Header Ads

  • Breaking News

    Khủng hoảng ở Hồng Kông hay khủng hoảng nội bộ chính trị Trung Quốc ?

    Giới quan sát Nhật Bản cho rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chưa hẳn là một tân Mao Trạch Đông như phương Tây đánh giá. AP - Mark Schiefelbein

    Khác với cách nhìn của phương Tây, giới quan sát Nhật Bản – quốc gia có những mối quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc – có cái nhìn cẩn trọng hơn trong cách diễn giải các sự kiện ở Hồng Kông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn xa mới là một lãnh đạo đầy quyền lực. Tại Trung Hoa lục địa, có một sự trỗi dậy của công luận và nhất là những cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Ai cầm trịch ở Bắc Kinh ? Đây là câu hỏi hai tác giả Yuko Hayakawa – giảng viên tiếng Nhật trường EMBA Business School tại Quimper (tây bắc nước Pháp) và nhà báo Erwan Seznec tìm cách giải đáp trên tạp chí Conflit (số ra tháng 9-10/2020).

    Đầu tiên hết hai tác giả ghi nhận những phản ứng có chừng mực của chính phủ Nhật Bản, lúc Shinzo Abe còn cầm quyền. Khi Trung Quốc thông báo dự luật an ninh mới đối với Hồng Kông, ngày 28/05/2020, Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Canada và Úc đã mạnh mẽ tố cáo Trung Quốc thiếu tôn trọng « những cam kết quốc tế » đối với Hồng Kông.

    Chính phủ Nhật Bản cũng đi theo cùng một hướng nhưng với một thái độ ôn hòa hơn khi dè dặt bày tỏ mối « quan ngại sâu sắc », tức ở cấp độ 2 trong cách thể hiện mối lo của chính phủ. Hai tác giả lưu ý, ngành ngoại giao Nhật Bản phân chia 4 cấp độ để thể hiện mức độ mối quan ngại của mình. Và mối quan ngại này chỉ được Tokyo nâng lên ở mức 4, mức cao nhất vào ngày 03/7 khi gởi lời « trách móc » Bắc Kinh thông qua đạo luật an ninh mới.

    Sự kín đáo của giới doanh nhân

    Trong chính trường, phe chủ trương thân Mỹ thuộc đảng Tự Do – Dân chủ cầm quyền đòi chính phủ phải có thái độ cứng rắn, đòi tạo thuận lợi cho việc cấp visa tị nạn cho những người Hồng Kông, nhất là những người làm việc trong ngành tài chính, và yêu cầu đơn phương hủy chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến đi này vốn dĩ được dự kiến cho tháng 4/2020, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên đã bị dời lại vào cuối năm 2020.

    Ngược lại, giới doanh nhân tỏ ra kín đáo trong suốt cuộc khủng hoảng. Quan hệ thương mại giữa hai nước lệ thuộc chặt chẽ với nhau. Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên nhiên liệu và khách hàng hàng đầu của Nhật Bản. Dù là đối thủ, nhưng hai nước có những mối hợp tác khá là hữu hảo.

    Lịch sử và những mối quan hệ giao thương đã hình thành nên những mối quan hệ cá nhân chằng chịt giữa hai phía. Hai tác giả nhắc đến một con số khá ấn tượng : Năm 2019, hơn 15.000 người Nhật Bản tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tiếng Hoa. Chính vì những mối liên hệ đa chiều như vậy, nên các nhà hoạch định chính sách và ngay cả những công dân Nhật Bản bình thường nhất phân tích những gì xảy ra ở Hồng Kông với cái nhìn cẩn trọng hơn rất nhiều so với phương Tây.

    Bởi vì, Trung Quốc không phải là một cường quốc xa xôi và mờ nhạt, mà đó là một láng giềng sát cạnh người ta có thể đi thăm trong ngày. Việc Bắc Kinh thô bạo nắm lại quyền kiểm soát ở Hồng Kông được diễn giải sắc bén hơn, xem đó vừa là một sự biểu dương sức mạnh, nhưng cũng là một lời thú nhận yếu kém đáng quan ngại.

    Mục tiêu của Bắc Kinh chỉ thật sự muốn bóp nghẹt làn sóng phản đối ? Khi điểm lại những phân tích trên truyền thông Nhật Bản, hai tác giả - Yuko Hayakawa và Erwan Seznec – cho rằng không đơn giản là như thế. Với ông Miyamoto Yuji, cựu đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh, khi trả lời phỏng vấn trang mạng nippon.com ngày 12/3 phân tích rằng tại Trung Quốc, « ý kiến công luận tồn tại » và cuộc khủng hoảng Covid-19 là một bước ngoặt. « Phẫn nộ bùng nổ trong công chúng buộc chính quyền Trung Quốc phải công khai thừa nhận là phản ứng ban đầu với dịch bệnh là tồi ».

    Phải chăng thế giới đang đối mặt với một chế độ tự tin đến mức có thể chà đạp lên những cam kết quốc tế của mình với một mục tiêu duy nhất là dập tắt đến tận mầm móng phản kháng cuối cùng ? Hay là chúng ta đang đứng trước một chế độ lúng túng tìm cách kềm hãm đà đi lên mạnh mẽ của xã hội dân sự trên phạm vi toàn quốc ?

    Về những câu hỏi này, châu Âu và Hoa Kỳ tỏ ra dứt khoát. Tập Cận Bình là một lãnh đạo đầy quyền lực, gần như là một tân Mao Trạch Đông. Nhưng trên tuần báo Yu Kan Fuji ngày 01/07/2020, nhà nghiên cứu Hán học, Shi Ping cho là ngược lại. Nhân vật số 1 của đảng Cộng sản Trung Quốc đang hứng lấy những chỉ trích. Theo ông, ngày 01/4, tại Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc (Quốc Hội), ông Tập Cận Bình bị thủ tướng làm cho « bẽ mặt ». Ông Lý Khắc Cường công khai nhắc rằng Trung Quốc vẫn có đến 600 triệu người sống trong cảnh bần hàn. Để có thể thấy được tầm mức quan trọng của phát biểu này, nên biết rằng ông Tập Cận Bình mong muốn đích thân thông báo thành tích xóa sạch nạn đói nghèo tại Trung Quốc nhân dịp lễ mừng 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 7/2021.

    Báo chí Nhật Bản cho biết thủ tướng Lý Khắc Cường không dừng ở đó. Ông còn bày tỏ một dấu ấn khác biệt với Tập Cận Bình khi công khai ủng hộ những người buôn bán vặt trên hè phố mà ông Tập Cận Bình muốn xóa sổ. Bởi vì, theo cách nhìn của Katsuji Nakazawa, chuyên gia về Trung Quốc trên tạp chí Asia Nikkei ngày 12/6, những tiểu thương này là biểu hiện của đầu óc doanh nghiệp, thậm chí là của sự dân chủ hóa đất nước.

    Tập Cận Bình và sức nặng hệ thống

    Ông Takahashi Yoichi, một cựu quan chức bộ Tài Chính trên tờ Gendai Business ngày 30/06/2020 có nhận định là Bắc Kinh đang tự bắn vào chân mình : « Trung Quốc đang đánh mất một thập niên chế độ lý tưởng : Một quốc gia, hai thể chế », vốn dĩ hòa hợp được chế độ chuyên chế và các nhà tư bản. Vị trí trung tâm tài chính thế giới của Hồng Kông có nguy cơ sụp đổ, « điều đó sẽ có lợi cho Nhật Bản ».

    Tại Tokyo, không một ai mong muốn xảy ra đối đầu quân sự với Bắc Kinh. Những sự cố xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và đòi hỏi chủ quyền hầu như không dứt từ một tháng nay. Tầu chiến Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập vùng lãnh hải có tranh chấp nhưng rủi ro trượt đà dường như là thấp.

    Trong vấn đề Đài Loan, giới bình luận Nhật Bản đều cho rằng một khi Hồng Kông được đặt dưới kiểm soát, rồi sẽ đến lượt Đài Loan. Nhưng với những ý đồ gì và sẽ có những rủi ro gì khi quyết tâm thực hiện ? Những câu hỏi này dẫn đến một thắc mắc khác : Ai thật sự cầm quyền ở Bắc Kinh ?

    Để giải đáp, Narusghige Michishita, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chính trị Quốc gia đưa ra những so sánh Trung Quốc hiện nay với Nhật Bản của những năm 1930. Ông ghi nhận sự hiện hữu của một luồng hiếu chiến và hoang tưởng tự đại tại Trung Quốc. Thế nên có câu hỏi khác : Phải chăng Tập Cận Bình là một lãnh đạo hay chỉ là một tên nô lệ ?

    Nhân vật số một có thể buộc phải dàn xếp với điều mà ông Narusghige Michishita gọi bằng một thuật ngữ mơ hồ sau khi đã cân nhắc « hệ thống » : một trào lưu mang đậm tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, say men tìm lại sự hùng mạnh của một nước « Đại Trung Hoa » và không ý thức được về những yếu tố bấp bênh như những gì tập đoàn quân sự Nhật Bản đã làm, đẩy đất nước lao vào đối đầu với Mỹ năm 1941.

    https://www.rfi.fr/vi/

    Không có nhận xét nào