Tòa 101 Đài Bắc và Quốc kỳ của Trung Hoa Dân Quốc. (Chen Baizhou / The Epoch Times)
Trung Quốc càng nói với thế giới rằng Đài Loan không phải là một quốc gia, thì càng có nhiều đối thủ của Trung Quốc bắt đầu công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Trước khi Đài Loan tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh vào ngày 10/10, Đại sứ quán Bắc Kinh ở New Delhi đã gửi một lá thư yêu cầu truyền thông Ấn Độ không coi đây là một quốc gia và không được coi bà Thái Anh Văn là Tổng thống của Đài Loan. Người dân Ấn Độ đã phản ứng bằng cách giúp lan truyền hashtag #NgayQuockhanhDaiLoan và đồng thời treo các biểu ngữ có quốc kỳ Đài Loan bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc.
“Nhân dịp kỷ niệm #NgayQuockhanhDaiLoan, xin được kính cẩn nghiêng mình trước những thành quả của bạn bè trên khắp thế giới trong năm nay, đặc biệt là #India”, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu viết trong một bài đăng trên Twitter ngày 10/10.
Thay vì gửi lời chúc mừng nền độc lập của Đài Loan, Bắc Kinh lại cảnh báo bằng một lằn ranh đỏ với hàm ý của một cuộc xâm lược. Ngày Quốc khánh Đài Loan là ngày tưởng niệm một cuộc khởi nghĩa chống lại triều đại nhà Thanh tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc. Cuộc cách mạng này đã đánh dấu sự thành lập nước Trung Hoa Dân Quốc, mà sau đó 7 thập kỷ, nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch đã phải chạy đến Đài Loan khi Đảng Cộng sản lên nắm chính quyền sau cuộc nội chiến.
Đối với nhiều người ở Đài Loan ngày nay, Trung Hoa Dân Quốc dường như không còn là một di tích của lịch sử, mà là một nền dân chủ của 24 triệu dân. Đài Loan từ lâu đã từ bỏ mục tiêu của ông Tưởng là thôn tính lại nơi mà ông ta gọi là đại lục và các cuộc thăm dò cho thấy người Đài Loan ngày càng không muốn có bất kỳ sự thống nhất nào với Trung Quốc.
Nhưng lễ kỷ niệm ngày quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc đem lại lợi ích về mặt chiến lược cho chính phủ của bà Thái. Nó cho phép bà tránh được câu hỏi về nền độc lập chính thức, tránh cuộc xung đột có thể bùng nổ thành chiến tranh với Trung Quốc, đồng thời bảo vệ bản sắc chính trị và văn hóa riêng biệt cho Đài Loan, cuối cùng làm suy yếu mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là đặt Đài Loan dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Jonathan Sullivan, giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Nottingham, cho biết: “Đài Loan ngày càng trở nên thành thạo hơn trong việc tìm kiếm không gian đằng sau 'lằn ranh đỏ’. Ngoài ‘tuyên ngôn độc lập’ chính thức, thật khó để nghĩ ra một lằn ranh mang tính mềm dẻo hoặc thực sự hợp lý”.
Trong những tháng gần đây, căng thẳng quân sự đã gia tăng cùng với các máy bay chiến đấu của Trung Quốc ngày càng tiến đến gần Đài Loan hơn và ĐCSTQ tăng cường hùng biện, cảnh báo bà Thái có các động thái ly khai Đài Loan khỏi Trung Quốc. Điều này đã khiến chính quyền Tổng thống Trump đặc biệt tức giận và tăng cường bán vũ khí cho chính phủ của bà Thái, cũng như cử các quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến Đài Loan để thảo luận về các mối quan hệ kinh tế và đại dịch.
Tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, bà Thái thề nguyện sẽ bảo vệ hòn đảo và kêu gọi Bắc Kinh đàm phán.
Bà nói: “Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại thiện chí” và nói thêm rằng “thái độ thể hiện sự yếu kém và nhượng bộ sẽ không mang lại hòa bình”.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) phát biểu trong Ngày Quốc khánh trước Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc vào ngày 10/10/2020 (The Epoch Times)
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ, cho biết bài phát biểu của bà Thái lần này có "giọng điệu nhẹ nhàng nhất" trong nhiều năm qua và "rõ ràng là mức độ kiêu ngạo đã giảm". Ông Hồ cho rằng sự thay đổi này của bà Thái là kết quả của sự gia tăng các mối đe dọa chiến tranh của Trung Quốc mà tờ báo của ông đã giúp chuyển tải thông tin.
“Đối với đảo Đài Loan, Trung Quốc đại lục phải duy trì áp lực quân sự mạnh mẽ và có thể hành động bất cứ lúc nào, để đảm bảo rằng một số lực lượng trên đảo phải tự kiềm chế”, ông Hồ viết.
Đã từ lâu, Trung Quốc luôn sử dụng đe dọa vũ lực để uy hiếp Đài Loan. Cuối những năm 1990, họ đã bắn tên lửa vào vùng biển gần đảo chính của Đài Loan đơn giản chỉ vì nhà lãnh đạo khi đó là Lý Đăng Huy được phép phát biểu tại Đại học Cornell. ĐCSTQ cũng thể hiện sự tức giận trước đề xuất của ông Lý về “mối quan hệ quốc gia đặc biệt” giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Nhưng sự tình đã thay đổi khi Đài Loan ngày càng xa rời bản sắc Trung Quốc mà ông Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng của ông áp đặt cho Trung Hoa Dân Quốc. Giờ đây, trên mạng xã hội, bà Thái và Đảng Dân tiến cầm quyền thường xuyên gọi Đài Loan là một quốc gia.
"Chúng tôi không cần phải tuyên bố mình là một quốc gia độc lập", bà Thái nói với BBC ngay sau khi tái đắc cử vào tháng Một. "Chúng tôi đã là một quốc gia độc lập, và chúng tôi tự gọi mình là [Trung Hoa Dân Quốc] Đài Loan".
Đối với nhiều người Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc giống như một sự chiếm đóng của nước ngoài khi Quốc dân Đảng đến đây sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai. Một cuộc cách mạng chống lại Quốc dân Đảng đã khiến các quan chức tàn sát giới công chức, luật sư và bác sĩ, những người được Nhật Bản đào tạo, những người có thể quản lý một nhà nước Đài Loan độc lập.
Trước năm 2000, khi các cải cách dân chủ cho phép tiến hành bầu cử thông qua tranh cử, Đài Loan đã trải qua nhiều thập kỷ thiết quân luật dưới chế độ độc đảng. Vào năm này, Đài Loan đã bầu cử được nhà lãnh đạo đầu tiên không thuộc Quốc dân Đảng. Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức năm 2016, bà Thái đã ca ngợi sự thật rằng người dân Đài Loan đã nắm quyền kiểm soát Trung Hoa Dân Quốc: Bà nói: “Đồng bào Đài Loan thân yêu của tôi, chúng ta đã thành công rồi”.
Ngày 9/10, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức chia sẻ trên trang Tweet của mình: “Trong vòng 30 năm, Đài Loan đã chuyển mình từ chế độ chuyên quyền độc đảng thành một đất nước có hệ thống dân chủ cởi mở. Trung Hoa Dân Quốc được tái sinh tại đây. Người Đài Loan đã làm cho nó tốt hơn, đẹp hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi tự hào là Phó Tổng thống và được đóng góp vào sự thay đổi của đất nước Đài Loan”.
Chính phủ của bà Thái Anh Văn đã không ngừng tìm cách khẳng định bản sắc dân tộc Đài Loan, bao gồm cả việc thiết kế lại hộ chiếu trong năm nay để làm nổi bật từ “Đài Loan” trong khi giảm thiểu “Trung Hoa Dân Quốc”. Đồng thời, những người ủng hộ bản sắc Đài Loan cũng tự hào về các biểu tượng như quốc kỳ, theo Margaret Lewis, giáo sư luật tại Đại học Seton Hall.
“Các biểu tượng từ quá khứ giờ đã mang ý nghĩa mới và có phần phức tạp” bà nói.
Sự thay đổi sâu rộng hơn này là một dấu hiệu kém thuận lợi cho kế hoạch cưỡng bức sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc của ông Tập mà không phải viện đến chiến tranh. Điều này đã khiến một số nhà quan sát đặc biệt lo lắng.
Khi đề cập đến sự cai trị của ĐCSTQ, ông Sullivan từ Đại học Nottingham cho biết: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có xu hướng nào được ưa chuộng hơn là cán cân quân sự. Đó là điều khiến tôi lo lắng”.
Nguyên Hương
Theo Bloomberg
https://www.ntdvn.com/
Không có nhận xét nào