Header Ads

  • Breaking News

    Huỳnh Minh Triết - Thẩm phán Amy Coney Barrett là ai?

    Thẩm phán Amy Coney Barrett, 48 tuổi, đang đứng trước cơ hội tạo ảnh hưởng đến luật pháp Hoa Kỳ trong hàng chục năm tới.

    Amy Coney Barrett là cái tên được Tổng thống Donald Trump đề cử vào ghế thẩm phán tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thay cho Ruth Bader Ginsburg, vị thẩm phán vừa qua đời vào tháng Chín. Bốn ngày điều trần của ứng viên Barrett trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ vừa bắt đầu hôm qua, 12/10.

    Trước đó, Đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Thẩm phán Barrett. Thom Tillis, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa mắc virus COVID-19 nói rằng sẽ mặc đồ bảo hộ (moon suit) để đến bỏ phiếu cho bà Barrett nếu cần.

    Năm nay chỉ mới 48 tuổi, nếu trở thành thẩm phán Tối cao Pháp viện với nhiệm kỳ trọn đời, bà Amy Coney Barrett có thể ảnh hưởng đến tòa án này trong hàng chục năm nữa. Phe cấp tiến lo ngại tiếng nói bảo thủ của bà sẽ ngăn cản các nỗ lực thay đổi xã hội của họ, như đảo ngược phán quyết về quyền phá thai, quyền sở hữu súng, và quyền của người đồng tính.

    Vậy Thẩm phán Amy Coney Barrett là người như thế nào, quan điểm pháp lý của bà ra sao, những lo lắng của phe cấp tiến có căn cứ hay không? Bài viết này khắc họa một chân dung về bà.

    Tiểu sử Thẩm phán Barrett

    Tên thời niên thiếu của Barrett là Amy Vivian Coney. Bà sinh ngày 28/1/1972 ở New Orleans, bang Louisiana. Bà là con cả của một gia đình Cơ đốc giáo sùng đạo có bảy người con. Cha bà là luật sư cho công ty dầu Shell, mẹ bà là giáo viên tiếng Pháp.

    Bà tiếp nhận nền giáo dục Công giáo ở bậc tiểu học và trung học. Năm 1990, bà giành được học bổng của Đại học Rhodes, nơi bà học chuyên ngành văn học Anh và một ngành phụ tiếng Pháp.

    Năm 1994, khi tốt nghiệp, bà được xướng tên là sinh viên xuất sắc nhất khoa.

    Sau đó, bà tiếp tục học luật tại Đại học Notre Dame với học bổng toàn phần. Tại đây, bà làm biên tập viên điều hành của tạp chí luật Notre Dame Law Review. Năm 1997, bà tốt nghiệp ngành luật (Juris Doctor) với tấm bằng danh dự dành cho người xuất sắc nhất khoá (summa cum laude).

    Sau tốt nghiệp, bà làm thư ký luật cho thẩm phán Laurence Silberman của Tòa Phúc thẩm quận Columbia (District of Columbia Circuit). Trong hai năm sau (1998-1999), bà làm thư ký cho Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia.


    “Tôi đã làm thư ký cho Thẩm phán Scalia hơn 20 năm trước, nhưng bài học mà tôi học được từ ông vẫn còn vang vọng. Triết lý tư pháp của ông cũng là của tôi: Một thẩm phán phải áp dụng luật như khi nó được viết ra”, thẩm phán Barrett nói.

    Bà từng làm luật sư cho hãng luật tư nhân ở thủ đô Washington D.C. Năm 2001, công ty của bà tham gia vụ tranh tụng giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ George W. Bush và Al Gore (Bush v. Gore), đại diện cho phía Bush. Trong vụ này, công việc của bà là nghiên cứu và hỗ trợ biện hộ.

    Năm 2002, bà quay trở lại Đại học Notre Dame để dạy học. Bà trở thành giáo sư dạy môn tòa án liên bang, luật hiến pháp và diễn giải luật pháp. Bà từng ba lần được phong danh hiệu giáo sư của năm.

    Năm 2017, bà được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm thẩm phán Toà Phúc thẩm quận số Bảy (Court of Appeals for the Seventh Circuit).

    Năm 2018, bà từng lọt vào danh sách rút gọn các ứng viên thẩm phán tối cao để thay thế cho Thẩm phán Anthony Kennedy. Ông Trump đã gặp và phỏng vấn bà. Sau đó, vị trí này được ông Trump dành cho Thẩm phán Brett Kavanaugh.

    Tháng 9/2020, bà chính thức được Tổng thống Trump chọn làm người thay thế cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg.

    Gia đình

    Năm 1999, bà Barrett kết hôn với chồng là Jesse Barrett, một luật sư cũng tốt nghiệp trường Notre Dame. Bà và chồng có bảy người con, trong đó có hai con là nhận nuôi từ Haiti, đứa con út bị bệnh Down.


    Tờ Wall Street Journal gọi bà là người tạo ra hình mẫu mới cho một “bà mẹ làm việc” của thời đại mới, một người có sự nghiệp xuất chúng nhưng vẫn có thể cân bằng được trách nhiệm to lớn với gia đình.

    Barrett chia sẻ rằng bà làm được như vậy là nhờ có một ông chồng sẵn sàng xắn tay gánh vác phần việc nhà lớn hơn, cùng một lịch trình làm việc linh hoạt.

    Tôn giáo và lập trường tư pháp

    Trong năm 2006, trước một lễ tốt nghiệp tại Đại học Luật Notre Dame, bà nói: “Sự nghiệp pháp lý của các bạn chỉ là công cụ cho một một đích cuối cùng, và… đích đó là vương quốc của Chúa… Nếu các bạn có thể luôn giữ trong tâm rằng mục tiêu cơ bản của cuộc đời các bạn không phải là một luật sư mà là để biết, yêu và phục vụ Chúa, thì bạn thực sự sẽ trở thành một kiểu luật sư hoàn toàn khác biệt”.


    Bà là một con chiên ngoan đạo và không hề giấu diếm điều này. Nhưng với bà, niềm tin cá nhân của một thẩm phán không được can dự vào các phán quyết của tòa án.

    “Nếu quý vị hỏi tôi rằng liệu tôi có nghiêm túc với tín ngưỡng và có phải là một người Công giáo ngoan đạo hay không, thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng việc gia nhập giáo hội hay niềm tin tín ngưỡng của riêng tôi sẽ không ảnh hưởng đến việc tôi thực thi nhiệm vụ của một thẩm phán”, bà Barrett trả lời trong phiên điều trần bổ nhiệm thẩm phán Toà Phúc thẩm quận số Bảy năm 2017.

    Tuy nhiên, lập trường của bà không phải lúc nào cũng nhất quán như vậy. Năm 1998, khi còn là sinh viên năm thứ ba, Barrett nhận định trong một bài báo nghiên cứu rằng các thẩm phán Công giáo nên được cho phép rút khỏi các vụ kiện có liên quan đến án tử hình hay phá thai. Bài viết này không thoát khỏi sự dò xét của các thượng nghị sĩ trong phiên họp phê chuẩn bà năm 2017. Trong phiên họp, bà nói rằng quan điểm của mình đã thay đổi.

    “Liệu bài viết đó, và mỗi chi tiết của nó có phản ánh cách nghĩ của tôi về các câu hỏi hôm nay, khi tôi ngồi đây với 20 năm kinh nghiệm và có khả năng nói quan điểm riêng của mình hay không? Không. Câu trả lời là không”, Barrett nói.

    Cũng trong cuộc chất vấn năm 2017, bà nhắc lại lập trường nghề nghiệp của mình rằng quan điểm cá nhân của một thẩm phán không nên xen vào phán quyết và diễn giải luật pháp của họ. Bà xác định một lằn ranh rõ ràng giữa nhánh tư pháp và lập pháp của chính quyền: Tòa án là nơi diễn giải và phán xét theo đúng luật, còn Quốc hội mới là nơi lập pháp. Theo quan điểm của bà, cử tri, thông qua đại diện của mình ở nhánh lập pháp, tức là các nghị sĩ Quốc hội mà họ trực tiếp bầu ra, mới nên là động lực của thay đổi xã hội, chứ không phải là tòa án.


    Bà Barrett khước từ mọi câu hỏi của cả các thượng nghị sĩ về quan điểm cá nhân đối với phán quyết của Tòa án Tối cao rằng phụ nữ có quyền phá thai (vụ Roe v. Wade). Bà khẳng định việc cá nhân bà coi nó ra sao không ảnh hưởng tới quyết sách của bà khi thụ lý vụ án liên quan đến án lệ mang tính ràng buộc này.

    Dẫu vậy, nhiều người vẫn quan ngại niềm tin tôn giáo mãnh liệt của bà sẽ gây ảnh hưởng đến phán quyết của bà. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Đảng Dân chủ) đã nhận xét về Barrett trong phiên điều trần năm 2017: “Giáo lý có một vai trò to lớn với bà. Đó là điều đáng lo”.

    Bà được phê chuẩn chức vụ thẩm phán Toà Phúc thẩm quận số Bảy vào tháng 10/2017 với số phiếu là 55-43, trong đó có ba phiếu của thượng nghị sĩ Dân chủ ủng hộ.


    Năm 2012, bà ký vào một tuyên bố chỉ trích Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) của Tổng thống Barack Obama. Cụ thể, các chương trình bảo hiểm theo ACA bắt buộc phải bao gồm các biện pháp tránh thai và tư vấn sinh sản cho phụ nữ mà không được tính thêm phí. Bà Barrett lên án quy định này là “vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo”. Như những người Công giáo nhiệt thành khác, bà xem các can thiệp tránh thai phi tự nhiên là tội lỗi.

    Năm 2019, tại Đại học Princeton, Barrett lý giải quyết định của mình về ACA: “Quan điểm của một thẩm phán về tính hợp hiến của ACA không nên biến thành việc người đó nghĩ rằng đạo luật này là một chính sách tốt hay xấu. Nó nên là liệu Hiến pháp có cho phép hay cấm đoán nó. Vai trò của thẩm phán chính xác là nằm ngoài các cuộc tranh cãi chính trị, và đặt trách nhiệm với pháp luật lên trên sự trung thành cá nhân”.

    Quan điểm về tòa án

    Giống như người dẫn dắt là thẩm phán Scalia, bà Barrett là người cổ súy cho “tầm nguyên pháp” (originalism), hay phương pháp lý giải Hiến pháp và pháp luật theo ý chí nguyên gốc của các tác giả. Năm 2005, thẩm phán Toà án Tối cao Scalia giải thích: “Thái độ diễn giải Hiến pháp của chúng ta bắt đầu từ từ ngữ, và lấy ra từ những từ ngữ này ý nghĩa mà nó đã mang kể từ khi nhân dân phê chuẩn nó”.

    Theo Thẩm phán Barrett, việc chúng ta không sống và không được tham gia vào quá trình lập pháp khi một điều luật được tạo ra “không có nghĩa là điều luật này không chính đáng”.

    “Chúng ta chấp nhận pháp luật như nó đang là cho đến khi chúng ta có thể thay đổi nó một cách hợp pháp”.


    Trong một vụ kiện năm 2019 (Kanter v. Barr), Barrett không đồng tình với kết luận của đa số thẩm phán rằng một người phạm tội phi bạo lực phải bị cấm sở hữu súng. Thẩm phán Barrett lý giải cho quyết định của mình như sau:

    “Luật pháp ở thời điểm khởi tạo không tước quyền sở hữu súng của những người phạm tội này chỉ vì họ phạm tội”, bà viết. “Các bên cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các luật từ thời kỳ lập quốc áp đặt các hạn chế dựa trên đạo đức về quyền này; các giới hạn áp dụng lên quyền dân sự như bỏ phiếu và phục vụ trong bồi thẩm đoàn không áp dụng cho quyền cá nhân như quyền sở hữu súng”.

    Bà mô tả một người lý tưởng làm thẩm phán tối cao là “một người áp dụng luật pháp, làm theo đúng luật mà không phán xử chỉ dựa vào đảng phái”.

    “Chúng ta không nên đưa những người có cùng sự yêu ghét chính sách với chúng ta vào tòa án. Chúng ta nên đưa những người muốn áp dụng Hiến pháp vào tòa án”, Barrett nói trong một phát biểu tại Viện Chính sách Công tại Đại học Jacksonville năm 2016.

    Quan điểm về phá thai

    Về mặt cá nhân, với tư cách là một người Công giáo, bà phản đối việc phá thai và cho rằng sự sống bắt đầu từ khi được thụ thai cho đến khi cái chết tự nhiên xảy đến.

    Năm 2006, bà ký tên vào một quảng cáo của một tổ chức chống phá thai tại nơi bà sống, South Bend, Indiana, nói rằng: “Chúng tôi, những công dân dưới đây của Michiana, phản đối việc phá thai theo yêu cầu và bảo vệ quyền sống từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên”.

    Bà Barrett từng bày tỏ quan điểm cá nhân về việc làm mẹ năm 2013 như sau:

    “Làm mẹ là một đặc ân, nhưng nó có giá của nó. Một phụ nữ muốn mang thai chấp nhận cái giá này, nhưng việc mang thai không mong muốn khiến phụ nữ miễn cưỡng phải đối mặt với những khó khăn trong thai kỳ. Vì thế, tôi nghĩ rằng ủng hộ các bà mẹ đơn thân nghèo khó là cách tốt nhất để giảm số lượng phá thai ở Mỹ”.

    Tuy nhiên, trên cương vị thẩm phán, bà khẳng định niềm tin cá nhân không nên ảnh hưởng đến các phán quyết của tòa án.

    “Không bao giờ. Việc một thẩm phán áp đặt quan điểm cá nhân lên pháp luật là không bao giờ phù hợp, cho dù quan điểm này phát sinh từ tín ngưỡng, hay bất cứ điều gì”, bà nói trong phiên điều trần năm 2017.

    Thẩm phán Barrett và gia đình gặp Tổng thống Trump và phu nhân Melania tại Nhà Trắng sau khi ông Trump tiến cử bà làm thẩm phán tối cao. Ảnh: Văn phòng Đệ nhất phu nhân.

    Năm 2016, trong một phát biểu tại trường Notre Dame, bà cho rằng phán quyết cơ bản trong án lệ Roe v. Wade, rằng phụ nữ có quyền phá thai, sẽ không thay đổi:

    “Tôi không nghĩ rằng cốt lõi của vụ kiện – phán quyết phụ nữ có quyền phá thai – sẽ thay đổi”, bà nói. “Nhưng một số điều khoản hạn chế thì có thể thay đổi, như câu hỏi người ta có thể phá thai vào thời điểm nào, hay áp đặt giới hạn gì lên các phòng khám”.

    Trước đó, trong một bài viết năm 2013, bà Barrett tỏ thái độ cởi mở đối với việc đảo ngược án lệ này.

    “Phản ứng của công chúng đối với các vụ án gây tranh cãi như Roe v. Wade thể hiện sự phản đối của công luận đối với quan điểm cho rằng một án lệ có thể vĩnh viễn định đoạt bên chiến thắng trong một cuộc tranh chấp hiến pháp đầy chia rẽ”, bà nói.

    Một điểm đáng lưu ý là, trong vai trò thẩm phán tòa phúc thẩm, bà bị án lệ ràng buộc, nhưng với cương vị thẩm phán Tòa án Tối cao, bà có thể lật ngược án lệ. Đó là điều những người ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ e ngại.

    ***

    Nhìn chung, với những người bảo thủ của Mỹ, Thẩm phán Barrett là hy vọng để lật ngược án lệ cho phép phá thai trên toàn quốc, dù có ít dấu hiệu cho thấy bà sẽ làm như vậy. Với những người cấp tiến, niềm tin và tín ngưỡng của Barrett khiến họ e ngại bà sẽ làm con đường khai phóng của họ khó khăn hơn.

    Cho dù thế nào, không ai phủ nhận bà Barrett là một thẩm phán xuất sắc, có các nguyên tắc lập pháp rõ ràng và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của khối cử tri bảo thủ cũng như sự đồng cảm của các bà mẹ. Tuy nhiên, theo nhận định của tác giả Albert Hunt trên tờ The Hill, con đường tới ghế thẩm phán cao nhất của bà đang bị vấy bẩn do các toan tính chính trị tại Washington, cho dù phẩm chất của bà có xứng đáng như thế nào.

    https://www.luatkhoa

    Không có nhận xét nào