Bão Molave ở Hội An, ngày 28/10/2020. Photo Reuters via MXH
Bão Molave vừa qua, nhiều nơi ở miền Trung tan hoang, cư dân chưa hoàn hồn thì lũ quét, sạt lở xảy ra dồn dập. Ba vụ sạt lở xảy ra trong 24 giờ ở tỉnh Quảng Nam (một ở xã Trà Leng, một ở xã Trà Vân cùng thuộc huyện Nam Trà My, một ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) đã chôn sống vài chục người (1). Chưa kể khoảng 200 công nhân đang thi công Thủy điện Đăk Mi 2 bị lũ cô lập ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam (2)…
***
Quảng Nam là một trong những tỉnh dẫn đầu Việt Nam về số lượng các dự án thủy điện. Tính đến 2016, tại Quảng Nam có 10 dự án thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt và 32 dự án thủy điện do chính quyền tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Đó cũng là lý do Quảng Nam nổi tiếng vì hạn hán vào mùa khô do thủy điện tích nước, động đất liên tục ở những huyện liền kề Thủy điện Sông Tranh 2...
Tháng 9 năm 2016, Thủy điện Sông Bung 2 vỡ cống dẫn dòng, hai công nhân thiệt mạng, một ngôi làng ở xã La Ê, huyện Nam Giang bị xóa sổ và nghe tin này, vài ngàn dân ở hai xã Đại Sơn, Đại Lãnh, huyện Đại Lộc vội vàng chạy lên núi lánh nạn vì đã từng suýt chết khi Thủy điện A Vương, Thủy điện Đăk Mi xả lũ… Sau tai nạn ấy, một số lãnh đạo cấp huyện ở Quảng Nam đề nghị cảnh giác với thủy điện vì… mất nhiều, được ít (3)!
Chẳng phải đến lúc ấy các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương mới nhìn ra thủy điện là phong trào mất nhiều, được ít. Trước đó ba năm, sau khi thẩm tra các công trình thủy điện, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Việt Nam đã cảnh báo phong trào xây dựng thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường cả về chất lượng lẫn hủy diệt rừng (4).
Song chẳng cảnh báo, khuyến cáo nào ngăn được thủy điện. Oán thán về thủy điện do lũ lụt, hạn hán càng ngày càng trầm trọng nên tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu gia tăng kiểm soát quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường, đời sống dân chúng, buộc chủ đầu tư trồng rừng thay thế (5)…
Tuy nhiên chỉ đạo vừa kể giống như… chiếu lệ! Ngay trong năm 2017, chính quyền nhiều địa phương tiếp tục đề nghị… bổ sung nhiều dự án vào quy hoạch thủy điện và Quảng Nam tiếp tục đi tiên phong. Giữa năm 2017, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam nhất trí… bổ sung bốn dự án vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ ở Nam Trà My dù nhiều đại biểu không tán thành vì không cần thiết và chưa tính kỹ về tác hại (6)...
Vị trí ba vụ sạt lở đất vừa xảy ra ở huyện Nam Trà My và huyện Phước Sơn đều nằm trong khu vực bị tác động của các dự án thủy điện mà chính quyền tỉnh quảng Nam đề nghị và HĐND tỉnh Quảng Nam… nhất trí bổ sung cách nay hơn ba năm vì… quy mô nhỏ, chẳng mất bao nhiêu rừng nên ảnh hưởng đến tự nhiên và môi trường sinh thái không đáng kể!
***
Tuy mưa bão, lũ lụt, hạn hán luôn song hành với sinh hoạt của nhiều thế hệ người Việt nhưng chưa bao giờ lũ quét, sạt lở cả ở rừng núi lẫn bờ, sông, bờ biển tại Việt Nam lại nhiều và trầm trọng như 20 năm vừa qua. Đây là khoảng thời gian tương ứng với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa để khẳng định sự ưu việt của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cách nay hai năm, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn loan báo, từ 2000 – 2015, ở Việt Nam có 250 vụ lũ quét, sạt lở. Vào thời điểm đó, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết, chỉ khảo sát 10 tỉnh vùng núi ở miền Bắc Việt Nam, đã xác định được 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất, trong đó 2.110 điểm nguy cơ có khối lượng trượt đất lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.
Chuyên gia nhiều ngành từng cảnh báo nhiều lần, lũ lụt, lũ quét, sạt lở không đơn thuần do mưa bão. Đó là hệ quả của đốn trụi rừng ở những khu vực có độ dốc lớn nên trời mưa, nước dồn vào sông, suối nhanh, nhiều hơn, đất bị phong hóa trầm trọng hơn và mức độ liên kết trong kết cấu suy giảm. Thủy điện chỉ là một trong những nguyên nhân. Cho phép tận thu đủ loại tài nguyên (khoáng sản, cát sông, cát biển,…), di dân thiếu viễn kiến và phóng tay phê duyệt đủ loại dự án, kể cả dự án giao thông bất chấp khoa học và hậu quả khiến cấu trúc địa chất biến dạng nên sạt lở xảy ra khắp nơi, cả ở đồng bằng, khu vực ven sông, ven biển.
***
Ngoài Nam Trà My, Phước Sơn, các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Quế Sơn ở Quảng Nam, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh ở Quảng Bình, Hướng Hóa, Cam Lộ, Đăkrong, Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh ở Quảng Trị, A Lưới, Phong Điền, Hương Thủy, Nam Đông, Hương Trà ở Thừa Thiên – Huế, Trà Bồng, Ba Tơ, Đức Phổ, Minh Long, Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa ở Quảng Ngãi, Sa Thầy, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Kon Plong, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đăk Tô, thành phố Kon Tum, Đắk Hà ở Kon Tum cũng vừa được cảnh báo: Nguy cơ xảy ra sạt lở đang ở mức rất cao (7).
Bão Molave vừa qua, bão Yoni – trận bão thứ mười trong năm nay sắp sửa đổ vào, giống như mọi năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ chờ để chỉ đạo – triển khai… tìm kiếm - cứu nạn. Trong hai thập niên vừa qua, chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa theo các… nghị quyết, chiến lược phát triển của… Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng để xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra được bao nhiêu ngàn tỉ và chi phí khắc phục đủ loại hậu quả, cộng với đủ loại thiệt hại cả về tính mạng lẫn tài sản của thường dân do lũ lụt, lũ quét, sạt lở ngốn hết bao nhiêu ngàn tỉ? Có tương xứng hay không?
Năm 2012, một số chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” để xác lập hai loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ. Sau tám năm, họ chỉ mới lập được Bản đồ hiện trạng TLĐĐ tại 22 tỉnh, thành phố và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ ở 15 tỉnh miền Bắc Việt Nam (8). Những chuyên gia này đã từng đề cập nhiều lần về việc xây dựng cơ sở dữ liệu các vùng nguy cơ, hệ thống quan trắc nhưng chẳng đến đâu vì… thiếu tiền.
Các chuyên gia địa chất cũng đã từng đề cập đến việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mà theo ước đoán của họ, trị giá khoảng vài trăm triệu Mỹ kim song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng… không bận tâm, dẫu chi tiêu cho hệ thống này chẳng thấm vào đâu so với các khoản đã chi cho hệ thống… cổng chào, tượng đài, nhà hát, quảng trường! Loạt bài do Tin tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hồi đầu năm ngoái về thực trạng sạt lở ở Việt Nam cho thấy… không màng là trở ngại lớn nhất đối với phòng ngừa thảm họa (9). Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã lưu ý, ngay cả khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc tự động mà không màng thì… vô nghĩa.
Hai vụ sạt lở ở lưu vực Rào Trăng (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) chính là ví dụ minh họa mới nhất cho… không màng. Giữa năm ngoái, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã từng cảnh báo, nguy cơ sạt lở ở lưu vực Rào Trăng rất cao (10) nhưng không ai màng nên không có giải pháp phòng ngừa, kế hoạch hành động nếu xảy ra thảm họa. Đó là lý do sau khi xảy ra sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương (Phó Tư lệnh một quân khu, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai, Phó Chủ tịch tỉnh,…) mới dẫn nhau đi xem xét… hiện trường và có thêm 23 người uổng mạng vì một vụ sạt lở khác!
Mưa bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở ở miền Trung đã kéo dài cả tháng, dẫu thực tế chỉ ra, sự hiện diện của vô số công trình thủy điện khiến hậu quả của thiên tai càng ngày càng trầm trọng nhưng không viên chức hữu trách nào bận tâm. Thậm chí ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, còn thản nhiên bảo rằng: Thủy điện nhỏ vẫn tồn tại trong quy hoạch với những hình hài mới vì hồi tháng 2 năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết (Nghị quyết số 55-NQ/TW) về phát triển nhanh và bền vững của ngành điện đã xác định… “phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng” để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (11)!..
Cho đến giờ này, dù muốn, ráng tìm cũng không thể thấy chỗ để bấu víu mà hy vọng rằng tiến trình phát triển ở Việt Nam sẽ thật sự bền vững vì dựa trên kiến thức, thành tựu khoa học – kỹ thuật và sự hợp lý, hợp tình như thiên hạ. Mọi thứ, kể cả giải quyết những vấn nạn liên quan tới môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của thiên tai vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các… nghị quyết của Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng. Xứ sở tan hoang, dân chúng điêu linh đến mức nào cũng không thể ngăn các… nghị quyết!
https://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào