Header Ads

  • Breaking News

    Lê Trọng Hiệp -Tình trạng khẩn cấp từ tấm bằng tiến sĩ giả

    Nguyễn Đức Chung không được tại ngoại còn Phạm Đình Quý thì bị “bắt cóc khẩn cấp”, hai sự việc giữa hai con người hoàn toàn xa lạ này xem ra cùng có một mẫu số.

    Ông Chung nguyên là Thiếu tướng giám đốc Công an Hà Nội, sau cùng là Chủ tịch Hà Nội. Hơn một tháng trước Chung bị bắt và bị tạm giam bốn tháng với cáo buộc chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Đến tuần qua gia đình xin cho Chung tại ngoại để điều trị bệnh ung thư nhưng bị Bộ công an bác, với lý do Chung “vi phạm rất nghiêm trọng”.

    Ông Quý là võ sư, có bằng tiến sĩ khoa học thể thao, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cuối tháng 8.2020, ông Quý viết bài tố cáo Bí thư tỉnh ủy Đák Lák Bùi Văn Cường trên tạp chí Môi trường và Xã hội, theo đó ông Cường đã “đạo luận án tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân”. Thế là ông Quý bị công an dưới quyền ông Cường “hạ san” xuống Sài Gòn bắt cóc, đưa thẳng về Đák Lák; hoàn toàn không kèn, không trống, không lệnh tòa hay lệnh của Viện kiểm sát; mãi một tuần sau mới chịu thông tin theo lối thay tòa kết tội!

    Theo luật thì trường hợp khẩn cấp là tình thế có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội hay tính mạng nhân dân. Sự việc chỉ liên quan đến “bằng tiến sĩ” của ông bí thư tỉnh, khẩn cấp ở chỗ nào? Nếu ông Quý tố cáo sai, ông Cường có thể kiện ngược cả ông Quý vào tờ báo ra tòa.

    Báo chí làm ầm ĩ khoảng một tuần thì 30.9.2020 Công an Đắk Lắk mới giải thích, cho biết ông Quý “bị bắt khẩn cấp về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự.”

    Tố cáo của ông Quý có bằng chứng hẳn hoi, tuy nhiên cả khi chưa có quyết định của tòa để xác định ai rõ trắng đen thì các cơ quan nhà nước đã xem đó là “hành vi vu khống” để giam người.

    Tuy nhiên ông Cường đã sử dụng quyền lực bóng tối. Cũng ngày 30.9.2020 Cục Báo chí ra lệnh tạp chí Môi trường và xã hội 50 triệu đồng “vì thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”. Ngoài ra tờ báo bị buộc phải xin lỗi, phải thu hồi ấn phẩm có đăng bài (số 16 năm 2020) và bị cấm hoạt động trong hai tháng.

    Cùng bị bắt cóc có ông Hoàng Minh Tuấn, trường Trung Học Lê Thánh Tôn, ở Nha Trang.

    Ông Tuấn cũng là người đã làm đơn kiến nghị lên Ủy ban Kiểm tra Trung Ương tố cáo luận án tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường. Có tin cho biết ông Tuấn là học trò ông Quý.

    Đến ngày 2.10.2020, Công an tỉnh Đắk Lắk ra thông cáo giải thích hai ông “Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý đều đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.

    Thông cáo một chiều này nêu: “Lời khai nhận của Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn phù hợp với các tài liệu chứng cứ Cơ quan điều tra đã thu thập được. Đây là hoạt động có dấu hiệu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp. Quá trình giải quyết vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành công tâm, khách quan, trên quan điểm “thượng tôn pháp luật”.”

    Chiều tối 2.10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cũng lập lại điều này.

    Ông Xô cũng đề cập đến việc không cho ông Chung tại ngoại: “Hiện nay tình trạng sức khỏe của ông Chung là bình thường trong điều kiện mới.”

    Từ điều kiện mới này có báo giải thích là môi trường trại giam, nhưng cũng cần được hiểu trong nghĩa khác là “trước thềm đại hội”.

    Tuy nhiên để hiểu chuyện này, hay xét đến những yếu tố liên quan: bằng tiến sĩ của ông bí thư và những dây nhợ xung đột, thù hằn.

    “Tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường

    Bùi Văn Cường có bằng kỹ sư hàng hải, “chuyên ngành điều khiển tàu biển”, tốt nghiệp được giữ lại trường giảng dạy nhưng sau đó chủ yếu “hoạt động phong trào”, trở thành Bí thư đoàn trường và dần dà đi lên và bỏ nghề hẳn.

    Năm 2006 Cường trở thành Bí thư Trung Đoàn. Tháng Tư năm 2016 trở thành Bí thư đảng đoàn kiêm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN). Đến tháng 7 năm 2019, ông Cường được bổ làm bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk.

    Giữa năm 2016, khi đã là chủ tịch Tổng công đoàn, ông ta quay về trường làm nghiên cứu sinh và hai năm sau thì bảo vệ luận án.

     “Luận án” này mang tên “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt-bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, được trình trước hội đồng xét duyệt tại Đại học Hàng hải ở Hải Phòng vào ngày Chủ Nhật, 6.5.2018.

    Thật là hài hước, bằng tiến sĩ “chuyên ngành chân vịt” này – nếu là tiến sĩ thật 100%– cũng chẳng giúp ích gì cho công việc lãnh đạo công đoàn của ông, cũng chẳng giúp ích gì cho việc lãnh đạo tỉnh cao nguyên Đák Lák.

    Nó chẳng có ích gì cả trừ việc ban cho ông ta cái danh xưng “tiến sĩ” trước cái tên của mình, để oai, để lòe người ít học và để rộng đường thăng quan tiến chức.

    Nên chẳng có gì lạ khi ông Quý vạch rằng là là bằng tiến sĩ giả: luận án của Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết sao chép đến 70% các công trình được xuất bản trước đó.

    Ông Quý bỏ thì giờ phân tích và chỉ rõ rằng ông Cường sao chép:

    Luận văn thạc sĩ “Nghiên cứu đề xuất quy trình vận hành và khai thác hệ thống quản Lý hàng hải tàu biển: Luồng Hải Phòng” của Vũ Tú Nam trình năm 2015 tại Đại học hàng hải.

    Công trình “Ứng dụng CFD nghiên cứu động lực học vật thể chuyển động trong môi trường chất lỏng” đăng trên Nội san Khoa học của Viện cơ khí thuộc Đại học Hàng hải Việt Nam vào năm 2016.

    Ăn cắp những ý tưởng và hình minh họa từ công trình nghiên cứu “Nâng cao chất lượng ổn định hướng đi tàu thủy sử dụng bộ quan sát trạng thái” của giảng viên Nguyễn Hữu Quyền tại Đại học hàng hải vào tháng 6 năm 2016; nhưng lại
    “hô biến” nó thành một tài liệu bằng tiếng Anh, ra vẻ ta đây nghiên cứu tài liệu nước ngoài cho sang!

    Nghĩa là ông Cường “mượn màu Anh ngữ đánh lừa con đen”. Nghe cũng giống như đọc lời của Lê Duẫn nhưng lại chú thích là đọc từ nguyên bản tiếng Nga của “Lê Nin”, trò ăn cắp và làm oai này hiện trong ghi chí về tài liệu trích dẫn số 48, 49 và 57.

    Hài hước hơn, luận án tiến sĩ nêu rõ ông Cường đã tiến hành 3 đợt nghiên cứu thực địa , trong đó chỉ diễn tả chỉ tiết đợt thứ ba vào ngày 15.7.2017 từ trang 122 đến trang 127. Từ nghiên cứu thực địa này ông ta đã đi đến kết luận cho toàn bộ đề tài luận án.

    Thế nhưng trong khi đó thì tin tức rành rành trên báo chí cho biết vào chính này đó ông ta — trong vai Chủ tịch TLĐLĐVN – đã xuất hiện tại… Khánh Hòa để chủ trì Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ và khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma!

    Không có gì hài hước hơn.

    Gian mà không ngoan. Ông Cường bỏ công ra sao lục tài liệu để ăn cắp nhưng không chịu bỏ ra một vài phút để phối kiểm với lịch làm việc của mình. Do đó đến đây chúng ta có thể tạm đưa ra hai nhận xét!

    Thứ nhất, Chủ tịch TLĐLĐVN là công việc rất rảnh rỗi, không có gì để làm. Nếu đó là một luận án ăn cắp, ông Cường cũng phải bỏ rất nhiều thì giờ để đọc và sao chép.

    Thứ hai, nếu Chủ tịch TLĐLĐVN là công việc không hề rảnh rỗi, ông Cường đã bỏ tiền ra thuê người viết luận án cho mình, và người viết thuê này đã sao chép, xào nấu một cách cẩu thả.

    Thứ ba, bất luận trong trường hợp nào thì rõ ràng Đại học hàng hải – hay ít ra các “giáo sư tiến sĩ” trong hội đồng chấm đã bị ủy viên trung ương đảng Bùi Văn Cường mua đứt.

    Luận án xào nấu từ những nghiên cứa của giảng viên trong trường, đăng trên nội san khoa học của trường, tại sao không ai nhận ra?

    Sau bài báo của ông Quý, trường này lật đật rút luật án của ông Quý xuống khỏi trang web của mình. Sau đó, trước sức tấn công của công luận, trường lại phải đưa lên.

    Riêng ông Cường thì như có “phép màu”. Phải có áp lực từ trên rất cao, tờ báo đăng bài phanh phui sự thật của ông Quý bị cấm, công an từ Đák Lák xuống tận Sài Gòn bắt người với sự a tòng của công an sở tại.

    Quan hệ “hậu cung”

    Ông Cường là tiến sĩ dõm rành rành. Mà việc ông Quý vạch mặt “tiến sĩ Cường” còn có những quan hệ “hậu cung” khác.

    Như có thể thấy, ông Cường trình luận án tiến sĩ trên khi đương chức Chủ tịch TLĐLĐVN, vai trò ông đảm nhiệm từ tháng Tư năm 2016. Mà TLĐLĐVN lại là cơ quan chủ quản của Đại học Tôn Đức Thắng, nơi ông Quý là giảng viên.

    Kể từ nhiệm kỳ của ông Cường đến nay, TLĐLĐVN và đại học Tôn Đức Thắng đã lao vào trận chiến sinh tử không ai nhường ai: đại học khẳng định quyền độc lập – tự chủ, công đoàn thì đòi “siết chặt sự lãnh đạo” và thu thuế 30%.

    Đại học Tôn Đức Thắng hiện được xem là một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam vì có tên trong bảng xếp hạng đại học thế giới có uy tín như ARWU, THE, QS, US News, URAP . Tuy nhiên, trong cuộc đấu đá trên, thời gian qua trường lại bị đả kích về việc mua bài báo khoa học, tạo giá trị ảo cho trường.

    Trường ra đời từ năm 1997. Lúc đó, trước nhu cầu học đại học ngày càng tăng, Liên đoàn lao động tại Sài Gòn thành lập Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, chủ tịch Hội đồng quản trị của trường chính là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố.

    Trường ngày càng phát triển và đến đầu năm 2003 được đổi thành Đại học Bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố. Đến năm 2006 thì trường trở thành đại học công lập nhưng cũng hoàn toàn tự chủ về tài chính, nhà nước không cấp một đồng kinh phí nào.

    Ngày 11 tháng 6 năm 2008, Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 747.QĐ-TTg về việc đổi tên thành Đại học Tôn Đức Thắng chuyển về trực thuộc TLĐLĐVN. Tuy nhiên trường vẫn tiếp tục hoạt động theo cơ chế tự chủ và ngày càng nổi, ngoài các học khu tại Sài Gòn còn có bốn học khu khác tại Nha Trang, Bảo Lộc và Cà Mau.

    Trường đã trở thành miếng bánh béo bở và giới lãnh đạo TLĐLĐVN ngày càng muốn thò tay vào thao túng, gây nên sự đấu đá kéo dài. Cuộc đấu đá này trở nên gay gắt sau khi Bùi Văn Cường trở thành chủ tịch TLĐLĐVN.

    Ngày 29.11.2017 Trưởng ban Tài chính TLĐLĐVN Phan Văn Anh thừa lệnh Cường ký công văn số gửi đại học, yêu cầu phải “thực hiện nghĩa vụ với Tổng Liên đoàn”. Ông Anh dẫn quy định của TLĐLĐVN, theo đó những cơ quan tổ chức kinh tế trực thuộc “phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

    Tuy nhiên Ban giám hiệu Đại học Tôn Đức Thắng cãi lại: nộp 30% thu nhập sau thuế là nghĩa vụ những cơ quan tổ chức do TLĐLĐVN bỏ vốn ra thành lập. Trong khi đó TLĐLĐVN chưa hề đầu tư một đồng nào cho Đại học Tôn Đức Thắng, còn về mặt hành chánh thì lại do Chính phủ ký quyết định thành lập, hoàn toàn không thể áp dụng quy chế “nộp hụi chết 30%” này!

    Tức giận, ngay sau đó TLĐLĐVN tổ chức thanh tra tài chính Đại học Tôn Đức Thắng cùng lúc đưa ra những quyết định thay đổi nhân sự. Tuy nhiên đại học phản đối, không hợp tác, viện dẫn quy chế tự trị đại học.

    Cuộc chiến kéo dài, TLĐLĐVN sử dụng tờ báo của mình là tờ Lao Động để “đánh” trường đại học. Đại học nhờ cậy các tờ báo đứng về phê mình như “Giáo dục” để phản công. Tuy nhiên càng ngày thì Đại học Tôn Đức Thắng càng lâm vào thế thua. Ngày 18.9.2020 Tiến sĩ Lê Vinh Danh bị tước bỏ chức vụ Hiệu trưởng, một quyết định gây xáo trộn không ít, trong đó hàng trăm cử nhân tốt nghiệp không được cấp bằng để xin việc vì trường không có hiệu trưởng.

    Rõ ràng, đại học này thua vì cuộc đấu tranh giành quyền “tự chủ” đang nóng lên giữa một thời điểm nhạy cảm là đảng đang chuẩn bị đại hội. Trường này tự chủ được thì các trường khác cũng tự chủ được, sau đó thì người dân nào cũng đòi tự chủ hay dân chủ thì còn gì là sự lãnh đạo của đảng?

    Hạ thấp vai trò – trước thềm đại hội

    Chính vì tính nhạy cảm đối “sự lãnh đạo của đảng” trong thời điểm này nên hành vi của ông Quý đã trở thành “khẩn cấp” qua những câu chữ kinh người nêu trên: “hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp”.

    Ông Chung không được quyền tại ngoại cũng là vì lý do này. Từng được phong là “anh hùng lực lượng vũ trang”, từng là giám đốc công an Hà Nội, nghĩa là ông Chung có đủ bản lĩnh và “nghiệp vụ” hay tay nghề. Ông Chung lại “chiếm đoạt tài liệu bí mật” khi nắm quyền chủ tịch Hà Nội, với “bí mật” đang nắm trong tay, “bản lĩnh” và nghiệp vụ của kẻ đang bị dồn vào đường càng nguy hiểm hơn. Không còn gì để mất, lại bị ung thư, bất cứ lúc nào Chung cũng có thể là quả bom nổ chậm.

    Đại hội đảng đang chuẩn bị diễn ra trong bầu không khí nơm nớp lo âu giữa các cuộc đấu đá nội bộ và “sự chống phá của các thế lực thù địch”. Hơn lúc nào hết, ông Chung phải bị vô hiệu hóa, và do đó phải bị cách ly, bị cô lập trong bốn bức tường trại giam, ít nhất là tới khi xong đại hội đảng.

    Ông Tiến sĩ Quý cũng vậy. Chính quyền cộng sản thuộc vào hàng chính quyền có nhiều tiến sĩ nhất thế giới và đâu phải chỉ mỗi một ông Cường là tiến sĩ dõm? Để mặc cho hai ông Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn “mổ xẻ” cái bằng tiến sĩ của ông Cường thì sẽ càng có nhiều ông Quý và ông Tuấn khác nhập cuộc, nhắm vào những tấm bằng tiến sĩ và thậm chí cử nhân của những ủy viên trung ương đảng khác?

    Nghĩa là một sự xáo trộn không thể gỡ được cho “bài toán nhân sự” mà Nguyễn Phú Trọng phải vất vả lắm mới sắp xếp ổn thỏa.

    Bảo vệ ông Cường là bảo vệ cho Đảng, một cái đảng cầm quyền bằng trí tuệ giả!

    https://vietluan.com.au/

    Không có nhận xét nào