Header Ads

  • Breaking News

    Sự đàn áp người Uyghur là một tội ác chống lại nhân loại

    Nguồn: “The persecution of the Uyghurs is a crime against humanity”, The Economist, 17/10/2020.

    Những câu chuyện đầu tiên từ Tân Cương thật khó tin. Có thật chính phủ Trung Quốc đã đưa người Hồi giáo vào các trại lao động không? Có chắc là người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) bị gán cho là “những kẻ cực đoan” và bị nhốt chỉ vì cầu nguyện nơi công cộng hoặc để râu dài không? Tuy nhiên, bằng chứng về một chiến dịch chống lại người Uyghur trong và ngoài nước đã trở nên gây sốc hơn với mỗi lần dò tìm bằng chứng vệ tinh, mỗi lần các tài liệu chính thức bị rò rỉ hay khi xuất hiện những câu chuyện thương tâm từ những người sống sót.

    Vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc từ chỗ phủ nhận sự tồn tại của các trại lao động chuyển sang gọi chúng là các “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” — một nỗ lực tử tế nhằm giúp những người dân lạc hậu có được các kỹ năng để kiếm được việc làm. Thế giới vì thế nên chú ý đến các nạn nhân người Uyghur trong nỗ lực tẩy não ép buộc của Trung Quốc. Tháng này qua tháng khác, các tù nhân nói rằng họ được giảng dạy để từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và đặt niềm tin vào “Tư tưởng Tập Cận Bình” hơn là Kinh Koran. Một người nói với chúng tôi rằng các lính canh hỏi các tù nhân xem có Chúa hay không, và đánh những người trả lời là có. Và các trại này chỉ là một phần của một hệ thống kiểm soát xã hội rộng lớn hơn.

    12 triệu người Uyghur ở Trung Quốc là một nhóm thiểu số nhỏ, bất mãn. Thứ ngôn ngữ gốc Thổ Nhĩ Kỳ của họ khác xa với tiếng Trung Quốc. Họ chủ yếu theo đạo Hồi. Một số ít người đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, bao gồm một vụ đánh bom vào một khu chợ vào năm 2014 khiến 43 người chết. Không có vụ khủng bố nào xảy ra kể từ năm 2017: chính phủ nói rằng đây là bằng chứng cho việc an ninh chặt chẽ hơn và các lớp học chống chủ nghĩa cực đoan đã giúp Tân Cương an toàn trở lại. Đó là một cách nói. Một cách nói khác là, thay vì bắt một số ít bạo lực, chính phủ đã thực sự tống tất cả người Uyghur vào một nhà tù ngoài trời. Mục đích dường như là để nghiền nát tinh thần của cả một dân tộc.

    Ngay cả những người bên ngoài trại cũng phải tham gia các buổi giảng dạy. Bất kỳ ai không công khai ca ngợi chủ tịch Trung Quốc có nguy cơ bị tống giam. Các gia đình phải theo dõi các gia đình khác và báo cáo những hành vi đáng ngờ. Bằng chứng mới cho thấy hàng trăm nghìn trẻ em Uyghur có thể đã bị tách khỏi một hoặc cả hai cha mẹ đang bị giam giữ. Nhiều đứa trẻ mồ côi tạm thời này đang ở trong các trường nội trú, nơi chúng bị phạt vì nói tiếng mẹ đẻ. Các cán bộ đảng, thường là người Hán, ăn ở tại nhà của người Uyghur, một chính sách được gọi là “Kết đối nhận thân” (trở thành thân nhân).

    Các quy định chống lại việc sinh quá nhiều con được thực thi nghiêm ngặt đối với phụ nữ Uyghur; một số bị triệt sản. Dữ liệu chính thức cho thấy tại hai huyện, tỷ lệ sinh của người Uyghur đã giảm hơn 60% từ năm 2015 đến năm 2018. Phụ nữ Uyghur được thúc giục kết hôn với đàn ông người Hán và nếu làm vậy, họ được thưởng một căn hộ, được cho việc làm hoặc thậm chí là được miễn không phải vào trại. Sự đe dọa vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Vì mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đều bị cho là đáng ngờ, người Uyghur ở nước ngoài sợ không dám gọi điện về nhà vì e rằng họ sẽ khiến người thân bị bắt.

    Cuộc đàn áp người Uyghur là một tội ác chống lại loài người: nó bao gồm việc dịch chuyển cưỡng bức người dân, bỏ tù một nhóm có thể xác định được và sự mất tích của các cá nhân. Do chính phủ thực hiện một cách có hệ thống, đó là một sự vi phạm quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay đối với nguyên tắc rằng các cá nhân con người đều có quyền tự do và nhân phẩm.

    Đảng cầm quyền Trung Quốc không có quan niệm về quyền cá nhân này. Họ tuyên bố tính chính danh dựa trên thành tích mang lại sự ổn định và tăng trưởng kinh tế cho nhiều người. Sự hấp dẫn của họ đối với số đông cũng có thể mang lại sự ủng hộ của số đông người dân. Việc thăm dò ý kiến chính xác là điều không thể xảy ra trong một chế độ độc tài, và kiểm duyệt ngăn người Trung Quốc bình thường tiếp cận được sự thật về những người cai trị họ. Nhưng nhiều người Trung Quốc rõ ràng đã ủng hộ chính phủ của họ, đặc biệt là khi việc phản đối được coi là không yêu nước. Các dân tộc thiểu số đang bị bức hại, chẳng hạn như người Tây Tạng và người Uyghur, không được bảo vệ trong một hệ thống như vậy. Không bị ràng buộc bởi các quan niệm về quyền cá nhân, chế độ này đã quyết tâm khủng bố buộc họ phải phục tùng và hòa nhập vào nền văn hóa thống trị của người Hán.

    Trung Quốc đang ở cực điểm của một xu hướng đáng lo ngại. Trên toàn cầu, dân chủ và nhân quyền đang thoái trào. Mặc dù điều này bắt đầu từ trước Covid-19, 80 quốc gia đã đi thụt lùi kể từ khi đại dịch bắt đầu và chỉ có tình hình ở Malawi là được cải thiện, theo Freedom House, một tổ chức nghiên cứu. Nhiều người, do sợ hãi trước virus, mong được đảm bảo an toàn bởi một lãnh đạo chuyên chế. Virus cũng mang lại cho các chính phủ cái cớ để đưa ra các quyền khẩn cấp và cấm các cuộc biểu tình.

    Các lãnh đạo thường huy động các nhóm đa số chống lại các nhóm thiểu số. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khơi dậy một thứ chủ nghĩa dân tộc Hindu hung hãn và đối xử với những người Hồi giáo Ấn Độ như thể họ không thực sự là công dân. Nhờ làm điều đó, ông nhận được mức độ ủng hộ rất cao từ cử tri. Rodrigo Duterte ở Philippines cũng vậy, khi ông thúc giục việc sát hại những người bị tình nghi phạm tội. Thủ tướng Hungary đập tan các thể chế dân chủ và nói rằng các đối thủ của ông là một phần trong một âm mưu của người Do Thái. Tổng thống Brazil hoan nghênh việc tra tấn và tuyên bố rằng những người nước ngoài chỉ trích ông muốn thực dân hóa Amazon. Ở Thái Lan, nhà vua đang muốn biến chế độ quân chủ lập hiến thành chế độ quân chủ chuyên chế.

    Vậy những người coi trọng tự do có thể chống lại bằng cách nào? Quyền con người là phổ quát, nhưng nhiều người gắn nó với phương Tây. Vì vậy, khi danh tiếng của phương Tây bị ảnh hưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-08 và cuộc chiến khốc liệt ở Iraq, thì sự tôn trọng đối với nhân quyền cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với những người tham gia đàn áp người Uyghurs, nhưng sự nghi ngờ rằng hành động của phương Tây là đạo đức giả đã tăng lên dưới thời Donald Trump. Là một tổng thống thực dụng kiểu đổi chác, ông đã lập luận rằng chủ quyền quốc gia nên được đặt lên hàng đầu — và không chỉ đối với Mỹ. Điều đó phù hợp với quan điểm của Trung Quốc. Họ đang tác động vào các diễn đàn quốc tế để định nghĩa lại quyền con người là quyền tồn tại và phát triển, chứ không phải là nhân phẩm và tự do cá nhân. Tuần này, cùng với Nga, Trung Quốc đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền.

    Bắt đầu ở Tân Cương

    Việc chống lại sự xói mòn nhân quyền nên bắt đầu với người Uyghur. Nếu những người theo chủ nghĩa tự do không nói gì về hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất hiện nay bên ngoài các vùng chiến sự thì ai có thể tin được những chỉ trích của họ về những tội ác khác, nhỏ hơn? Còn các nhà hoạt động nên vạch trần và ghi lại các vi phạm này. Các nhà văn và nghệ sĩ có thể lên tiếng tại sao phẩm giá con người là đáng quý. Các công ty có thể từ chối đồng lõa với Trung Quốc. Đã có những lời bàn tán về việc tẩy chay — bao gồm việc tẩy chay cả Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022.

    Cuối cùng, các chính phủ sẽ cần phải hành động. Họ nên cung cấp quyền tị nạn cho người Uyghur và, giống như Mỹ, cần áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức vi phạm nhân quyền và cấm các hàng hóa được làm bởi người Uyghur bị cưỡng bức lao động. Họ cũng nên lên tiếng. Chế độ của Trung Quốc không phải là không biết xấu hổ. Nếu họ thực sự tự hào về những hành động ở Tân Cương, họ đã không cố gắng che giấu chúng. Họ cũng đã không vận động các nước nhỏ hơn ký các tuyên bố ủng hộ các chính sách của họ ở đó. Khi quy mô của sự đàn áp được nhiều người biết tới, tuyên truyền của họ ngày càng kém hiệu quả: 15 quốc gia đa số là các nước Hồi giáo từng ký các tuyên bố như vậy đã thay đổi ý định. Các cuộc thăm dò cho thấy hình ảnh của Trung Quốc ngày càng xấu đi ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây: 86% người Nhật và 85% người Thụy Điển hiện có cái nhìn không thiện cảm về nước này. Đối với một chính phủ đang tìm cách phát huy quyền lực mềm, đây là một điều đáng lo ngại đối với họ.

    Một số người nói rằng phương Tây sẽ mất quá nhiều nếu thuyết giảng về nhân quyền — Trung Quốc sẽ không thay đổi, và sự gay gắt sẽ cản trở các cuộc đàm phán về thương mại, đại dịch và biến đổi khí hậu. Đúng vậy, việc tách quyền con người ra khỏi những vấn đề như vậy là không thể, và Trung Quốc sẽ cố gắng thuyết phục các quốc gia khác rằng sự khăng khăng về đạo đức sẽ khiến họ bị tổn hại về kinh tế. Tuy nhiên, các nền dân chủ tự do có nghĩa vụ gọi một trại lao động đúng tên là một trại lao động. Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng, đó là điều khiến họ trở nên khác biệt. Nếu không ủng hộ các giá trị tự do, họ không nên ngạc nhiên nếu các nước khác cũng không tôn trọng họ.

    http://nghiencuuquocte.org/

    Không có nhận xét nào