Header Ads

  • Breaking News

    Huỳnh Minh Triết - Đồng minh của Mỹ là ai? Họ có đang lợi dụng Mỹ không?

    Thủ tướng Đức Angela Merkel trò chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G7 năm 2018. Ảnh: AP.

    Cùng với cáo buộc đồng minh lợi dụng nước Mỹ, ông Trump dự định cắt giảm đóng góp cho các liên minh quân sự. Viện Brookings phân tích thiệt hơn của động thái này.

    Từ “đồng minh” (allies) liên tục được nhắc đến trên truyền thông Mỹ thời gian qua. Các thành viên Quốc hội chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì bỏ rơi “đồng minh” người Kurd ở Bắc Syria và làm suy yếu “đồng minh” Ukraine trước sức mạnh của Moscow. Trong khi đó, Tổng thống Trump tái khẳng định quan điểm rằng “đồng minh đang lợi dụng nước Mỹ nhiều hơn cả kẻ địch”. Ngay trước Hội nghị NATO vào tháng 12/2019, ông Trump thông báo Mỹ sẽ giảm mức đóng góp vào quỹ chung của trụ sở của liên minh quân sự này.

    Công chúng Mỹ luôn được nhắc nhở rằng đồng minh là quan trọng, vậy tại sao mối quan hệ trọng tâm đối với an ninh Mỹ lại thường xuyên gây tranh cãi như thế? Dưới đây là bài viết giải thích của hai chuyên gia đối ngoại tại Viện Brookings, Lindsey W. Ford và James Goldgeier, đăng ngày 17/12/2019.

    Những ý chính

    Đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu tạo nên xương sống của “trật tự thế giới tự do” mà Mỹ lãnh đạo. Trong vòng 70 năm qua, trật tự này đã giúp bảo vệ lợi ích và giá trị Hoa Kỳ.

    Không phải mọi nước được gọi là đồng minh đều chính thức là “đồng minh”, tức một quốc gia mà Mỹ sẵn sàng trợ giúp quân sự nếu nước đó bị tấn công. 

    Vấn đề chia sẻ gánh nặng tài chính công bằng luôn tồn tại từ lâu giữa Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, xét về tổng thể, Mỹ cũng nhận được lợi ích to lớn từ các mối quan hệ này.

    Đồng minh của Mỹ đến từ đâu?

    Trong thư tạm biệt quốc dân sau 20 năm phục vụ, vị tổng thống lập quốc George Washington đã lập luận rằng Hoa Kỳ có lợi thế về vị trí địa lý vì nằm cách xa các trung tâm quyền lực khác, lại được đại dương bao bọc ở cả hai mặt. Vì vậy, theo ông, chính sách đúng đắn của nước Mỹ là phải tránh xa việc lập đồng minh vĩnh viễn với bất kỳ khu vực nào của thế giới.

    Tuy vậy, sau Thế Chiến II, các lãnh đạo Mỹ nhận ra rằng để bảo đảm an toàn cho đất nước, họ cần phải đối đầu với các mối đe dọa ở nước ngoài từ trước khi chúng chạm đến đất Mỹ. Kết quả là Hoa Kỳ quyết định thành lập các hiệp ước liên minh chính thức mà từ đó tạo nên mặt trận chung để kiềm chế sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

    Hoa Kỳ tạo ra Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Canada và Tây Âu năm 1949. Sau đó, Mỹ ký hai hiệp ước an ninh vào năm 1951, một với Nhật Bản và một với Úc và New Zealand (ANZUS). Tới năm 1953, Mỹ cùng tham gia vào Hiệp ước Phòng thủ Chung với Hàn Quốc. Tất cả các thỏa thuận an ninh này đều tồn tại cho đến ngày nay.

    Trên lý thuyết, việc thiết lập một hệ thống đồng minh và xây dựng một mạng lưới phòng thủ chung sẽ giúp bảo vệ lợi ích toàn cầu của Mỹ một cách hiệu quả và tối ưu hơn. Thực tế đúng là như vậy. Trong 70 năm qua, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á đã trở thành xương sống trong “trật tự thế giới tự do”, một hệ thống do Mỹ lãnh đạo với ưu tiên thúc đẩy dân chủ, kinh tế thị trường, nền tảng pháp quyền và tôn trọng nhân quyền.

    Đồng minh hiệp ước (treaty ally) là gì?

    Không phải quốc gia nào được gọi là “đồng minh” của Mỹ thì cũng là đồng minh chính thức, theo nghĩa là Mỹ sẽ sẵn lòng bảo vệ trong trường hợp nước đó bị tấn công.

    Chẳng hạn, Mỹ có các mối quan hệ đối tác gần gũi với Ả Rập Saudi và Israel, nhưng hai nước này không phải đồng minh chính thức. Mặc dù việc chính quyền Trump bỏ rơi đồng minh người Kurd ở Bắc Syria làm dấy lên lo ngại về đạo đức và chiến lược, Mỹ không hề có ràng buộc trách nhiệm với họ theo một hiệp ước nào cả. Tương tự với Ukraine, dù Mỹ từ lâu ủng hộ nước này, nhưng lại không có cam kết chính thức nào về việc bảo vệ chính quyền Kiev. Đó là điểm khác biệt với các đồng minh chính thức khác, chẳng hạn như Ba Lan hay Estonia, những nước cùng thuộc khối NATO với Mỹ.

    Điểm cốt lõi của quan hệ đồng minh chính thức là cam kết hành động chung khi một bên bị tấn công vũ trang. Tuy nhiên, các hiệp ước của Mỹ với các đồng minh khác nhau có thể có khác biệt trong điều kiện hành động.

    Cam kết mạnh nhất trong số các hiệp ước này được quy định trong Điều V của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này nói: “Một cuộc tấn công vũ trang vào một hay nhiều thành viên tại châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là tấn công vào tất cả các nước đồng minh”. Điều khoản này lúc đó được thiết kế để các nước Tây Âu yên tâm rằng Mỹ sẽ hỗ trợ nếu họ bị Liên Xô tấn công. Tuy nhiên, trong suốt 70 năm lịch sử NATO, nó mới chỉ được áp dụng đúng một lần, và bên được giúp là nước Mỹ. Đó là vào ngày 12/9/2001, một ngày sau khi Mỹ bị tấn công khủng bố.

    Đồng minh của Mỹ có “ăn chia sòng phẳng” không?

    Việc làm sao để tạo ra thỏa thuận chia sẻ đồng đều các gánh nặng đã luôn là vấn đề trong quan hệ Mỹ với đồng minh. Các đời thống Mỹ từ Dwight Eisenhower (1953-1961) đã bắt đầu than phiền rằng đồng minh NATO của Mỹ không góp đủ phần trong ngân sách phòng thủ. Cũng như thế, chính quyền Nixon đã thúc giục các đồng minh châu Á đóng vai trò lớn hơn trong công tác quốc phòng của chính họ từ cuối những năm 1960. Trong hai thập niên tiếp theo (1970 và 1980), khi đồng minh của Mỹ ngày càng giàu có và dân chủ hơn, Quốc hội Mỹ cũng mạnh mẽ hơn khi yêu cầu các đối tác này đóng góp nhiều hơn cho chi phí phòng thủ chung.

    Tranh luận về việc chia sẻ gánh nặng thường tập trung vào hai vấn đề: ngân sách phòng thủ của liên minh và chi phí đồn trú lính Mỹ ở nước ngoài.

    Ngân sách phòng thủ liên minh luôn thay đổi qua các thời kỳ, giống như ngân sách quốc phòng của Mỹ, nhưng nhìn chung, đúng là Mỹ đã chi cho ngân sách quốc phòng chung với tỷ trọng GDP lớn hơn nhiều đồng minh khác.

    Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, lo ngại an ninh từ Nga và Trung Quốc cộng với sự thúc giục của cả chính quyền Obama lẫn chính quyền Trump đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ gia tăng ngân sách quốc phòng. Ở châu Á, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều loan báo kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư quốc phòng quy mô mới, phần nhiều trong đó là mua thêm vũ khí của Mỹ. Ở châu Âu, sau vụ Nga xâm lược Ukraine năm 2014, các thành viên NATO đã đồng ý nâng mức chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP vào trước năm 2024. Vào năm 2017, chỉ có bốn đồng minh của Mỹ ở NATO đạt mục tiêu này, khiến ông Trump than phiền không ngớt.

    Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của NATO cho thấy các nước thành viên đang gia tăng đều đặn chi tiêu quốc phòng, với tám nước đã đạt mục tiêu 2% GDP. Các thành viên của liên minh này cũng vừa đồng ý với một công thức chia sẻ chi phí mới, theo đó Đức và Mỹ sẽ chi cùng mức xấp xỉ 16% chi phí vận hành của NATO, bắt đầu từ năm 2021.

    Khía cạnh thứ hai trong tranh luận về việc chia sẻ gánh nặng phòng thủ là chi phí để duy trì quân đội Mỹ ở nước ngoài. Những nơi ngoài Mỹ mà binh lính Hoa Kỳ hiện đồn trú đông nhất là Nhật Bản (gần 50.000), Đức (gần 35.000) và Hàn Quốc (gần 28.000). Tổng thống Trump đã chỉ trích về việc Mỹ phải chịu phí tổn lớn thế nào để nuôi quân ở những nơi này. Ông đòi hỏi các đồng minh phải lựa chọn: “Trả tiền để được đội quân hùng mạnh của Mỹ bảo vệ, hay là tự bảo vệ bản thân mình”. 

    Tuy nhiên, quân đội Mỹ không phải là lính đánh thuê và Mỹ cũng không điều quân ra nước ngoài chỉ để bảo vệ lãnh thổ của đồng minh. Hệ thống phòng thủ toàn cầu của Mỹ cho phép Washington hành động mau lẹ hơn và xử lý hiệu quả hơn trước một loạt các đòi hỏi trên phạm vi quốc tế. Các đòi hỏi này gồm có: bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài, chống cướp biển, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, và ngăn chặn những nước thù địch như Bắc Hàn và Iran buôn lậu vũ khí. Các đồng minh đều sát cánh cùng Mỹ trong các nỗ lực này. 

    Các đồng minh cũng thanh toán phần đáng kể chi phí vận hành các cơ sở quân sự Mỹ ở nước họ. Nếu không có các khoản đóng góp trị giá hàng tỷ đô-la này, nước Mỹ sẽ phải tốn thêm rất nhiều tiền. Các khoản này được đóng góp cả trực tiếp và gián tiếp, bao gồm: thanh toán bằng tiền mặt; trả bằng hiện vật như miễn phí và thuế; trả chi phí xây dựng các cơ sở nhà ở và huấn luyện cho lính Mỹ; và miễn phí thuê các bất động sản giá trị cho lực lượng Mỹ. 

    Chẳng hạn, Nhật Bản đã chi gần 2 tỷ USD, Hàn Quốc đã chi gần 1 tỷ USD để hỗ trợ lính Mỹ đóng quân tại nước họ. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chịu một phần đáng kể chi phí xây dựng một số dự án lớn nhất của quân đội Mỹ trong nhiều thập kỷ. Mỗi nước trả hàng tỷ USD để ủng hộ cơ sở hạ tầng mới của Mỹ ở Guam và bán đảo Triều Tiên. 

    Mỹ được gì từ hệ thống đồng minh?

    Trong khi các yêu cầu để Mỹ phải hành động để bảo vệ các đồng minh theo hiệp ước là tương đối ít, lợi ích an ninh mà Mỹ đạt được từ các mối quan hệ này lại lớn. Hằng ngày, Mỹ và đồng minh đều chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện, tập trận cùng nhau, cùng vận hành các hệ thống vũ khí chung. Nỗ lực này tạo ra một sức mạnh tổng hợp, vượt xa sức mạnh mà Mỹ sở hữu nếu đứng một mình. Đồng minh đã chiến đấu cùng người Mỹ trong tất cả các xung đột lớn kể từ Thế chiến II. Chỉ riêng ở Afghanistan, đồng minh của Mỹ ở NATO đã hy sinh khoảng 1.000 binh lính khi hỗ trợ các chiến dịch của liên quân. Đồng minh cũng tạo thành xương sống trong hệ thống liên minh toàn cầu của Mỹ để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Liên minh này hiện gồm 81 đối tác.

    Lợi ích mà Mỹ tích lũy từ đồng minh vượt xa khỏi phạm vi quân sự. Các nước đồng minh ủng hộ nhiều ưu tiên chính trị của Mỹ. Chẳng hạn, các nước này đã chung sức với Mỹ trừng phạt các chương trình vũ khí trái phép của Bắc Hàn và Iran cũng như ủng hộ tài chính với nỗ lực tái thiết ở Iraq và Afghanistan. Các nước đồng minh như Nhật Bản đang hợp tác với Mỹ để thúc đẩy tiêu chuẩn công bằng và minh bạch quốc tế trong các vấn đề như quản trị số và an ninh mạng. Các đồng minh thuộc khối G7 đã phối hợp để giải quyết các thách thức từ khủng hoảng tị nạn toàn cầu đến các tiêu chuẩn y tế quốc tế và giáo dục cho phụ nữ và trẻ em. Nói đơn giản, trong vòng 70 năm qua, Mỹ không thể duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu nếu không có sự ủng hộ của các đồng minh. 

    Mỹ sẽ ra sao trong thế giới không có đồng minh?

    Vấn đề quan hệ đồng minh đang trở nên căng thẳng khi Tổng thống Trump liên tục lên án rằng Mỹ đã mất quá nhiều phí tổn để duy trì hệ thống này. Mặc dù việc lãnh đạo Mỹ thảo luận về chia sẻ chi phí và trách nhiệm với các đồng minh là hợp lý, giọng điệu chua cay của tổng thống hiện tại đã phớt lờ lợi ích tài chính, chính trị và quân sự khổng lồ mà Mỹ đạt được từ đồng minh.

    Ta hãy nghĩ xem 70 năm qua sẽ ra sao nếu Mỹ không có đồng minh. Liệu Mỹ có thể chiến thắng Chiến tranh Lạnh mà không có NATO? Mỹ sẽ tổn hại bao nhiêu ở Iraq, Afghanistan và Syria nếu các nước đồng minh không chiến đấu kề cận bên họ? Ngày nay, khi nước Mỹ đang cố gắng đối đầu với sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài đi kèm với mối đe dọa tới nền tảng pháp trị, hệ thống đồng minh của Mỹ chính là lợi thế lớn nhất mà Mỹ đang có sẵn. Đây là lý do vì sao cả Quốc hội và công luận Mỹ từ lâu đều nhất trí ủng hộ duy trì các mối quan hệ này.

    https://www.luatkhoa.org/

    Không có nhận xét nào