Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Ngà – Trong thiên tai có nhân họa

    Trời ban cho con người mùa mưa mùa khô, mùa mưa nước trút xuống, còn mùa khô làm nước cạn kiệt. Trời ban cho rừng để con người giữ nước mùa mưa mà cấp cho mùa khô nhờ đó con nước dữ được biến nó thành nguồn sống cho cây trồng, vật nuôi và con người vào mùa khô. Mưa và rừng là một bộ không thể thiếu, nếu thiếu một trong hai thì tất đó sẽ là họa chứ không còn phúc nữa. Nếu thiếu mưa thì rừng khô cây chết và đất hóa hoang mạc, nếu thiếu rừng thì nước thành một sức mạnh tàn phá chứ không còn phục vụ nữa.
    “Thuận thiên” là từ xuất hiện từ buổi bình minh nhân loại, và cho đến nay khi con người đã có máy bay, tên lửa, internet, công nghệ xây dựng đập phát triển vượt bậc nhưng người ta vẫn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu là nhiệm vụ lớn của nhân loại từ nay và cho đến mãi mãi về sau. Đất nước càng văn minh, con người càng có xu hướng bảo vệ mội trường đó là thực tế ai cũng thấy. Đấy không phải là hành động “thuận thiên” là gì? Con người dù có văn minh như thế nào thì cũng không thể thoát khỏi quy luật của tạo hóa được. Sự ngu dốt phá vỡ tính cân bằng trong cặp “mưa và rừng” thì sẽ nhận lãnh hậu quả khó lường.

    Cái nguy hiểm của chủ nghĩa CS là nó tạo ra bảo thủ không chịu học hỏi. Chỉ có Marx-Lenin là nhất còn những gì thuộc về “chủ nghĩa tư bản” đều là xấu xa, và từ đó nó đóng cửa tư duy không chịu tiếp thu bất cứ thứ gì từ phía kia. Cái tính đó người ta gọi là tính “kiêu ngạo CS”, tính kiêu ngạo dựa trên sự ngu dốt. Người CS có chủ trương vô thần và xu hướng phủ nhận tất cả các quy luật của tạo hóa. Với người CS thì chỉ có “trị thiên” chứ không có khái niệm “thuận thiên”.

    Người Nhật dạy cho các thế hệ rằng, nước họ nghèo tài nguyên, thiên tai nhiều để người dân Nhật ý thức mà xây dựng nước Nhật hùng cường, trong khi đó người CS lại làm chuyện ngược lại, họ giao vào đầu các thế hệ lãnh đạo sự chủ quan nguy hiểm. Được biết, vào ngày 28/11/1959, tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo trung ương, ông Hồ Chí Minh có dạy đảng viên của ông rằng “Nước ta có rừng vàng biển bạc, nhân dân ta cần cù”. Sau đó 3 năm, vào ngày 16/4/1962, ông Hồ Chí Minh lại nhắc lại “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt; Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu…” tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 3. Để hưởng ứng “lời dạy bác Hồ”, thì Hoàng Trung Thông lại viết thơ cổ động cho dân phá rừng “Thiếu đất lên rừng tay vỡ đất” (trích trong bài thơ Anh Chủ Nhiệm). Và thực tế cho thấy, dưới thời CS người Việt Nam tàn phá rừng khủng khiếp nhất. Tính kiêu ngạo dựa trên sự dốt nát thì kết quả là phá hoại.

    Mưa xuống thì rừng biến nước mưa thành nước tưới cây cho mùa khô, qua đó rừng giữ cho người nông dân an cư lạc nghiệp, giúp người nông dân tránh họa lũ lụt. Hiểu được vấn đề đó, các nước văn minh quản lý rừng rất chặt chẽ, họ khai thác có chọn lọc để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa đảm bảo cân bằng hệ sinh thái. Khoảng từ năm 2000 trở về trước, nông thôn Việt Nam đa phần vẫn là “con trâu đi trước cái cày theo sau” thì ở trên rừng, lâm tặc đã có đủ máy móc thiết bị hiện đại nhất để hạ cây và vận chuyển cây ra khỏi rừng. Vậy rõ ràng xứ “tư bản giãy chết” người ta dùng khoa học công nghệ để phục vụ rừng thì ở Việt nam, người ta dùng nó vào mục đích phá hoại. Dốt cộng kiêu ngạo thì cho kết quá tàn phá, đó là điều tất yếu.

    Ngày nay, cứ hễ mưa xuống thì nhân dân miền trung lại đối mặt với mất mát. Mất mát mùa màng, mất mát nhà cửa tài sản, và mất mát sinh mạng vv... Và thực tế cho thấy, hiện tượng này xảy ra gần như mọi năm. Cứ mưa xuống là lũ tràn về và rất nhiều đập thủy điện không thể giữ nổi lượng nước lớn ấy lại thế là phải xả. Sự phá vỡ cân bằng tự nhiên trong nhiều thập kỷ dưới thời CS này giờ đến hồi nhân dân phải trả giá. Lũ về thì người gặp nạn là điều thường thấy, thế nhưng hôm nay kể cả người đi cứu nạn cũng gặp nạn thì rõ ràng thiên nhiên ngày càng trở nên hung bạo và khó lường. Và chắc chắn rằng, sang năm nay nhiều năm sau nữa, thảm trạng này sẽ không dừng lại. Thực tế trong thiên tai của ngày hôm nay, có nhân họa đã gieo từ hôm qua. Nhân họa ấy do ai mang đến chắc không cần phải giải thích thêm.

    -Đỗ Ngà-

    Không có nhận xét nào