Tại Việt Nam năm nào cũng có lụt, không lụt lớn cũng có lụt nhỏ. Chẳng hạn ở Miền Trung bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 DL đều có lụt vì là mùa mưa lũ. Dãy Trường Sơn chận mây tạo mưa ở sườn đông, đồng bằng lại nhỏ hẹp nên không tránh được lũ lụt. Tại đồng bằng Cửu Long, hàng năm đều có ngập lụt định kỳ. Tuy nhiên, khi nói đến năm Thìn thì người Việt đều nghĩ năm Thìn là năm có lụt lớn. Điều tin tưởng này có đúng không?
Tại đồng bằng Bắc Bộ và Bắc
Trung Bộ, có những trận bão lụt thảm khốc trong thế kỹ 19 và 20 là năm Canh Dần
(1890), Quý Tị (1893), Ất Tị (1905), Quý Sửu (9/8/1913), Ất Mão (11-20/8/1915),
Bính Dần (29/7/1926), Ất Dậu (8/1945), Tân Hợi (20/8/1971), Bính Tý (1996, do
bão Frankie), Nhâm Nhọ (9/2002, bảo Mekkhala ), và Mậu Tý (10/2008).
Tại Miền Trung, trung bình hàng năm có 5 trận bão, những trận bảo lụt gây thiệt
hại nổi tiếng là Quý Tỵ (1953), Giáp Thìn (1964), Bính Tí (1996), Mậu Dần
(1998), hai trận lụt năm Kỹ Mão (tháng 11 và 12/1999), Canh Thìn (9/2000, do bảo
Wukong vào Hà Tỉnh), Quý Mùi (11/2003), và trận bảo năm Ất Dậu (4/2005).
Tại Miền Nam và đồng bằng Cửu Long, những trận lụt lớn xảy ra năm Giáp Thìn (1/5/1904), Giáp Tý (1924), Mậu Thìn (1928), Nhâm Thìn (1952), Tân Sửu (1961), Giáp Thìn (1964), Bính Ngọ (1966), Mậu Ngọ (1978), Giáp Tý (1984), Tân Mùi (1991), Giáp Tuất (1994), Ất Hợi (1995), Bính Tý (1996), Đinh Sửu (1997, bảo Linda tàn phá vùng bán đảo Cà Mau), Canh Thìn (2000), Tân Tỵ (10/2001), Nhâm Ngọ (9/2002), Giáp Thân (2004), và Tân Mão (2011).
Trung bình ở đồng bằng Cửu
Long, mổi 5 đến 12 năm là có một trận lụt khủng khiếp: 1961 (Tân Sửu), 1966
(Bính Ngọ), 1978 (Mậu Ngọ), 1984 (Giáp Tý) và 1991 (Tân Mùi).
Dựa vào các thống kê trên, tại Miền Bắc trong số 11 trận bão lụt lớn, thì không
có năm Thìn, ngược lại năm Dần, Tỵ, Tí đều có 2 trận lụt.
Tại Miền Trung, trong số 10
trận bão lụt lớn, các năm Thìn, Mão, và Dần đều có 2 trận.
Tại Miền Nam và đồng bằng Cửu Long, trong sồ 19 trận lụt lớn, 6 trận xảy ra
trong năm Thìn, 5 trận trong các năm Ngọ và năm Tí.
Như vậy, năm Thìn có khả năng lụt lớn chỉ xảy ra ở Miền Nam mà thôi. Lụt gây thiệt hại lớn xảy ra ở bất cứ năm nào, nhưng tại sao người Miền Nam Trung Việt và Nam Việt đều nói “Lụt Năm Thìn”. Thiết nghĩ vì 2 lý do:
1. Ảnh hưởng văn hóa. Năm Thìn tức năm Con Rồng. Theo văn hóa Á Đông, rồng tạo mưa, bão.
2. Tàn khốc lũ lụt Năm Thìn vẫn nằm trong trí nhớ của người dân VN qua các trận lụt sau đây:
Lụt năm Giáp Thìn (tháng 9, 1844). Kinh đô Huế mưa to gió lớn, nước ngập sâu 4.2 m trong kinh thành. Tỉnh Thừa Thiên hơn 1000 người chết, 2000 nhà bị sập hoàn toàn. Tại Quảng Trị nước ngập sâu 6.72 m, 79 người chết đuối, hơn 3000 nhà bị sụp đỗ.
Lụt năm Giáp Thìn (1904). Xảy ra ngày 1/5/1904, nhằm ngày 13/3/ Giáp Thìn, do một trận bão lớn, cùng lúc thủy triều cao gây những đợt sóng cao 10 m như sóng thần, càn quét khắp vùng duyên hải Nam phần đến tận Campuchia. Thiệt hại lớn nhất là Gò Công, Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn. Nhiều làng ven biển ở Gò Công bị cuốn trôi. Vì mưa lớn, nước lụt dâng nhanh, có nơi ngập sâu 3 m.
Mỹ Tho bị thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hoà…60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết. Tại Sài Gòn, số người chết hơn 3.000 người.
Cũng năm Giáp Thìn này (1904) lũ lụt lớn cũng xảy ở miền Trung, từ Huế cho tới Nghệ An. Tại Thừa Thiên-Huế đã xuất hiện một cơn bão cực mạnh ngày 11-9-1904 gây nhiều tổn thất về người và tài sản, nhiều công trình kiến trúc trong kinh thành và đình chùa miếu mạo bị hư hỏng, hơn 50.000ha ruộng lúa ở vùng thấp thuộc lưu vực sông Hương và phá Tam Giang bị nước mặn tràn vào gây mất mùa liên tục những năm sau đó. Trận thiên tai này đã khiến tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nề: 22.027 nhà bị sập đổ, 529 tàu thuyền bị trôi dạt hoặc bị đắm, 724 người chết.
Lụt năm Nhâm Thìn (1952) xảy ngày mồng 3 tháng 9 năm 1952, nhằm tháng 8 năm Nhâm Thìn. Có thể nói là cuồng phong (tornado) chứ không phải bão vì cơn lốc có chiều rộng khoảng 40 km, thổi từ Phi Luật Tân thẳng vào Phan Thiết, đến Long Khánh, Thủ Dầu Một, và tắt dần khi vào Campuchia. Thiệt hại nhân mạng và nhà cửa rất lớn do cuồng phong và lụt ở Phan Thiết, làm ngã rạp rừng và rừng cao su ở vùng Long Khánh, v.v.
Theo thống kê thời ấy, sông Vàm Cỏ Đông ở đoạn thuộc huyện Châu Thành nước lên cao 4 mét, chợ Tây Ninh 3,6 mét, vùng Suối Đôi, cầu Lộc Ninh đến 18,7 mét. Núi Bà Đen bị nước lũ xói mòn đá đứt chân lăn xuống, đùa nhau từ đỉnh đến chân núi thành 3 đường sâu hoắm, rộng hơn 20 mét. Đứng từ xa 30 cây số vẫn thấy rõ ba đường lở đỏ ối màu gạch nung, (đến bây giờ vẫn còn vết tích). Hậu quả trận lụt cũng khá nặng nề. Các cơ quan tỉnh bị mất trắng 100% ruộng rẫy làm lúa, nhân dân thiệt hại 80%, vùng Châu Thành có 1.073 mẫu ruộng và 315 mẫu rẫy chỉ còn thu hoạch được 18 mẫu. Trảng Bàng bị mất hết 2/3 mùa màng, 220 nhà bị sập, 92 người chết. Dương Minh Châu thiệt hại thấp nhất cũng có hơn 50% mùa màng chìm trong biển nước. Nhiều người bị đói phải ăn củ nần, củ chuối, trái rừng thậm chí cả lá rừng thay cơm.
Lụt năm Giáp Thìn 1964 xảy ra ngày mùng 6 tháng 10 âm lịch tại Quãng Nam với hàng ngàn người chết. Riêng làng Đông An chết trên 1700 người, chỉ còn 19 người sống sót.
Lũ lụt và hiện tượng La Niñas.
Ở vùng Tây Thái Bình Dương, hạn
hán thường xảy ra ở những năm có El Niño, ngược lại bão lụt xảy ra ở những năm
có hiện tượng La Niñas.
Ở Miền Bắc, trong số 9 năm có lũ lụt lớn, thì 5 năm có La Niñas (56%). Ở Miền
Trung, trong số 8 năm có lũ lụt lớn thì 5 năm trùng vào La Niñas (63%). Ở Miền
Nam, trong số 19 năm có lụt lớn, thì có 11 năm có hiện tương La Niñas (58%).
Như vậy, năm nào có La Niñas, thì xác xuất có lũ lụt lớn khoảng trên 55%.
Vì vậy, những năm Thìn có lũ lụt lớn như 1904, 1928, 1952,1964, 2000 đều là năm
có La Niñas.
El Niño và La Niñas là những hiện tượng biến đổi nhiệt độ nước biển ở Thái Bình Dương. Thông thường, nhiệt độ nước biển mạn đông Thái Bình Dương (khoảng 15,5 – 21,1 ºC) lạnh hơn vùng biển mạn tây Thái Bình Dương (khoảng 26,7ºC). Vào năm có El Niño, lớp nước mặt ở vùng đông Thái Bình Dương gần xích đạo bị hâm nóng, làm đảo lộn khí hậu trên thế giới. Vào năm có La Niña, nước lạnh ở đáy Thái Bình Dương trồi lên mặt, làm nhiệt độ lạnh hơn năm bình thường. El Niño / La Niña xảy ra với chu kỳ 2-6 năm.
El Niño được tường trình từ năm 1600, và bắt đầu được nghiên cứu từ thế kỹ 19. Từ thế kỹ 20 cho đến nay, El Niño xuất hiện ở các năm 1902/1903, 1905/1906, 1911/1912, 1914/1915, 1918/1919, 1923/1924, 1925/1926, 1930/1931, 1932/1933, 1939/1940, 1941/1942, 1951/1952, 1953/1954, 1957/1958, 1965/1966, 1969/1970, 1972/1973, 1976/1977, 1982/1983, 1986/1987, 1991/1992, 1994/1995, 1997/1998, 2002/2003, 2004/2005, 2006/2007, và July 2009/May 2010. Trong số này, El Niño mãnh liệt nhất ở các năm 1965/1966, 1982/1983 và 1997/1998 gây lụt lội từ California cho tới Chí Lợi, nhưng khô hạn ở Đông Phi Châu. El Niño năm 1997 gây mưa lớn kỹ lục ở Florida. Năm 1998, ngược lại nước vùng biển đông Thái Bình Dương trở nên lạnh bất thình lình do La Niña, thì Florida lại hạn hán kỹ lục. Năm 1998 là năm thế giới có nhiệt độ cao nhất là do hậu quả của El Niño xảy ra cuối năm 1997, tiếp theo là La Niña làm thế giới mát dịu hơn ở những năm sau đó.
Từ thế kỹ 20 cho tới nay, La Niñas xuất hiện ở các năm 1904/1905, 1909/1910, 1910/1911, 1915/1916, 1917/1918, 1924/1925, 1928/1929, 1938/1939, 1950/1951, 1954/1956, 1956/1957, 1964/1965, 1970/1971, 1971/1972, 1973/1974, 1975/1976, 1984/1985, 1988/1989, 1995/1996, March 1998/early 2000, late 2000/early 2001, 2007/2008, 2008/April 2009. July 2010/2011. Riêng trong thời kỳ La Niñas 1988/1989, nhiệt độ nước mặt đại dương lạnh hơn năm bình thường tới 2,2 ºC.
La Niñas xảy ra 11/2011 gây lụt trầm trọng ở Thái Lan và đồng bằng Cửu Long của Việt Nam. La Niñas tiếp tục kéo dài đến tháng 5/2012, năm Nhâm Thìn. Mùa lũ lụt ở Miền Trung và Miền Nam xảy ra từ tháng 9 đến tháng 12 DL, tức lúc La Niñas đã chấm dứt. Vì vậy, hy vọng không có lũ lụt lớn trong năm Nhâm Thìn 2012. Cần ghi nhớ là trận bão năm Giáp Thìn xảy vào ngày 1/5/1904, là tháng năm bắt đầu của La Niñas.
Trần-Đăng Hồng, PhD
https://khoahocnet.com/
Năm Thìn Bão Lụt
(Cảm tác
để tưởng niệm nạn nhân đã chết,
cũng như để chia sớt nỗi đau thương của
đồng bào bị lũ lụt trong nước)
Có câu: “Bão lụt năm Thìn”,
Thiên tai, thủy họa, sanh linh chịu đòn.
Bao năm nước nước, non non,
Bốn mùa tiết khí chẳng mòn một li.
Nhưng từ khi, Nước ra đi,
Ác ma, ngạ quỷ liền khi nhập Thành.
Đê điều phá nát tan tành,
Dân đen đói khổ tranh giành sắn khoai.
Trên thì bảng đỏ cờ bay,
Dưới thì đảng uống lai rai máu hồng.
Tứ linh, thịt phụng gan công.
Hả hê hưởng thụ cảnh bồng thế gian.
Sưu cao thuế nặng dân than,
Tham ô đầy dẫy, đảng gian chật đường.
Làm cho đất nước tang thương,
Trời sầu quỷ đỏ ma vương lộng hành.
Lôi đình nổi trận tung hoành,
Gây nên lũ lụt ngập Thành nước Nam.
Sống trong “ngục lớn” đành cam,
Thác do nước cuốn, xác trầm đáy sông.
Bao thu rồng ẩn biển đông,
Nay vì cơn giận lũ không Thánh Thần.
Vẫy vùng phun nước chết dân,
Đau lòng bốn biển ân cần cứu nguy.
Thuốc men phẩm vật đến thì,
Đảng giành phân phối, đớp vì túi tham.
Chao ôi ! thấy tức bầm gan.
Sức không đủ sức, đập tan lũ mầy.
Nguyện cầu thượng đế an bày:
“Nạn nhân bão lụt sớm ngày bình an”.
Oct 10 năm 2000
Đông Thiên Triết
Không có nhận xét nào