Lọt giữa các tin tức dồn dập về hậu quả thảm khốc do cơn bão số 9 gây ra cho người dân các tỉnh Miền Trung là một thông tin rất đáng chú ý, không thể bỏ qua, vừa được báo chí Việt Nam loan tải, rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ bất ngờ viếng thăm Việt Nam trong 2 ngày, 29 và 30/10, nhằm đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Bất ngờ là vì, theo tin đăng tải chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó, lịch trình từ ngày 25 đến 30.10 của ông Pompeo là công du Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia, không có Việt Nam. Vậy tại sao là Việt Nam vào phút chót?
Theo lời giải thích Bộ Ngoại giao Mỹ thì: “Bộ trưởng Pompeo sẽ đến Hà Nội để gặp gỡ những người đồng cấp, tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Việt Nam và thúc đẩy cam kết chung của chúng ta về một khu vực hòa bình và thịnh vượng". Tuy nhiên, trang RFA phân tích rõ ràng hơn, dẫn lời bình luận của giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Úc), một chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có một điểm rất quan trọng rằng, ngoại trưởng Mỹ có thể đề nghị phía Việt Nam cho máy bay săn ngầm P8 - Poseidon bay từ Việt Nam ra Biển Đông để trinh sát, đồng thời tiến tới hợp tác trong lĩnh vực tuần tra biển nhằm đối trọng với các tàu cá của Trung Cộng đánh bắt cá bất hợp pháp trên Biển Đông.
Nếu thông tin trên của giáo sư Carl Thayer được xác thực, có thể khẳng định Việt Nam đã có sự thay đổi bước ngoặt về chính sách ngoại giao quốc phòng: Giã từ chính sách “Bốn Không”! Tại sao? Trước sức ép của Trung Cộng suốt 3 thập niên qua, cùng với chủ trương nhượng bộ của ĐCSVN trước ĐCSTQ, Bộ Quốc phòng Việt Nam đành phải đề ra chính sách quốc phòng “Bốn Không”, cốt để làm hài lòng các ông chủ ở Trung Nam Hải, đó là: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Nay nếu Việt Nam cho Mỹ sử dụng lãnh thổ hoặc đặt căn cứ quân sự, thì coi như chính sách “Bốn Không” đương nhiên phá sản, một điều chắc chắn làm Bắc Kinh nổi giận. Tuy nhiên, Việt Nam còn có thể làm gì khác hơn? Nhìn thấy liên minh chống Trung Cộng càng lúc càng đông thêm và khối NATO Châu Á với Tứ giác Kim cương (The QUAD) làm nòng cốt càng lúc càng mạnh tay hơn với Trung Cộng về vấn đề tự do hàng hải trên toàn vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà khối này gọi là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi Mở (FOIP), thì Việt Nam buộc phải đứng trước 2 lựa chọn sống còn: Một là gia nhập The QUAD, cùng với Indonesia, để đương đầu với Trung Cộng, hai là ngả theo Trung Cộng để đối phó với The QUAD. Chính quyền Mỹ với những Donald Trump, Mike Pence và Mike Pompeo vô cùng cứng rắn và bản lĩnh, dường như không cho phép Việt Nam có lựa chọn thứ ba là “đu dây” như trước!
Theo những nguồn thạo tin, nếu ông Mike Pompeo không ghé Việt Nam thì Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien sớm muộn gì cũng sẽ ghé, bởi vì trong chiến lược FOIP của Mỹ, Việt Nam và Indonesia là 2 mắc xích trọng yếu không thể thiếu. Do đó, vừa mới nhậm chức là Thủ tướng Suga Yoshihide đã đi thăm Việt Nam trước tiên rồi mới tới Indonesia. Nay Ngoại trưởng Mỹ cũng thăm Indonesia trước, rồi tới Việt Nam sau. Chủ đề thảo luận chính của cả Mỹ và Nhật đối với Việt Nam đều giống nhau: Cung cấp vũ khí, khí tài và hợp tác quốc phòng chống Trung Cộng! Cứ thế, nếu sắp tới, các lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ và Úc có viếng thăm Việt Nam cũng là dễ hiểu, vì Ấn và Úc là các thành viên còn lại của The QUAD.
Rốt cuộc, việc gì khiến ông Mike Pompeo phải “bẻ lái” thăm Việt Nam đầy bất ngờ như vậy? Nếu không phải là sự đồng thuận từ phía Việt Nam cho Mỹ (và cả The QUAD) sử dụng căn cứ quân sự của mình, có thể ở Đà Nẵng và Cam Ranh, thì chắc ông đã không đột ngột nhận lời sang thăm Việt Nam vào lúc này, mà sẽ nhường phần đó cho ông Robert O'Brien. Có lẽ điều làm ông bất ngờ nhất là Việt Nam lại sớm đồng ý cho Mỹ dùng các sân bay của mình để xuất phát các chuyến bay trinh sát, khởi đầu bằng P8 - Poseidon, trước cả Indonesia (vừa mới từ chối lời đề nghị của Mỹ). Nếu như thế, đã có một sự thay đổi lớn lao trong nhận thức của lãnh đạo Việt Nam về Trung Cộng. Ngoài ra, các phái bộ ngoại giao của Việt Nam đã nhạy bén hơn Indonesia khi nhận định rằng, Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử, cho nên mới quyết đoán mời ông Mike Pompeo sang thăm ngay, vì “kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt” mà.
NHD
https://www.facebook.com/dungnh5/posts/4851314631575834
Không có nhận xét nào