Hai giáo sư Robert B.Wilson (trái) và Paul R.Milgrom (elintranews.com)
Nobel Kinh tế học 2020 đã thuộc về Paul R.Milgrom và Robert B.Wilson, với nghiên cứu cải thiện lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới. Paul Milgrom (sinh năm 1948) và Robert B.Wilson (1937) đều là người Mỹ và hiện giảng dạy tại Đại học Stanford. Lý thuyết đấu giá là gì và tại sao nó đáng được trao Nobel?
GIỚI THIỆU
Hành vi bán các mặt hàng có giá trị cho người trả giá cao nhất hoặc mua các dịch vụ có giá trị từ người trả giá thấp nhất đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử thành văn của chúng ta. Nhà sử học Hy Lạp Herodotus đã ghi lại các cuộc đấu giá ở Babylon cổ đại diễn ra từ 2500 năm trước. Tại Đế chế La Mã, các chủ nợ thường xuyên sử dụng các cuộc đấu giá để bán bớt tài sản bị tịch thu từ những con nợ quá hạn. Trong thời hiện đại gần đây hơn, Nhà đấu giá Stockholms, nhà đấu giá lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới, đã được Nam tước Thụy Điển Claes Rålamb thành lập vào năm 1674. Ngoài các tài sản bị tịch thu, Nhà đấu giá Stockholms, thay mặt những người bán có thiện chí, còn bán đấu giá nhiều loại hàng hóa - ví dụ, Karl XI, nhà vua Thụy điển cuối thế kỷ XVII, đã chào bán một lô vũ khí săn bắn. Các nhà đấu giá tương tự đã tồn tại trên khắp châu Âu. Năm 1744, Samuel Baker và George Leigh đã bán một bộ sách giá trị với tổng số tiền là 826 bảng Anh tại công ty đấu giá vừa được thành lập của họ. Công ty có trụ sở tại London đó hiện đã trở thành Sotheby”s - nhà đấu giá đồ thủ công mỹ nghệ lớn nhất thế giới.
Hàng hóa như cá, hoa tươi và các viên kim cương thô đã được bán trong các cuộc đấu giá, như chúng từng diễn ra trong nhiều thế kỷ. Chứng khoán - chẳng hạn như trái phiếu chính phủ - thường được bán trong các phiên bản hiện đại của các mô thức thiết kế đấu giá cổ đại. Các chính phủ cũng đã dựa vào các cuộc đấu giá để bán các quyền đối với gỗ, khoáng sản, dầu mỏ và tần số vô tuyến, cũng như để mua sắm nhiều loại hàng hóa và dịch vụ từ các công ty tư nhân. Trong thập kỷ qua, đấu giá trên Internet đã trở nên phổ biến. Các nền tảng như eBay dựa vào đấu giá để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giữa người tiêu dùng với nhau; các công cụ tìm kiếm như Google và Yahoo! thuê đấu giá để bán các vị trí ưu tiên dành cho từ khóa tìm kiếm và các mẩu quảng cáo.
NHỮNG TIẾN BỘ TRONG LÝ THUYẾT ĐẤU GIÁ
Các cuộc đấu giá khác nhau ở hai khía cạnh chính: quy cách và thông tin. Khi nói đến quy cách, đâu sẽ là các quy tắc về cách thông báo giá, cách người tham gia đặt giá, cách giá được cập nhật, cách phiên đấu giá kết thúc và cách chọn "người chiến thắng"? Ví dụ: phiên đấu giá ở Anh quy định rằng các mức giá công khai được đưa ra theo thứ tự tăng dần cho đến khi không ai đưa ra mức giá cao hơn, với đối tượng được phân bổ cho người trả giá cao nhất ở mức giá đó. Và đối với thông tin, người tham gia đấu giá biết gì về giá trị của vật đấu giá? Trong hầu hết trường hợp, mỗi người định giá có một số thông tin mà những người khác không thể biết được. Thông tin có thể bao gồm cả giá trị đặc trưng của người định giá đối với đối tượng đấu giá (thành phần giá trị riêng) và dấu hiệu của người đó về các thuộc tính của đối tượng đấu giá mà sẽ ảnh hưởng đến giá trị của nó đối với những người trả giá khác (thành phần giá trị chung).
Đấu giá không phải là trò chơi có tổng bằng không. Ngược lại, toàn bộ mấu chốt của cuộc đấu giá là tạo ra càng nhiều giá trị càng tốt bằng cách chỉ định một đối tượng cho người mua có thể tận dụng nó một cách tốt nhất. Do đó, không thể bắt đầu phân tích chặt chẽ các cuộc đấu giá cho đến khi lý thuyết trò chơi bất hợp tác được khái quát hóa vượt ra ngoài trường hợp đặc biệt của trò chơi có tổng bằng không. Bước đi đó được thực hiện vào năm 1950 bởi John F. Nash, Jr., người đoạt giải Khoa học Kinh tế năm 1994, trong luận án tiến sĩ toán học của ông. Nghiên cứu về các bước thiết kế một cuộc đấu giá trong thực tế, trong đó mỗi người định giá có một số thông tin riêng, đã phải chờ đợi sự mở rộng thêm của khung lý thuyết của Nash bởi hai nhà kinh tế học cũng đã được nhận Giải thưởng Nobel cùng năm 1994, William S. Vickrey và John C. Harsanyi.
NHỮNG PHÁT KIẾN VỀ CÁC DẠNG THỨC ĐẤU GIÁ MỚI
Paul Milgrom và Robert B.Wilson (Nobel 2020) đã phát minh ra một số định dạng mới mẻ và có giá trị cho các giải pháp thiết lập các cuộc đấu giá. Ví dụ nổi tiếng nhất là “Đấu giá nhiều vòng đồng thời”, mà họ đã phát triển cùng với Preston McAfee cho cuộc đấu giá phổ vô tuyến năm 1994 của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ. Dạng thức đấu giá này đã trở thành một phương pháp bán giấy phép phổ vô tuyến trên khắp thế giới. Các định dạng bổ sung do các nhà đoạt Giải thưởng Nobel năm nay đã thiết kế bao gồm “Đấu giá cổ phiếu” (Wilson, 1979), “Đấu giá đồng hồ kết hợp” (Ausubel, Cramton và Milgrom, 2006) và “Đấu giá theo cơ chế khuyến khích” (Milgrom và cộng sự, 2012).
Những cải tiến trong lý thuyết đấu giá không chỉ dẫn đến việc phát minh ra các dạng thức đấu giá mới. Chúng cũng đã giúp thống nhất việc phân tích các thể chế thương mại khác nhau, cho phép chúng ta một mặt thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa các cuộc đấu giá, và mặt khác là giao dịch thông qua thị trường với giá niêm yết hoặc thông qua các thủ tục thương lượng khác. Các khái niệm từ lý thuyết đấu giá cũng giúp làm rõ các tương tác kinh tế khác mà thoạt nhìn có vẻ khá khác với đấu giá - chẳng hạn như các cuộc chiến thôn tính giữa các công ty và các cuộc chiến kinh tế để làm suy kiệt đối thủ cạnh tranh.
CÁC CUỘC ĐẤU GIÁ MỘT ĐỐI TƯỢNG
Lý thuyết đấu giá trước kia đã so sánh các chiến lược và kết quả đặt giá trong bốn dạng thức đấu giá. Chúng là (theo thứ tự ABC):
(1) “Đấu giá Hà Lan” hoặc “Đấu giá kiểu Đồng hồ”, nơi giá cả bắt đầu từ mức cao do người bán định ra và dần giảm cho đến khi một số người trả giá chấp nhận và trả giá đó;
(2) “Đấu giá kiểu Anh”, nơi các mức giá từ giá khởi điểm (thường được đề xuất bởi người bán) được xướng lên bởi những người trả giá, được tất cả những người trả giá khác quan sát, cho đến khi không người trả giá nào có sẵn sàng đặt mức giá cao hơn, lúc này người trả giá cao nhất sẽ chiến thắng với mức giá cuối cùng mà người đó đã xướng lên;
(3) “Đấu giá kiểu “giá cao nhất” (đấu giá kín), nơi mà những người tham gia đưa ra mức giá mà những người tham gia khác không biết (ví dụ, trong phong bì kín), như vậy, người trả giá cao nhất sẽ là người chiến thắng
(4) “Đấu giá kiểu “giá cao thứ hai” (đấu giá kín), hoặc “Đấu giá kiểu Vickrey”, những người đấu giá đưa ra giá trong phong bì niêm phong và người trả giá cao nhất sẽ thắng nhưng trả tiền cho người đưa ra mức giá cao thứ hai.
Các dạng thức đấu giá phổ biến này được sử dụng để bán nhiều loại đồ vật, tài sản và hàng hóa. Ví dụ: Đấu giá hoa Aalsmeer ở Hà Lan dựa trên các cuộc đấu giá của người Hà Lan để bán khoảng 20 triệu bông hoa mỗi ngày, và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York sử dụng hình thức “Đấu giá kiểu Đồng hồ” khi bán trái phiếu cho các đại lý chính để gây quỹ cho Kho bạc Hoa Kỳ. “Đấu giá kiểu Anh” có lẽ là định dạng phổ biến nhất được sử dụng hiện nay, ít nhất là đối với đấu giá đối tượng riêng lẻ trên các nền tảng trực tuyến như eBay. “Đấu giá theo giá cao nhất” là phương tiện phổ biến để các công ty và tổ chức mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ và để chính phủ trao hợp đồng công khai hoặc phân bổ hợp đồng khai thác. “Đấu giá theo giá cao thứ hai” ít phổ biến hơn, nhưng chúng cũng đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ, chẳng hạn như khi bán đồ sưu tầm và hiện được các công cụ tìm kiếm trên Internet sử dụng khi bán không gian quảng cáo.
Các cuộc đấu giá luôn được giám sát bởi một đấu giá viên, người có nhiệm vụ thực thi các quy tắc đấu giá. Trong lịch sử, đấu giá viên luôn là một người thực. Ngày nay, phần mềm máy tính có thể thay thế các đấu giá viên người thực để gia tăng tốc độ và tần suất giao dịch cao hơn. Trong các cuộc đấu giá nhiều đối tượng, máy tính cũng phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch phức tạp hơn, khi đấu giá viên người thực không thể thực hiện được. Tương tự, những người trả giá sẽ tự đặt giá. Ngày nay, các đại lý được máy tính hóa - thường được gọi là đại lý đấu giá ủy nhiệm - thường đặt giá thay mặt cho những người trả giá là người thực, dựa trên thông tin được chỉ định trước về mức độ sẵn sàng chi trả và các mức tăng hoặc giảm giá trong quá trình thực hiện cuộc đấu giá, mà đã được tiêu chuẩn hóa.
Nguồn: "Scientific Background on the Sveriges Riksbank Prize in Economic Sciences in Memory of Alfred Nobel 2020". Nobel Institute Official Website, October 12, 2020
*****
(Để đọc đầy đủ bài của dịch giả Nguyễn Trung Kiên, mời đọc tại đây)
https://thenewviet.com/
Không có nhận xét nào