Header Ads

  • Breaking News

    Pháp thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trung Quốc trong tầm nhắm

    Ảnh tư liệu: Tổng thống Macron (T) bên cạnh đại sứ Pháp tại Úc Christophe Penot. Ảnh chụp tại Sydney ngày 01/05/2018 nhân chuyến công du Úc của tổng thống Pháp. AP - Rick Rycroft

    Ngay từ năm 2018, ít lâu sau khi nhậm chức, nhân chuyến đi thị sát vùng lãnh thổ Nouvelle-Calédonie và công du nước Úc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã loan báo một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới. Từ một khái niệm chung chung, chiến lược này ngày càng có da có thịt, và bước tiến cụ thể mới nhất là sự kiện ngày hôm qua, 15/10/2020, đại sứ Pháp đầu tiên phụ trách vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đã chính thức nhận nhiệm vụ.

    Được bổ nhiệm nhân cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp ngày 16/09 vừa qua, tân đại sứ Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương Christophe Penot, 65 tuổi, là một nhà ngoại giao được đánh giá là có nhiều hiểu biết về Trung Quốc, với tiếng Hoa là một trong hai ngoại ngữ ông nắm vững và nhiều kinh nghiệm về khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

    Ông từng làm việc tại đại sứ quán Pháp ở Việt Nam vào giữa thập niên 1980, sau đó hai lần phục vụ tại Nhật Bản trong khoảng một chục năm, trước khi làm đại sứ Pháp tại Malaysia và Úc. Văn phòng của đại sứ phụ trách Ấn Độ - Thái Bình Dương trước mắt đặt ở Paris.

    Bước chuyển rõ rệt trong chiến lược của Paris

    Theo các nhà quan sát, việc ngành ngoại giao Pháp lần đầu tiên trong lịch sử của mình bổ nhiệm một đại sứ chuyên trách vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là bước chuyển rõ rệt nhất trong chiến lược của Paris đối với khu vực này.

    Nhật báo Úc The Sydney Morning Herald ngày 12/10 đã lồng sự kiện này vào trong bối cảnh “các mối quan ngại ngày càng tăng trong vùng trước ảnh hưởng ngày càng lớn của đảng Cộng Sản Trung Quốc”. Theo tờ báo Úc, việc Paris đề bạt đại sứ Pháp tại Canberra qua phụ trách toàn vùng là “bước leo thang rõ nét nhất trong chiến lược của Pháp tại khu vực tranh chấp từ trước đến nay, vào lúc Đức và Pháp đang thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu quyết đoán hơn trong chính sách đối với Trung Quốc”.

    Nhật báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 14/10 cũng không nói gì khác hơn khi cho rằng sự kiện tân đại sứ Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương nhậm chức là “dấu hiệu cho thấy Paris đang tập trung nhiều hơn vào vùng Ấn Độ Dương và vào những hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực”.

    Vào hôm qua, 15/10, đến lượt báo Economic Times, cũng tại Ấn Độ, nêu bật ý nghĩa của quyết định từ Paris: Pháp, một cường quốc châu Âu đồng thời là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đang chống lại hành vi xâm lấn của Trung Quốc.

    Tờ báo nhắc lại rằng mới đây – cụ thể là ngày 09/09 vừa qua - Pháp đã khai mạc một cơ chế đối thoại ba bên với Úc và Ấn Độ để bảo đảm một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

    Trung Quốc công cụ hóa các định chế chung để phục vụ lợi ích riêng

    Trong thời gian gần đây, phải nói là Paris càng lúc càng có thái độ quyết đoán hơn với Trung Quốc, từ vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, cho đến Biển Đông. Gần đây nhất, ngoại trưởng Pháp đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc là một trong những mối đe dọa cho chủ nghĩa đa phương quốc tế.

    Trong diễn văn đọc ngày 08/10 vừa qua tại diễn đàn an ninh GLOBSEC 2020 ở Bratislava (Slovakia), ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã nhận xét rằng chủ nghĩa đa phương mà Pháp và châu Âu bảo vệ đang bị ba xu hướng phá hoại: chủ nghĩa đơn phương của chính quyền Donald Trump, hành vi cản trở có hệ thống của Nga và nỗ lực công cụ hóa các định chế chung để phục vụ lợi ích riêng tư của Trung Quốc.

    Riêng đối với Trung Quốc, ngoại trưởng Pháp cho rằng châu Âu cần phải có một cách tiếp cận vừa mang tính đối thoại, vừa kiên định, bởi vì Bắc Kinh vừa là đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết các thách thức khẩn cấp về môi trường và khí hậu, vừa là một đối thủ cạnh tranh, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ, và thậm chí còn là một “đối thủ hệ thống” như cách gọi của Ủy Ban Châu Âu, trong cuộc chiến về các mô hình phát triển.

    Theo ông Le Drian, châu Âu không thể không nói chuyện với Trung Quốc, nhưng cần phải có một tiếng nói duy nhất, không ngây thơ hoặc úy kỵ, trên tất cả các chủ đề quan trọng.

    Đối với ngoại trưởng Pháp, trong lãnh vực kinh tế và thương mại, nguyên tắc là phải có đi có lại, và theo ngoại trưởng Pháp, sẽ “không có chỗ cho con đường một chiều - tôi nghĩ đến Con Đường Tơ Lụa”.

    Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần phải thực hiện các cam kết quốc tế, và ông Le Drian nêu bật hai trường hợp Hồng Kông và đặc biệt là Tân Cương “nơi đã có những vi phạm nhân quyền hàng loạt nhắm vào quyền của người Duy Ngô Nhĩ”.

    Thái độ kiên quyết của Pháp đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

    Liên quan trực tiếp đến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và thái độ đối với Trung Quốc, giới quan sát đều ghi nhận động thái kiên quyết vào tháng 9 vừa qua của Pháp, trong sự phối hợp với Đức và Anh, lần đầu tiên đã gửi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc, “chống lại” 7 công hàm về Biển Đông mà Trung Quốc đã cho lưu hành trước đó.

    Đây là một động thái công khai bác bỏ cách giải thích đơn phương của Trung Quốc về luật biển quốc tế để yêu sách chủ quyền một cách phi lý trên Biển Đông, đồng thời khẳng định tính chất toàn vẹn của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, cũng như xác định trở lại giá trị của phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye mà Bắc Kinh phủ nhận.

    Công hàm gởi Liên Hiệp Quốc là một bước dứt khoát hơn của ba cường quốc châu Âu đối với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, nêu đích danh Trung Quốc, khác với bản Tuyên Bố Chung Pháp-Đức-Anh, công bố ngày 30/08/2019, chỉ nêu lên thái độ “quan ngại” trước tình hình Biển Đông, mà theo ba nước có nguy cơ “tạo nên tình trạng mất an ninh và ổn định trong khu vực”.

    Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp tuy nhiên, không chỉ nhắm vào các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, mà có phạm vi trải rộng ra toàn khu vực.

    Quan ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc trong toàn vùng

    Theo nhật báo Ấn Độ Hindustan Times, nhiều quan chức Pháp cấp cao cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại một loạt cơ sở vừa dân sự, vừa quân sự, từ cảng Hambantota ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan cho đến Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi, sẽ tác động đến vấn đề an ninh toàn khu vực Ấn Độ Dương.

    Điều đó giải thích vì sao Paris thúc đẩy việc hình thành một trục liên minh giữa ba nước Pháp, Úc và Ấn Độ, một cơ chế trong đó Pháp và Châu Âu có tiếng nói, song song với nhóm Bộ Tứ kết hợp 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn và Úc.

    Cuối cùng, ngoài mục tiêu đối phó với khả năng thống trị của Trung Quốc, việc Pháp thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương còn nhằm bảo vệ con số 1,5 triệu công dân Pháp trên các vùng lãnh thổ hải ngoại, và 93% của một vùng đặc quyền kinh tế 11 triệu cây số vuông, lớn thứ hai trên thế giới. Pháp cũng có 8.000 binh sĩ đóng quân trong khu vực.

    Pháp đã ký một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quốc phòng với Ấn Độ vào năm 2018, để bảo vệ lợi ích của cả hai nước và đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ.

    https://www.rfi.fr/vi/

    Không có nhận xét nào