi rất nhiều. Ông không hiểu tại sao chính phủ lại tiếp tục khơi dậy sự phẫn nộ trong công chúng.
     

    Lần này ông Doãn Triệu Kiên cũng là một trong những bị cáo. Ngày 6/5 năm nay, tại nghị viện, ông bị thương phải nhập viện do va chạm các thành viên của phe Kiến Chế (phe thân Bắc Kinh) như Hà Quân Nghiêu và Hoàng Định Quang. Ông Doãn Triệu Kiên chỉ ra rằng, việc ông bị thương coi như xong chuyện, hiện giờ nguyên đơn lại trở thành bị đơn. Ông khiển trách nguyên tắc truy tố của cảnh sát quá vô lý. Ông tiếp tục chỉ ra rằng, chính những người phái Bảo Hoàng (những người ủng hộ chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc) mới thực sự coi thường Hội đồng Lập pháp và là kẻ lật lọng đổi trắng thay đen.
     

    Cuộc họp của Ủy Ban Hạ Viện trong ngày được vỗn dĩ là do ông Quách Vinh Khanh, thành viên phe Dân chủ chủ trì. Nhưng ông Lương Quân Ngạn, chủ tịch Hội đồng lập pháp, lại chỉ định bầu bà Lý Huệ Quỳnh phe Kiến Chế, cựu chủ tịch Ủy ban Hạ Viện, làm chủ tịch. Đó là lý do tại sao các nhà dân chủ phản đối. Nhưng chính quyền Hồng Kông đã sử dụng “Đạo luật Đặc quyền” để tiến hành các vụ truy tố chính trị, bắt giữ và đàn áp các nhà dân chủ bằng “vũ khí pháp luật”. Ông Doãn mô tả rằng cuộc họp mà bà Lý Huệ Quỳnh chủ trì vào ngày hôm đó là “bất hợp pháp”. Một điều phi lý khác của vụ việc là phe Dân chủ và phe Kiến Chế đối đầu nhau nhưng chỉ có những người thuộc phe Dân chủ bị khởi tố.

    Bà Hoàng Bích Vân Đảng Dân chủ nói rằng, mục đích ban đầu của “Đạo luật Đặc quyền” là để bảo vệ quyền phát ngôn của các các nghị viên trong Ủy ban Hạ Viện thuộc Hội đồng Lập pháp, nhưng nay lại bị chính quyền Hồng Kông sử dụng để cáo buộc các nghị viên. Điều này quả thực rất phi lý và đối tượng bị “khinh thường” cũng không rõ ràng. Đó là Chủ tịch? Hay nghị viện? Hay là một thứ gì đó khác?

    Bà Hoàng Bích Vân chỉ ra rằng người khởi xướng vụ hỗn loạn ngày hôm đó là bà Lý Huệ Quỳnh, người chủ trì cuộc họp một cách bất hợp pháp. Hơn nữa, lúc đó các nghị sĩ phe Kiến Chế đã không quay lại vị trí của họ. Bà khiển trách cảnh sát thực thi luật có chọn lọc, và thẳng thừng cho rằng các nghị sĩ đã lên tiếng bênh vực người dân thì “có tội tình gì?”
     

    Ông Hồ Chí Vĩ nhấn mạnh trong bản tóm tắt của phóng viên rằng, chính quyền Hồng Kông hy vọng sẽ bịt miệng người dân Hồng Kông thông qua đàn áp, nhưng mục đích của chính phủ chắc chắn sẽ không thành công.

    Một số kênh truyền thông đưa tin rằng ông Hứa Trí Phong, nghị viên Hội đồng Lập pháp, cũng nằm trong danh sách bị bắt giữ. Ông cho biết trên Facebook đêm ngày 1/11 rằng ông vẫn chưa nhận được bất kỳ cuộc gọi hoặc thông báo tin nhắn nào từ phía cảnh sát. Ông nói rằng ông đã biểu tình tại lãnh sự quán Thái Lan trước đó. Nhân viên liên lạc của phía cảnh sát đảo Hồng Kông đã gọi điện và gửi WhatsApp cho ông. Lần này lại rộ lên tin đồn rằng ông đã bị bắt, nhưng cảnh sát trì hoãn, không liên lạc với ông. “Điều này thực sự khó hiểu.”

    Ông Lâm Trác Đình, nghị viên Hội đồng Lập pháp chỉ ra rằng, việc cảnh sát bắt giữ nhiều nhà hoạt động dân chủ rõ ràng là để trấn áp các cuộc biểu tình của nghị viện. Ông chỉ ra rằng tại cuộc họp ngày hôm đó, ông Hồ Chí Vĩ và ông Trương Siêu Hùng chỉ phản đối bằng lời nói, mà không hề có bất kỳ động tác cơ thể nào, nhưng đã bị bắt giữ. Ngược lại, Quách Vĩ Cường của phe Kiến Chế ngày hôm đó đã dùng vũ lực để kéo Trần Chí Toàn xuống trước mắt mọi người, nhưng anh ta lại không bị trừng phạt, lại có thể tiêu diêu tự tại ở bên ngoài. Rõ ràng là Bộ Tư pháp và cảnh sát đã lạm dụng quyền lực của họ để thực hiện đàn áp chính trị.

    Theo báo cáo của Stand News, Trần Chí Toàn, người cũng bị bắt, nói rằng “không phải là nực cười mà là lố bịch”, bản thân từ nguyên đơn lại trở thành bị đơn. Anh đã bị Quách Vĩ Cường tấn công trước sự chứng kiến của mọi người. Anh mô tả cảnh này giống như sự kiện 721 trong Hội đồng Lập pháp (712 là chỉ sự kiện côn đồ mặc áo trắng đánh người biểu tình tại Yuen Long ngày 21/7/2019), sau cuộc tấn công ngay trước mắt mọi người, kẻ hành hung không bị bắt nhưng người bị tấn công lại bị bắt.

    Ông chỉ trích chính phủ đã biến cảnh sát, bộ tư pháp và tòa án thành công cụ để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Nếu cáo buộc được thành lập, ông e rằng các nghị viên phe Dân chủ sẽ gặp nhiều khó khăn vì tội danh được định nghĩa quá mơ hồ. Ông cũng đặt câu hỏi rằng, việc chính quyền lựa chọn hành động vào thời điểm này là đã viết sẵn kịch bản nhằm đảo ngược đúng sai. Ngoài ra, ông khiển trách chính phủ hiện giờ đã không còn sợ bị mọi người chỉ chích và hoàn toàn mất hết liêm sỉ.

    Ông cũng nói rằng, nếu sự việc xảy ra sau ngày 1/7, một nhóm các nhà dân chủ có thể sẽ bị buộc tội vi phạm Luật An ninh Quốc gia. Ông than thở rằng con đường phản kháng trong tương lai của các nhà dân chủ sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, đồng thời kêu gọi người dân Hồng Kông không được bỏ cuộc. Nhưng ông nói rằng, ngay cả khi 1 hoặc 2 người bị bắt, sẽ vẫn còn nhiều nhà dân chủ ở Hồng Kông tiếp tục đấu tranh trên đường phố và đấu tranh vì công lý.

    Cảnh sát Hồng Kông trước đó chỉ ra rằng, những người bị bắt bị tình nghi vi phạm “Tội khinh thường” và “Tội can thiệp vào các thành viên của Hội đồng lập pháp” theo “Sắc lệnh ‘Quyền hạn và Đặc quyền’ của Hội đồng lập pháp” chương 382 Luật pháp Hồng Kông, không loại trừ sẽ có nhiều vụ bắt giữ hơn trong tương lai.

    https://trithucvn.org/

    Không có nhận xét nào