Header Ads

  • Breaking News

    Trần Hương -Chấp nhận hồng thủy miền Trung như là chuyện tất nhiên?

    Hình minh họa. Hình chụp từ trên cao những căn nhà chìm trong nước ở Quảng Điền, Huế hôm 15/10/2020

    AFP

    Tháng 11/1999, một cơn đại hồng thủy lớn nhất từ trước cho đến thời điểm đó nhấn chìm toàn bộ 10 tỉnh miền Trung Việt Nam dưới làn nước. Ở Huế, nước lên cao quá mặt cầu Tràng Tiền. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, lũ nhấn chìm những ngọn tre vốn đã mọc trên bờ sông cao hàng năm bảy thước so với mặt nước ngày thường. Đã thế, trận lụt đầu vừa qua, chỉ không đầy một tháng sau, trận lũ thứ hai tiếp tục kéo đến.
    Người dân nhắc đi nhắc lại câu “Ông tha mà bà không tha/Hành cho cây lụt hăm ba tháng mười”.
    Năm đó tôi theo chân một đoàn cứu trợ ra Huế rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi.
    Giống như năm nay, chỉ ra chợ là nghe người dân bàn tán xôn xao quanh chuyện đội thị sát cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng (Huế) lại bị tai nạn lở núi chôn vùi toàn bộ 13 người. Còn năm 1999, trên chuyến tàu Nam-Bắc, trong khách sạn, nhà nghỉ, trên hè phố, trong công sở, nơi buôn bán…. người ta kể chuyện rễ cây si ra trắng, đàn kiến tha trứng ùn ùn bò lên dọc tường nhà… bằng cái giọng hãi sợ. Kinh nghiệm quan sát thời tiết của ông bà, khi rễ cây si tự nhiên ra trắng và kiến vốn làm tổ dưới đất đột nhiên bưng con cái rời tổ bò lên cao là dấu hiệu báo trước của mưa lũ lớn sắp kéo đến.

    Hôm nay, trên mạng facebook Việt Nam có một bức ảnh chụp ông cụ vùng lũ khóc mếu máo khi nhận được quà cứu trợ.

    Ông đã trải qua mất mát, tai ương như thế nào mà tuổi già và sự cương liệt của một người đàn ông miền Trung vẫn không thể kìm được cơn đau khổ kéo méo xệch chiếc miệng như thế kia, và không còn giữ gìn nữa mà khóc ngay trước mặt những người lạ như thế kia?

    Tấm ảnh đâm thẳng vào tim người. Tôi không dám nhìn kỹ nó lần thứ hai, vì đau đớn quá.

    Vậy mà năm 1999, tôi đã trông thấy rất nhiều khuôn mặt của những người già độ tuổi 70-80 như vậy.

    Trong một buổi tặng quà cứu trợ ở một huyện gần sát Quảng Ngãi, dù nước đã rút nhưng vẫn phải lội trong bùn lỏng đến ống chân, tôi gặp một đôi vợ chồng già. Trận mưa dai dẳng suốt nhiều ngày đã tạnh, nhưng họ vẫn trùm khư khư tấm vải nhựa dày quanh người thay cho áo mưa, và dưới lớp nilon đó chỉ là một bộ áo quần vải cho mùa hè. Rất nhiều người cũng quấn tấm nhựa quanh người giống vậy. Hỏi ra, tôi lặng người: hóa ra, họ trùm tấm vải nhựa đó không phải để che mưa mà để đỡ lạnh. Áo quần và đồ dùng trôi ra biển theo dòng lũ hết cả rồi.

    Tôi ngồi thuyền ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Vệ. Hai bờ sông, đất bị dòng nước cấu cào lở xuống đỏ lói. Những mảnh áo quần phất phơ mắc trên ngọn tre, đánh dấu mực nước lũ khủng khiếp.

    Một bản của người dân tộc Hrê trên thượng nguồn Quảng Nam bị lũ cuốn đá sỏi san phẳng những tràn ruộng ven sông. Cách đó không xa, trong đêm, hẳn một quả đồi trượt xuống chôn vùi toàn bộ đám rẫy dưới chân. Người dân kể: “Như sấm động. Chỉ nghe ầm ầm rồi nửa quả đồi trượt xuống”.

    Chiều muộn hôm đó, lúc chúng tôi đang đứng xa xa nhìn lại khối đất đá đỏ gạch nổi bật giữa một nền rừng xanh ngắt, nửa quả đồi còn lại trượt tiếp xuống ngay trước mắt.

    Đợt đó, miền Trung chết gần 600 người, riêng Huế gần một nửa.

    Những ngày đó, những giọt nước mắt ứa ra nơi khóe mắt đục mờ của những người già đáng tuổi cha ông tôi, giọng nói nghẹn trong cổ, tấm thân run rẩy của họ trong tấm vải nhựa quấn thay bộ áo mưa không đủ tiền mua, những khuôn mặt thất thần, bỏ qua sự tự trọng để xếp những hàng dài nhận từng túi gạo, thùng mì cứu trợ từ người lạ… đã khắc sâu vào tâm trí tôi không phai mờ.

    Và do vậy, sau hơn 20 năm, tôi không thể nhìn lại tấm hình một người già run rẩy nghẹn ngào trong mưa lũ mà không thấy lòng đau thắt và cả phẫn nộ.

    Lũ lụt hàng năm ở miền Trung đã là đặc thù địa lý được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy gần trăm năm nay. Chúng tôi thuộc lòng những “địa hình dốc, sông hẹp, ngắn, lũ lên nhanh và rút nhanh”. Lũ lụt đi vào cả thơ ca dân gian như câu “Ông tha mà bà không tha…” trên kia; đi vào âm nhạc “Miền Trung em nghèo lắm ai ơi, trời hành cơn lụt mỗi năm…”(Tiếng sông Hương-nhạc sĩ Phạm Đình Chương), đi vào lịch sử, vào văn học, vào ký ức từng kiếp người, vào tôn giáo. Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng nhà thờ Đức mẹ hằng cứu giúp (còn gọi Nhà thờ Kỳ Đồng, tại Tp HCM) có một năm đã tạo ra hang đá Giáng sinh độc nhất vô nhị: Một mái nhà tranh loi thoi giữa dòng nước xiết. Đức Mẹ Maria trổ lỗ cửa trên nóc, bế Chúa Hài đồng ra trao cho Đức Chúa cha đang đứng đón dưới thuyền.

    Dĩ nhiên, quan trọng nhất là tình hình lũ lụt đi vào các chính sách phòng lũ, chống lũ và né lũ của chính quyền.

    Chẳng biết bắt đầu từ đâu và khi nào, lần đầu tiên thì tôi trông thấy ở người dân bãi Giữa sông Hồng, người dân vùng lũ tự mày mò nghĩ ra những ngôi nhà chống lũ, bằng vật liệu nhẹ gá chặt trên những thùng phuy rỗng, như chiếc bè lớn. Họ sắp sẵn lương thực và đồ dùng quý giá vào đó, khi nước dâng cao ngôi nhà cũng tự nổi bồng bềnh trên nước. Sau này nó trở thành một dự án của tổ chức phi chính phủ mang tên Nhà chống lũ, khá hiệu quả. Dĩ nhiên, những nhà này chỉ hợp với những vùng nước dâng từ từ, chứ đối phó với dòng lũ ào ạt cuộn xoáy ở vùng núi thì không thể.

    Sau đại hồng thủy 1999, đã có những chính sách quy hoạch lại khu dân cư, xây ở mỗi xã vùng lũ các công trình cộng đồng và nhà nước như trạm y tế, trường học cao từ 3-5 tầng, ít nhất một mặt sàn phải cao hơn mức lũ, đặt ở thế đất cao để làm nơi tránh lũ cho bà con trong cụm dân cư. Ngoài ra còn có trồng rừng phòng hộ, nạo vét lòng sông, mở rộng khẩu độ thoát lũ, nâng cao đê sông… Tổng hợp, các nhà khoa học đã có các nghiên cứu đóng góp vào Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai lũ lụt, trong đó miền Trung cần tập trung vào giải pháp phi công trình. Gồm có trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn; quy hoạch mùa vụ sản xuất và giống cây trồng trong vùng nhằm né lũ chính vụ; xây dựng phương án dự báo, cảnh báo lũ và bản đồ cảnh báo ngập lụt và cuối cùng là quy hoạch phát triển kinh tế như các khu công nghiệp, khu dân cư, kinh tế tập trung đồng thời phải gắn với các phương án phòng tránh lũ bão.

    Như nhận định của các nhà khoa học, lũ chính vụ tràn khắp đồng bằng ở miền Trung là không thể tránh được. Các biện pháp đê điều hay ngăn chặn lũ đều quá tốn kém và không khả thi. Chỉ còn cách né. Và do đặc thù lũ lên nhanh nhưng thoát nhanh, chưa bao giờ ngập quá một tuần nên nếu chuẩn bị tốt thì sẽ giảm rất nhiều thiệt hại.

    Hàng chục năm đã qua, đã luôn luôn biết những tháng này là tháng lũ ở miền Trung, đã luôn luôn biết mưa to là nước lũ sẽ lên nhanh. Thế nhưng những ngày này người dân miền Trung vẫn phải chìa tay nhận gói mì tôm bẻ nhai ngay khi chân vẫn ngập trong dòng lũ, vẫn điệp khúc mất sạch lương thực đồ dùng và bị lũ giam hãm cô lập, vẫn khóc mếu máo và tang thương. Nhưng, sang năm rồi sẽ lại có lũ tiếp, lại trôi tiếp, mất tiếp, khóc tiếp, cứu trợ tiếp, làm thơ làm văn làm nhạc làm họa tiếp, và ra chính sách tiếp….

    Người dân Việt Nam chống chọi một năm COVID-19 đổ thóc giống ra nhai, nhưng dường như vẫn dai sức lắm. Một ca sĩ Thủy Tiên hô một phát có ngay 40 tỷ đồng để ra Huế cứu trợ. Vô số các cá nhân và tổ chức từ thiện tự phát cũng như chính thức khác đều đang quyên góp tiền bạc để cứu trợ miền Trung. Tình thương dường như chưa bao giờ cạn kiệt ở đất nước này.

    Nhưng tại sao? Tại sao cái vòng quanh quẩn cả trăm năm mịt mùng như thế vẫn cứ lặp đi lặp lại mỗi năm?

    Hay tại vì chúng ta sẵn có lòng thương quá, và sẵn mặc định đó là việc của xã hội quá nên đã quên nhìn lại sự hiệu quả của các chính sách nhà nước, của Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai?

    https://www.rfa.org/


    Không có nhận xét nào