Header Ads

  • Breaking News

    Tư liệu “Nhân văn Giai phẩm” – Báo cáo của Chánh án Nguyễn Văn Dương năm 1960

    Dưới đây là Báo cáo của Chánh án Nguyễn Văn Dương, người ngồi ghế chánh án xử các nạn nhân vụ Nhân văn Giai phẩm ở Hà Nội năm 1960. Tư liệu do Giáo sư Peter Zinoman ở Đại học California at Berkeley sưu tầm, Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân công bố. 

    Đây là một tư liệu cho chúng ta thấy quan niệm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tòa án và tư pháp: Đảng quyết định tội trạng của phạm nhân trước khi điều tra và hỏi cung, phiên tòa mở ra không phải để giải quyết một vụ việc mà để giải quyết một vấn đề chính trị, Đảng giáo dục các thẩm phán tòa án để thực thi một phiên tòa nhằm đạt được các mục đích chính trị đó, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với hệ thống tư pháp, phương pháp điều tra tội phạm tương ứng với mục đích của phiên tòa, những tình tiết liên quan đến vụ án như nhà văn Thụy An tự chọc mù mắt mình trong quá trình bị hỏi cung.

    Tạp chí Nghiên cứu Việt xin cảm ơn Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã công bố tư liệu.

    Lời giới thiệu của Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân:

    Hồi đầu năm 1960, các báo ở Hà Nội đã loan tin về phiên tòa ngày 19.1.1960 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 5 bị cáo gồm Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại, Lê Nguyên Chí, liên quan đến việc xuất bản tờ báo “Nhân văn” và các tập sách “Giai phẩm”, nhóm người trên được tòa mệnh danh là “bọn gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành”. Ngoài mấy bản tin về phiên tòa mà các báo đã đăng, hầu như trên sách báo công khai không thấy công bố tài liệu gì khác về phiên tòa ấy.

    Mùa hè năm 2014, trong khi đọc tài liệu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III ở Hà Nội, GS.TS. Peter Zinoman, hiện là trưởng khoa Lịch sử của Đại học California ở Berkeley, Hoa Kỳ, đã tìm thấy một văn bản liên quan đến phiên tòa năm 1960 kể trên. Đó là một bản tổng kết kinh nghiệm đánh án của viên chánh án tòa án Hà Nội nhiệm kỳ 1955-1965 Nguyễn Xuân Dương, người đã ngồi ghế chánh án tại phiên tòa ngày 19.1.1960, nêu kinh nghiệm triển khai vụ án, từ lúc tiếp nhận hồ sơ do công an chuyển giao, đến các công đoạn bổ sung hồ sơ, xét hỏi các bị cáo, lên kế hoạch phiên tòa, rồi tiến hành phiên tòa, và cuối cùng sơ bộ nhận xét về kết quả phiên tòa.

    Đây là một tài liệu hiếm về phiên tòa 19.1.1960. Tuy không phải là văn bản luật pháp chính quy, mà chỉ thuộc loại tài liệu nghiệp vụ trong ngành tòa án, song tài liệu này cũng rất đáng kể có thể giúp người ta hiểu thêm về vụ án mà tòa Hà Nội đã xử ngày 19.1.1960, hiểu thêm về việc giới lãnh đạo thời ấy xử lý vụ Nhân văn – Giai phẩm.

    Nguyên văn tài liệu là một bản đánh máy. Tại phòng đọc trung tâm lưu trữ cũng có nhân viên làm scaner hoặc photocopy, nhưng không phải tài liệu nào cũng có thể được phép sao chụp, vì vậy Peter Zinoman đã dành thời gian ngồi chép chậm rãi từng chữ một! 

    Năm 2016, P. Zinoman công bố tiểu luận “Nhân Văn Giai Phẩm ra tòa: Vụ Truy tố Nguyễn Hữu Đang và Thụy An” (nguyên văn tiếng Anh “Nhân Văn Giai Phẩm on Trial: The Prosecution of Nguyễn Hữu Đang and Thụy An”) trên Tạp chí Việt Nam Học(Journal of Vietnamese Studies), số Hè-Thu 2016.

    Ngay hồi mùa hè 2014, khi được P. Zinoman cho xem tài liệu này. Tôi đã phải thừa nhận với anh, đây là tài liệu rất đáng kể. 

    Gần đây, Nguyễn Nguyệt Cầm, vợ P. Zinoman đã giúp anh đánh máy văn bản kể trên. Là người được hai bạn cho đọc sớm tài liệu này, tôi xin trân trọng cảm ơn hai bạn và giới thiệu cùng bạn đọc xa gần!

    LẠI NGUYÊN ÂN

    ————————————

    Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

    Phông: Giáo sư Nhà Nghiên cứu Văn học Đặng Thai Mai

    Hồ sơ 237, gồm 145 tờ

    Tài liệu của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam về cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân văn-Giai phẩm” trên mặt trận Văn nghệ năm 1958

     

    VĂN BẢN:

    Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội

    GIỚI THIỆU KINH NGHIỆM CÔNG TÁC CỦA TÒA ÁN VỀ VỤ GIÁN ĐIỆP PHẢN CÁCH MẠNG PHÁ HOẠI HIỆN HÀNH NGUYỄN HỮU ĐANG VÀ THỤY AN

    I. Công tác của Viện Công-tố và của Tòa-án sau khi thụ lý vụ án

    A. Bổ sung hồ sơ

    B. Xét hỏi và giáo dục bị can

    C. Kế hoạch phiên tòa

    II. Phiên tòa xử vụ án

    III. Một số nhận xét

    Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 1960

    Chánh án: Nguyễn-Xuân-Dương   

    I. Công tác của Viện Công-tố và của Tòa án sau khi thụ lý vụ án:

    Sau khi nhận được hồ sơ của Công-an và thụ lý vụ án, Viện Công-tố dựa vào hồ sơ và đề nghị của công-an, tiến hành nghiên cứu tìm hiểu nội dung và tính chất vụ án, tội trạng và vai trò của từng bị can rồi tiến hành thẩm cung. Theo như thông thường, làm các việc này nhằm mục đích thẩm cứu lại vụ án và hoàn thành hồ sơ để đưa ra tòa xử.

    Vì là một vụ án quan trọng, phức tạp nên lúc hồ sơ công an chuyển sang, Tòa-án và Viện Công-tố đã phối hợp làm các việc kể trên. Tòa-án tối cao cũng cử hai cán bộ nghiên cứu xuống giúp đỡ Tòa-án và Viện Công-tố Hà Nội.

    Hồ sơ Công-an chuyển sang gồm:

    1/ Các bản hỏi cung của bị can là Nguyễn-hữu-Đang, Lưu-thị-Yến tức Thụy An, Trần-thiếu-Bảo tức Minh-Đức, Phan-Tại, Lê-nguyên-Chí.

    2/ Các bản tự khai của một số phần tử có liên can trong vụ này như Hoàng-Cầm, Lê Đạt…

    3/ Một số tài liệu làm vật chứng như bản thảo bài xã luận số 6 báo Nhân văn, giấy tờ giao dịch giữa Đang với một số văn nghệ sỹ, tư sản phản động.

    Theo hồ sơ này, bọn Nguyễn-hữu-Đang, Trần-thiếu-Bảo, Phan-Tại thú nhận đã có một số hành động như lợi dụng ra báo chí, xuất bản sách, diễn kịch, chiếu phim, hội họp để xuyên tạc, bôi đen chế độ kích động quần chúng, gây một số tác hại cụ thể.

    Về âm mưu chính trị của Nguyễn-hữu-Đang và đồng bọn thì các nhân chứng khai Đang có dự định mở rộng tòa soạn báo Nhân văn, tiến tới thành lập một đảng phản cách mạng, đảng “Nhân Văn”; Đang có liên lạc với các nhóm và các phần tử phản cách mạng khác ở Đại học, giới công thương để phối hợp các hoạt động chống đối. Nhưng Đang ngoan cố chối cãi lúc hành động không có ý thức phá hoại, chỉ có những sai lầm về nhận thức, tư tưởng.

    Ảnh chân dung Nhà văn Thụy An in trong sách “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan năm 1943

    Về Thụy An thì thú nhận có liên lạc với một tên cốt cán Việt-Nam Quốc dân Đảng phản động ở Hải-phòng và một tên trùm gián điệp là Durand ở Hà Nội, nhận nhiệm vụ làm sa đọa tư tưởng trong giới văn nghệ, tuyên truyền xuyên tạc các chính sách của chính phủ, hòng lũng đoạn tư tưởng của nhân dân. Thị thú nhận đã thực hiện âm mưu ấy sau khi báo Nhân văn đóng cửa đối với số văn nghệ sỹ xấu trong nhóm Nhân Văn thường hay lui tới nhà thị. Nhưng Thụy-An cố che dấu [sic] không khai gì về hoạt động của thị trong thời gian Đang ra báo Nhân văn hoặc về sự tham gia của thị vào các hoạt động phản cách mạng của bọn Trần-thiếu-Bảo, Phan-Tại, hồ như là thị không dính líu gì đến các hoạt động phản cách mạng của Đang và đồng bọn.

    Nói tóm lại, Thụy-An cũng như tất cả các bị can khác đều chối không có cấu kết với nhau thành một tổ chức, tuy có liên lạc với nhau. Chỉ riêng Trần-thiếu-Bảo khai Đang là “quân sư” của nhà xuất bản Minh Đức do Bảo làm chủ nhiệm.

    Tuy vậy, trước những tài liệu và cung chứng đã có, Viện Công-tố và Tòa án Hà Nội cũng thống nhất với nhận định của Công-an thấy trong vụ này có đầy đủ bằng chứng để truy tố và xét xử các bị can về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp để tuyên truyền phá hoại, bôi đen chế độ, kích động quần chúng, tiến tới tập hợp lực lượng gây phiến loạn. Viện Công-tố và Tòa-án chuẩn bị kế hoạch đưa vụ án ra xử về tội trên. Trong dự thảo bản luận tội của Viện Công-tố, bản kế hoạch phiên tòa và bản án đều xoáy về mặt các bị can lợi dụng các quyền tự do dân chủ để phá hoại.

    Vụ án là một vụ án lớn có ảnh hưởng về nhiều mặt nên trước khi xử, Tòa-án đã đệ hồ sơ lên thỉnh thị Trung-ương để cho ý kiến về đường lối.

    Sau khi nghiên cứu hồ sơ và kinh nghiệm hoạt động gián điệp quốc tế như vụ phiến loạn Hungari, Trung-ương vạch rõ cho thấy tính chất âm mưu hoạt động của bọn bị can này là âm mưu và hoạt động của bọn gián điệp, phản cách mạng phá hoại hiện hành, thực hiện kế hoạch chiến tranh tâm lý của đế quốc bên ngoài để lũng đoạn tư tưởng và kích động quần chúng gây phiến loạn, không phải là một bọn phản cách mạng thường. Nếu đem xử theo như nhận-định và đề nghị của công-an, Tòa-án và Viện Công-tố Hà Nội thì không đánh đúng tội, không vạch được toàn bộ âm mưu và thủ đoạn của địch để nâng cao cảnh giác của quần chúng và có thể còn có những người hoài nghi đường lối và chính sách của ta là đem xử những người đối lập với ta về quan điểm, tư tưởng, và cho ta là hẹp hòi.

    Trước nhận định của Trung-ương, lúc đầu, một số trong cán bộ của Tòa-án và Viện Công-tố chưa được thông suốt và thấy nhiều khó khăn do khi thẩm cung đã vấp phải sự kiên trì ngoan cố của các bị can, nhất là Đang và Thụy-An. Nhưng đi sâu vào nghiên cứu lại hồ sơ và tài liệu, Viện Công-tố và Tòa-án dần dần thấy nhận định của Trung-ương vạch ra càng ngày càng sáng tỏ, nên củng cố được nhận thức, thêm được tin tưởng và có sự nhất-trí và quyết tâm bổ sung cuộc điều tra, vạch cho được thực chất của vụ án như Trung-ương đã nhận định.

    Để làm công việc này, và sau khi có nhận định của Trung-ương, ba cơ quan Công-an, Tòa-án, và Viện Công-tố đã chặt chẽ phối hợp với nhau tiến hành một số công tác sau đây: bổ sung hồ sơ, hỏi cung và giáo dục bị can, chuẩn bị kế hoạch phiên tòa.

    A. Bổ sung hồ sơ:

    Như đã nói trên, trong hồ sơ Công-an đã lập mà Viện Công-tố và Tòa-án đã tham cứu lại, có nhiều tài liệu:

    1/ Về hoạt động của Đang và đồng bọn về mặt lợi dụng các quyền tự do dân chủ để phá hoại cách mạng cũng như về âm mưu chính trị phản cách mạng của Đang;

    2/ Về hoạt động gián điệp của Thụy-An cụ thể là việc Thụy-An liên lạc với Quốc dân đảng phản động, với trùm gián điệp Durand, việc thị kích động các văn nghệ sỹ xấu sau khi báo Nhân văn đóng cửa, hoặc thị đã nói những lời khiêu khích trong các buổi họp công khai của các giới trí thức, công thương ở các câu lạc bộ.

    3/ Trong hồ sơ cũng cho biết Thụy-An và Đang cũng như các văn nghệ sỹ khác có đi dự hội nghị học tập 18 ngày của Hội Nhà văn mở vào đầu 1956 (trước ngày có báo Nhân văn). Trong hội nghị này, Thụy-An, Đang, Phan Khôi và một số văn nghệ sỹ xấu ở Hà-nội đã kích động các văn nghệ sỹ khác bằng cách xuyên tạc bôi đen chế độ; khi báo Nhân văn ra, Thụy-An có đến nơi nhà Đang ở một lần.

    Nhưng vì ở Công-an cũng như ở Viện Công-tố và ở Tòa-án, phần vì chưa nhận thức thấy tính chất của vụ án như T.Ư. đã nhận định, phần vì các bị can đã tìm cách chối cãi để đánh lạc hướng cuộc điều tra, làm cho lầm tưởng Thụy-An và Đang hoạt động riêng lẻ, không có sự cấu kết với nhau ngay từ lúc đầu khi ra báo Nhân văn, nên lúc hỏi cung các bị can không xoáy sâu vào các điểm như:

    Sự cấu kết giữa Đang và Thụy-An, sự tham gia của Thụy-An vào các hoạt động của Đang và đồng bọn. Do đó hồ sơ đã lập không làm sáng tỏ được tính chất gián điệp và phản cách mạng phá hoại hiện hành của vụ án: nay cần bổ sung thêm hồ sơ về các điểm ấy.

    Để bổ sung hồ sơ, phải gọi thêm một số nhân chứng, hỏi lại các nhân chứng đã hỏi lần trước và sưu tầm thêm tài liệu.

    Kết quả của bước công tác này là:

    1/ Khi gọi thêm nhân chứng đã phát hiện thêm một nhân vật mới là Huyền-Sơn, phụ trách phát hành báo Nhân văn trước đây chưa chú ý tới. Huyền-Sơn khai: khi ra báo Nhân văn, Thụy-An qua Phan Tại giới thiệu Huyền-Sơn đến cộng tác với Đang và qua Huyền-Sơn, Thụy-An đã theo rõi rất sát hoạt động của báo Nhân văn; Đang có đến nhà Thụy-An, và Trần Duy là thư ký tòa soạn thì thường xuyên lui tới nhà Thụy-An.

    2/ Phát hiện thêm trong thời kỳ hội nghị học tập 18 ngày của hội nhà văn, ngoài việc gặp nhau ở hội nghị, Thụy-An và Đang cùng mấy văn nghệ sỹ xấu, trong đó có tên làm gián điệp cho Pháp (2B) hồi tạm chiếm, có đi ăn uống ở một phạn điếm ở Hàng Buồm bàn bạc chuyện ra báo.

    3/ Phát hiện thêm Thụy-An và Phan-Tại có giúp đỡ Trần-thiếu-Bảo tổ chức các buổi chiêu đãi cổ động cho các tập giai phẩm và kích động các văn nghệ sỹ viết các sách báo phản động; Thụy-An cộng tác chặt chẽ với Phan-Tại trong công việc diễn kịch, chiếu phim.

    4/ Phát hiện Đang và Thụy An đã từng bàn bạc với nhau nhiều vấn đề về âm mưu và hoạt động phản cách mạng, cụ thể như các vấn đề về:

    – Chủ trương của bọn chúng là thay đổi đường lối tiến tới thay đổi người và thay đổi tổ chức;

    – Báo Sáng Tạo, một tờ báo về điện ảnh xuất bản để đả kích phim các nước phe ta, là chi nhánh của báo Nhân văn;

    – Tác dụng của báo Nhân văn;

    – Việc phái người đi nắm các nhóm kịch để gây cơ sở hoạt động tác động tinh thần.

    Những tài liệu mới này hệ thống lại với các tài liệu đã khai thác trước làm cho thấy rõ: sự cấu kết giữa Thụy-An và Đang và sự tham gia của Thụy-An các hoạt động phản cách mạng của Đang và đồng bọn.

    B/ Hỏi cung và giáo dục bị can:

    Trên cơ sở những tài liệu ấy, ta tiến hành hỏi cung thêm các bị can. Việc hỏi cung này nhằm mục đích xác minh các tài liệu mới thu lượm được, khai thác vụ án, đồng thời để giáo dục các bị can, đánh gục tư tưởng ngoan cố, làm cho chúng phải cúi đầu nhận tội.

    Việc hỏi cung này không phải là dễ dàng để các bị can nhận tội và bọn chúng đã tỏ ra rất ngoan cố nhất là Thụy-An và Đang.

    a.) Hỏi cung và giáo dục Thụy-An

    Thụy-An là một gián điệp lành nghề, có nhiều kinh nghiệm hoạt động phá hoại cách mạng về mặt tác động tinh thần, lại có nhiều mánh khóe khai báo. Thị đã chịu khai ra một số tội ác như liên lạc với địch, nhận nhiệm vụ và thực hiện âm mưu của địch, nhưng lại tráo trở, nhận tội rồi phản cung, phản cung rồi nhận tội làm cho người hỏi cung có thể không biết đâu là sự thực mà lường. Ngoài ra, thị còn có những thủ đoạn trắng trợn như giả điên, tuyệt thực, và liều lĩnh đến mức chọc hỏng một mắt rồi định chọc hỏng một mắt nữa, hoặc có lần cởi cả quần áo khi giam giữ ở xà-lim. Khi khai cung, thị luôn luôn thăm dò thái độ của người hỏi cung.

    Đó là những khó khăn về mặt khai thác Thụy-An, nhưng cũng có những thuận lợi là:

    – Các điều thị đã nhận tội phù hợp với tài liệu ta có được.

    – Thị lo ta trị tội nặng, đó là một biểu hiện thị tự xét thấy có nhiều tội ác.

    – Thị không biết ta có những tài liệu gì về thị (Ta có một số tài liệu và một số nhân chứng khai về tội ác của thị nhưng khi hỏi cung ta không đưa ra hoặc không đối chất, mục đích để tránh thái độ của thị là chỉ khai nhận những sự việc mà ta có tài liệu mà không khai cả sự việc khác).

    Vai trò gián điệp của Thụy An trong toàn bộ vụ án này có một tác dụng quyết định về tính chất và nội dung vụ án, do đó khi xử, nếu nêu ra được vai trò của Thụy An là nêu cao được cảnh giác của quần chúng, tranh thủ được các phần tử lừng chừng còn hoài nghi về vụ án vì thấy ta để chậm chưa xử. Vì vậy ta quyết tâm đi sâu khai thác thị trên cơ sở những tài liệu đã có hoặc mới thu lượm được, coi việc khai thác thị là một trong điều phải giải quyết bằng được để phục vụ cho yêu cầu vụ án.

    Lần khai thác trước ở Công-an cũng như ở Tòa-án và Viện Công-tố, Thụy An đã khai nhận một số sự việc như đã liên lạc với Durand để nhận nhiệm vụ của địch và đã thực hiện âm mưu của địch trong một số hoạt động; nhưng khi hỏi thị có phải là gián điệp do địch cài lại ở miền Bắc không, thì thị chối và khai nói thị ở lại miền Bắc là vì thấy chế độ miền Bắc tốt đẹp, ghét đế quốc, sở dĩ thị phải nhận nhiệm vụ của địch là vì bọn địch khống chế thị bằng cách đe dọa làm hại các con thị hiện ở trong Nam cả; hỏi thị về sự cấu kết với Đang lúc mới ra báo NV, thị cũng chối, thậm chí thị còn khai trắng trợn rằng: “Hồi tạm chiếm, tuy làm việc cho địch nhưng thị hướng về kháng chiến và thị có nhiều tác phẩm ca ngợi kháng chiến,” hoặc thị khai: sau ngày hòa bình lập lại, thị chỉ có sai lầm về tư tưởng về quan điểm chứ không phải về chính trị phản cách mạng, và thị kết luận: do đó nay hỏi thị sau hòa bình được lập lại thị đã có những hành động gì để thực hiện nhiệm vụ tác động tinh thần địch giao cho, thì khó mà giả lời được cụ thể vì thị không phân biệt được các hành động ấy với việc do tự ý thị làm hay nói ra hồi đó; nhất là vào hồi 56, 57 vì ta phạm nhiều sai lầm trong cải cách ruộng đất, một số văn nghệ sỹ khác cũng xuyên tạc, bôi đen chế độ, ăn nói bừa bãi, thị theo đà mà nói.

    Trên đây là cách chống đỡ của Thụy An trong đợt khai thác trước và lúc bước vào đợt khai thác này. Nhưng trong đợt này, sau khi nghiên cứu rất kỹ các tài liệu về hoạt động của thị, nắm được cụ thể hệ thống hoạt động phản cách mạng của thị từ hồi Pháp thuộc, kế hoạch của ta là hỏi về từng giai đoạn hoạt động của thị kể cả hồi Pháp thuộc và tạm chiếm (không phải là hỏi sơ qua để biết sơ lược quá trình hoạt động), tiến từng bước, hỏi từng sự việc rồi phân tích, phê phán, mục đích là để khi hệ thống lại, vạch cho thị thấy tư tưởng phản cách mạng của thị càng ngày càng trắng trợn, và, do đó, vạch cho thị thấy sự mâu thuẫn giữa hoạt động và tư tưởng phản cách mạng của thị với lời thị khai và thị không có đường chối cãi nữa.

    Lúc hỏi về quá trình hoạt động phản cách mạng hồi Pháp thuộc hay hồi tạm chiếm, thấy ta phân tách sâu sắc và có hệ thống, và ta nắm được những sự việc mà thị phải suy nghĩ mới nhớ ra được, thị tỏ ra sợ sệt, một mặt không dám che dấu nữa, nhưng một mặt cũng lo lắng. Nhân đó ta giải thích lại cho thị thấy rõ thêm chính sách của Chính phủ đối với những việc đã qua không trừng phạt; và nhấn mạnh mục đích của Tòa-án hỏi ngược trở lại các hoạt động về các giai đoạn trước rồi phân tách, phê phán như thế là để thị thấy rõ bản chất tư tưởng và hành động của thị, giúp đỡ thị thấy được rõ tội ác của mình về những hoạt động phá hoại hiện hành. Có như thế thị mới thấy được hình phạt của thị sau này là đúng tội, và như thế tư tưởng thị mới được ổn định, thị mới yên tâm để nhận sự giáo dục cải tạo trong nhà giam. Nhân đây ta cũng nhấn mạnh cho thị biết, Tòa-án của ta phản ánh tính chất nhân đạo khác với Tòa-án của đế quốc chà đạp con người.

    Vừa giáo dục vừa khai thác theo kế hoạch trên về các hoạt động phản cách mạng của Thụy-An trong thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ tạm chiếm, qua sự phân tích phê phán việc thị dựa vào Marty, Tholance để ra báo Phụ nữ hồi Pháp thuộc, việc trong thời tạm chiếm, thị cấu kết với Đỗ-đình-Đạo, thị làm phó giám đốc Việt-tấn-xã, việc thị giao thiệp với các tướng tá cao cấp như Cogny, de Tasigny, thị xin cho Đỗ-đình-Đạo làm quân thứ hành chính hoặc phụ trách một màng lưới gián điệp v.v… tư tưởng của thị bắt đầu chuyển: thị không ngoan cố chống đỡ như trước nữa và xác nhận cuộc đời của thị là một cuộc đời đầy dẫy tội ác, tư tưởng của thị là một hệ thống tư tưởng phản cách mạng sâu sắc.

    Khi kết thúc việc giáo dục và hỏi cung Thụy An về các hoạt động trong giai đoạn hồi Pháp thuộc và hồi tạm chiếm thị đã nói lên: “Từ 43 năm nay, bây giờ, nhờ có sự giáo dục của Tòa-án, thị mới dừng lại nhìn về cuộc đời quá khứ của mình, giám mạnh giạn thấy rõ các tội lỗi và mạnh giạn nói ra không che dấu nữa.” Thị cũng bắt đầu tin tưởng ở sự kiên trì giáo dục của ta để khi thấy rõ tội lỗi đối với chế độ mà hối cải. Thị nói trước đây bị đế quốc nhồi sọ đến cực độ nên có một ấn tượng rất rùng rợn về cách đối xử của ta đối với gián điệp và thị cho cách ta đối xử với thị hoặc đối với các can phạm khác trong nhà giam (cả đến việc ta chạy chữa cho thị khi thị chọc hỏng mắt) là thủ đoạn, nay thị mới bắt đầu thấy tính chất xuyên tạc của luận điệu của đế quốc, và thị bắt đầu thấy rõ tội của thị là sau hòa bình, khi Chính-phủ khoan hồng đối với thị, tạo điều kiện cho thị hoạt động văn nghệ thì thị lại chống lại Chính-phủ, phá hoại cách mạng.

    Trên đà biến chuyển tư tưởng của Thụy-An, ta bước sang hỏi thị về các tội phá hoại hiện hành sau hòa bình.

    Ta biết rằng không phải dễ dàng mà Thụy An nhận và có thể thị lại khóc lóc hay giả điên để chống đỡ, phản cung, nhất là nếu ta hỏi thị về tội thị là gián điệp do địch cài lại hoặc về tội cấu kết với Nguyễn-hữu-Đang ngay từ lúc ra báo Nhân văn. Vì vậy ta cũng không đi ngay vào hỏi các điểm này mà trước đây thị chối và vẫn dùng phương pháp tiến từng bước, hỏi lại từng sự việc thị đã thú nhận rồi phân tích phê phán để thị xác nhận làm các việc như liên lạc với Quốc dân đảng phản-động, với trùm gián điệp Durand ở Hà Nội, v.v… chỉ là tiếp tục một quá trình hoạt động phản cách mạng do tư tưởng phản cách mạng chỉ đạo; đối với việc thị phản tuyên truyền, bôi đen chế độ, thị cũng xác nhận đó cũng là tiếp tục những hoạt động tác động tinh thần hồi làm ở Việt-tấn-xã…

    Sau khi Thụy An xác nhận, bước sang hòa bình được lập lại, thị vẫn tiếp tục phá hoại cách mạng và tư tưởng của thị là tư tưởng phản cách mạng sâu sắc, không có một lúc nào thị nghĩ tới cách mạng, ta vạch ra mâu thuẫn giữa lời xác nhận này với lời thị khai trước là sau hòa bình, thị ở lại miền Bắc vì yêu chế độ miền Bắc, vì cách mạng. Rồi ta hỏi lại thị về mục đích ở lại miền Bắc của thị, thì thị không chối cãi việc thị ở miền Bắc là do địch cài lại.

    Về mấu chốt vấn đề Thụy An nhận thị là gián điệp do địch cài lại để hoạt động phá hoại ta, các điểm khác như sự cấu kết với Đang để hoạt động phản cách mạng thực hiện âm mưu của địch, thị thú nhận một cách tương đối dễ dàng và do đó làm sáng tỏ toàn bộ vụ án, sáng tỏ thực chất vụ án là một vụ gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành.

    Cuối cùng sau khi đã hỏi cung, ta để cho Thụy-An viết một bản tự thú toàn bộ tội lỗi và sự diễn biến tư tưởng trong nhà giam, một mặt để lấy tài liệu làm bằng chứng, mặt khác cũng là để thị hệ thống hóa lại toàn bộ hoạt động phản cách mạng của thị đảm bảo khai báo được tốt ở phiên tòa. Thị đã làm một bản tự khai trên 100 trang nói rõ tội lỗi của thị, quá trình diễn biến tư tưởng ngoan cố từ khi bị bắt, nhận rồi chối, chối rồi nhận, nay xin thành khẩn nhận tội và trước những tội ác đã phạm thị thấy tội của thị rất to, tòa phạt bao nhiêu cũng được, nếu chiếu cố khoan hồng được chừng nào hay phần ấy.

    Cuộc thẩm cung kết hợp với giáo dục tiến hành đến đây có thể nói là đã thu được thắng lợi căn bản, làm sáng tỏ tính chất vụ án và có thể nắm chắc chắn kết quả phiên tòa vì một phần tử ngoan cố trong những phần tử ngoan cố nhất đã bị đánh gục.

    Tuy vật từ khi kết thúc cung đến khi ra tòa, Thụy-An cũng có nhiều diễn biến, hễ thấy những thay đổi nhỏ trong nhà giam là thắc mắc, khóc lóc, có khi tư tưởng dâm ô trụy lạc trỗi dậy cũng làm cho trại giam gặp khó khăn, gây một thái độ ngại ngùng về thái độ nhận tội mà ta phải chú trọng giải quyết.

    b.) Hỏi cung và giáo dục Nguyễn Hữu Đang

    Việc hỏi cung Nguyễn Hữu Đang cũng không phải là không gặp nhiều khó khăn hơn. Đang là một tên đầu sỏ, có nhiều hoạt động phá hoại trắng trợn, âm mưu và hoạt động của y đã bộc lộ trên sách báo, trên sự giao dịch với các nhóm hay các phần tử phản cách mạng khác, nhưng thái độ ngoan cố của y có những đặc điểm như sau:

    1/ Y không nhận là có mục đích phá hoại, khi hành động là có ý thức xây dựng chế độ, chỉ vì có nhận thức và quan điểm sai lầm nên mới thành tội; y lại cho rằng chỉ bênh vực một số quan điểm sai lầm về văn nghệ và hiện nay có những điểm như giá trị bức tranh của Nguyễn Sáng (in trên báo Nhân văn số 1) y vẫn cho quan điểm của y cho bức tranh ấy là một tác phẩm có giá trị là đúng.

    2/ Khi y khai thường đưa ra nhiều lý luận về văn nghệ cố tình làm cho người hỏi cung dễ bị động sa vào thảo luận về quan điểm văn nghệ, nhằm đánh lạc hướng hỏi về tính chất phản cách mạng của hoạt động của y…

    3/ Thủ đoạn của Đang là lúc khai y đưa ra các sai lầm của ta trong cải cách ruộng đất hoặc một số sai lầm của ta trong văn nghệ và lấy đó làm xuất phát điểm của sai lầm của y, thậm chí trong khi giả lời y còn trắng trợn thường hay nêu tên của một số đồng chí trong văn nghệ và khai nói trước đây y có nhận thức sai nên cho các đồng chí y nêu tên đã phạm một số sai lầm và quan điểm của y trong báo NV là để xây dựng cho các đồng chí này. Y cũng đã nói với Hoàng Cầm trước khi y bị bắt nếu ta đưa y ra Tòa-án, thì y sẽ biến vụ án này thành một vụ án như vụ Dreyfus trước ở Pháp mà chính người bị cáo sẽ đứng ra buộc tội (l’accusé accuse).

    4/ Y luôn luôn lợi dụng y là cán bộ tham gia kháng chiến và tự cho là một cán bộ sai lầm về quan điểm và nhận thức chứ không phải là một can phạm, và cách khai báo của y là để tranh thủ cán bộ hỏi cung không xem y như là một can phạm.

    Nhưng đối với Đang cũng có một số thuận lợi là ta có nhiều tài liệu về hoạt động của y như các sách báo phản động do y viết hoặc tham gia xuất bản, các thư từ về việc y trốn đi Nam theo địch, về việc y giao dịch với bọn tư sản phản động…

    Trên tình hình phân tích tính chất của bị can như trên, ta tiến hành thẩm cung Nguyễn-hữu-Đang.

    Phương pháp đối với Đang cũng như đối với Thụy An, ta không nóng vội và tiến hành từng bước, đi từng sự việc cụ thể, đấu tranh để phân tích đó là những hoạt động phản cách mạng do tư tưởng phản cách mạng chỉ đạo. Nhưng, khác với Thụy An là đối với Thụy An khi hỏi cung ta thắt chặt từng vấn đề, đối với Đang ngoan cố hơn, có nhiều thủ đoạn hơn, ta thắt chặt từng điểm một.

    Kế hoạch bước vào hỏi cung là đánh cho gục thái độ ngoan kháng của Đang tự cho y là cán bộ đã tham gia kháng chiến, chứ không phải là phần tử phản cách mạng bằng cách trước hết hỏi y về việc y đã 4 lần chuẩn bị trốn đi Nam theo địch, và việc y lui tới nhà Thụy An là một gián điệp mà ở Hà Nội không ai là không biết. Hỏi các sự việc này rồi đấu tranh bắt y phân tích và công nhận tính chất phản cách mạng của con người y qua những sự việc ấy.

    Đánh gục được điểm này, tiếp đến đánh gục luận điệu của Đang là y không có tư tưởng chống đối, y chỉ bênh vực một số quan điểm văn nghệ chỉ sai lầm về quan điểm và nhận thức.

    Trước hết ta phải tránh sa lầy vào thảo luận về văn nghệ, và phải luôn luôn chủ động trong khi hỏi cung. Nhưng trước khi hỏi cung, phải nghiên cứu thực sâu từng bài báo, cách trình bày báo, nắm được tính chất phản cách mạng của từng bài báo để khi y nêu ra các bài báo mà y cho là có tính chất xây dựng, ta có thể phân tích phê phán, bẻ gẫy được luận điệu của y, vạch trần được tính chất phản cách mạng của tờ báo và của từng bài báo.

    Trong quá trình hỏi cung, Đang đã đưa ra nhiều bài báo nói là có tính cách xây dựng, ta đã bẻ gẫy từng bài một. Cả đến những bài y viết nói là đả kích chế độ miền Nam nhưng thâm ý là đả kích chế độ ta, hoặc những bài dịch tác phẩm của các văn nghệ sỹ phe ta mà y khai là hoàn toàn có tính cách văn nghệ nhưng thâm ý là để xuyên tạc nền văn học và nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, ta cũng vạch trần được ác ý và âm mưu của bọn chúng y.

    Vì vậy, cuối cùng Đang phải thú nhận tất cả bọn chúng có tư tưởng chống đối cay cú chế độ, tư tưởng đả kích chế độ, nên không viết được bài nào là xây dựng, các bài báo đều có tính cách vu khống xuyên tạc bôi đen chế độ, kích động quần chúng.

    Sở dĩ Đang rất ngoan cố phải xác nhận điểm này là cũng do ta sưu tầm được nhiều tài liệu khi Đang và đồng bọn hoạt động ra báo NV như những câu chuyện bọn chúng trao đổi với nhau khi viết bài, lên khuôn báo, hoặc những thủ đoạn xảo quyệt của Đang (ví dụ các câu chuyện của bọn chúng khi viết bài đả kích báo Nhân dân, bài không sợ địch lợi dụng…)

    Khi ta hỏi đến vấn đề Đang câu kết với Thụy-An từ trước khi ra báo Nhân văn và trong quá trình ra báo là y sợ nhất và chỉ muốn nhận là sau khi báo Nhân văn bị đóng cửa y mới lui tới nhà Thụy-An. Chỗ này ta phải đấu tranh rất gay gắt.

    Ta lại lùi lại hỏi về quá trình hoạt động của y từ trước như việc hồi đảo chính Nhật y đã đầu hàng Nhật, đeo băng của hiến binh Nhật tự do đi lại các phố ngày Nhật tước khí giới Pháp ở Hà Nội, việc hồi kháng chiến y chạy giài nằm ở Thanh-hóa, rồi hòa bình được lập lại khi về thủ đô, y cấu kết với bọn tư sản phản động ra báo Nhân văn để chống đối chế độ, hòng gây phiến loạn trong tình hình trong nước ta gặp nhiều khó khăn và ngoài nước trong phe ta cũng có những biến cố như vụ phiến loạn ở Hungari, biểu tình ở Potznan… Khi hỏi những sự việc này, vừa hỏi vừa đấu tranh phân tích phê phán để y xác nhận tư tưởng của y là tư tưởng đầu cơ cách mạng, tư tưởng phản cách mạng, và qua những sự việc này, y đã phản cách mạng rõ rệt. Mặt khác, ta cũng nhắc lại cho y biết những buổi y trao đổi ý kiến với Thụy-An về các chủ trương và âm mưu chống phá cách mạng như chủ trương thay đổi đường lối, thay đổi người đến thay đổi tổ chức, tác dụng của báo NV v.v… Cuối cùng y phải nhận tội.

    Như vậy, đối với Nguyễn-hữu-Đang cũng đã đạt được kết quả là y nhận tội, nhận sự cấu kết với Thụy-An.

    Nói tóm lại đối với hai bị can ngoan cố nhất ta đã đánh gục.

    Kết quả đó đạt được do:

    1/ Nhờ có sự nhận định sáng suốt của Trung-ương sau khi nghiên cứu hồ sơ, ta tin tưởng quyết tâm khai thác, sưu tầm tài liệu;

    2/ Ta nghiên cứu kỹ tính chất của mỗi bị can, nắm chắc được một số tài liệu về hoạt động của bọn chúng để kể hoạch hỏi cung từng bước, có trọng tâm, trọng điểm; khi hỏi, dùng phương pháp phân tích phê phán rồi hệ thống lại, để bị can xác nhận tính chất phản cách mạng của tư tưởng và hoạt động của bị can; sau đó ta vạch cho bị can thấy sự mâu thuẫn của lời khai chối của bị can với hệ thống tư tưởng và hoạt động phản cách mạng mà bị can đã xác nhận;

    3/ Khi hỏi cung, khai thác, ta lấy giáo dục để đẩy mạnh việc khai thác:

    — Khi giáo dục ta tránh mơn trớn hứa hẹn khoan hồng mà chỉ phân tích cho bị can thấy rõ tính chất nhân đạo và tốt đẹp của chế độ ta nói chung và nói riêng đối với các bị can là những phần tử phản cách mạng sau khi bị bắt và đương bị giam giữ (lấy ví dụ như khi Thụy-An chọc mắt cho hỏng, ta chăm sóc chữa thuốc, như chế độ ăn học ở trại giam, như ta hỏi cung dựa trên tự giác của bị can, không tra tấn, gò ép, chà đạp lên con người…) để bị can thấm thía với tội lỗi của mình.

    — Ta cũng vạch cho bị can thấy rõ việc ta kiên trì giáo dục bị can là một đặc điểm của nền tư pháp của ta là trừng trị cũng là để giáo dục; vì vậy nên ta giáo dục để bị can thấy rõ được tội lỗi, thấy việc bị giam giữ hiện nay và hình phạt sau này Tòa sẽ xử đến mức nào đi nữa cũng là xứng đáng và cần thiết cho bị can để giáo dục bị can đồng thời cần thiết cho lợi ích chung của xã-hội. Ta lại vạch rõ cho bị can biết nếu bị can chưa thấy được tội lỗi của mình thì không ổn định được tư tưởng, chưa thấy được con đường thoát, và không yên tâm để tiếp thu sự giáo dục trong nhà giam. Ta nhấn mạnh phân tích cho bị can thấy rõ đặc điểm nói trên của nền tư pháp của ta khác hẳn với chế độ hình phạt của đế quốc là chà đạp lên con người, đàn áp con người, sở dĩ làm được như ta là vì ta có chính nghĩa, ta quý trọng con người, bản chất của chế độ ta là nhân đạo.

    Ta không mơn trớn hứa hẹn khoan hồng nhưng qua ta phân tích như trên, bị can cũng thấy qua đó, có tia hy vọng, nếu bị can biết hối cải tư tưởng biến chuyển thì thái độ của ta lúc xét xử tất nhiên có khác vì đó là một sự tất nhiên của chính sách trừng phạt của ta.

    Mặt khác, các bị can là những phần tử gián điệp, phản cách mạng phá hoại hiện hành khi giáo dục, cũng như khi hỏi cung tất nhiên ta phải kiên quyết đấu tranh vạch tội lỗi của bọn chúng đề cao pháp luật của Nhà nước. Nhưng ta lấy lý lẽ mà đấu tranh, phân tích phê phán, ta tránh chỉ trấn áp một chiều, chỉ dùng đao to búa lớn, làm cho bị can sợ, chùn lại không giám khai, không giám nói.

    Yêu cầu là bị can phải khai ra những việc đã làm. Nhưng thái độ tất nhiên của bị can là khi khai thì tìm cách bào chữa, như khi khai ra một hành động phản cách mạng thì khai xen vào những sự việc có tính cách như là bị can có hướng về cách mạng, về lợi ích của nhân dân; nếu ta sốt ruột, hoặc trấn áp bị can bằng đao to búa lớn, hoặc chặn bị can lại không để cho khai hết thì bị can sẽ không khai nữa, không nói hết và cũng không tin ta, cho ta chỉ moi tội. Vì vậy, ta phải đảm bảo tự do khai báo cho bị can để bị can khai hết, nói hết rồi ta mới đấu tranh phân tích cho bị can thấy rõ tư tưởng và hành động phản cách mạng của bị can là chủ đạo, là chính yếu. Gặp những lúc bị can ngoan cố, lì ra không khai báo gì thêm thì ta đặt từng câu hỏi nhỏ đối với những sự việc bị can đã khai nhận, bắt bị can phải đấu tranh tư tưởng với bản thân, phát động được tư tưởng của bị can, làm cho bị can phải từ bỏ thái độ ngoan cố.

    Nói tóm lại, tất cả phương pháp giáo dục, hỏi cung và thái độ giáo dục hỏi cung là làm cho bị can mà khai báo, nói ra những sự việc đã làm để tư tưởng được thanh thoát, tức là ta khuất phục được bị can, chứ không phải bị can sợ ta hay do ta mơn trớn hứa hẹn khoan hồng mà khai. Nếu ta nhẹ về giáo dục bị can, thái độ cũng như phương pháp giáo dục và hỏi cung của ta không khuất phục được bị can thì cách khai thác của ta ít hay nhiều sa vào lối hỏi cung và khai thác của đế quốc thực dân, ta sẽ không đạt được kết quả ta mong muốn là các bị can phải cúi đầu nhận tội.

    c) Hỏi cung và giáo dục các bị can khác:

    Đối với ba bị can khác, chúng tôi cũng kết hợp vừa giáo dục vừa hỏi cung. Nhưng vì là ba bị can kém phần quan trọng hơn, nên thì giờ dành có ít hơn.

    C. Kế hoạch phiên tòa

    a. Yêu cầu của phiên tòa

    Phiên tòa phải vạch rõ được thực chất gián điệp và phản cách mạng phá hoại hiện hành của một vụ án có những đặc điểm sau đây:

    1/ Các bị can đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do báo chí, xuất bản, tự do hội họp để hoạt động phản cách mạng. Vì vậy, một số phần tử trí thức hoặc quần chúng lưng chừng còn hoài nghi vụ án, nhất là ta để lâu chưa xử và kéo dài thời kỳ điều tra, họ có thể lầm tưởng ta không có đủ bằng chứng để buộc tội. Bên ngoài thì địch có thể lợi dụng để xuyên tạc chế độ ta nếu ta sơ hở lúc xét xử.

    2/ Mỗi bị can có một phạm vi hoạt động về từng mặt, báo chí, xuất bản sách, diễn kịch… Bề ngoài hồ như không liên kết với nhau, nhưng thực sự thì các mặt hoạt động ấy đều có sự phối hợp với nhau dưới sự chỉ huy của Đang cầm đầu. Phiên tòa phải vạch rõ được tính chất tổ chức của vụ án.

    3/ Các bị can là những phần tử rất ngoan cố, tráo trở, xảo quyệt, có thể lợi dụng phiên tòa, lặp lại các luận điệu như trong Nhân văn Giai phẩm để tuyên truyền xuyên tạc, khoét sâu một số sai lầm của ta trong cải cách ruộng đất nhằm tranh thủ quần chúng bằng cách làm cho quần chúng lầm tưởng vụ ta đem xử là một vụ án tư tưởng văn nghệ, bọn các bị can không phải là những phần tử phá hoại.

    Kế hoạch phiên tòa, cuộc thẩm vấn, bản buộc tội cũng như bản án phải căn cứ vào yêu cầu chính trị và xuất phát từ đặc điểm nói trên của vụ án.

    b. Thẩm vấn:

    Toàn bộ cuộc thẩm vấn cũng như kế hoạch thẩm vấn từng bị can, từ trình tự hỏi các bị can cho đến trình tự các vấn đề hỏi mỗi bị can, cách đặt câu hỏi đều nhằm đạt được yêu cầu: vạch trần tính chất gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành của vụ án.

    1/ Trình tự hỏi các bị can: Hỏi Thụy An trước để nêu rõ tính chất gián điệp của vụ án rồi tiếp tục hỏi đến Nguyễn-hữu-Đang, Lê-nguyên-Chí, Trần-thiếu-Bảo tức Minh Đức, và Phan Tại.

    2/ Nôi dung hỏi từng bị can: Vừa làm nổi bật tính chất vụ án, đồng thời vừa nêu lên được vai trò của từng tên trong vụ án.

    — Thụy-An: vạch trần bộ mặt gián điệp cao cấp của địch do địch cài lại. Hỏi từ các hoạt động gián điệp trong tạm chiếm rồi bắc cầu hỏi sang các hoạt động gián điệp hiện hành, sự cấu kết với Đang và sự tham gia vào các hoạt động của Đang và đồng bọn.

    — Nguyễn-hữu-Đang: vạch trần bộ mặt phản cách mạng, cấu kết với gián điệp, vai trò đầu sỏ trong việc báo để thực hiện âm mưu hoạt động chiến tranh tâm lý, tác động tinh thần của đế quốc, tiến tới kích động quần chúng gây phiến loạn. (Trước hết bước vào hỏi cung là hỏi việc Đang chuẩn bị đi Nam, việc y cấu kết với Thụy-An, rồi tiếp đó hỏi đến hoạt động báo Nhân văn, âm mưu chính trị…)

    — Trần-thiếu-Bảo tức Minh Đức: Vạch rõ là một tên tư sản phản động, cấu kết chặt chẽ với Nguyễn-hữu-Đang, lợi dụng nhà xuất bản của y làm cơ sở vật chất cho tổ chức phản cách mạng.

    — Phan-Tại: Vạch rõ là một tên lưu manh văn nghệ, chuyên lừa bịp quần chúng, cấu kết chặt chẽ với Thụy-An, dùng nhà y làm câu lạc bộ cho bọn phản cách mạng thực hiện kế hoạch làm sống lại nếp sống dâm ô, trụy lạc hồi tạm chiếm.

    — Lê Nguyên Chí: Vạch rõ là một tên phản cách mạng cũ đã bố trí cho Nguyễn-hữu-Đang trốn đi Nam tiếp tục làm tay sai cho địch.

    Cách đặt câu hỏi: Tránh thái độ các bị can có thể làm cho ta bị động, sa lầy, đưa ta vào thảo luận các quan điểm về văn nghệ, hoặc nêu ra ở phiên tòa một số sai lầm của ta để làm xuất phát điểm của tội lỗi của bọn chúng hoặc nêu tên của một số đồng chí trong văn nghệ… Vì vậy, không hỏi chung chung, mỗi câu hỏi không bao gồm một vấn đề lớn mà phải cụ thể nhằm để hỏi từng điểm một rồi mới tiến lên rút lại quy vào từng vấn đề lớn (ví dụ khi hỏi Đang, ta không hỏi: ảnh đã lợi dụng tự do báo chí như thế nào để hoạt động phản cách mạng, mà ta hỏi cụ thể: vai trò trong việc ra báo, tính chất của các bài báo…)

    Nhưng mặt khác, phiên tòa phải gọn, hỏi phải xoáy vào trọng tâm, trọng điểm.

    Yêu cầu là tự bị can khai ra hoạt động gián điệp và phản cách mạng của chúng như bọn chúng đã thú nhận trong quá trình cuộc điều tra, nhưng phải đề phòng bọn chúng phản cung. Nếu về mỗi vấn đề hỏi chúng, có kế hoạch trước sẽ hỏi những nhân chứng gì, hay sẽ đưa ra những tài liệu gì để hỏi hoặc vạch ra gặp khi bị can chối.

    c. Bản buộc tội, bản án, bào chữa

    Bản buộc tội và bản án cũng được chuẩn bị trước.

    Bản buộc tội là bản tổng hợp âm mưu thủ đoạn của địch, tội ác của từng bị can, và đề cao pháp luật của Nhà nước, chính sách của Chính-phủ để trừng phạt cho thích đáng.

    Trong bản buộc tội cũng phải nêu bật lên được điểm mấu chốt là tính chất gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành của vụ án; nhưng không phải là bằng suy luận mà bằng lời nhận tội của bị can và tài liệu trong hồ sơ, phải lấy lời khai của các bị can để làm bản buộc tội các bị can.

    Bản án cũng vậy phải nêu được tính chất vụ án tránh hết sức khi tuyên lên người ta có thể hiểu lầm là một vụ án tư tưởng hay văn nghệ.

    Về bào chữa không gò bó luật sư, cần để cho luật sư tự do tư tưởng và làm được nhiệm vụ thực sự là bào chữa cho các bị can.

    II. Phiên tòa

    Phiên toàn mở là ngày 19-1-1960 từ 7 giờ sáng đến gần 6 giờ tối, có hơn 500 đại biểu chính quyền các giới, phần đông là trí thức, các cơ quan đoàn thể đến dự.

    Hội đồng xử án gồm d/c Chánh-án Nguyễn-Xuân-Dương trực tiếp ngồi ghế Chánh-án, một vị đại diện Liên hiệp Công đoàn là d/c Cát đã từng lãnh đạo công nhân nhà in Xuân Thu đấu tranh không in sách báo phản cách mạng, và một đại diện Hội nhà báo d/c Phùng-bảo-Thạch đã lão thành trong nghề báo, ngồi ghế Hội thẩm.

    D/c Dương-văn-Đàm, Viện-trưởng Viện Công-tố trực tiếp ngồi ghế Công-tố, luật sư Đỗ-xuân-Sảng bào chữa cho các bị can.

    Sắp xếp thành phần xử án và bào chữa như trên là để tiêu biểu cho tính chất thực sự dân chủ của Tòa án xét xử vụ này.

    Trước khi thẩm vấn các bị can, Tòa án đã làm các thủ tục cần thiết nhất là nêu lên và nhắc cho bị can biết các quyền hạn của bị can trước phiên tòa, trong các quyền hạn này có quyền của các bị can được trả lời đối với các lời khai của nhân chứng, được viện chứng cớ mới để bào chữa, và khi bào chữa thì bị can được khai hết lời mình muốn khai, không hạn chế.

    Tiếp đó theo kế hoạch đã vạch ra, Tòa hỏi các bị can theo thứ tự đã định trước, và đối với từng bị can theo thứ tự từng vấn đề và mỗi vấn đề theo các câu hỏi đã dự kiến. Hỏi từng điểm trước trong từng vấn đề rồi cuối từng vấn đề thì rút lại hỏi một câu để kết thúc vấn đề.

    Thụy-An ra trước tòa đã hoàn toàn nhận tội một cách cụ thể.

    Khi hỏi Thụy-An, Tòa cũng điều một số nhân chứng để làm sáng tỏ thêm tác hại lũng đoạn tư tưởng do thị gây nên.

    Sau Thụy-An, Tòa hỏi Nguyễn-hữu-Đang theo như kế hoạch dự định; trước hết hỏi việc y chuẩn bị đi Nam làm tay sai cho địch, việc y cấu kết với Thụy-An về vạch trần bộ mặt phản cách mạng của y.

    Khi hỏi các sự việc này, Tòa có điều nhân chứng và gọi Thụy-An ra khai về các cuộc họp mà Đang họp bàn bạc với thị về âm mưu thay đổi chủ trương, thay đổi người, thay đổi tổ chức, tác dụng làm báo Nhân văn…

    Hỏi hết phần này, Tòa hỏi đến các hoạt động ra báo Nhân văn, Đang thú nhận là y giữ vai trò chủ chốt từ lo liệu tiền bạc cho đến bài vở, viết các bài chính.

    Đối với tính chất các bài báo ta tránh đi sâu hỏi vào từng bài hay một số bài chính mà ta chỉ đặt câu hỏi để y khai về tính chất các bài báo nói chung, thì y đã thú nhận các bài báo đều có tính chất xuyên tạc bôi đen chế độ, kích động quần chúng và tư tưởng của bọn chúng là tư tưởng chống đối cay cú, thủ đoạn là tranh thủ quần chúng để đấu tranh chống đối v.v…

    Đáng lẽ ở đây ta bắt ngay sang hỏi về bài xã luận số 6 hô hào quần chúng biểu tình thì ta đã quá lệ thuộc vào kế hoạch điều động chính câu hỏi để xác minh một số điểm mặc dù có điểm bị can đã thú nhận, và làm loãng mất trọng tâm một phần nào.

    Khi quay lại hỏi về bài xã luận số 6 kích động quần chúng xuống đường biểu tình gây phiến loạn, Đang nhận có viết bài ấy song ta đã sơ hở hỏi y mục đích viết bài ấy để làm gì, đáng ra chỉ nên hỏi về tính chất của bài ấy. Vì sơ hở hỏi đến mục đích của y khi viết bài báo nên y xoay vào đó khai để bào chữa là lúc viết bài không lường được tác hại. Sơ hở nữa là trước lời khai này ta không đập lại bằng một câu hỏi đã dự định trong kế hoạch là nêu ra câu chuyện Đang đã nói với một người bạn: “Tao chỉ tiếc lúc Nhân văn không làm mạnh hơn nữa chứ không có hối hận gì cả.” (Lời của Đang nói với bạn).

    Nói tóm lại về Đang, cung khai cũng tốt, y cũng nhận tội, nhất là phần đầu và trước Tòa y không dở được một thủ đoạn bào chữa nào như là nêu lên một số quan điểm văn nghệ, nêu lên là y chỉ sai lầm về nhận thức và quan điểm, hoặc nêu lên các sai lầm của ta trong cải cách ruộng đất để làm xuất phát điểm của sai lầm của y, hoặc nêu lên một số đồng chí trong văn nghệ như trước đây hỏi cung y ở Công-an hay Công-tố, y từng đã nêu ra để bào chữa.

    Đối với ba bị can khác, Tòa hỏi gọn, nhưng có phần sơ sài, nhất là đối với Lê-nguyên-Chí, do đó, khi tuyên án phạt Chí 6 năm phạt giam, có một số quần chúng đi dự phiên tòa cho là ta phạt Chí nặng.

    Tiếp đến phần buộc tội và phần bào chữa. Bản buộc tội cũng ăn khớp theo cuộc thẩm vấn nêu rõ tính chất của vụ án, âm mưu đen tối của địch, tội ác của các bị can, đồng thời bổ sung được một số điểm mà cuộc thẩm vấn chưa làm tỏ rõ như câu chuyện Đang nói với bạn tiếc hồi Nhân văn không làm mạnh hơn nữa, các câu chuyện Durand trao đổi với Thụy-An…

    Luật sư đã thực sự bào chữa cho các bị can, tuy cũng đứng trên một quan điểm với Viện Công-tố là các bị can đã phạm tội có tính cách nghiêm trọng.

    Khi được khai lời khai cuối cùng, các bị can không một tên nào chối cãi và tất cả đều hoàn toàn nhận tội Viện Công-tố đã vạch ra.

    Nói tóm lại, phiên tòa đạt được các yêu cầu đề ra. Chỉ khi hỏi cung Đang về phần sau có thiếu sót; thiếu chủ động, ta để cho Nguyễn-hữu-Đang khai hơi miên man và ta thiếu linh hoạt, quá lệ thuộc vào kế hoạch, đánh không gọn. Thiếu sót này cũng do trong tư tưởng đánh giá địch quá cao. Mặc dù ta đã nắm rất chắc hồ sơ tài liệu, và tất cả các bị can đã bị đánh gục trong quá trình cuộc điều tra, lúc ra Tòa ta vẫn e ngại các bị can trỗi dậy chống đối nên ta lệ thuộc vào kế hoạch muốn đánh chắc ăn chắc không giám thay đổi kế hoạch để đánh cho gọn. Thiếu sót này cũng do ta chưa quan niệm sâu sắc phiên tòa là một đợt đấu tranh cuối cùng với địch, đợt này có nhiều lực lượng hỗ trợ, có đông đảo quần chúng dự phiên tòa, có Viện Công-tố, ta lại có chính nghĩa, ta nhất định thắng.

    Sau phiên tòa, qua dư luận chung của nhân dân đến dự phiên tòa thì họ nói rằng: trước khi đến dự phiên tòa, họ còn hoài nghi tính chất gián điệp của vụ án, sau khi tòa xử, họ thấy thực chất là một vụ gián điệp, vì vậy họ có thắc mắc ta xử Thụy An và Đang còn nhẹ. Trong các giới sinh viên, trí thức nói chung, dư luận đều thống nhất là vụ gián điệp.

    Đối với văn nghệ sỹ xấu có liên can trong vụ này họ cũng thừa nhận phiên tòa thực sự dân chủ. Bọn chúng đã nói: “Phiên tòa dân chủ, hay, gọn, văn minh, không có xỉ vả, trấn áp, Đang nói nhùng nhằng vẫn để cho nói.” Có tên nói trước khi đến phiên tòa, tưởng tòa lại tổng kết về quan điểm văn nghệ như ở Hội văn nghệ đã tổng kết mấy lần trước, nay mới thấy rõ âm mưu và thực chất phản cách mạng và gián điệp của Đang với chứng lý cụ thể, rõ ràng, và tự nhận mình thấy mù quáng để Đang lôi kéo vào tròng hoạt động Nhân văn, mắc mưu của Đang.

    Nói tóm lại, bọn văn nghệ sỹ xấu này, trước hoài nghi nhiều về vụ án, cho ta để lâu không xử là vì không có tài liệu, chứng cớ, thì sau phiên tòa đã nhận thấy ta có rất nhiều tài liệu, bọn Đang là có tội.

    Phiên tòa đạt được kết quả tốt như thế nhưng ta xử trong một phạm vi hẹp đáng ra sau phiên tòa ta phải tiện (?) báo chí. Tiếc rằng báo chí đăng có một bài mà lại không xoáy vào trọng tâm là tính chất gián điệp và phản cách mạng phá hoại hiện hành của vụ án như không nêu lên các lời nhận tội của Thụy-An, Nguyễn-hữu-Đang.

    III. Một số nhận xét

    Qua điều tra và xét xử vụ án ta rút ra một số nhận xét như sau:

    1/ Về sự lãnh đạo của Đảng

    Tòa-án nằm trong hệ thống bộ máy chuyên chính của Nhà nước, phục vụ một yêu cầu chính trị nên luôn luôn phải có sự lãnh đạo của Đảng. Vụ án này đã làm sáng tỏ thêm quan điểm lý luận trên đây. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, ta đã xét xử một vụ án không đúng tội; không vạch trần được âm mưu của địch.

    2/ Về sự lãnh đạo về tư tưởng của cán bộ và nghiệp vụ

    Trong chức năng của mình, Tòa-án phải được Đảng lãnh đạo chặt chẽ, nâng cao lập trường, quan điểm để thống nhất tư tưởng trong mọi hoạt động. Trong quá trình tiến hành vụ án lúc đầu sự lãnh đạo tư tưởng cán bộ chưa chặt chẽ nên có anh em thiếu tin tưởng, sau dần dần uốn nắn được tư tưởng mới thu được kết quả tốt.

    Mặt khác, công tác nghiệp vụ của Tòa-án là một nghiệp vụ chính trị, nên trong vụ án, mọi công tác cần phải lấy yêu cầu chính trị làm phương hướng.

    3/ Về nhiệm vụ của Tòa-án cũng như của Viện Công-tố

    Thông thường khi hồ sơ của một vụ án ở Công-an chuyển sang, Công-tố cũng như Tòa-án chỉ căn cứ vào hồ sơ và nhận định của Công-an, thẩm cứu lại rồi đưa ra Tòa xử mà ít khi chủ động nhận xét, phát hiện thêm vấn đề.

    Nói một cách khác, là Công-tố và Tòa-án thường lệ thuộc vào nhận xét của Công-an, như trong vụ này, lúc đầu Công-tố và Tòa-án đã rập theo nhận định của Công-an, không phát hiện được tính chất của vụ án. Đây cũng phần vì nhận thức còn kém nhưng cũng phần vì quen nề nếp cũ, chỉ thụ động không có nhận xét mới và như thế là không làm được nhiệm vụ giám sát, kiềm chế lẫn nhau theo đúng với chức năng của Công-tố và của Tòa-án.

    4/ Sự kết hợp chặt chẽ giữa ba ngành Công-an, Công-tố, Tòa-án là cần thiết.

    5/ Một số nhận xét về nghiệp vụ hỏi cung và giáo dục bị can, chuẩn bị phiên tòa.

    Hỏi cung và giáo dục bị can:

    — Phải xuất phát từ tài liệu đã có, tránh truy ép khan, phải có kế hoạch từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, tránh mơn trớn hứa hẹn khoan hồng.

    — Phải song song với việc khai cung giáo dục bị can, thấy rõ không giáo dục tư tưởng bị can thì không khai thác được tốt tài liệu, phiên tòa cũng không đảm bảo được kết quả.

    — Lúc hỏi cung và giáo dục tư tưởng, thái độ đấu tranh phải cương quyết, nhưng không phải vì thế mà chỉ một mực trấn áp, không cho bị can tự do khai báo. Thái độ của ta là không làm cho bị can sợ, mà phải nhằm mục đích làm cho bị can tin ở cán bộ, tin ở Tòa-án, tin ở chế độ để bộc lộ tội ác.

    — Về chuẩn bị phiên tòa thì kế hoạch cần cụ thể, và cần nêu lên yêu cầu của vụ án mà đặt kế hoạch để đạt yêu cầu ấy. Ta xử là để đạt một yêu cầu chính trị chứ không phải là giải quyết một việc. Nếu xét yêu cầu chưa đạt được thì chưa nên xử vì xử mà không đạt được yêu cầu thì có hại hơn là có lợi cho chính trị.

    — Ta có bố trí trước kế hoạch phiên tòa nhưng nên linh hoạt, kịp thời thay đổi nếu xét thấy cần.

    — Ta đánh giá địch cho đúng mức để khi ngồi tòa vững tâm và chủ động.

    Hà Nội ngày 11, tháng 4 năm 1960

    Chánh Án

    Nguyễn-xuân-Dương  

    (Thông tin về Chánh án Nguyễn Xuân Dương trên Website Tòa án Nhân dân Hà Nội)

    https://usvietnam.uoregon.edu/1984-2/

    Không có nhận xét nào